Mỹ đối mặt ‘trận Trân Châu Cảng’ thứ hai vì Covid-19
Mỹ bước vào một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong khủng hoảng Covid-19 khi dịch lây lan nhanh, số người chết có thể tiếp tục tăng vọt.
Giới chức y tế cảnh báo số người tử vong đáng báo động vì Covid-19 ở bang New York, Michigan và Louisiana là dấu hiệu cảnh báo cho những khu vực khác trên nước Mỹ.
“Đây sẽ là tuần khó khăn và đau buồn nhất với phần lớn người dân Mỹ. Đây sẽ là khoảnh khắc Trân Châu Cảng và ngày 11/9 thứ hai của chúng ta, có điều nó sẽ không xảy ra cục bộ. Nó sẽ xảy ra khắp đất nước và tôi muốn nước Mỹ hiểu điều đó”, Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams hôm qua cảnh báo.
Một người đàn ông đến nhà thờ tại bang California hôm 5/4. Ảnh: AFP.
New York, bang chịu ảnh hưởng nặng nhất, hôm 5/4 thông báo lần đầu ghi nhận số ca tử vong giảm xuống so với ngày trước đó, nhưng vẫn ghi nhận thêm gần 600 người chết và hơn 7.300 người nhiễm nCoV mới. Bang Pennsylvania, Colorado và thủ đô Washington D.C cũng bắt đầu chứng kiến số người chết gia tăng.
Thống đốc New York Andrew Cuomo hôm qua cho biết số ca nhập viện mới đã giảm 50% so với một ngày trước đó, nhưng chưa rõ liệu bang này đã đạt đỉnh dịch hay chưa. New York đến nay đã ghi nhận hơn 122.000 người nhiễm Covid-19, trong đó 4.159 người đã chết.
“Các đợt xét nghiệm nhanh trên diện rộng sẽ giúp đất nước trở lại bình thường sau khi vượt qua đỉnh dịch”, Thống đốc Cuomo nói thêm.
Phần lớn các bang tại Mỹ đã yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi có việc thật sự cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn 8 bang chưa áp dụng biện pháp này, gồm Arkansas, Iowa, Nebraska, Bắc Dakota, Nam Dakota, Nam Carolina, Utah và Wyoming, tất cả đều có thống đốc là thành viên đảng Cộng hòa.
Bang Georgia, nơi báo cáo hơn 6.600 ca nhiễm nCoV và hơn 200 người chết, cũng yêu cầu người dân ở trong nhà, nhưng vẫn cho một số bãi biển mở cửa.
Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson từ chối áp lệnh hạn chế toàn bang, cho biết tình hình đang được giám sát chặt chẽ và “cách tiếp cận cụ thể” của ông đang làm chậm đà lây lan nCoV. Dù vậy, Tổng y sĩ Adams khuyến cáo những bang chưa phong tỏa nên xem xét biện pháp này trong những tuần tới.
Tổng thống Donald Trump tỏ ý hy vọng Mỹ đang dần kiểm soát được dịch bệnh ở một số điểm nóng, nhắc tới thống kê tại bang New York. “Chúng ta bắt đầu thấy ánh sáng ở cuối đường hầm và hy vọng chúng ta sẽ rất tự hào về những gì đã làm trong tương lai không xa”, ông nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 5/4.
Một số nhà thờ tại Mỹ vẫn tổ chức các buổi thánh lễ tập trung đông người vào cuối tuần qua. Mục sư Tony Spell tại bang Louisiana liên tục tổ chức các buổi lễ nhà thờ, bất chấp việc bị bắt hồi tuần trước vì vi phạm lệnh cấm tụ tập từ 10 người trở lên do chính quyền bang áp dụng hồi giữa tháng 3.
Louisiana đã trở thành điểm nóng Covid-19 tại Mỹ khi số người chết tăng vọt lên gần 500 ca trong hơn 13.000 người nhiễm nCoV. Giới chức y tế bang dự đoán họ sẽ hết máy thở vào giữa tuần này.
Thị trưởng New York Bill De Blasio thông báo thành phố có đủ máy thở cho đến ngày 8/4 và đang tìm thêm 1.000-1.500 máy thở từ kho dự trữ của chính quyền bang và liên bang.
Bang Oregon, nơi ghi nhận khoảng 1.000 người nhiễm, tuyên bố sẽ chuyển 140 máy thở đến New York. Bang Washington cũng trả 400 chiếc về Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia để dành cho những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch.
Chuyên gia y tế Nhà Trắng dự đoán khoảng 100.000-240.000 người Mỹ sẽ chết vì dịch bệnh, ngay cả khi họ áp dụng triệt để biện pháp cách biệt cộng đồng. Dù vậy, các thành viên nhóm phản ứng Covid-19 của Trump vẫn thể hiện sự lạc quan khi cho rằng đã có dấu hiệu tích cực trong nỗ lực kiểm soát dịch.
