Mỹ dùng đòn đánh kép chống Trung Quốc
Washington-Tokyo kí kết “Phương châm hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ”, là một phần trong chiến lược áp dụng đòn đánh chính trị-kinh tế nhằm bao vây, cô lập Trung Quốc.
Tăng cường hợp tác quân sự nhằm vào Trung Quốc
Sau khi kí thỏa thuận quân sự quan trọng “Phương châm hợp tác quốc phòng Nhật – Mỹ” tại Washington vào ngày 27 tháng 4, Hoa Kỳ đã thay đổi tư thế, sẵn sàng đối phó Trung Quốc. Bây giờ, một khi Trung – Nhật nổ ra xung đột ở biển Hoa Đông, khả năng Mỹ can thiệp quân sự sẽ tăng lên rõ rệt.
Nhà phân tích Michael Green của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế đã chỉ ra rằng, bản “Định hướng hợp tác quốc phòng Nhật – Mỹ” mới có tầm ảnh hưởng tương đối sâu rộng.
Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết, trước nguy cơ đe dọa từ Triều Tiên càng ngày càng cao thì thỏa thuận mới này là một bước tiến lớn. Tuy nhiên trên thực tế, Triều Tiên luôn chỉ là một cái cớ tốt nhất để Hoa Kỳ gia tăng triển khai quân đội ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Phía Trung Quốc cho rằng, bản “Phương châm hợp tác quốc phòng Nhật – Mỹ” là một “kíp nổ” tiềm ẩn để phát động hành động quân sự, mà mục tiêu chính là nhằm vào vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Cuộc tranh chấp này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ và lên đến đỉnh điểm vào năm 2012 khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa các hòn đảo và sau đó là việc Trung Quốc lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên biển Hoa Đông vào tháng 11-2013.
Chính phủ Nhật Bản hiển nhiên vẫn đang xúc tiến những phương châm đã định nhằm sửa đổi hiến pháp, mở rộng “quyền phòng vệ tập thể”, cho phép quân đội triển khai các hoạt động ở nước ngoài, khi xung đột xảy ra sẽ cùng với đồng minh Mỹ áp dụng hành động quân sự chung.
Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Nhật, Mỹ tại lễ công bố nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng mới (Ảnh: Afr)
Cùng với sự tăng cường thực lực quân sự của Trung Quốc và thành công của kế hoạch tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, Nhật Bản cũng giống như nhiều đồng minh khác của Hoa Kỳ cần được tăng cường hỗ trợ từ phía Mỹ. Do đó, khi Lầu Năm Góc lập kế hoạch giao trọng trách cho Nhật Bản, Tokyo chắc chắn sẽ đồng ý.
Sự thay đổi mạnh mẽ này là kết quả trực tiếp của việc Mỹ kêu gọi các đồng minh “nâng cao vai trò trách nhiệm” trong giải quyết các sự vụ mang tính khu vực, trong bối cảnh Mỹ đang phải căng mình ra đối phó với hàng loạt những điểm nóng trên thế giới.
Sử dụng kinh tế để lập khối đồng minh và gia tăng ảnh hưởng
Trong khuôn khổ chiến lược “Tái xoay trục về châu Á”, Washington đang đẩy mạnh tốc độ hội nhập với các đồng minh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, lấy Nhật Bản và Australia làm trụ cột chính để tạo ra một kết cấu khu vực rộng lớn, mục tiêu nhắm thẳng vào Trung Quốc.
Video đang HOT
Mặc dù trong những tài liệu chính thức, Mỹ – Nhật không đề cập đến vấn đề này nhưng ý đồ thực sự thì không có gì phải hoài nghi.
Washington và Tokyo tăng cường quan hệ quân sự trong bối cảnh hội nhập kinh tế, các quan hệ kinh tế đan xan với các quan hệ về chính trị. Một trong những “cây gậy về kinh tế” mới mà Mỹ đang triển khai là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Strategic Economic Partnership Agreement-TPP).
Tổng thống Obama hiện đang cố gắng giành được sự ủng hộ của Quốc hội, để nhanh chóng cùng với Nhật Bản và mười quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương khác kí kết thỏa thuận quan trọng này.
Các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương chiếm đến 40% GDP của thế giới. Trong 30 năm trở lại đây, cùng với sự nổi lên của hàng loạt cường quốc mới nổi, kinh tế thế giới càng ngày càng độc lập với Washington.
Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ lớn nhất của Mỹ
Bởi vậy, việc đạt thành Hiệp định này có thể giúp cho Mỹ nắm được một công cụ mới ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, từ đó gia tăng sự ảnh hưởng và khả năng chi phối địa-chính trị nhằm làm giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới đang ngày càng “đậm đặc”.
