Mỹ đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam về Biển Đông
Chính quyền Mỹ khẳng định ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam về Biển Đông.
Sáng ngày 4/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có buổi tiếp Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, Đặc phái viên Tổng thống, Trưởng đoàn Mỹ dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Cố vấn An ninh Quốc gia Robert Charles O’Brien tại buổi tiếp. (Ảnh: TTXVN)
Hai bên tỏ hài lòng về sự phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam – Mỹ thời gian qua, thống nhất cùng phối hợp triển khai các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước trong năm 2020, khi hai nước kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Mỹ và Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong năm tới, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại tăng trưởng trên cơ sở cùng có lợi.
Về phần mình, Đặc phái viên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien bày tỏ mong muốn của Tổng thống Trump và chính quyền Mỹ tiếp tục tăng cường quan hệ với Việt Nam và ASEAN, ủng hộ vai trò của các nước ASEAN, đẩy mạnh hợp tác tại tiểu vùng Mê Công, khẳng định ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh giá cao lập trường nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông cũng như các vấn đề an ninh và kinh tế tại khu vực.
Video đang HOT
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan, sáng 3/11, tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 22.
Về Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới và không gian an ninh, phát triển của khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của mọi quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán, đã được bày tỏ nhiều lần tại các diễn đàn ở các cấp.
Thủ tướng khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho các tiến trình xây dựng luật lệ, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
(Nguồn: BNG)
VĂN ĐỨC
Theo vtc.vn
Tân Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: "Tính cách mềm mỏng không có nghĩa là chính sách mềm mại"
Ông Robert O'Brien - một chuyên gia đàm phán và đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa vừa được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ.
Tuy nhiên, không giống như người tiền nhiệm John Bolton, ông O'Brien được coi là một lựa chọn khá an toàn và không mấy bất ngờ của Tổng thống Trump.
Tổng thống Mỹ và ông Robert O'Brien trước chuyến công tác tới Los Angeles ngày 18-9
Nhà đàm phán nhiều kinh nghiệm
Theo tờ New York Times, ông Robert O'Brien, 53 tuổi, là cựu luật sư ở Los Angeles từng làm việc cho chính phủ trước khi trở thành phái viên của Bộ Ngoại giao chuyên về đàm phán con tin. Bạn bè nhận xét rằng, tính cách dễ mến đã mang lại cho ông nhiều đồng minh trong chính quyền của Tổng thống Trump. Đáng chú ý là Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn của Tổng thống Mỹ Jared Kushner đều ủng hộ việc ông được bổ nhiệm.
Tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ có bằng luật tại Đại học California ở Berkeley. Trước khi học về luật, ông O'Brien cũng từng nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học California ở Los Angeles. Từ năm 1996 - 1998, ông O'Brien là một quan chức pháp lý cấp cao tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sau đó, ông làm việc cho các Ngoại trưởng Mỹ như Condoleezza Rice và Hillary Clinton. Tuy nhiên câu hỏi nhiều người đang thắc mắc là, liệu nền tảng của O'Brien có đủ để giúp ông đương đầu vô số thách thức trong công việc mới hay không.
Thực tế, O'Brien không hoàn toàn lạ lẫm với Phòng Tình huống. Là nhà đàm phán con tin hàng đầu của chính phủ Mỹ, ông đã tương tác với các quan chức quân sự, tình báo và ngoại giao trong nỗ lực giải phóng tù nhân Mỹ trên toàn cầu. Những người được trả tự do sau các cuộc đàm phán của ông gồm Andrew Brunson (mục sư bị Thổ Nhĩ Kỳ giữ trong 2 năm) và Daniel Lavone Burch (kỹ sư công ty dầu mỏ bị bắt cóc ở Yemen).
Kinh nghiệm đàm phán con tin của ông O'Brien có thể được coi là một lợi thế cho Tổng thống Trump khi Cố vấn an ninh quốc gia "có khả năng và sẵn sàng trao đổi về các thách thức của Mỹ". Ông được đánh giá là một lựa chọn chắc chắn sẽ củng cố thêm các quyết định của chính quyền Tổng thống Trump.
Gần đây nhất, ông O'Brien có vai trò quan trọng trong việc giúp Rapper A$AP Rocky được thả khỏi nhà tù Thụy Điển khi anh này đối mặt với cáo buộc tấn công 1 người đàn ông ở Stockholm hồi đầu năm nay. Ông O'Brien cũng có mặt tại phiên tòa ở Thụy Điển khi phiên xét xử Rocky diễn ra đầu tháng 8-2019.
Trường phái đối ngoại bảo thủ truyền thống
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ chính thức được gọi là Trợ lý Tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia. Vị trí này được nhìn nhận như cánh tay nối dài của Tổng thống, hỗ trợ đắc lực trong tư vấn độc lập về các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại. Văn phòng của Cố vấn an ninh quốc gia nằm trong Nhà Trắng, gần văn phòng của Tổng thống. Trong tình huống khẩn cấp, Cố vấn an ninh quốc gia sẽ cập nhật ngay với Tổng thống tại Phòng Theo dõi tình hình.
Phong cách cá nhân của O'Brien là yên tĩnh, kỷ luật, mềm mỏng, nhưng không đồng nghĩa với một chính sách đối ngoại mềm mại. Robert O'Brien được cho là có nhiều quan điểm chính sách đối ngoại theo hướng bảo thủ truyền thống và ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc, Iran và Nga. Đặc biệt, ông đã đi trước nhiều năm trong việc gọi Bắc Kinh là mối đe dọa lớn đối với lợi ích của Washington nhưng từng bị chỉ trích nặng nề vì điều đó. Quan chức này cũng đã chỉ trích mạnh mẽ các quyết định về chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama, đặc biệt là thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 mà Tổng thống Trump vừa rút khỏi hồi năm 2018.
Theo Reuters, kinh nghiệm đàm phán con tin của ông O'Brien có thể được coi là một lợi thế cho Tổng thống Trump khi Cố vấn an ninh quốc gia "có khả năng và sẵn sàng trao đổi về các thách thức của Mỹ". Ông được đánh giá là một lựa chọn chắc chắn sẽ củng cố thêm các quyết định của chính quyền Tổng thống Trump.
Theo anninhthudo
Cố vấn An ninh Quốc gia mới của TT Trump có khiến căng thẳng Mỹ - Iran hạ nhiệt? Theo chuyên gia Trung Đông Gwenyth Todd, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn nhà thương thuyết giải cứu con tin Robert O'Brien làm tân Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ để thúc đẩy nỗ lực ngoại giao với những nước như Iran và Triều Tiên. "Tôi coi ông O'Brien là nỗ lực nhằm xoa dịu Ngoại trưởng Mike Pompeo và cánh...