Mỹ đang tước sinh kế của Trung Quốc
Theo Tiếng nói nước Nga, Hoa Kỳ cố tìm cách khai thác sử dụng nguồn nhân lực ở Trung và Nam Mỹ, đang ngày càng cạnh tranh mạnh hơn trong bối cảnh tăng mức tiền công lao động ở châu Á.
Photo: AP
Theo Tiếng nói nước Nga, Hoa Kỳ cố tìm cách khai thác sử dụng nguồn nhân lực ở Trung và Nam Mỹ, đang ngày càng cạnh tranh mạnh hơn trong bối cảnh tăng mức tiền công lao động ở châu Á.
Tại vùng ven biên của Hoa Kỳ và Mexico đã thành lập các khu công nghiệp, tích hợp điện giá rẻ và lao động giá rẻ. Theo dự đoán của các chuyên viên, hàng hóa Trung Quốc rồi sẽ bị đẩy bật ra khỏi thị trường khổng lồ của nước Mỹ, để các nhà sản xuất địa phương lên ngôi.
Công ty Mỹ The Boston Consulting Group đã tiến hành cuộc khảo sát trong các doanh nghiệp lớn. Hóa ra là ngay từ cuối năm 2013, hơn một nửa số công ty Mỹ với doanh thu hàng năm trên 1 tỷ USD đã chuyển dây chuyền sản xuất của mình trở về Mỹ, hoặc đang dự kiến làm như vậy. Các chuyên viên của Tập đoàn Tư vấn Boston đi đến kết luận rằng quá trình đưa sản xuất ở nước ngoài trở về nguồn ban đầu đang trở thành xu thế đối với những nền kinh tế phát triển.
Nhưng yếu tố gì đã gây ra xu thế này? Theo phân định của các chuyên viên, có một số lý do, trong đó chính yếu nhất, là đà tăng giá của lực lượng lao động ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhiều thập kỷ liên tục có giá thành sản xuất thấp do tiền công lao động rẻ đã là lợi thế cạnh tranh chính để hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới. Nhưng bây giờ mức sống ở Trung Quốc đang tăng lên, và tương ứng, sức lao động cũng đắt tiền hơn.
Trong một số lĩnh vực của ngành công nghiệp công nghệ cao ở Trung Quốc, giá công lao động đã ngang với chi phí ở Trung và Đông Âu. Ngoài ra, do bùng phát những vấn đề môi trường sinh thái, giá năng lượng điện ở Trung Quốc cũng mỗi ngày một đắt thêm.
Trong khi đó ở nước Mỹ lại là quá trình ngược lại. Đẩy mạnh khai thác khí đá phiến sét làm hạ giá điện. Còn thất nghiệp gia tăng ở các nước Mỹ Latinh lại là hứa hẹn nhân công giá rẻ cho Hoa Kỳ. Vì vậy, đối với người Mỹ reshoring – đưa sản xuất ở nước ngoài trở về nguồn – là quyết định kinh doanh hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, ở đây cũng có những nguyên nhân khác, lý giải tại sao doanh nghiệp nước ngoài bỏ chạy khỏi Trung Quốc, ông Nikita Maslennikov cố vấn của Viện Phát triển đương đại nhận xét.
“Đe dọa rất nghiêm trọng đối với doanh nghiệp nước ngoài là tính chất mong manh của hệ thống tài chính Trung Quốc, đầy rẫy nguy cơ suy sụp và những khoản nợ không trả nổi của chính quyền địa phương. Cả nhịp độ thấp về tự do hóa nền kinh tế cũng không gây niềm lạc quan. Hành động của những nhà quản lý tiền tệ thì không rõ ràng. Họ hoặc là kích cầu tiếp xung lực tăng trưởng kinh tế, hoặc giải quyết những vấn đề đã tích tụ không ít”.
Video đang HOT
Quả thực, khối lượng tiền tín dụng trong nền kinh tế Trung Quốc đã là hơn 200% GDP. Để so sánh hãy xem những trường hợp khác: Nhật Bản sa vào cuộc suy thoái khi chỉ số tương tự là 230%. Còn cuộc khủng hoảng tín dụng thế chấp ở Mỹ nổ ra năm 2008 khi khối nợ trong nền kinh tế đã là gánh nặng 249% GDP. Vì vậy, nỗi e ngại của các doanh nhân nước ngoài ở Trung Quốc chẳng phải là vô căn cứ. Theo cố vấn Viện Phát triển đương đại Nikita Maslennikov, điều đó buộc các nhà đầu tư phải có khoảng tạm dừng và suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra tiếp theo với hệ thống tài chính và nền kinh tế của Trung Quốc.
