Mỹ đẩy mạnh ‘tái cân bằng’ ở châu Á
Giai đoạn tiếp theo trong chiến lược tái bố trí quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ được Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter công bố ngay trước chuyến thăm châu Á.
Tàu ngầm hiện đại lớp Virginia đến châu Á – Thái Bình Dương – Ảnh: US Navy
Đêm qua, ông Ash Carter đã đến Tokyo, mở đầu chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mà ông đảm nhận từ tháng 2.2015. Trước khi đi Nhật Bản, ông có bài phát biểu sáng 6.4 (giờ Mỹ) tại Viện McCain ở Đại học bang Arizona, được giới quan sát đánh giá là “hơi bất thường” khi “lấn” qua cả lĩnh vực kinh tế.
Thành tố trung tâm
Trong bài phát biểu, ông Carter kêu gọi Thượng viện Mỹ và 11 quốc gia khác tham gia đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhanh chóng hoàn tất thỏa thuận này, bởi TPP được coi là một thành tố trung tâm trong chiến lược ngoại giao “ tái cân bằng” về châu Á của Washington sau hơn một thập niên lún vào chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. “Việc thông qua TPP đối với tôi cũng quan trọng như được cấp thêm một hàng không mẫu hạm”, ông Carter phát biểu.
Trên phương diện quân sự, vị tân chủ Lầu Năm Góc tuyên bố: “Đích thân tôi cam kết theo đuổi giai đoạn tiếp theo của chính sách tái cân bằng này, bởi nó cho phép chúng tôi can dự sâu hơn và đa dạng hơn với khu vực”. Bước đầu tiên trong giai đoạn này, “chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho các phương tiện quân sự tương lai đặc biệt phù hợp với môi trường an ninh năng động và phức tạp của châu Á – Thái Bình Dương”, ông nói. Trang bị máy bay ném bom tàng hình tầm xa, tên lửa hành trình chống hạm tầm xa tân tiến, hay năng lực tái thiết các đường băng nhanh chóng… là một số ví dụ mà ông Carter nói rằng có thể giúp các lực lượng của Mỹ “sống sót trong những tình huống khủng hoảng”. Ngoài ra, phát triển các loại hình chiến tranh không gian, chiến tranh điện tử, hay một số dạng “bất ngờ” khác cũng nằm trong kế hoạch của Lầu Năm Góc, ông cho biết.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ triển khai đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương những phương tiện phù hợp mà nước này đã phát triển trong thập niên qua, ông Carter nói. Đó là tàu ngầm lớp Virginia phiên bản mới nhất, máy bay trinh sát Poseidon P-8, các chiến đấu cơ hiện đại F-22, F-35, máy bay ném bom tầm xa như
B-2, B-52… “Và trong bối cảnh khu vực đứng trước mối đe dọa tên lửa, chúng tôi đang tiến hành triển khai thêm 2 tàu chống tên lửa Aegis”, ông cho biết và nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa những công nghệ tối tân, chẳng hạn như các loại vũ khí, khí tài hải quân, không quân mới nhất, vào toàn vùng Thái Bình Dương”.
Củng cố quan hệ đồng minh
Mặt khác, Mỹ cũng “liên tục làm mới các mối quan hệ đồng minh từng có từ thời Chiến tranh lạnh” cũng như vun đắp các mối quan hệ mới, ông Carter nói. “Khi tới Nhật Bản, chúng tôi sẽ hoàn tất một bộ quy tắc Hướng dẫn hợp tác quốc phòng” đóng vai trò nền tảng trong mối quan hệ đồng minh, cho phép hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực không gian và không gian mạng. Ông Carter sẽ gặp gỡ Thủ tướng Shinzo Abe và các quan chức Nhật Bản trong hôm nay và ngày mai, bộ quy tắc hướng dẫn này dự kiến sẽ được ký kết vào cuối tháng 4.2015 khi ông Abe thăm chính thức Washington.
