Mỹ điều tàu chiến thứ 6 đến gần Syria
Mỹ đã bố trí chiếc tàu chiến thứ sáu của nước này tại khu vực đông Địa Trung Hải, gần với năm tàu khu trục khác có trang bị tên lửa hành trình và có thể sớm trực tiếp tham gia tấn công Syria.
Thông tin trên được Reuters dẫn nguồn từ các quan chức quốc phòng tối qua. Theo đó, USS San Antonio, một tàu đổ bộ với vài trăm lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ trên boong, đã có mặt tại khu vực này nhưng không có kế hoạch đổ bộ lính thủy quân lục chiến lên bờ.
Một quan chức giấu tên nói rằng việc bố trí tàu USS San Antonio tại Địa Trung Hải chỉ là “giải pháp phòng ngừa.”
Giới quan chức cấp cao của Mỹ đều khẳng định rằng chiến dịch can thiệp của Mỹ, nếu có, cũng sẽ không dẫn đến việc đưa bộ binh Mỹ vào đất Syria. Các nhà quan sát dự đoán rằng mô hình chiến tranh lần này sẽ dựa chủ yếu trên lực lượng của tên lửa và máy bay ném bom xuất phát từ các tàu chiến và căn cứ không quân trong khu vực.
Tàu đổ bộ USS San Antonio. Ảnh: DefenceTalk
Tờ Washington Post đưa tin những phần tử cực đoan Hồi giáo chiến đấu chống lại quân đội Syria trong hàng ngũ phiến quân đang bắt đầu di chuyển vị trí các trụ sở cũng như kho tàng và các chủ thể quan trọng khác do lo sợ các cuộc không kích của Mỹ.
Video đang HOT
Tại khu vực phía Bắc Syria, nơi gần như hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy, một số nhà lãnh đạo Hồi giáo đã rút lên rừng núi, nơi họ dễ dàng tìm được nơi trú ẩn hơn khi có vụ đánh bom có thể xảy ra.
Theo VNE
Vì sao Mỹ cương quyết can thiệp quân sự vào Syria?
Mỹ đã tỏ thái độ sẵn sàng cho chiến dịch tấn công vào Syria và dường như đang chuẩn bị cho phương án này. Vì sao chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama lại muốn can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông?
Một hố chôn tập thể các nạn nhân thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng Syria ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8.
1. Nước Mỹ có thể bị coi thường vì nói mà không làm
Khi Tổng thống Obama gọi việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là một "lằn ranh đỏ", chính quyền các nước vốn bị Mỹ gọi là nguy hiểm, như Iran và Triều Tiên, sẽ theo dõi sít sao để xem ông chủ Nhà Trắng muốn nói điều gì. Nếu lằn ranh đó bị vượt qua và Mỹ không hành động gì, điều đó đồng nghĩa với việc các cảnh báo của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế có thể bị phớt lờ và bị coi thường.
2. Vũ khí hóa học có thể tiếp tục được sử dụng trong tương lai
Hơn 100.000 người Syria đã thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng tại Syria. Chỉ riêng điều đó cũng có thể làm thức tỉnh lương tâm của con người. Nhưng việc sử dụng vũ khí hóa học là đặc biệt nguy hiểm. Lo ngại trước các ảnh hưởng của vũ khí hóa học trong chiến trận, các quốc gia đã ngồi lại với nhau trong những năm qua để đưa ra các lệnh cấm quốc tế về việc sử dụng vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, Mỹ tin rằng chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học để sát hại hàng trăm dân thường hồi tuần trước. Nếu Mỹ bỏ qua việc đó mà không có phải ứng gì, đây có thể không phải lần cuối cùng con người nhìn thấy các vũ khí hóa học được sử dụng. Các vũ khí hóa học không chỉ "hấp dẫn" các nhà lãnh đạo từ chối từ bỏ quyền lực, mà chúng còn có thể xuất hiện trong các cuộc chiến khác và là vũ khí lý tưởng cho các nhóm khủng bố muốn kích động tối đa nỗi sợ hãi.
