Mỹ dùng Triều Tiên gây áp lực để Hàn Quốc tẩy chay Huawei
Mỹ cảnh báo rằng việc chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên cho Hàn Quốc sẽ gặp rủi ro nếu Seoul không có động thái mạnh mẽ với hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc, Huawei.
Mỹ dùng Triều Tiên gây áp lực để Hàn Quốc tẩy chay Huawei (Ảnh: Reuters)
Theo SCMP, Mỹ đang gia tăng áp lực lên đồng minh Hàn Quốc, sử dụng mối quan ngại của Seoul về việc mất đi quyền tiếp cận thông tin tình báo về quốc gia hàng xóm ở phía bắc bán đảo Triều Tiên.
Động thái gây áp lực này nằm trong một chiến dịch có quy mô rộng nhằm cô lập Huawei trên toàn cầu viện dẫn mối lo ngại về an ninh. Điều này đồng thời dồn áp lực lên chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải tìm cách cân bằng giữa đồng minh an ninh Mỹ và đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc.
Hiện Seoul đang dựa vào khả năng thu thập thông tin tình báo của Mỹ để có được những chi tiết quan trọng về Triều Tiên, quốc gia về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc sau cuộc chiến năm 1950-1953.
Theo hiệp ước phòng thủ chung ký sau sự kiện này, Hàn Quốc đã cho phép 28.500 quân nhân Mỹ đồn trú.
“Nhiều người Hàn Quốc đang quan ngại rằng nếu chính quyền ông Moon không tham gia vào phong trào tẩy chay Huawei do Mỹ phát động, sẽ không còn các hoạt động trao đổi thông tin quân sự giữa 2 nước. Xa hơn, nó có thể gây nên sự rạn nứt của liên minh”, chuyên gia Kim Jong-ha tại đại học Hannam nhận định.
Trả lời phỏng vấn báo Donga, ông Randall Schriver, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh châu Á Thái Bình Dương đã cảnh báo Hàn Quốc về vấn đề Huawei.
Video đang HOT
“Mỹ không muốn chứng kiến tình cảnh mà chúng tôi không còn tự tin để chia sẻ thông tin nhạy cảm với các đồng minh”, ông Schriver nói.
Khi được hỏi liệu Mỹ có thấy khó khăn để chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên với Seoul nếu Hàn Quốc sử dụng công nghệ Huawei, quan chức trên nói: “Chúng tôi hy vọng điều này không xảy ra”.
Bình luận này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris cũng đưa ra nhận định tương tự về việc Mỹ không muốn “hé lộ thông tin an ninh nhạy cảm trong một mức độ rủi ro không thể chấp nhận được” và “sẽ phải đánh giá lại cách mà chúng tôi chia sẻ thông tin với đồng minh”.
Ông Harris thẳng thắn đề cập rằng Washington quan ngại về yếu tố an ninh liên quan tới việc Huawei tham gia vào hệ thống mạng 5G của Hàn Quốc.
Hàn Quốc tiến thoái lưỡng nan
Cho tới lúc này, Hàn Quốc được cho là đang để cho các công ty viễn thông tại nước này tự quyết định xem có dùng sản phẩm Huawei hay không, và Seoul dường như muốn đứng giữa trong căng thẳng ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong 3 hãng viễn thông Hàn Quốc, đã có một hãng lựa chọn mua thiết bị truyền dẫn cho mạng lưới 5G của Huawei.
Dù ông Moon chưa lên tiếng về vấn đề này, nhưng các nguồn tin trong chính quyền Hàn Quốc cho biết bất cứ công nghệ nào có liên quan tới Huawei trong mạng lưới 5G sẽ không được kết nối vào hệ thống của quân đội Mỹ và Hàn Quốc.
Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen vì quan ngại gián điệp, rủi ro an ninh và chiếm đoạt công nghệ. Mỹ cũng được cho là đang gây áp lực cho các đồng minh và đối tác để có động thái mạnh mẽ với doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo SCMP, cùng với vấn đề Triều Tiên, Huawei được cho là sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự giữa ông Moon và ông Trump bên lề thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này.
Ông Daniel Pinkston, một giáo sư tại đại học Troy (Hàn Quốc) cho rằng Seoul sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng nếu thiếu đi thông tin tình báo về Triều Tiên do Mỹ thu thập được thông qua hệ thống vệ tinh do thám và các công nghệ cao.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng hoài nghi rằng nếu Hàn Quốc có động thái chống Huawei, Trung Quốc có thể sẽ trả đũa bằng nhiều cách, trong đó có việc cấm bán đất hiếm cho Seoul. Sungku Jang, chuyên gia tại Viện Asan, nói rằng một nửa số đất hiếm của Hàn Quốc hiện nhập từ Trung Quốc.
Đức Hoàng
Theo Dân Trí/SCMP
Người Hàn nghĩ gì về thượng đỉnh Mỹ - Triều?
Tương lai tươi đẹp của Triều Tiên là điều mà người Hàn Quốc rất muốn thấy. Tuy nhiên, mọi việc không chỉ phụ thuộc vào ý muốn của người Triều Tiên hay Hàn Quốc.
Bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội, tủ kính trưng bày nhiều hình ảnh yêu nước có vẻ đã được sắp xếp lại ngay trước khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đến thăm. Chân dung vị chủ tịch vẫn được giữ nguyên trên vị trí đầu, nhưng những bức ảnh vườn cây ăn quả hay tàu đánh cá được thay bằng ảnh các nhà máy và ăng-ten vệ tinh. Đứng ngoài đại sứ quán, một phóng viên Hàn Quốc nhận định rằng những bức ảnh mới dường như được chọn để "hợp với chủ để đổi mới và mở cửa kiểu Việt Nam".
Đối với người Hàn, các dàn pháo của Triều Tiên ở biên giới đáng sợ hơn vũ khí hạt nhân. Ảnh: National Interest
Thế nhưng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên cắt ngắn lịch trình, kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh mà không nhất trí được thỏa thuận nào. Theo Tổng thống Mỹ, Triều Tiên đòi dỡ tất cả các biện pháp trừng phạt nhưng Washington không thể đồng ý. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.
Sau sự kiện, nhiều người Hàn Quốc cảm thấy mất tinh thần.Ông Trump không phải một chính khách kiểu mẫu và hồ sơ làm tổng thống của ông trong thời gian qua phần lớn thể hiện sự khó đoán và lạnh lùng. Nhưng trong vấn đề Triều Tiên, việc ông ấy không đi theo chính sách đối ngoại truyền thống của nước Mỹ ít nhất đã kéo Triều Tiên vào đấu trường toàn cầu.
Đối với Hàn Quốc, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không nguy hiểm bằng lượng vũ khí truyền thống rất lớn đang được đặt ngay gần đường phân định giữa hai miền. Nhiều người Hàn trông mong một thoả thuận có thể giúp Triều Tiên mở cửa. Một học giả ở Seoul nói rằng bà lo ngại việc thượng đỉnh kết thúc không có thỏa thuận sẽ khiến tổng thống Moon hứng chịu những cuộc tấn công của phe cánh tả.
Nhiều nhà quan sát khác nhìn nhận hội nghị thượng đỉnh này bằng sự thận trọng. GS Park Sun-song, một nhà nghiên cứu về Triều Tiên tại ĐH Dongguk ở Seoul, chờ đợi một kết quả thực tế khiêm tốn từ cuộc gặp này, nhưng ngay cả điều đó cũng không thành hiện thực. Trước đó, nhiều người Hàn Quốc háo hức với triển vọng khởi động lại các dự án chung giữa hai miền: du lịch ở khu vực đỉnh núi Kumgang và khôi phục hoạt động ở khu công nghiệp chung Kaesong.
Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội kết thúc ngay trước lễ kỷ niệm quan trọng của người Hàn Quốc.Ngày 1/3/1919, khoảng 5.000 trí thức, nhà họat động, sinh viên, công nhân... tụ tập ở Seoul để đòi độc lập cho đất nước. Nhưng bán đảo Triều Tiên phải đợi đến tận sau Thế chiến 2 mới giành được độc lập, rồi nhanh chóng phải chứng kiến đất nước bị chia đôi.
Tổng thống Moon đã cố dùng ngày kỷ niệm này để kêu gọi hợp tác hai miền, giống như trong Thế vận hội Pyeongchang năm ngoái. Ông mời nhà lãnh đạo Triều Tiên và đoàn tháp tùng đến thẳng Seoul sau khi rời Hà Nội, để dự lễ kỷ niệm 1/3.Nhưng đoàn Triều Tiên còn có chuyến thăm song phương tại Việt Nam.
Bài phát biểu ông Moon chuẩn bị trước cho ngày 1/3 đã phải sửa để phù hợp với kết quả ở Hà Nội.Không có tuyên bố hoà bình nào để ca ngợi, vì thế Tổng thống Hàn Quốc phải nói bớt đi về sự thống nhất và đoàn kết xuyên biên giới. Ông hứa sẽ tiếp tục cố gắng vì "một chế độ mới trên bán đảo Triều Tiên", nhưng không có thông tin cụ thể nào ngoài kế hoạch lập ra một ủy ban liên Triều vì phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, các bộ trưởng Triều Tiên được mời đi thăm Vịnh Hạ Long và một nhà máy ô-tô ở Hải Phòng, những nơi gợi ý cho tương lai của Triều Tiên mà Hàn Quốc rất muốn thấy. Tuy nhiên, mọi việc không chỉ phụ thuộc vào ý muốn của người Triều Tiên hay Hàn Quốc.
BÌNH GIANG
Theo TPO/New York Times
Đoàn tàu bọc thép chở ông Kim Jong-un khi nào về đến Triều Tiên? Đoàn tàu bọc thép chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang băng qua miền trung Trung Quốc, dự kiến sẽ về đến Triều Tiên vào tối ngày mai hoặc sáng ngày kia. Đoàn tàu chuyên chở nhà lãnh đạo Kim Jong-un đi công du. Đoàn tàu đặc biệt chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được nhìn thấy đi qua một nhà...