Mỹ đối phó ra sao nếu Nga bắn rơi mọi máy bay ở Syria?
“ Chiến tranh Lạnh 2″ bất ngờ trở nên nóng hơn khi cả Mỹ và Nga đều có những động thái leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột khó lường ở Syria.
Cường kích Su-22 Syria bị chiến đấu cơ Mỹ bắn rơi.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 19.6 tuyên bố coi mọi máy bay Mỹ và liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên bầu trời Syria là mục tiêu cần phải bắn hạ. Điều này đồng nghĩa các chiến đấu cơ Nga, hệ thống phòng không mặt đất được phép đưa các máy bay Mỹ vào tầm ngắm.
Nga sở hữu những hệ thống phòng không tối tân nhất ở Syria như “rồng lửa” S-400 và S-300. S-400 có tầm bắn 321km, bao gồm cả một khu vực rộng lớn với căn cứ quân sự Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có các máy bay Mỹ.
S-400 có thể theo dõi đồng thời hàng trăm mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu riêng biệt. “Hệ thống phòng không Nga là cơn ác mộng của những phi công Mỹ và liên minh khi tham gia chiến đấu ở Syria”, quan chức Không quân Mỹ Tyson Wetzel nói.
Chuyên gia quân sự David Hambling nhận định trên tờ Popular Mechanic rằng, lời cảnh báo của Bộ Quốc phòng Nga không phải là điều có thể khiến Mỹ bỏ ngoài tai.
Nga đã nhiều lần bị Mỹ và các nước láng giềng làm “bẽ mặt” ở Syria, bao gồm cả vụ chiến đấu cơ Nga bị Thổ Nhĩ Kỹ bắn hạ năm 2015. Hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh nã tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Syria, bất chấp sự hiện diện của hệ thống phòng không Nga.
Tháng trước, máy bay của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu lại ném bom quân chính phủ Syria. Và ngày 18.6, cường kích Su-22 của Syria bị bắn rơi.
Các máy bay tác chiến điện tử Boeing EA-18G Growler được coi là chìa khóa vô hiệu hóa hệ thống phòng không Nga ở Syria.
Video đang HOT
Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã quyết định đến lúc Moscow phải đáp trả mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh Nhà Trắng tuyên bố sẽ không lùi bước trước mọi thế lực ở Syria, các chỉ huy Mỹ phải đưa ra chiến lược để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ mà không gây ra xung đột toàn diện với Nga.
Chuyên gia quân sự David Hambling phân tích, lựa chọn đầu tiên có thể là việc Mỹ ngừng sử dụng các máy bay có người lái ở khu vực nhạy cảm mà Nga lên tiếng.
Thay vào đó, quân đội Mỹ có thể dùng máy bay không người lái mang vũ khí, pháo binh, tên lửa tầm xa để hỗ trợ lực lượng hậu thuẫn. Điều này loại bỏ khả năng tính mạng phi công Mỹ bị đe dọa và giúp làm hạ nhiệt căng thẳng.
Nhưng nhược điểm của kế hoạch này là năng lực hỗ trợ của liên minh chống IS sẽ bị suy giảm đáng kể.
Lựa chọn thứ hai rủi ro hơn là việc chống lại mối đe dọa từ hệ thống phòng không Nga bằng các phương tiện vũ khí không mang tính sát thương. Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler phù hợp cho nhiệm vụ này nhất.
Chiếc EA-18G Growler có khả năng “làm mù”, khiến hệ thống radar đối phương nhầm lẫn và không thể ngắm bắn mục tiêu. Kết hợp với máy bay không người lái ADM-160 làm mồi nhử, Mỹ có thể đảm bảo rằng các chiến đấu cơ an toàn trước mối đe dọa bắn hạ từ Nga.
Nhược điểm của kế hoạch này là các chỉ huy Mỹ không thể đảm bảo 100% rằng phi công không bị tên lửa Nga bắn hạ.
Đợt oanh tạc bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ hồi tháng 4 được cho là đã phá hủy 20% số máy bay của không quân Syria.
Theo chuyên gia David Hambling, cách tiếp cận trực tiếp hơn là việc giúp lực lượng hậu thuẫn dưới mặt đất loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa từ máy bay chiến đấu Syria.
Đợt oanh tạc hồi tháng 4 bằng tên lửa hành trình được cho là đã phá hủy 20% số máy bay chiến đấu của quân đội Syria. Những đợt tấn công tương tự có thể vô hiệu hóa hoàn toàn năng lực chiến đấu của không quân Syria.
