Mỹ di tản hầu hết nhân viên đại sứ quán tại Ai Cập
Bộ ngoại giao Mỹ hôm qua đã ra lệnh di tản hầu như toàn bộ nhân viên đại sứ quán nước này tại Ai Cập, chỉ ít giờ sau khi quân đội phế truất Tổng thống Mohamed Morsi. Trong khi đó các nước Ả rập và vùng Vịnh lại ủng hộ cuộc đảo chính này.
Một người biểu tình ủng hộ ông Morsi bị hành hung trong cuộc biểu tình ngày 3/7
Trước những biến chuyển nhanh chóng tại Ai Cập, một khuyến cáo về đi lại được Bộ ngoại giao Mỹ đưa ra đã xác nhận việc cơ quan này “ra lệnh cho các nhân viên không thiết yếu của chính phủ Mỹ và thành viên gia đình họ rời khỏi Ai Cập do những bất ổn về chính trị và xã hội”.
Trong các ngày thứ Ba và thứ Tư vừa qua, đại sứ quán Mỹ tại Ai Cập thường trở thành mục tiêu tấn công giữa lúc các cuộc biểu tình không ngừng leo thang.
Do ngày 4/7 là Quốc khánh Mỹ, đồng thời hai ngày cuối tuần lại là dịp nghỉ lễ của người Ả rập, nên đại sứ quán Mỹ tại đây sớm nhất phải tới Chủ nhật này mới mở cửa trở lại.
Cảnh báo đi lại của Bộ ngoại giao Mỹ cũng nhận định: “những bất ổn chính trị…có thể xấu đi trong tương lai gần”. Do vậy cơ quan này khuyên mọi công dân Mỹ “tránh du lịch tới Ai Cập, còn những người đang sinh sống tại tại đây thì rời đi bởi những bất ổn chính trị và xã hội liên tục”.
Video đang HOT
Hôm thứ Sáu tuần trước, một công dân Mỹ đã bị sát hại tại thành phố cảng Alexandria trong một cuộc biểu tình. “Các công dân phương Tây và công dân Mỹ thường bị mắc kẹt giữa các cuộc đụng độ và biểu tình”, thông báo viết.
Dù vậy Bộ ngoại giao Mỹ cũng cho biết chưa có kế hoạch sắp xếp các chuyến bay riêng đặc biệt hoặc tài trợ cho việc di tản người Mỹ bằng đường không.
Thế giới Ả rập ủng hộ lật đổ ông Morsi
Trong khi Mỹ và các nước Tây Âu bày tỏ lo ngại về tình hình tại Ai Cập, lãnh đạo nhiều quốc gia Ả rập và vùng Vịnh đã lên tiếng ủng hộ việc lật đổ ông Morsi.
Quốc vương Ả rập xê út Abdullah đã gửi một thông điệp chúc mừng tới người đứng đầu Tòa án hiến pháp Ai Cập, ông Adli Mansour, sau khi ông được chọn làm lãnh đạo lâm thời của Ai Cập, hãng thông tấn quốc gia Ả rập xê út SPA khẳng định.
“Nhân danh người dân Ả rập xê út và bản thân tôi, chúng tôi chúc mừng sự lãnh đạo của ngài đối với Ai Cập trong giai đoạn lịch sử quan trọng này. Chúng tôi cầu Chúa giúp ngài đảm đương trách nhiệm được trao, để đạt được những mong muốn của người dân Ai Cập anh em”, thông điệp viết.
Các quốc gia vùng Vịnh khác cũng ủng hộ hành động của quân đội Ai Cập.
“Hoàng thân Abdullah bin Zayed al-Nahayan, Bộ trưởng ngoại giao của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn rằng những người dân Ai Cập vĩ đại có thể vượt qua thời khắc khó khăn mà Ai Cập đang phải trải qua”, hãng thông tấn quốc gia WAM của UAE khẳng định.
“Hoàng thân Abdullah cho rằng quân đội Ai Cập vĩ đại đã chứng minh một lần nữa rằng họ là bức rào chắn của Ai Cập, và là người bảo vệ, tấm lá chắn vững chắc có thể đảm bảo Ai Cập sẽ tiếp tục là một quốc gia của thể chế và luật pháp”, thông báo viết tiếp.
Riêng Qatar, quốc gia vùng Vịnh duy nhất công khai ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo thì chưa có bình luận nào.
Theo Dantri
Tổng thống Ai Cập và các cộng sự bị bắt giam
Tổng thống bị lật đổ của Ai Cập Mohamed Morsi hiện đang bị giam giữ tại một cơ sở của quân đội cùng các đồng minh thân cận. Cảnh sát Ai Cập cũng đã ra lệnh bắt giữ 300 lãnh đạo và thành viên của phong trào Anh em Hồi giáo của ông Morsi.
Ông Mohammed Morsi (giữa) bị lật đổ chỉ 1 năm sau khi lên nắm quyền
Thông tin vừa được một thành viên cấp cao của phong trào Anh em Hồi giáo xác nhận với hãng tin AFP sáng nay.
"Morsi và toàn bộ đội ngũ cộng sự của Tổng thống đang bị quản thúc tại câu lạc bộ vệ binh cộng hòa của Tổng thống", Gehad El-Haddad, con trai của một cộng sự thân cân hàng đầu của ông Morsi khẳng định.
Cha của Haddad là Essam El-Haddad, một người được xem như cánh tay phải của ông Morsi, cũng nằm trong số những người bị bắt giữ, Haddad cho biết thêm.
Hiện người phát ngôn của quân đội Ai Cập chưa có bình luận gì về thông tin ông Morsi bị bắt. Trong khi đó, vẫn theo AFP, các cộng sự cấp cao của ông Morsi đều đã tắt điện thoại. Các nhân viên khác trong dinh tổng thống, những người bị chia tách khỏi ông Morsi trước đó cho biết họ đã mất liên lạc với vị Tổng thống.
Một vị tướng cảnh sát thì xác nhận với AFP rằng các lực lượng an ninh đang truy bắt 300 lãnh đạo và thành viên của phong trào Anh em Hồi giáo.
Cảnh sát đến nay đã bắt giữ Saad al-Katatni, người đứng đầu đảng Tự do và Công lý của ông Morsi và Rashad Bayoumi, phó lãnh đạo tối cao của Anh em Hồi giáo, vị tướng trên cho biết.
Trong tối qua,tư lệnh các lực lượng vũ trang Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi đã tuyên bố tạm đình chỉ hiến pháp và bổ nhiệm người đứng đầu Tòa án hiến pháp Tối cao, ông Adly Mansour, làm lãnh đạo lâm thời của Ai Cập. Ông Mansour sẽ tuyên thệ nhậm chức trong ngày hôm nay.
Theo kênh truyền hình Aljazeera, trong bài phát biểu trên truyền hình với sự có mặt của các lãnh đạo quân đội, lãnh đạo tôn giáo và các nhân vật chính trị, ông Sisi kêu gọi tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội, thành lập ủy ban rà soát hiến pháp và một ủy ban hòa giải dân tộc với sự tham gia của các phòng trào thanh niên.
Theo Dantri
Thế giới Arab phản ứng trái chiều về đảo chính ở Ai Cập Việc quân đội Ai Cập lật đổ tổng thống Mohammed Morsi gây ra những phản ứng trái chiều, từ vui mừng tới giận dữ, sửng sốt tại các nước Arab vốn đang bị chia rẽ. Ông Mohammed Morsi trong cuộc tranh cử tổng thống. Ảnh: AP Tại Syria, nơi một cuộc nổi loạn chống Tổng thống Bashar al-Assad cách đây hơn hai năm...