Mỹ, Đức ‘yêu thương nhạt phai’
Sự đón tiếp long trọng tại Nhà Trắng cùng với những cái bắt tay nồng ấm không thể che giấu những “vết rạn” trong mối quan hệ đồng minh Washington – Berlin.
Chính trị bất đồng
Mối bang giao Mỹ – Đức gặp bất đồng ngay từ quan điểm cá nhân của hai nhà lãnh đạo. Quan hệ giữa bà Merkel và ông Obama vấp phải một số trục trặc khi ông Obama còn là ứng cử viên tiềm năng cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ.
Đầu tiên là việc Chính phủ bà Merkel từ chối cho phép ông Obama, ứng cử viên Tổng thống năm 2008, phát biểu trước cổng Brandenburg của Đức, biểu tượng nổi tiếng thời chiến tranh Lạnh, nơi mà các Tổng thống Mỹ John F. Kennedy và Ronald Reagan từng có các bài phát biểu tại đây.
Sau đó, khi trở thành Tổng thống, ông Obama “trả đũa” bằng cách từ chối lời mời của bà Merkel tới dự lễ kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ.
Mỹ và Đức từng là những đồng minh thân thiết bậc nhất của nhau. Phụ thuộc và được Mỹ trợ giúp tái thiết sau chiến tranh thế giới thứ 2, Đức hầu như tán thành và ủng hộ nhiệt thành Mỹ trong tất cả các vấn đề khu vực và quốc tế trọng yếu.
Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt nghiêm trọng trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Khi đó, chính quyền của Thủ tướng Gerhard Schroeder cùng với chính quyền Tổng thống Pháp Jacques Chirac phản đối việc Mỹ đơn phương tấn công Iraq mà không có sự cho phép của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trong hai năm rưỡi cầm quyền, Tổng thống Obama hai lần công du châu Âu nhưng vẫn chưa một lần thăm chính thức Đức dù về danh nghĩa vẫn là hai đồng minh then chốt của nhau. Không kể đồng minh chiến lược hàng đầu là Anh, ông Obama dành sự quan tâm và ưu ái tới những đồng minh mới ở Đông Âu như Ba Lan hơn.
Không chỉ bản thân hai nguyên thủ không thiết lập được mối quan hệ cá nhân tốt đẹp, lập trường của giới chính trị gia hai nước cũng không tìm được tiếng nói chung.
“Đây là thời điểm mà lập trường chính trị của Mỹ và Đức xa nhau nhất trong khoảng thời gian bà Merkel tại nhiệm. Điểm chung duy nhất giữa hai quốc gia hiện nay chỉ là sự khó chịu lẫn nhau”, Fiona Hill, chuyên gia nghiên cứu về châu Âu tại Viện nghiên cứu Brookings nhận định.
Video đang HOT
Những nghi lễ ngoại giao trang trọng không thể che giấu hệ đang sứt mẻ.
Quả thực, Berlin cho rằng, những tuyên bố của ông Obama không thực sự có sức nặng và nhận định, Tổng thống Mỹ khó có thể giải quyết những vấn đề lớn của thế giới.
Theo giới chức Berlin, những nỗ lực của ông Obama nhằm giải quyết vấn đề Trung Đông chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa”. Chính phủ Đức khẳng định, Tổng thống Mỹ mắc một sai lầm lớn khi tự tin khẳng định trước Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tháng 9 năm ngoái rằng, nhà nước Palestine độc lập sẽ được cộng đồng quốc tế chào đón trong vòng một năm tới. Theo dư luận Đức, tuyên bố này chỉ khiến người dân Palestine “mơ tưởng hão huyền”, đồng thời chọc giận Israel.
Ngoài ra, bà Merkel cũng thấy thất vọng với việc ông Obama “nói một đằng, làm một nẻo” trong vấn đề Libya. Dù ban đầu một mực khẳng định phản đối nỗ lực can thiệp quân sự vào Libya nhưng sau đó ông chủ Nhà Trắng lại nhanh chóng bị cấp dưới thuyết phục và quyết định hành động trái với tuyên bố trước đó.
“Bà Merkel cho rằng, ông Obama không lường trước được hậu quả của việc tấn công Libya, để rồi thay đổi quyết định của mình và đẩy Đức vào một tình thế khó xử trong quyết định thiết lập vùng cấm bay tại Libya”, tờ Spiegel của Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Mỹ lại nhìn nhận sự vắng mặt này của Đức là hành vi né tránh trách nhiệm. “Nước Đức của bà Merkel giờ là cường quốc số 1 tại châu Âu vậy mà họ lại hành động chỉ như Thụy Sỹ”, Stephen Szabo, cựu Giám đốc Học viện nghiên cứu xuyên Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington nhận định.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng không giấu giếm sự bực tức này đối với Đức. “Thế giới không thể vì sự chần chừ của một số bên nào đó mà để một vụ thảm sát tương tự Srebrenica xảy ra tại Benghazi”, bà Clinton phát biểu trong chuyến thăm Học viện Mỹ tại Thủ đô Berlin của Đức.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng không tỏ ra ôn hòa hơn khi gặp người đồng cấp Đức Thomas de Maizière. “Uy tín của Đức bị suy giảm trầm trọng khi các bạn quyết định nép mình vào cùng với Nga và Trung Quốc”, ông Gates quả quyết.
Tại hội nghị thượng đỉnh G-8 cách đây hai tuần tại khu nghỉ dưỡng Deauville của Pháp, lãnh đạo Mỹ, Đức cũng rất “lạnh nhạt” với nhau.