3. Cuộc chiến càng lan rộng, các lựa chọn càng ít dần
Cho tới nay, Mỹ phần lớn đứng ngoài cuộc nội chiến tại Syria. 2 năm trước, Tổng thống Obama tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad phải ra đi. Một năm trước, ông Obama đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng về "lằn ranh đỏ". Nhưng bất kỳ hi vọng nào về việc Syria có thể tự giải quyết cuộc nội chiến chỉ đưa đến hệ quả tồi tệ.
Theo giới phân tích, Mỹ đáng lẽ nên hỗ trợ hậu cần và vật chất cho các nhóm ôn hòa hơn trong phe nổi dậy ngay từ những ngày đầu. Việc Washington không hành động sớm đã dẫn tới hệ quả là không còn nhiều lựa chọn tốt, khi Mỹ muốn Tổng thống Assad bị lật đổ nhưng phe đối lập lại bị thống trị bởi các phần tử cực đoan, mà một trong số đó có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.
Trong khi đó, cuộc chiến đang vượt ra ngoài biên giới Syria. Hàng triệu người Syria đã phải rời bỏ nhà cửa, làm ảnh hưởng tới Jordan, Li-băng, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và thậm chí Israel. Cuộc chiến đe dọa nhấn chìm khu vực. Trung Đông vẫn là khu vực dễ bùng nổ nhất trên thế giới, dù khu vực này sản xuất một lượng lớn dầu mỏ của thế giới và nằm ở điểm giao của thương mại toàn cầu.
4. Nếu không hành động, Mỹ sẽ trao chiến thắng cho Tổng thống Assad, Iran và Hezbollah
Chính quyền Obama đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công chống lại Syria nhằm trừng phạt Tổng thống Assad và gửi đi một thông điệp với thế giới, hơn là tìm cách thay đổi chiều hướng của cuộc nội chiến. Nhưng nhiều hướng của cuộc nội chiến cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Nếu không có hành động mạnh mẽ từ Mỹ, các bước đi mới nhất của Tổng thống Assad sẽ mang lại chiến thắng cho chính quyền của ông và các đồng minh chủ chốt là Iran và Hezbollah. Mỹ tin rằng việc tạo động lực cho liên minh này cũng đồng nghĩa với việc đi ngược lại sự ổn định và hòa bình của khu vực cũng như toàn cầu.
5. Lòng thù hận sẽ kéo dài tấn bi kịch
Cuộc chiến tại Syria đã kéo dài 2 năm rưỡi. Trong thời gian đó, cuộc chiến đã gia tăng cấp độ tàn bạo và sự tàn sát.
Cuộc nội chiến tại Syria cũng ngày càng trở thành một cuộc chiến giáo phái. Giờ đây, đó là một tình cảnh rối ren và tràn ngập hận thù giữa người Sunni, Shite, người Allawite, người Cơ đốc giáo, người Kurd và các sắc tộc khác. Nhiều người bị sát hại vì nguồn gốc sắc tộc của họ.
Điều đó có thể gây ra các hận thù qua nhiều thế hệ và làm bùng phát các cuộc chiến mới. "Đám cháy" này càng kéo dài lâu thì nó càng có nguy cơ tạo ra các "đám cháy" mới, lan tới cả tương lai.
Theo VNE
Anh rút lui, Mỹ tính hành động đơn phương Mỹ có thể sẽ phải hành động mà không có sự hỗ trợ của đồng minh đáng tin cậy nhất, sau khi những nhà lập pháp Anh bỏ phiếu không tán thành việc tấn công vũ trang trừng phạt Syria. Thủ tướng Anh - David Cameron trong cuộc họp tối qua. Ảnh: The Guardian. "Chúng tôi đã biết quyết định của Nghị viện...