Video đang HOT
Rời Tokyo, ông Carter sẽ đến Hàn Quốc “để bàn hợp tác tăng cường năng lực phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên” nhằm đối phó với mối đe dọa đến từ nước láng giềng ưa khiêu khích của Seoul. Ông Carter cũng cho biết khả năng sẽ thiết lập những “hợp tác ba bên chưa có tiền lệ”, chẳng hạn với Nhật Bản và Úc để tăng cường an ninh biển trong khu vực Đông Nam Á, hoặc với Nhật Bản và Hàn Quốc để xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin đầu tiên trong khu vực nhằm “cùng nhau ngăn chặn và phản ứng kịp thời với các tình huống khủng hoảng”.
Chưa hết, cuối tháng 5 và đầu tháng 6 tới, ông Carter sẽ trở lại Đông Nam Á, tham dự Đối thoại Shangri-La tại Singapore và thăm Ấn Độ. Hồi tháng 1.2015, trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama, Mỹ và Ấn Độ đã nhất trí về một Thỏa thuận khung hợp tác quốc phòng song phương. Chuyến thăm New Delhi của ông Carter sắp tới dự kiến sẽ thực sự đưa hai nước vào hợp tác an ninh biển và công nghiệp quốc phòng.
Riêng đối với Đông Nam Á, ông Carter nhấn mạnh các hợp tác với Philippines, VN, Malaysia và Indonesia bằng cách cung cấp những phương tiện tăng cường an ninh biển và giảm thiểu thiên tai, hay hỗ trợ Singapore thiết lập trung tâm chia sẻ thông tin và cứu trợ thảm họa.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Theo Thanhnien
Mỹ mở giai đoạn mới trong chiến lược "xoay trục" sang châu Á
Chính quyền Obama đang mở một giai đoạn mới trong chiến lược "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương bằng việc đầu tư vào các vũ khí công nghệ cao như máy bay ném bom tàng hình tầm xa và tên lửa hành trình chống hạm mới, và mở rộng các quan hệ đối tác thương mại.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter (Ảnh: Defense)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết thông tin trên trong bài phát biểu đáng chú ý tại Đại học Arizona hôm qua 6/4. Bài phát biểu đã nêu rõ lý do khiến chính quyền Mỹ dành sự chú ý nhiều hơn đến châu Á.
"Tôi sẽ đích thân giám sát giai đoạn mới của chiến lược tái cân bằng, điều sẽ làm tăng cường và đa dạng hóa cam kết của chúng tôi trong khu vực", ông chủ Lầu Năm Góc cho hay.
Trong bối cảnh xung đột và bất ổn gia tăng trên khắp Trung Đông, cũng như những lo ngại về sự can thiệp của Nga tại Ukraine, các bình luận của ông Carter dường như nhằm thuyết phục người Mỹ, và có lẽ quan trọng hơn là các đồng minh của Washington tại châu Á, về cam kết của Mỹ đối với chính sách "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương.
Châu Á-Thái Bình Dương định hình tương lai của Mỹ
Ông Carter, người đã ủng hộ mạnh mẽ việc Mỹ chú ý hơn tới châu Á khi còn làm thứ trưởng quốc phòng giai đoạn 2011-2013, cho hay Thái Bình Dương là khu vực định hình cho tương lai của Mỹ, bất chấp các thách thức đang gia tăng tại Trung Đông và châu Âu.
Ông Carter đã đưa ra một loạt số liệu để nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Á đối với tương lai của Mỹ, trong đó có điều mà ông dự đoán là một nửa dân số thế giới sẽ sống tại đó vào năm 2050.
Trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương, ông Carter đã nói rõ rằng các sự kiện của thế giới trong năm qua không làm ông sao nhãng về chính sách tái cân bằng tại châu Á.
Ông Carter cho hay mục tiêu của ông là "nghĩ về những nơi và những sự kiện" sẽ thay đổi an ninh trong tương lai và xem Thái Bình Dương là trung tâm của tương lai đó.
Những bình luận của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ diễn ra chỉ ít giờ trước khi ông bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2.
Bài phát biểu đã vạch ra một lộ trình mà ông Carter xem là cách thức tiếp cận của Lầu Năm Góc đối với Thái Bình Dương.
