Mỹ, EU lên án cảnh sát Myanmar bắn chết 18 người biểu tình
Mỹ và EU lên án lực lượng an ninh Myanmar sau khi Liên Hợp Quốc thông báo ít nhất 18 người bị bắn chết trong biểu tình cuối tuần qua.
“Chúng tôi lên án hành động bạo lực ghê tởm nhằm vào người dân của lực lượng an ninh Myanmar và sẽ tiếp tục truy cứu trách nhiệm đối với những người chịu trách nhiệm”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đăng Twitter sau biểu tình bạo lực ở Myanmar hôm 28/2.
“Chúng tôi kiên quyết sát cánh cùng những người dân Myanmar dũng cảm và khuyến khích tất cả quốc gia lên tiếng ủng hộ ý chí của họ”, Blinken cho biết thêm.
Một người biểu tình bị thương đang được di chuyển trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Dawei, Myanmar hôm 28/2. Ảnh: Reuters .
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cùng ngày cũng lên án hành động bạo lực ở Myanmar, xác nhận khối sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt để đáp trả.
“Bạo lực sẽ không mang lại tính hợp pháp cho việc lật đổ bất hợp pháp chính phủ được bầu dân chủ ở Myanmar”, Borrell cho biết trong một tuyên bố. “Khi xả súng vào những người dân không có vũ khí, lực lượng an ninh đã coi thường luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và phải bị xử lý trách nhiệm”.
Các bộ trưởng châu Âu đồng ý áp dụng biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar vì cuộc đảo chính và quyết định giữ lại một số viện trợ phát triển cho quốc gia Đông Nam Á này. Biện pháp trừng phạt dự kiến được hoàn tất trong những ngày tới và sẽ có hiệu lực sau khi EU công bố chính thức.
Theo Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương sau các cuộc trấn áp biểu tình của lực lượng an ninh. Những người tử vong được cho là do trúng đạn thật khi cảnh sát bắn vào đám đông biểu tình ở các thành phố Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pokokku.
“Chúng tôi cực lực lên án bạo lực leo thang nhằm vào các cuộc biểu tình ở Myanmar và kêu gọi quân đội dừng ngay việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình ôn hòa”, Ravina Shamdasani, phát ngôn viên Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cho hay.
Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ dân sự Myanmar bị quân đội bắt ngày 1/2 trong một cuộc đảo chính chóng vánh. Bà sau đó bị cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế Covid-19 theo Luật Quản lý Thiên tai.
Suu Kyi không xuất hiện trước công chúng từ khi bị bắt. Phiên tòa xét xử bà sẽ diễn ra trong hôm nay, song luật sư của Suu Kyi cho biết ông vẫn không thể gặp lãnh đạo này.
Cảnh sát đụng độ người biểu tình Myanmar hôm 28/2. Video: Guardian .
Cảnh sát đụng độ người biểu tình Thái Lan
Cảnh sát Thái Lan ngày 28/2 sử dụng vòi rồng và hơi cay với những người biểu tình gần một doanh trại quân đội ở thủ đô Bangkok.
Phong trào biểu tình do giới thanh niên dẫn dắt kêu gọi Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha từ chức những tháng gần đây yên ắng do sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai bùng phát. Tuy nhiên, việc 4 lãnh đạo phong trào biểu tình bị bắt hồi tháng trước với cáo buộc phỉ báng hoàng gia đã khiến họ sôi sục trở lại.
Một người biểu tình bị cảnh sát chống bạo động bao vây ở Bangkok tối 28/2. Ảnh: Reuters.
4 người này nằm trong 58 người biểu tình đang đối mặt các cáo buộc khi quân và có thể phải chịu án 15 năm tù nếu bị kết tội xúc phạm hoàng gia.
Khoảng 2.000 người hôm qua đã tuần hành từ Tượng đài Chiến thắng tại thủ đô Bangkok đến một doanh trại quân sự gần đó, nơi có tư dinh của Thủ tướng Prayut. Trong đám đông gồm cả nhiều lao động nhập cư Myanmar phản đối cuộc đảo chính do quân đội nước này thực hiện đầu tháng trước.
Một số người biểu tình Thái Lan đội mũ cứng và mang theo cờ đỏ. Họ đã đẩy lùi các thùng chở hàng được dựng lên để chắn đường và tiếp cận hàng rào thép gai của doanh trại quân đội, dẫn đến cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động tại lối vào doanh trại.
"Họ chuẩn bị mọi thứ: Lá chắn, dùi cui, nước pha chất hóa học và đạn cao su", một người biểu tình nói với truyền thông Thái Lan.
Người biểu tình Thái Lan tập trung trước trụ sở cảnh sát ở Bangkok ngày 28/2.
Trước bối cảnh căng thẳng dâng cao, các sĩ quan cảnh sát đã phun vòi rồng và ném lựu đạn hơi cay nhằm giải tán đám đông. Đây là lần đầu tiên các biện pháp vũ lực phi sát thương được sử dụng với một cuộc biểu tình ở Bangkok trong nhiều tháng qua.
Biểu tình tại Thái Lan nổ ra từ tháng 7 năm ngoái, lúc cao điểm thu hút đến hàng chục nghìn người, chủ yếu là giới trẻ, tham gia. Người biểu tình tập trung vào ba yêu cầu chính gồm đòi Thủ tướng Prayuth từ chức, thay đổi hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ của Vua Maha Vajiralongkorn.
Người biểu tình cáo buộc Thủ tướng Prayuth đã thao túng cuộc bầu cử năm ngoái để tiếp tục giữ quyền lực. Tuy nhiên, Prayuth cho biết cuộc bầu cử đã diễn ra công bằng và khẳng định ông sẽ không từ chức.
Liên Hiệp Quốc lên án cảnh sát, quân đội Myanmar khiến 18 người biểu tình thiệt mạng Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên án việc sử dụng bạo lực nhắm vào người biểu tình Myanmar ngày 28-2, mà theo cơ quan này cho biết đã khiến ít nhất 18 người chết. Một người biểu tình bị thương được điều trị ở Dawei, Myanmar ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS "Trong cả ngày hôm nay, tại một số địa...