Nhưng dù Mỹ và liên minh quyết định như thế nào, luôn có khả năng rằng Nga sẽ lựa chọn cách tiếp cận cứng rắn hơn. Nga có thể tăng cường hoạt động tấn công mạng hoặc tìm cách bắn rơi máy bay Mỹ để gửi thông điệp khẳng định cam kết của Moscow đối với đồng minh Damascus.
Như vậy, căng thẳng ở Syria có thể dễ dàng thổi bùng lên thành chiến tranh thế giới. Chuyên gia David Hambling nói, đây không phải là tin tốt đối với Mỹ.
Bài học trong quá khứ khiến Washington nhận ra rằng, dấn thân vào một cuộc chiến tranh là điều dễ dàng. Nhưng để rút khỏi chiến tranh thì không đơn giản chút nào.
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump nên suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra bất kỳ hành động nào tiếp theo, chuyên gia David Hambling kết luận.
Theo Danviet
Vì sao chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ máy bay Syria?
Mỹ đang bảo vệ lực lượng đồng minh trong chiến dịch truy quét khủng bố IS ở thủ phủ Raqqa và không cho phép quân đội Syria "bén mảng đến gần", giới quan sát nhận định.
Chiến đấu cơ F/A-18 phóng tên lửa Sparrow. Ảnh minh họa.
Theo RT, một máy bay chiến đấu Su-22 của quân đội Syria bất ngờ bị chiến đấu cơ F/A-18E Super Hornet Mỹ dùng tên lửa đối không bắn hạ.
Tuyên bố của quân đội Syria cho biết, máy bay nước này đang làm nhiệm vụ ném bom chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Raqqa thì bị tấn công. Phi công hiện vẫn đang mất tích.
"Vụ tấn công xảy ra vào thời điểm quân đội Syria và đồng minh đang đồng loạt truy quét khủng bố IS ở vùng sa mạc", tuyên bố cho biết. Tuyên bố nhấn mạnh hành động của Mỹ nhằm gây khó khăn cho quân đội Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.
Syria khẳng định vụ việc sẽ không khiến quân đội chính phủ lùi bước vì sự ổn định và an ninh của đất nước.
Phía Mỹ sau đó cũng xác nhận việc bắn hạ máy bay chiến đấu Syria. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ can thiệp gây thương vong cho quân đội chính phủ Syria. Tháng 9.2016, đợt không kích của Mỹ ở Deir Ezzor đã khiến 60 binh sĩ Syria thiệt mạng.
Hồi tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh phóng tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Syria.
Bình luận về diễn biến xung đột Syria mới nhất, giới phân tích nói trên RT rằng, vụ tấn công của Mỹ nhằm "vạch ranh giới đỏ" đối với quân đội Syria.
Mẫu chiến đấu cơ Su-22 của quân đội Syria đã lỗi thời, ngừng sản xuất từ năm 1990.
"Mỹ đã gửi thông điệp cảnh báo không tha thứ cho bất cứ hành động can thiệp quân sự nào của quân đội chính phủ Syria trong chiến dịch giải phóng Raqqa", chuyên gia Alaa Ebrahim nói.
"Người Mỹ không muốn quân đội Syria tiến gần đến Deir Ezzor. Họ không muốn quân đội Syria tham gia vào chiến dịch giải phóng Raqqa hoặc khu vực thuộc tỉnh này", ông Ebrahim nhận định.
"Đây chính là ranh giới trong cuộc xung đột ở Syria mà Mỹ không muốn quân đội chính phủ vượt qua", ông Ebrahim nói thêm.
Trên thực tế, quân đội Syria rất hiếm khi tiến sâu vào Raqqa, thủ phủ tự xưng của IS vì lực lượng mỏng. Chiến dịch giải phóng Raqqa của lực lượng dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn hiện đang đạt được bước tiến mới.
Nếu Raqqa thất thủ, khủng bố nhiều khả năng sẽ phải rút về Deir Ezzor. Thành phố này vẫn là điểm nóng giao tranh, trong bối cảnh quân đội Syria muốn tăng viện cho lực lượng cố thủ ở Deir Ezzor.
Việc Mỹ bắn hạ chiến đấu cơ Syria có thể khiến nỗ lực giải vây suốt 2 năm qua ở Deir Ezzor của quân đội Syria gặp nhiều khó khăn.
Theo Danviet
Nhật bản mua tên lửa Tomahawk Mỹ đối phó Triều Tiên? Nhật Bản được cho là đang có kế hoạch mua các tên lửa Tomahawk của Mỹ để tấn công cơ sở hạt nhân Triều Tiên nếu xung đột nổ ra. Nhật Bản tăng cường năng lực phòng thủ trước mối đe dọa Triều Tiên. Theo Japan Times, các quan chức Nhật đã sẵn sàng đặt mua và đưa vào trực chiến các vũ...