Mỹ điều chỉnh chính sách bán vũ khí cho Việt Nam
Bộ Ngoại giao Mỹ ra văn bản chính thức nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, trong đó quy định việc chuyển giao vũ khí sát thương phục vụ an ninh biển có thể được cân nhắc từng trường hợp.
Một chiếc máy bay giám sát P-3 Orion, loại máy bay mà Washington có thể sẽ bán cho Hà Nội. Ảnh: Aviation Spectator.
Văn bản có tên gọi “Sửa đổi trong giao dịch quốc tế về quy chế vũ khí: Chính sách xuất khẩu sang Việt Nam” và đã được bà Rose E. Gottemoeller, Thứ trưởng phụ trách về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, ký, trang tin Federal Register cho hay.
“Bộ đã xác định rằng vì lợi ích tốt nhất của Mỹ trong chính sách đối ngoại, an ninh quốc gia, việc xuất khẩu vũ khí sát thương cũng như dịch vụ quốc phòng sang Việt Nam có thể được xem xét theo từng trường hợp khi cần hỗ trợ an ninh hàng hải”, văn bản có đoạn.
Theo đó, dựa trên từng trường hợp, Washington có thể xuất khẩu vũ khí sát thương và dịch vụ quốc phòng để củng cố khả năng an ninh hàng hải và cảnh báo; vũ khí phi sát thương và dịch vụ quốc phòng; hoặc vũ khí phi sát thương và thiết bị an toàn cho vũ khí sát thương.
Video đang HOT
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết văn bản có hiệu lực ngay từ ngày ký 10/11.
Washington hôm 2/10 dỡ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhằm giúp Hà Nội thúc đẩy an ninh hàng hải. Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các trang thiết bị mới sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tuần tra và phòng thủ trên Biển Đông nhưng trong tương lai, các vũ khí được bán có thể bao gồm cả hệ thống phòng không và tàu thuyền.
Các nguồn tin Mỹ khi đó còn cho rằng Washington có thể sẽ bán cho Việt Nam các máy bay giám sát P-3 Orion đã qua sử dụng, do hãng Lockheed Martin sản xuất. Các phi cơ này hiện được thay thể bằng thế hệ máy bay P-8A mới hơn của hãng Boeing.
Như Tâm
Theo VNE
Đề xuất điều chỉnh mức thu nhà máy lọc dầu Dung Quất
Quảng Ngãi đề xuất Bộ Tài chính giảm dự toán thu ngân sách của nhà máy lọc dầu Dung Quất vì cho rằng mức thu vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng trong năm tới là khó khả thi.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2015 nhằm tạo điều kiện xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội phù hợp với thực tế địa phương.
Ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong điều kiện giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh (giảm khoảng 25% so với giữa năm 2014) thì Bộ Tài chính giao nguồn thu năm 2015 cho nhà máy lọc dầu Dung Quất đến 28.600 tỷ đồng (vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng so với dự tính ban đầu) là khó thực hiện.
Bồn, bể chứa nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Trí Tín.
"Điều này sẽ gây khó cho địa phương trong việc xây dựng các chỉ tiêu như giá trị sản xuất công nghiệp, tổng sản phẩm GDP... vào năm tới", ông Chữ nói.
Trước tình hình này, Quảng Ngãi đề xuất Bộ Tài chính thời gian tới nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhập khẩu xăng, dầu từ đó sẽ tăng nguồn thu điều tiết từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, đảm bảo dự toán thu được giao.
Ông Chữ cho rằng muốn hoàn thành nguồn thu đạt 28.600 tỷ đồng thì năm tới nhà máy này phải hoạt động đến 112% công suất thiết kế (đạt sản lượng hơn 6,6 triệu tấn) là khó khả thi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn, cho rằng nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động hết mức cũng chỉ đạt 105% công suất thiết kế chứ không thể tăng cao hơn được nữa.
Theo kế hoạch gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, năm 2015, Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn sản xuất, tiêu thụ khoảng hơn 5,7 triệu tấn dầu. Từ năm 2010 đến 2013, nhà máy sản xuất gần 23,4 triệu tấn, công suất hoạt động trung bình đạt hơn 5,8 triệu tấn mỗi năm.
Trí Tín
Theo VNE
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Sẽ không "máy móc" trong điều chỉnh giá xăng dầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: "Nếu theo Nghị định 84 thì đáng lẽ chúng ta phải chờ đến ngày 27/11 mới được giảm giá. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là khi giá xăng dầu thế giới đã giảm thì không máy móc thực hiện theo quy định đó". Bên hành lang Quốc hội hôm nay 7/11,...