“Trong tuần tới, chúng ta sẽ chứng kiến số người chết tăng, nhưng chúng tôi cũng hy vọng sẽ thấy sự ổn định ca nhiễm tại các khu vực đô thị lớn, nơi dịch bệnh bùng phát vài tuần trước”, điều phối viên nhóm phản ứng Deborah Birx cho biết.
Vũ Anh
Chống đại dịch Covid-19, Mỹ bước vào tuần lễ buồn bã và đau đớn nhất
Số ca nhiễm, thiệt mạng tăng mạnh, hệ thống y tế quá tải hay thiếu thốn trang thiết bị là viễn cảnh Mỹ sẽ phải đối mặt trong tuần này.
Theo hãng thông tấn Reuters, 7 ngày trước mắt sẽ tràn ngập "buồn bã và đau đớn" đối với nước Mỹ. Số người chết ở các bang như New York, Louisiana hay Michigan tăng vọt, và phản ứng của Mỹ trong tuần lễ này sẽ tác động lớn đến cả cuộc chiến chống dịch.
Tính đến thời điểm sáng nay (6/4), số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã tăng lên 333.345 trường hợp với 9.558 người chết, gần một nửa trong số đó đến từ bang New York. Thi thể nạn nhân qua đời do SARS-CoV-2 được được chất trong các túi màu cam, dựng trong nhà xác xây tạm tại Trumg tâm Y tế Wyckoff Heights ở Brooklyn.
Các túi đựng thi thể ở nhà xác tại New York.
Theo Tổng y sĩ Jerome Adams, một trong những bác sĩ phẫu thuật hàng đầu nước Mỹ, thời gian khó khăn vẫn ở trước mắt nhưng " sẽ có ánh sáng cuối đường hầm nếu ai cũng làm đúng phần việc của mình trong 30 ngày tới".
" Đây sẽ là tuần lễ khó khăn và đau đớn nhất với hầu hết người dân Mỹ. Đó là khoảnh khắc nhuốm màu Trân Châu Cảng hay thảm họa khủng bố ngày 11/9 của chúng ta, chỉ có điều, đây không phải thảm họa của riêng địa phương nào", Adams chia sẻ. " Dịch bệnh đang diễn ra trên toàn đất nước. Tôi muốn người Mỹ hiểu điều đó".
Video: Cộng đồng người Việt hỗ trợ bà con gặp khó khăn vì Covid-19
Số người chết ở các bang Pennsylvania, Colorado và Washington, D.C đang tăng thanh. Theo cảnh báo từ Nhà trắng, đây không phải thời gian để người Mỹ đến các cửa hàng tạp hóa hay tới nơi công cộng. Nhiều bang ở Mỹ đã thực hiện phong tỏa nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Đáng lo ngại hơn, Mỹ bắt đầu có một số "ổ dịch" mới bên cạnh bang New York. Bang Louisiana có 12.000 ca nhiễm và số người chết nhảy vọt lên 409. Số lượng máy thở ở bang này nhiều khả năng cạn kiệt vào thứ Năm tới khi lượng bệnh nhân nhập viện quá lớn.
Các tụ điểm công cộng ở New York và Los Angeles bị đóng cửa.
Các chuyên gia của Nhà Trắng dự báo sẽ có từ 100.000 đến 240.000 người chết trong đại dịch này. Sau cuộc họp đêm qua, Tổng thống Donald Trump khẳng định kết quả thu được rất hứa hẹn, song hai tuần trước mắt sẽ vô cùng khó khăn.
" Chúng ta đã nhận thức rõ về kẻ thù vô hình này, chúng rất lợi hại và thông minh, nhưng ta còn thông minh hơn chúng", Trump chia sẻ.
Theo ông Jay Inslee, Thống đốc tiểu bang Washington D.C - nơi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Mỹ nhưng đã khống chế được phần nào tình hình nhờ hành động kịp thời, nếu các bang khác không áp dụng biện pháp phòng vệ nghiêm ngặt, dịch bệnh sẽ lan rộng ở quy mô khó kiểm soát.
" Tốt nhất, chúng ta nên áp đặt mệnh lệnh ở nhà trên quy mô toàn quốc", Inslee chia sẻ. " Ngay cả khi Washington làm tốt điều này, nếu các bang khác không thực hiện được, virus corona sẽ trở lại và tràn qua biên giới của chúng tôi sau 2 tháng nữa".
Dù vậy, không phải bang nào cũng áp dụng lệnh phong tỏa. Ông Asa Hutchinson, Thống đốc tiểu bang Arkansas, từ chối ban bố lệnh hạn chế người dân ra đường do tình hình đang được "theo dõi chặt chẽ" và mục tiêu trước mắt của chính quyền là làm chậm sự lây lan của virus.
HỒNG NAM
Mỹ tuyên bố tình trạng thảm họa tại bang Wisconsin và Nebraska Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ban bố tình trạng thảm họa đối với bang Wisconsin và Nebraska, trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ vượt 300.000. Ngày 4/4, theo thông báo từ Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng thảm họa lớn tại bang Wisconsin và Nebraska. Theo đó, tuyên bố của ông Trump sẽ mở đường...