Mỹ đồng ý để Taliban mở văn phòng tại Qatar
Báo chí Anh cho biết, Mỹ đã đồng ý để nhóm Hồi giáo Taliban mở văn phòng đại diện ở Qatar như một bước đi quan trọng tiến tới hoà giải. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ không khẳng định tin này.
Người ta hy vọng đàm phán chính thức với Taliban sẽ giúp kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan.
Theo tờ Thời báo London hôm 12.9, Washington đã đồng ý kế hoạch cho Taliban mở trụ sở đại diện chính trị ở quốc gia vùng vịnh Qatar vào cuối năm nay. Văn phòng đại diện này tự xưng là “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan”, sẽ là đại diện được quốc tế thừa nhận đầu tiên cho Taliban, kể từ khi nhóm này sụp đổ năm 2001.
Tin này được đưa ra vào lúc nước Mỹ vẫn đang kỷ niệm 10 năm vụ tấn công khủng bố 11.9.2001. Theo Thời báo London, việc công nhận văn phòng này nhằm để phương Tây có thể bắt đầu đàm phán hoà bình chính thức với Taliban. Các nhà ngoại giao phương Tây nói, họ hy vọng văn phòng sẽ giúp thúc đẩy đàm phán giữa Taliban với Chính phủ Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến do Mỹ đứng đầu kéo dài suốt một thập kỷ qua. Song, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều từ chối khẳng định tin này.
Thời báo London cho biết, Qatar được cho là đã đồng ý để Taliban mở văn phòng, sau khi Washington nhất định cho rằng văn phòng phải nằm ngoài vòng ảnh hưởng của Pakistan. Chính phủ Afghanistan đã cáo buộc Pakistan can thiệp vào những nỗ lực đàm phán với Taliban trước đây nhằm duy trì ảnh hưởng của họ bên trong Afghanistan.
Theo các quan chức phương Tây, việc mở văn phòng sẽ là biện pháp xây dựng lòng tin trước khi tiến tới đàm phán chính thức nhằm chấm dứt chiến tranh. Theo một nhà ngoại giao, văn phòng này không được coi là một sứ quán hay một lãnh sự quán, mà là một nhà ở, nơi đại diện Taliban được đối xử như một đảng chính trị. Taliban sẽ không được phép sử dụng văn phòng này để gây quỹ hoặc để ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang của nhóm này ở Afghanistan. Taliban đang tìm kiếm sự đảm bảo để đại diện của họ ở Qatar sẽ không bị đe doạ tấn công hoặc bắt giữ.
Sáng kiến này diễn ra sau hơn một năm đàm phán rời rạc giữa các nhà ngoại giao phương Tây và đại diện cấp cao của Taliban là Tayyab Agha tại nhà của Abdul Hakim Mujahid – cựu Đại sứ Taliban ở Islamabad, cựu Đại sứ Taliban tại Liên Hợp Quốc. Ông Mujahid cho biết, đại diện Taliban Agha là người đàm phán với sự uỷ quyền cá nhân của lãnh tụ tối cao của Taliban Mullah Mohammed Omar. Ít có hy vọng chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan mà không có sự chấp nhận của lãnh tụ này. Taliban đang tìm kiếm phát triển các liên hệ trực tiếp với Mỹ, bởi nhóm này không mấy tin tưởng Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai.
Như một sự nhắc nhở giá trị của việc ngừng bắn với Taliban, đúng ngày 11.9, tại Afghanistan đã xảy ra các vụ tấn công mà Taliban là thủ phạm, làm chết 2 người, làm bị thương 101 người. Còn trưa 13.9, Taliban đã nhận trách nhiệm các vụ đánh bom cảm tử và nổ súng nhằm vào Đại sứ quán Mỹ và trụ sở chính của NATO Isaf tại Kabul. Theo báo cáo ban đầu, đây là một vụ tấn công phức hợp, liên quan ít nhất đến 4 kẻ tấn công khủng bố, một kẻ được cho là đã giật nổ bom trong xe taxi.
Hôm 19.7, văn phòng của Hội đồng Anh ở Kabul cũng bị đánh bom cảm tử làm chết 12 người. Taliban cũng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, nói rằng nhóm này muốn đánh dấu ngày kỷ niệm Afghanistan độc lập khỏi Anh năm 1919. Năm nay là năm đổ máu nhiều nhất ở Afghanistan kể từ khi lực lượng do Mỹ đứng đầu lật đổ Taliban năm 2001.
Theo Lao Động