Mỹ điều tra vụ rò rỉ tài liệu mật tiết lộ kế hoạch trả đũa Iran của Israel
Mỹ đang tiến hành điều tra vụ rò rỉ thông tin tình báo tuyệt mật về kế hoạch trả đũa Iran của Israel.
Giới chức Mỹ đánh giá vụ rò rỉ này “rất đáng lo ngại”.
Trụ sở Lầu Năm Góc tại Washington, D.C. (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài truyền hình CNN, các tài liệu nói về kế hoạch Israel chuẩn bị triển khai để tấn công Iran bắt đầu lan truyền trên mạng từ ngày 18/10, xuất phát từ một tài khoản có tên “Middle East Spectator” đăng trên Telegram.
Tài liệu ghi ngày 15-16/10 được gắn nhãn tuyệt mật và có các đặc điểm cho thấy tài liệu này chỉ được Mỹ và các đồng minh trong nhóm “Five Eyes”, bao gồm Australia, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh, được xem.
Nội dung trong tài liệu mô tả các hoạt động chuẩn bị mà Israel dường như đang thực hiện để tấn công Iran. Một trong những tài liệu, được cho là do Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ biên soạn, cho biết các kế hoạch liên quan đến việc Israel di chuyển đạn dược.
Một tài liệu khác do Cơ quan An ninh Quốc gia biên soạn phác thảo các cuộc tập trận của không quân Israel liên quan đến tên lửa không đối đất, cũng được cho là để chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Iran.
Video đang HOT
Một quan chức Mỹ cho biết cuộc điều tra đang xem xét những người đã tiếp cận được tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc. Bất kỳ vụ rò rỉ nào liên quan đến các tài liệu mật sẽ tự động kích hoạt một cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang (FBI) cùng với Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ.
Vụ rò rỉ tài liệu mật xảy ra vào thời điểm cực kỳ nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Israel và chắc chắn khiến Israel tức giận. Một trong những tài liệu cũng ám chỉ Israel có vũ khí hạt nhân – một thông tin mà từ trước đên nay nước này chưa bao giờ công khai xác nhận. Tài liệu cho biết Mỹ chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào thể hiện Israel có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Iran.
“Nếu đây đúng là các kế hoạch chiến thuật của Israel đáp trả cuộc tấn công của Iran vào ngày 1/10 và tin tức đã bị rò rỉ, thì đó là một sự vi phạm nghiêm trọng”, Mick Mulroy, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách Trung Đông và là một sĩ quan CIA đã nghỉ hưu, nhận xét.
Ông Mulroy nói thêm sự việc này có thể khiến sự phối hợp trong tương lai giữa Mỹ và Israel gặp thách thức. “Niềm tin là một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ và tùy thuộc vào cách thức rò rỉ thông tin này, niềm tin đó có thể bị suy yếu”, ông Mulroy nhận định.
Một quan chức Mỹ cho rằng việc công khai hai tài liệu trên có thể là tồi tệ nhưng không đến mức quá nghiêm trọng. Điều quan trọng là rất có thể nhiều tài liệu có nguy cơ bị rò rỉ.
Không rõ các tài liệu này được công khai như thế nào, cũng như không rõ chúng bị lấy cắp hoặc là một hành vi cố ý. Mỹ đã đặt mình ở trong tình trạng báo động cao về các chiến dịch tấn công mạng của Iran sau khi các cơ quan tình báo Mỹ hồi tháng 8 cho biết Iran đã lấy cắp các tài liệu của chiến dịch cựu Tổng thống Donald Trump.
Năm ngoái, một vụ rò rỉ lớn thông tin tình báo của Mỹ cũng đã làm căng thẳng mối quan hệ của nước này với các đồng minh và đối tác, bao gồm Hàn Quốc và Ukraine.
JP: Israel sẽ không tấn công cơ sở hạt nhân của Iran, tập trung vào mục tiêu quân sự
Một số quan chức cấp cao của Israel cho rằng thay vì phá hủy chương trình hạt nhân của Iran, Israel sẽ tập trung tấn công các căn cứ tên lửa đạn đạo và cơ sở tình báo của Iran, đồng thời tiếp tục mục tiêu chính là tiêu diệt Hamas.
Lực lượng Hezbollah phóng hàng loạt rocket vào căn cứ quân sự của Israel ở Nimra, phía Tây thành phố Tiberias. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo tờ Jerusalem Post ngày 8/10, Israel dự kiến sẽ không tấn công những địa điểm nằm trong chương trình hạt nhân Iran mà sẽ tập trung vào các căn cứ quân sự và địa điểm tình báo khác nhau của Tehran. Trước đó, tờ New York Times của Mỹ cũng đưa tin tương tự về vấn đề này.
Sau thông tin của tờ New York Times, các nguồn tin Israel không phủ nhận nội dung, vốn dự đoán rằng hành động trả đũa của Israel đối với Iran sau cuộc tấn công lớn vào đêm 1/10 sẽ nằm trong kịch bản tấn công ở mức trung bình.
