Mỹ, EU chỉ trích, đe doạ Nga sau phát biểu của ông Putin
Sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/3, phương Tây đã có những tuyên bố không mấy thiện chí.
Theo Reuters, trong chuyến thăm Ba Lan nhằm khẳng định cam kết của Washington về việc bảo vệ các đồng minh NATO ở khu vực biên giới với Nga, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi hành động của Moscow là “cướp đất”.
Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donand Tusk cho rằng hành động của Nga không thể khiến cộng đồng quốc tế chấp nhận được.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Ba Lan Donand Tusk tại cuộc họp báo sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin (Ảnh AFP)
Ngoài ra, Anh cũng đã ngừng việc hợp tác quân sự với Nga. “Nga không thể sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới của mình dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trước mũi súng của Nga”, Thủ tướng Anh David Cameron nói và đe dọa ông Putin với “những hậu quả nặng nề hơn”.
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng lên tiếng chỉ trích rằng: “Nga đã không tôn trọng mọi lời kêu gọi quay trở lại tuân thủ luật pháp quốc tế mà thay vào đó đã tiếp tục dấn thân vào một con đường nguy hiểm. Việc sáp nhập Crimea là trái pháp luật và NATO sẽ không công nhận việc này”.
Trước đó, ngày 17/3 Mỹ và EU cũng đã áp dụng lệnh trừng phạt với một số quan chức của Nga và Ukraine bị buộc tội liên quan đến việc sáp nhập Crimea vào Nga.
Video đang HOT
Các chính trị gia tại Nga đã phản ứng mạnh mẽ với quyết định này của Mỹ và EU. Hạ viện Nga đã đưa ra một tuyên bố thúc giục Washington và Brussels mở rộng lệnh trừng phạt của mình lên tất cả các thành viên của Hạ viện.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 18/3 cũng lên tiếng rằng: “Các lệnh trừng phạt do Mỹ và EU đưa ra là không thể chấp nhận được và chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường”.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết lãnh đạo các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (gọi tắt là G8) sẽ nhóm họp bên lề của Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại La Hay, Hà Lan vào tuần tới mà không có Nga để thảo luận về việc ứng phó với cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Bất chấp những lời lẽ phản ứng gay gắt, các nước phương Tây đã rất cẩn trọng trong các bước đi thực tế chống lại Moscow vừa là nhằm để ngỏ cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao vừa là do ngần ngại việc này có thể đe dọa việc khôi phục kinh tế thế giới.
Cả Washington và Brussels đã nói rằng các biện pháp trừng phạt có thể gây ảnh hưởng đến các hợp đồng kinh tế, năng lượng và buôn bán vũ khí toàn cầu.
Theo VOV
Không có cơ hội cho "Nữ thần cách mạng Cam" ở Ukraine?
Sau khi Tổng thống Yanukovych bị phế truất, lực lượng đối lập của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đang nỗ lực lấp khoảng trống quyền lực ở Ukrainenhưng việc này sẽ không dễ dàng.
Ngay sau khi được phóng thích khỏi nhà tù vào ngày 22/2 sau 3 năm bị giam giữ sau biến động chính trị ở Ukraine, "Công chúa tóc bím" hay "Nữ thần cách mạng Cam" Yulia Tymoshenko xuất hiện như một nhà lãnh đạo mới.
"Đừng rời khỏi Maidan (Quảng trường Độc lập) nếu mọi người chưa đạt được những gì mình mong muốn", bà Tymoshenko nhấn mạnh trước 50.000 người biểu tình.
Bà Tymoshenko ngồi trên xe lăn bởi chứng bệnh đau lưng mãn tính, bật khóc trong bài phát biểu kêu gọi tiếp tục biểu tình chống chính phủ trước sự reo hò của đám đông những người ủng hộ tại Quảng trường Độc lập.
Ca ngợi những người biểu tình chống chính phủ là "những người hùng bởi vì không ai có thể... làm điều các bạn vừa làm. Chúng ta đã loại bỏ được căn bệnh ung thư này, khối u này", bà Yulia Tymoshenko cũng khẳng định, bà sẽ ra tranh cử chức tổng thống Ukraine trong cuộc bầu cử sớm dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới.
Với bài phát biểu xúc động tại Quảng trưởng Độc lập, bà Yulia Tymoshenko dường như đánh trúng tâm lý của đám đông biểu tình đang mong mỏi tìm kiếm thế hệ lãnh đạo mới, có khả năng dẫn dắt Ukraine tiến tới xây dựng một nền dân chủ theo mô hình của phương Tây.
So sánh bà Tymoshenko với cựu Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, người cũng phải ngồi trên xe lăn, một người biểu tình tên là Tetiana Matvychuk nhấn mạnh:"Bà Tymoshenko giống như Roosevelt, nhưng bà không thể bị hủy diệt".