Lộ trình bao gồm việc đặt trọng tâm vào các công nghệ mới, như máy bay ném bom tấn công tầm xa, tên lửa hành trình chống hạm mới. Kế hoạch cũng bao gồm việc duy trì các công nghệ hiện thời, như máy bay chiến đấu F-35, đi đúng theo kế hoạch và không bị sụt giảm sản xuất.
TPP quan trọng như một tàu sân bay mới
Tuy nhiên, ông Carter nhấn mạnh rằng chìa khóa quan trọng nhất là các mối quan hệ giữa các quốc gia.
"Phép màu của sự phát triển nhanh chóng" trên khắp châu Á có được một phần là do sự hiện diện lâu dài và các mối quan hệ của Mỹ, ông Carter nói, và khẳng định rằng các mối quan hệ này sẽ là một phần quan trọng trong thông điệp của ông trong chuyến thăm tới khu vực tới đây.
Mỹ và Nhật đang phác thảo các đường hướng mới để đưa sự hợp tác "lên một cấp độ hoàn toàn mới" ông Carter nói. Ông cũng nhắc tới một thỏa thuận chia sẻ thông tin 3 bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Và ngoài các đồng minh truyền thống, ông Carter cũng nhắc tới các quốc gia như Việt Nam.
Ông Carter đã nhấn mạnh tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông gọi TPP là một phần quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển hướng sự chú ý sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau một thập niên tập trung vào các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.
Ông Carter nói TPP cũng quan trọng như một tàu sân bay mới, và miêu tả thỏa thuận là một ưu tiên cấp thiết. "Thời gian đang sắp hết", ông nói, trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang thúc đẩy các thỏa thuận thương mại riêng mà không có Mỹ. Ông Carter đã kêu gọi quốc hội trao quyền cho Tổng thống Barack Obama để hoàn tất đàm phán về TPP.
Mỹ-Trung không phải đồng minh, nhưng cũng không phải địch thủ
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng quốc phòng, người dự kiến sẽ thăm Trung Quốc trong năm nay, cho hay Mỹ đặc biệt lo ngại về một số khía cạnh trong đường hướng tiếp cận ngày càng hung hăng của Bắc Kinh. Ông Carter nói, thách thức chiến lược trung tâm của thế hệ người Mỹ ngày nay là đảm bảo hòa bình và thịnh vượng khắp châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh.
Ông Carter cũng khẳng định mặc dù "Mỹ và Trung Quốc không phải là đồng minh nhưng chúng tôi cũng không phải địch thủ".
"Tôi phản đối suy nghĩ rằng Trung Quốc mạnh lên là thất bại của chúng tôi. Có một kịch bản khác mà trong đó mọi người đều thắng. Đó là sự tiếp tục các thập niên hòa bình và ổn định, được hỗ trợ bởi vai trò mạnh mẽ của Mỹ, trong đó tất cả các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phát triển và thịnh vượng", ông Carter nói.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ có 2 chuyến công du châu Á trong tháng 4 và 5. Chuyến thăm đầu tiên của ông tới châu Á trong tuần này trên cương vị ông chủ Lầu Năm Góc, với các điểm đến là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc tăng cường và hiện đại hóa các liên minh của Mỹ tại Đông Bắc Á.
Vào tháng 5, ông Carter sẽ tới thăm Singapore và Ấn Độ nhằm xây dựng và tăng cường các quan hệ đối tác đang phát triển tại Đông Nam Á và Nam Á, theo tuyên bố của Bộ quốc phòng Mỹ trước đó.
An Bình
Tổng hợp
Theo dantri
Ấn Độ và tham vọng hiện đại hóa quân đội Ấn Độ đang đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng quân đội của nước này bằng hàng loạt các thỏa thuận quốc phòng trị giá nhiều tỉ USD. New Delhi đã không ngần ngại chi mạnh cho các dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân, chiến hạm và chiến đấu cơ thế hệ mới. Tàu ngầm lớp Shishumar của Ấn Độ -...