Thủ tướng Đức (trái) và Tổng thống Obama lạnh nhạt với nhau.
Ông Obama tiến hành đối thoại riêng với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và còn khen ngợi ông Sarkozy nổi lên là nhà lãnh đạo tài ba của thế giới những năm gần đây. Còn với bà Merkel, ông chỉ chạm mặt trong các cuộc họp chung của khối.
Tuy nhiên, đến khi các nhà lãnh đạo G-8 bàn thảo về vấn đề chiến sự Libya, bà Merkel bỗng dưng “mất tích”. Không chỉ vậy, bà cũng vắng mặt trong cuộc họp của khối với Nga nhằm kêu gọi sự giúp đỡ từ Moscow cho bài toán Libya. Hành động này của bà Merkel bị tờ Neue Zrcher Zeitung của Thụy Sĩ cho là “thiếu sự can đảm cần thiết”.
Dẫu vậy, khi có mặt tại Nhà Trắng hôm qua, bà Merkel khẳng định: “Đức đang và sẽ thực hiện trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp đổi thay của nhân dân Libya. Sẽ có rất nhiều việc phải làm khi Gaddafi từ chức”. Tuyên bố này được hiểu là dù vắng mặt trong các cuộc họp liên quan đến Libya nhưng Đức sẽ giúp sức trong vấn đề này một khi quốc gia Bắc Phi này im tiếng súng.
Tuy nhiên, thiện chí này của bà Merkel bị chuyên gia Charles Kupchan tại ĐH Georgetown nghi ngờ. “Chính phủ Đức đang đầu bù tóc rối với cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu cũng như lo đối phó với làn sóng phản đối của người dân trong nước trước kế hoạch giải cứu Hy Lạp. Vậy làm sao họ có thể còn đầu óc mà nghĩ tới Libya xa xôi”, ông Charles Kupchan bình luận.
Kinh tế khác biệt
Không chỉ “xa nhau” trong quan điểm chính trị, lãnh đạo Mỹ – Đức cũng không đồng thuận trong cách giải quyết những khó khăn về kinh tế.
Từ khi khủng hoảng diễn ra, chính quyền Mỹ và Đức vẫn có những quan điểm hoàn toàn khác nhau trong việc hoạch định chính sách sau khủng hoảng. Người Đức “đặt trọn niềm tin” vào kế hoạch thắt lưng buộc bụng của mình. Trong khi đó, giới chức Mỹ giờ mới bắt đầu mơ hồ về việc phải cắt giảm chi tiêu.
Thêm vào đó, Washington cho rằng, Berlin cần kích thích tiêu dùng trong nước trong khi Berlin lại đánh giá thấp nỗ lực bơm tiền tràn lan của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Lãnh đạo Mỹ, Đức có những quan điểm khác nhau trong cách giải quyết khủng hoảng kinh tế.
Như “đổ thêm dầu vào lửa”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner trong cuộc họp của G-20 còn kêu gọi giới hạn thặng dư thương mại dưới mức 4% GDP trong thời gian tới. Điều đó đồng nghĩa với việc đưa Đức vào tầm ngắm bởi theo IMF, tại Đức – nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, thặng dư thương mại lên đến 6% GDP.
Ngoài ra, những chính sách đầu tư cho phát triển năng lượng cũng đẩy giới lãnh đạo hai nước xa nhau. Trong khi Mỹ ra sức đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực năng lượng hạt nhân thì Đức đi ngược lại xu thế đó khi tuyên bố kế hoạch chấm dứt chương trình điện hạt nhân trong năm 2022.
Ông Obama gọi đây là một sự “mạo hiểm” của Berlin trong khi hầu hết nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ tỏ ra hoài nghi với tuyên bố về việc phát triển nền kinh tế xanh của Đức. Đáp lại, giới chức Đức cho rằng, nỗ lực dốc tiền vào hạt nhân của Mỹ là hành động vô trách nhiệm.
Tương lai u ám
Dù nhận thức rõ tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này nhưng lãnh đạo Mỹ, Đức dường như cũng không thể làm khác được bởi bối cảnh chính trị giờ khác xưa rất nhiều.
“Ngay cả khi hai nước dành thời gian để nhìn nhận lại vấn đề thì Berlin và Washington cũng khó có thể tiến gần nhau hơn bởi giờ đây Mỹ dồn mọi tâm huyết cho khu vực Thái Bình Dương”, chuyên gia nghiên cứu về châu Âu Fiona Hill nhấn mạnh.
Theo ông, trong chính sách ngoại giao của Mỹ, châu Âu ngày càng đóng vai trò thứ yếu. Vì thế, mối quan hệ Mỹ – Đức vốn từng được coi trọng giờ cũng sắp trở thành “dĩ vãng”.
Hơn nữa, Mỹ đang rục rịch bước vào chiến dịch tranh cử Tổng thống. Vì vậy, nếu có muốn thì ông Obama cũng khó có thể dành thời gian cho các chuyến công du châu Âu hàn gắn quan hệ. Nếu có đi thì may chăng đó chỉ là hai nước Ireland và Phần Lan bởi lá phiếu của những người dân Mỹ có nguồn gốc từ hai nước này đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Điều đó có nghĩa là chuyến công du của Thủ tướng Đức Merkel đến Mỹ dường như chỉ mang ý nghĩa biểu tượng bởi những bất đồng ngăn cách mối quan hệ song phương vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo Báo Đất Việt