Tuy nhiên, theo New York Times, cuộc tấn công đáp trả của Israel vào Iran - mà hầu như tất cả các quan chức cấp cao của Israel đều đã công khai tuyên bố - sẽ có quy mô lớn hơn nhiều so với cuộc trả đũa hẹp hơn vào ngày 19/4, khi hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Iran bị hư hại.
Tờ Jerusalem Post lưu ý, mặc dù có ý tưởng cho rằng bối cảnh hiện tại có thể là cơ hội "50 năm có một lần" để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, các nguồn tin trong chính quyền Israel cho biết việc tấn công chương trình hạt nhân của Iran không nhất thiết phải phù hợp với "mục tiêu của cuộc chiến" do nội các an ninh Israel đặt ra.
Ví dụ, trong khi mục tiêu được nêu rõ nhất của cuộc chiến là đánh bại Hamas, và việc đưa cư dân phía Bắc Israel trở lại khu vực biên giới giáp với Liban (Lebanon), thì một mục tiêu chính thức khác là không bị kéo vào một cuộc chiến tranh khu vực, đặc biệt là với Iran.
Lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực với Iran
Nói cách khác, việc bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh khu vực với Iran - điều mà nội các an ninh, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Mỹ và phần lớn phương Tây lo ngại có thể xảy ra nếu Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran - có thể làm mất tập trung và làm suy yếu đáng kể khả năng của IDF trong việc tiêu diệt Hamas và đảm bảo an ninh tốt hơn với Hezbollah ở Liban.
Cũng theo Tờ Jerusalem Post, một số quan chức cấp cao của Israel coi cuộc tấn công thứ hai của Iran vào ngày 1/10 (sau cuộc tấn công đầu tiên vào ngày 13-14/4) không phải là dấu hiệu cho thấy Tehran đã sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến tranh lớn hơn mà là một nỗ lực nhằm cân bằng lại khả năng răn đe của nước này đối với Israel sau khi IDF đã nỗ lực loại bỏ đáng kể hai "công cụ chính sách" lớn nhất của Tehran: Hezbollah và Hamas.
Theo học thuyết an ninh của Iran trước ngày 7/10, Tehran luôn có thể sử dụng Hezbollah và Hamas làm mối đe dọa để kiểm soát Israel trong trường hợp Tel Aviv cân nhắc tấn công các địa điểm hạt nhân của Tehran hoặc thực hiện các hành động khác để ngăn chặn mục tiêu của Iran trong khu vực vượt quá mức mà họ có thể chịu đựng được.
Tuy nhiên, ý tưởng rằng Israel sẽ không "tận dụng" cơ hội này - rằng Iran đã tấn công trực tiếp vào Israel lần thứ hai trong sáu tháng, lần này bằng hơn 180 tên lửa đạn đạo gây thiệt hại cho nhiều căn cứ không quân của Israel và một số địa điểm nhạy cảm khác - để tấn công vào chương trình hạt nhân của Tehran sẽ là không tuân theo tuyên bố nhiều thập kỷ của một số nhà lãnh đạo cấp cao Israel.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đều coi việc "loại bỏ mối đe dọa hạt nhân" của Iran là một trong những mục đích lớn nhất trong nhiệm kỳ của họ.
Nếu những quan chức cấp cao và các thành viên khác của IDF từ bỏ lựa chọn như vậy để chuyển sang tấn công các căn cứ quân sự và tình báo của Iran, chẳng hạn như các cơ sở tên lửa đạn đạo, cơ sở thiết bị máy bay không người lái và các chỉ huy đã điều phối những cuộc tấn công vào Israel, thì đây sẽ là một sự thay đổi đáng kể theo hướng nhấn mạnh trực tiếp vào Gaza và Liban là những vấn đề an ninh lớn hơn Iran.
Mặc dù nội các an ninh Israel đã ám chỉ điều này ngay từ khi xung đột nổ ra ở Gaza, nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc tấn công ngày 1/10 của Iran vào Israel, sau cuộc tấn công vào tháng 4, đã thay đổi cục diện, buộc Iran phải trở thành tâm điểm, giống như trước ngày 7/10/2023.
Nhiều quan chức Mỹ và phương Tây cho biết Israel không thể tự mình phá hủy chương trình hạt nhân của Iran nếu không có sự giúp đỡ của Washington, do Israel không có bom phá boongke cỡ lớn để phá hủy các cơ sở hạt nhân ngầm của Tehran tại Fordow và Natanz.
Tổng thống Biden không ủng hộ phương án Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2/10 cho biết ông sẽ không ủng hộ một cuộc tấn công của Israel vào các địa điểm hạt nhân của Iran. Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: Kyodo/TTXVN Phát ngôn của nhà lãnh đạo được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách xoa dịu phản ứng của Israel trước...