Mỹ gấp rút lấp khoảng trống máy bay tiếp dầu
Không quân Mỹ tìm mua mẫu máy bay tiếp dầu mới, trong bối cảnh mẫu Boeing KC-46A mới gặp nhiều lỗi và phi cơ đời cũ sắp hết niên hạn.
Trung tâm Quản lý Vòng đời (LCMF) thuộc không quân Mỹ hôm 16/6 phát thông báo tìm nhà cung cấp cho chương trình máy bay tiếp dầu mới, yêu cầu các mẫu phi cơ tham gia đấu thầu phải dựa trên thiết kế máy bay dân dụng và “không phải đang trong quá trình phát triển”.
Thông báo này chỉ mang tính thăm dò thị trường, quá trình mời thầu dự án sẽ bắt đầu từ cuối năm 2022. “Các yêu cầu cho dự án này vẫn đang trong quá trình xây dựng và sẽ được đưa vào thông báo mời thầu hoàn chỉnh của Bộ Quốc phòng Mỹ. Chúng tôi không có kế hoạch trang bị năng lực tàng hình hoặc không người lái cho nó”, thông cáo của LCMF có đoạn viết.
Máy bay KC-46A trong biên chế không quân Mỹ. Ảnh: USAF .
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn Boeing vừa bàn giao máy bay tiếp dầu KC-46A thứ 46 cho không quân Mỹ. Lực lượng này dự kiến đặt mua tổng cộng 179 chiếc KC-46A theo 13 lô, trong đó lô cuối cùng sẽ được ký vào năm 2027 và nhận bàn giao sau đó hai năm.
KC-46A được kỳ vọng sẽ thay thế một phần phi đội 400 phi cơ KC-135, vốn được đưa vào vận hành năm 1957 và chiếc mới nhất cũng đã hoạt động 56 năm. Phi đội KC-135 vẫn liên tục được nâng cấp để bảo đảm phục vụ không quân Mỹ, nhưng quá trình bảo dưỡng ngày càng đắt đỏ và tốn kém.
Video đang HOT
Số phận phi đội 59 máy bay tiếp dầu KC-10A được không quân Mỹ biên chế vào thập niên 1980 cũng bị đặt dấu hỏi. Lầu Năm Góc bắt đầu loại biên những phi cơ KC-10A cao tuổi nhất từ tháng 7/2020, trong đó ít nhất 6 chiếc đã được đưa vào niêm cất.
Dòng KC-46A mới hơn lại đang gặp hàng loạt vấn đề trong thiết kế, chủ yếu xoay quanh hệ thống ống bơm điều khiển từ xa, khiến nó không đủ tin cậy để làm nhiệm vụ chủ chốt là tiếp dầu trên không.
Văn phòng Tổng thanh tra Lầu Năm Góc hồi tháng 5 công bố báo cáo chỉ trích không quân Mỹ quản lý yếu kém trong quá trình xây dựng yêu cầu tính năng của dòng KC-46A và phê duyệt thiết kế do Boeing đề xuất. Chất lượng thi công cũng khiến lực lượng này nhiều lần phải từ chối nhận bàn giao máy bay, trong khi Boeing hồi tháng 1 thừa nhận dự án KC-46A đã bị đội giá hơn 5 tỷ USD.
'Đội quân ma' đánh lừa phát xít Đức năm 1944
Quân Đồng minh thả hàng trăm hình nộm mang theo thiết bị tạo tiếng ồn và thuốc nổ trong chiến dịch Titani để đánh lừa phát xít Đức.
Đêm 5/4/1944, Phi đoàn không quân số 90, 138, 149 và 161 thuộc Liên đội không quân số 3 của Mỹ rời căn cứ tại Anh, hướng về miền bắc nước Pháp. Lực lượng nòng cốt của các phi đoàn này là oanh tạc cơ được hoán cải để chở hàng và binh sĩ.
Cùng lúc đó, hàng nghìn lính dù Đồng minh thuộc Sư đoàn lính dù số 82 và 101 Mỹ cùng Sư đoàn số 6 của Anh cũng đang trên đường tới khu vực đổ bộ ở Normandy. Nhiệm vụ của họ là kiểm soát những điểm chiến lược ngoài bãi biển đổ bộ để ngăn chặn lực lượng Đức chi viện, mở đường cho một cuộc tấn công vào miền bắc nước Pháp.
Một hình nộm Rupert được sử dụng trong chiến dịch Titanic. Ảnh: Memorial Caen.