Gần đây, các đối thủ chính của Mỹ là Nga và Trung Quốc đã lập ra hàng loạt các cơ cấu kinh tế, tài chính mới như Khối BRICS, Ngân hàng BRICS, Ngân hàng đầu tư và phát triển hạ tầng châu Á AIIB…, đối đầu với những cơ cấu cũ do Mỹ chi phối như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng Thế giới WB…
Sự ảnh hưởng của các cơ cấu mới lên cơ cấu kinh tế toàn cầu trong thời gian qua là rất rõ nét. Việc Nga lãnh đạo ngân hàng BRICS và Quỹ đầu tư BRICS với số vốn ban đầu hàng trăm tỷ USD, việc các nước đồng minh của Mỹ nô nức gia nhập AIIB đang khiến Mỹ rất đau đầu.
Đặc biệt là sự chi phối của Trung Quốc đến nền kinh tế thế giới đang ngày càng gia tăng. Với túi tiền không đáy, “vòi bạc tuộc” của Bắc Kinh đã vươn ra khắp thế giới với các khoản đầu tư, cho vay khổng lồ giúp nước này chi phối nền kinh tế nhiều nước và gia tăng ảnh hưởng địa chính trị trên khắp các châu lục.
Đặc biệt là dự án “Con đường tơ lụa” xuyên qua Á-Âu, xuyên qua 7 nước, kết nối các trọng điểm kinh tế châu Á với châu Âu của Trung Quốc đã làm gia tăng ảnh hưởng của nước này đối với hàng loạt nền kinh tế châu Âu, trong đó có không ít đồng minh của Mỹ.
Thực trạng này đòi hỏi Mỹ cần nhanh chóng xây dựng một khối kinh tế mới xuyên châu lục, chặt chẽ về tổ chức, mạnh về kinh tế để làm đối trọng với những cơ cấu kinh tế, tài chính hấp dẫn mà Nga và Trung Quốc đã tạo ra, đồng thời sử dụng chúng để xây dựng các khối đồng minh chính trị hoặc gia tăng ảnh hưởng đối với các nước khác.
Theo Bảo Chi/Đất Việt
Mỹ đã có phương án đối phó nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel cho biết nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông thì đó là hành động gây rắc rối và mất ổn định.
Sáng sớm 14/5 (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về các biện pháp bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực Biển Đông và Hoa Đông với sự tham gia của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear.
Phần lớn các nội dung của phiên điều trần đều xoay quanh hành động cũng như cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông mà các nghị sỹ và quan chức cao cấp Mỹ mô tả là khiêu khích, gây mất ổn định khu vực và ảnh hưởng tiêu cực đến các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel (phải) và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear trong phiên điều trần ngày 14/5
Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông thách thức chính sách xoay trục của Mỹ
Trong bài phát biểu mở đầu phiên điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương, Daniel Russel nhấn mạnh Biển Đông và Hoa Đông rất quan trọng đối với thương mại toàn cầu và ổn định khu vực, và do vậy mọi tranh chấp chủ quyền tại đây cần phải được giải quyết một cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, ông Russel cho biết Trung Quốc đã liên tục có những hành động gây căng thẳng và quan ngại, đặc biệt là việc bồi đắp đảo, xây đảo nhân tạo, lập sân bay có khả năng chứa máy bay quân sự tại đây trong thời gian qua.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định theo luật quốc tế thì việc bồi đắp và xây dựng đảo như vậy không đồng nghĩa với việc xác lập chủ quyền, và hành động của Trung Quốc không chỉ gây tổn hại tới hệ sinh thái biển mà còn đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông. Đặc biệt là Trung Quốc còn có khả năng sử dụng những đảo này với mục đích quân sự như tuyên bố gần đây của Bắc Kinh.
Một bãi đá mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo ở Biển Đông
Trước những động thái được xem là đáng lo ngại của Trung Quốc, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương và chính sách an ninh mạng, Thượng nghị sỹ Cory Gardner cảnh báo: "Những hành động gây mất ổn định của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông như đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không hay đưa ra đường 9 đoạn phi lý chiếm 90% Biển Đông đang đe dọa ổn định và tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với chính sách xoay trục của Mỹ. Những hành động này đi ngược lại cam kết trước đây của Trung Quốc và có thể đã vi phạm luật pháp quốc tế. Hành động của Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải và hải trình tối quan trọng đối với thương mại toàn cầu, gây mất ổn định cho môi trường an ninh, gia tăng khả năng đối đầu quân sự với những hậu quả thảm khốc đối với các bên liên quan".
Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, David Shear cho biết việc Trung Quốc đưa ra yêu sách phi lý về đường 9 đoạn, đưa giàn khoan vào vùng biển tranh chấp, hạn chế các nước khác tiếp cận ngư trường đang tranh chấp...đã gây quan ngại rằng nước này đang tìm cách kiểm soát các lãnh thổ tranh chấp và tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông.
Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực
Theo ông David Shear, Mỹ đang và sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực như ngăn chặn các hành vi ép buộc và gây hấn, tìm cách giảm thiểu nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột không chủ ý tại Biển Đông cũng như các nơi khác tại châu Á. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác, và hỗ trợ các nước tăng cường năng lực an ninh biển và khả năng nhận thức trong lĩnh vực biển:
"Xây dựng năng lực cho các đối tác tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Một trong những mục tiêu quan trọng của chúng tôi là làm hết sức để các đối tác có thể theo đuổi các lợi ích chung với Mỹ. Đó là mục tiêu trung và dài hạn mà Mỹ đang thực hiện với Việt Nam và Malaysia và chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với Indonesia", ông David Shear cho biết.
Tàu USS Fort Worth của Mỹ hôm 11/5 tuần tra ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông, khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yancheng (FFG 546) đi gần phía sau. (Ảnh: US Pacific Fleet)
Tại phiên điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel đánh giá cao tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào cuối tháng 4 vừa qua, trong đó các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nêu rõ việc Trung Quốc bồi đắp đảo tại Biển Đông đang xói mòn lòng tin trong khu vực và gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông: "Tuyên bố vừa qua của ASEAN nằm ở mức 7 trên thang độ richter. Trung Quốc luôn tìm mọi cách để ngăn cản các nước ASEAN phát biểu công khai, ngăn cản những kết quả mà họ có thể lường trước được. Tuyên bố của ASEAN là một bản cáo trạng rõ ràng về cách hành xử của Trung Quốc".
Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, ông Daniel Russel cũng cảnh báo các bên cần tuân thủ cam kết đã đưa ra: "Trong Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002, Trung Quốc đã cam kết kiềm chế và không thực hiện những hành động khiêu khích, làm phức tạp tình hình, khiến vấn đề khó giải quyết hơn. Vấn đề ở đây không phải là việc ASEAN và Trung Quốc chưa đạt được Bộ quy tắc ứng xử như chúng ta mong muốn mà là việc không tuân thủ Tuyên bố trên."
Trung Quốc đã và phải đang trả giá về hành vi của họ
Trước lập luận của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Bob Corker về việc Trung Quốc dường như chưa phải trả giá cho hành động của mình, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel khẳng định Bắc Kinh đã và đang phải đối mặt với nhiều hậu quả: "Trung Quốc rõ ràng đang phải trả giá ngày một nhiều cho hành vi của họ.
Thứ nhất, hành động của Trung Quốc đã gia tăng hy vọng của các nước láng giềng của Trung Quốc vào sự can dự và hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, khiến Mỹ trở thành một đối tác được tin cậy hơn nữa trong khu vực. Trung Quốc đã thất bại trong việc ngăn chặn các ý kiến chỉ trích cũng như quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp, đồng thời nhiều lần &'mất mặt' khi cách hành xử của họ bị nêu ra trong các diễn đàn quốc tế. Ngay trước khi sang Bắc Kinh, Tổng thống Indonesia cũng đã công khai tuyên bố đường 9 đoạn là không có cơ sở pháp lý quốc tế".
Trung Quốc rầm rộ cải tạo các bãi đá ở Biển Đông và vấp phải sự chỉ trích của dư luận (Ảnh CSIS)
Trước câu hỏi về việc Trung Quốc đang tìm cách hợp pháp hóa Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà nước này đơn phương tuyên bố tại biển Hoa Đông, ông Daniel Russel khẳng định Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều phản đối động thái của Trung Quốc. Theo ông Russel, việc các máy bay thương mại phản hồi lại câu hỏi từ các đài kiểm soát không lưu trong khu vực, bao gồm cả từ Trung Quốc là để đảm bảo an toàn cho các hành khách chứ không hề liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Về khả năng Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ trên Biển Đông, ông Russel cho biết Mỹ đã chuyển thông điệp tới Bắc Kinh rằng nếu Trung Quốc xúc tiến viêc này thì đó sẽ là hành động gây rắc rối và mất ổn định. Theo ông Russel, dù Trung Quốc chưa có dấu hiệu nào về ý định thiết lập ADIZ tại Biển Đông nhưng Mỹ đã có phương án đối phó.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, những quan điểm và chính sách nhất quán của Mỹ cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các nước và tổ chức trong khu vực sẽ góp phần ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc. Ông Russel cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển nhằm bảo vệ các lợi ích an ninh của Mỹ cũng như tạo điều kiện để Mỹ thúc đẩy các nước tuân thủ thỏa thuận quan trọng này./.
Nhật Quỳnh-Huy Hoàng
Theo_VOV
Nhật - EU cân nhắc việc đưa tình hình Biển Đông vào thông cáo chung Nhật Bản và EU đang cân nhắc việc đưa vào thông cáo chung tại hội nghị thượng đỉnh song phương sắp tới phần cảnh báo chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông. Hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập - Ảnh: CSIS Bản dự thảo của hội...