Mỹ: GDP tăng lên 6,4% trong quý đầu tiên của năm 2021
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 29/4, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 6,4% trong quý I của năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất trong quý đầu tiên của năm kể từ năm 1984.
Khách hàng tới mua sắm ở một cửa hàng tại Washington DC., Mỹ ngày 2/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 6,4% trong quý I vừa qua, sau khi tăng trưởng 4,3% trong quý IV/2020. Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng hàng năm trong năm nay ở mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980.
Theo báo cáo, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh trở lại là nhờ sự gia tăng hoạt động tiêm chủng giúp giảm các ca nhiễm COVID-19 và chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Dự luật cứu trợ 900 tỷ USD được ký vào những ngày cuối tháng 12/2020 và những hiệu ứng ban đầu của dự luật cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy mức thu nhập và tiêu dùng cá nhân trong quý đầu tiên. Thu nhập cá nhân, từ mức giảm 351,4 tỷ USD, tương đương 6,9% trong quý trước, đã tăng lên con số 2,4 nghìn tỷ USD trong quý vừa qua, tương đương mức tăng 59%. Tiêu dùng cá nhân tăng với tốc độ 10,7%, với hàng hóa tăng 23,6%.
Đáng chú ý, báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn thất nghiệp hằng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất với 553.000 đơn, một sự “cải thiện” đáng kể trong những tháng gần đây, nhưng vẫn gấp đôi mức trước đại dịch.
Theo ông Robert Frick, nhà kinh tế thuộc Navy Federal Credit Union, vẫn còn vài năm nữa mới đạt được mức việc làm như trước đại dịch, nhưng dựa trên động lực kinh tế mạnh mẽ được xây dựng trong quý I năm nay, nền kinh tế Mỹ có thể trở lại hoạt động gần ở mức bình thường trong quý II.
Fed lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ
Chủ tịch chi nhánh Cleveland của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Loretta Mester, ngày 15/4 cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng triển vọng đang dần được cải thiện.
Container hàng hóa được xếp tại cảng Los Angeles, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Phát biểu trên được đưa ra trong một sự kiện tổ chức trực tuyến với các sinh viên từ Đại học Swarthmore College. Bà Mester nhấn mạnh dù nền kinh tế vẫn còn xa mục tiêu chính sách về toàn dụng lao động và ổn định giá cả, nền kinh tế đã có nhiều tiến bộ và triển vọng tổng thể đang sáng sủa hơn.
Về mặt lạm phát, quan chức Fed cho biết các chỉ số giá có thể cao trong ngắn hạn khi các công ty vật lộn với sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá phục hồi từ mức thấp ghi nhận trong thời kỳ đầu đại dịch. Tuy nhiên, bà không quá lo ngại về vấn đề lạm phát trong giai đoạn này.
Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland cũng tin tưởng đà tăng lạm phát có thể chậm lại theo thời gian và khi những thách thức nêu trên được giải quyết.
Trả lời các phóng viên sau sự kiện, bà Mester nhận định nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm và điều kiện thị trường lao động sẽ tiếp tục được cải thiện, miễn là không có sự gia tăng đột biến về số ca nhiễm các chủng virus kháng vaccine.
Bà nhấn mạnh rằng việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đóng vai trò quan trong quá trình phục hồi, vì nó sẽ giúp người lao động trở lại làm việc trong môi trường an toàn hơn. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ phải nghỉ làm để trông con sẽ cần các trường học mở cửa trở lại và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em để những phụ huynh này có thể quay trở lại lực lượng lao động.
Đề cập tới dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế, nhà hoạch định chính sách của Fed đánh giá nền kinh tế Mỹ sẽ tăng 6% trở lên trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này cũng sẽ giảm xuống 4,5% hoặc thậm chí thấp hơn vào cuối năm.
Các lệnh hạn chế khiến kinh tế Ấn Độ mất 1,25 tỷ USD mỗi tuần Theo báo cáo, nếu các biện pháp hạn chế hiện tại ở Ấn Độ vẫn được áp dụng cho đến cuối tháng Năm, thiệt hại lũy kế của hoạt động kinh tế và thương mại có thể vào khoảng 10,5 tỷ USD. Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: THX/TTXVN) Trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 tại Ấn...