Các phi cơ thuộc Liên đội số 3 bay cùng lộ trình nhưng không đến địa điểm trên và cũng không mang theo lượng lớn binh sĩ. Họ đang tham gia Chiến dịch Titanic, bao gồm hàng loạt chiến thuật nghi binh nhằm lôi kéo lính Đức rời khỏi những vị trí lính dù Đồng minh sắp đổ bộ.
Titanic là đòn cuối trong nỗ lực đánh lừa phát xít Đức mang mật danh "Chiến dịch Bodyguard" (Vệ sĩ). Đầu năm 1944, các lực lượng quân sự và tình báo Đồng minh đã bắt đầu nỗ lực đa hướng nhằm che mù "tai mắt" của phát xít Đức.
Những nỗ lực này nhằm đưa lượng lớn tàu chiến, máy bay, binh sĩ, xe tăng và trang thiết bị khác vào vị trí chiến đấu trước chiến dịch. Chiến dịch Bodyguard vận dụng một loạt chiến thuật khác nhau, gồm sử dụng điệp viên hai mang tung tin giả về các kế hoạch đổ bộ bên ngoài nước Pháp và "đội quân ma" trang bị xe tăng bơm hơi.
Mục tiêu chính của chiến dịch Titanic là thả khoảng 400 lính dù giả, có biệt danh "Rupert", xuống 4 khu vực đổ bộ quanh Normandy. Những hình nộm này được trang bị máy tạo tiếng ồn giống tiếng súng nổ, cũng như một gói bộc phá nhỏ gắn thiết bị hẹn giờ để tự hủy, tránh để địch phát hiện ý đồ thực sự. Các khối bộc phá cũng có thể gây thương vong cho quân Đức đi điều tra.
Ngoài ra, phi cơ của Liên đội 3 cũng thả hai đội đặc nhiệm SAS gần thành phố Saint-Lo, mục tiêu lớn của quân Đồng minh, trước khi diễn ra cuộc đổ bộ đường không thực sự ở đây. Lính biệt kích sử dụng loa phóng thanh để phát âm thanh người la hét và nhiều vũ khí khác nhau để thuyết phục quân Đức rằng lính dù đang tiếp cận từ hướng khác. Họ cũng hạn chế giao tranh với quân Đức để khiến đối phương mắc lừa.
Các chiến dịch nghi binh của quân Đồng minh đêm 5/6/1944. Ảnh: USAF .
Một số máy bay cũng thả mồi bẫy là sợi nhôm hoặc giấy bọc kim loại để đánh lừa radar đối phương. Hoạt động này giúp che giấu quy mô Chiến dịch Titanic, cũng như lực lượng đổ bộ đường không chủ lực và địa điểm thực sự mà quân Đồng minh hướng tới. Các đơn vị khác cũng tiến hành chiến dịch nghi binh đường không và đường biển của riêng mình.
Dù khó xác định hiệu quả chính xác của Chiến dịch Titanic, có bằng chứng đáng kể cho thấy nó đã góp phần khiến quân Đức nhầm lẫn về những gì đang diễn ra. Sau khi nhận báo cáo về tiếng ồn máy bay và tàu thuyền ngoài khơi, tướng Hans Speidel, chỉ huy tập đoàn quân B ở miền bắc nước Pháp, đã giảm mức báo động cho các lực lượng trong khu vực.
Trong khi đó, lực lượng SS đã ra lệnh triển khai một sư đoàn xe tăng đối phó một trong những cuộc đổ bộ giả của quân Đồng minh ở thành phố Caen. Trung đoàn bộ binh số 915 của Đức cũng đi săn "đội quân ma" trong rừng, thay vì tiến đến bờ biển để tăng viện cho lực lượng tại đó.
Dù được coi là chiến dịch thành công, Titanic cũng hứng chịu một số tổn thất. Hai phi cơ của Phi đoàn số 149 bị bắn rơi và 8 lính SAS thiệt mạng khi giao tranh với quân Đức trên bộ.
"Gần 80 năm sau chiến dịch Normandy, hoạt động nghi binh và chiến tranh tâm lý nhằm lôi kéo sự chú ý của địch khỏi mục tiêu thực tế vẫn là một phần quan trọng trong chiến tranh hiện đại ngày nay", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhấn mạnh.
Tiêm kích F-15 hiện đại nhất thế giới lao khỏi đường băng Tiêm kích F-15QA gặp sự cố khi hạ cánh ở bang Illinois, buộc hai phi công Mỹ phóng ghế thoát hiểm. Không quân Mỹ cho biết sự cố xảy ra chiều 18/5 tại sân bay Mid-America ở bang Illinois, khi tiêm kích đa năng F-15QA lao khỏi đường băng khi hạ cánh. Tổ bay gồm một phi công không quân và một phi...