Tuy nhiên, trên thực tế, "Nữ thần cách mạng Cam" đã không còn nhận được sự hưởng ứng rộng khắp trong phe đối lập. Nhiều chính trị gia tỏ ra cảnh giác với bà Tymoshenko. Trước khi vào tù năm 2011, tỷ lệ tín nhiệm của người dân đối với bà Tymoshenko sụt giảm đáng kể. Không ít người cho rằng, bà là một phần nguyên nhân gây bất ổn Ukraine thời kỳ hậu Cách mạng Cam. Thậm chí, nhiều người còn xem bà thuộc giơi lanh đao tham nhung.
Việc không còn nhận được sự ủng hộ rộng khắp từ phe đối lập sẽ gây nhiều khó khăn, thách thức cho "Nữ hoàng cách mạng Cam" trong nỗ lực lấp khoảng trống quyền lực ở Ukraine.
Các phóng viên "bám rễ" tại Quảng trường Độc lập cho biết, rất nhiều người đã bỏ đi trong tức giận khi bà Tymoshenko xuất hiện trên sân khấu. Dù nhiều người ủng hộ hoan nghênh bà Tymoshenko trở lại chính trường nhưng bài phát biểu của bà không còn nhận được những tràng pháo tay cuồng nhiệt. Các biểu ngữ chống lại "Công chúa tóc bím" cũng xuất hiện giữa đám đông người biểu tình. Sáng nay (24/2), khoảng 5.000 người biểu tình đã tập trung ở Quảng trường Độc lập để phản đối sự trở lại chính trường của bà Tymoshenko.
"Tôi phản đối việc bà ấy trở lại nắm quyền. Bà ấy từng là nhân vật quan trọng trong chính phủ và do đó, có nhiều cơ hội để thay đổi hệ thống nhưng đã thất bại. Dù vậy, chúng tôi muốn thấy bà ấy khỏe mạnh. Bà ấy nên ra đi và chữa bệnh", Iryna Gorbatuk, một người biểu tình 25 tuổi cho biết.
Trong khi đó, nhiều người biểu tình khác phản đối bà Tymoshenko bởi bà vốn thuộc tầng lớp tỷ phú có khối tài sản kếch xù khi từng được mệnh danh là tỷ phú ngành khí đốt. Chưa hết, nhiều người cáo buộc "Nữ hoàng cách mạng Cam" cũng tham lam, gian lận và lạm quyền trong suốt thời bà đảm nhiệm chức thủ tướng. Đặc biệt, việc bà ký một thỏa thuận khí đốt với Nga năm 2009 (khiến bà dính vào vòng lao lý với bản án 7 năm tù) bị người biểu tình lên án là hành động "của kẻ phản bội Ukraine".
Dù nỗ lực lật đổ Tổng thống Yanukovych trong suốt 3 tháng đấu tranh không ngừng nghỉ bất chấp đổ máu và mất mát, đám đông biểu tình ở Ukraine chưa cảm thấy họ đã nắm chiến thắng trong tay. Họ cho rằng, sự sụp đổ của ông Yanukovych mới là bước đầu tiên trong cuộc đấu tranh để xây dựng một Ukraine mới. Họ lo sợ, những chính trị gia có uy tín và từng nắm giữ quyền lực trong chính phủ nhưng lại thất bại trong việc cải tổ hệ thống đó như bà Tymoshenko rốt cuộc chỉ đẩy chiến thắng ngày càng xa tầm tay của họ.
"Tất cả các chính trị gia trong nền chính trị hiện nay đều là một phần của hệ thống tham nhũng, mục rỗng này. Đó là hệ thống của những tên kẻ cướp. Họ biết cách để duy trì quyền lực và làm giàu từ hệ thống đó. Chúng ta cần những người mới lên nắm chính quyền", Katerina Kononiuk, một người biểu tình nhấn mạnh.
Trong khi đó, Yuri Levchenko, nhà phân tích chính sách của đảng đối lập Svoboda nhấn định, người biểu tình Ukraine nên được biểu quyết để chọn ra nội các cho chính phủ mới.
"Tất cả những gì nên làm ngay trong một vài ngày tới chính là đưa ra một danh sách các ứng viên nội các của chính phủ mới và thử phản ứng của người biểu tình. Khi một ứng viên được đề xuất không nhận được sự ủng hộ của người biểu tình thì người này không nên được chọn. Tùy thuộc vào việc ai là thủ tướng, chúng ta sẽ có thể chấm dứt bạo lực và khủng hoảng hoặc sẽ lại đối mặt với một cuộc biểu tình mới", ông Yuri Levchenko nhấn mạnh. Nhiều nhà quan sát cũng nhấn mạnh, với việc bị hàng nghìn người biểu tình phản đối, con đường trở lại chính trường và giành lại quyền lực của "Nữ hoàng cách mạng Cam" Yulia Tymoshenko sẽ là một chặng đường gian nan, đầy thách thức.
Theo Kiến thức
Nữ Thủ tướng Thái rời khỏi thủ đô Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra - mục tiêu của lực lượng biểu tình chống chính phủ đang phong tỏa nhiều khu vực ở thủ đô Bangkok trong suốt nhiều tuần qua, đã buộc phải rời khỏi thủ đô, đến làm việc ở một nơi cách Bangkok khoảng 150km. Thông tin này đã được văn phòng của bà Yingluck xác nhận ngày hôm...