Trong khi đó, quá trình đưa sản xuất ở nước ngoài trở về nguồn Mỹ đang giáng đòn đau làm thương tổn định hướng xuất khẩu của Trung Quốc, mà Hoa Kỳ vẫn là đối tác thương mại và đầu tư chính. Hoạt tính sản xuất tại Trung Quốc đang giảm sút, điều đó thể hiện qua các dữ liệu của bán niên thứ nhất. Theo thông tin của Tổng cục thống kê CHND Trung Hoa, trong giai đoạn từ tháng Giêng đến tháng Sáu mức tăng trưởng công nghiệp là dưới 7%, tức là thấp nhất trong hai năm lại đây.
Bản thân Trung Quốc sẽ xoay sở thế nào trong tình huống này? Rõ ràng là cần đặt cược vào thị trường nội địa. Nhưng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế không phải là quá trình mau lẹ dễ dàng. Các chuyên viên lưu ý: trong điều kiện khi xuất khẩu hàng hoá sản xuất bị chững lại, giải pháp tạm thời cho vấn đề này có thể là phát triển xuất khẩu dịch vụ. Đã có những thành tựu đầu tiên trong lĩnh vực này. Tỷ lệ dịch vụ trong GDP của Trung Quốc năm 2013 lần đầu tiên đã vượt hơn tỷ lệ sản xuất công nghiệp.
Với bất động sản, thương mại bán lẻ và tài chính chiếm 46% GDP, trong khi đóng góp của sản xuất công nghiệp chỉ là 44%. Nhưng vẫn còn có thể tăng thêm. Bởi ở các nước phát triển, lĩnh vực dịch vụ đảm bảo tới 70% khối lượng nền kinh tế.
Theo Bizlive
"Tăng lương mà không đuổi kịp tăng giá thì còn khổ hơn"
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng tăng lương mà không giảm lạm phát thì vô nghĩa.
Nhiều đại biểu Quốc Hội cho rằng, không thể trì hoãn thêm việc tăng lương hết năm nay qua năm khác. Nếu không làm cho người lao động có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động thì không thể thành công. Nhưng nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm lại nghĩ khác.
Thưa ông vì sao nợ công có xu hướng tăng nhanh?
Nợ công là khoản tiền chúng ta vay nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp và các khoản bội chi ngân sách để trang trải tất cả các khoản bao gồm mua sắm, xây dựng...và sau này ngân sách sẽ phải trả các khoản đó.
Sở dĩ nợ công đang có xu hướng tăng nhanh là do: Thứ nhất, chúng ta vay dàn trải cho xây dựng cơ bản. Thứ hai, do nhu cầu phát triển chúng ta cũng phải vay nợ nhiều để đầu tư, xây dựng cầu cảng, hệ thống hạ tầng giao thông...
Thứ ba, việc mua sắm trang thiết bị cho các cơ quan công sở từ địa phương tới trung ương cũng ngốn một khoản tiền không hề nhỏ. Cuối cùng, nạn tham nhũng, việc quản lý các khoản tiền vay nước ngoài chưa chặt chẽ cũng dẫn tới sự dàn trải, khấu hao, lãng phí, thậm chí thâm hụt ngân sách khá nhiều.
Bên cạnh đó, việc các đoàn đi công tác nước ngoài nhiều, quy hoạch treo, nợ thuế... cũng là những nguyên nhân khiến nợ công tăng nhanh bởi tiền đó cũng chi từ ngân sách ra. Nói cách khác, chi nhiều, hiệu quả kém chính là nguyên nhân đẩy nợ công tăng cao.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Tiền Phong
Muốn giảm nợ công phải xử lý tận gốc những tồn tại, khuyết điểm, yếu kém trên. Cụ thể, chúng ta phải đầu tư có chọn lọc, tập trung. Cũng cần chống bệnh "sỹ", bệnh thành tích, tránh hiện tượng cứ vay bừa phứa vào để mua sắm máy móc, thiết bị, xe cộ, xây dựng trụ sở mới... Ngoài ra cũng cần kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu, tránh lãng phí làm thâm hụt ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ, do dự trữ ngân sách nước ta hiện rất thấp nên không có nguồn để chi cho việc điều chỉnh tăng lương năm 2015. Thế nhưng, nhiều đại biểu Quốc Hội cho rằng, không thể trì hoãn thêm việc tăng lương hết năm nay qua năm khác. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Đúng là phải tăng lương cho người lao động do sức ép của lạm phát đang gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống của họ. Khi lạm phát không ngừng leo thang, thu nhập của họ ngày một giảm xuống, đời sống của người lao động không được đảm bảo thì đòi hỏi tăng lương là hợp lý.
Trong bối cảnh dự trữ ngân sách rất thấp như hiện nay, chúng ta không có điều kiện để đồng loạt tăng lương cho người lao động thì phải nghĩ ra cách giảm lạm phát. Nếu chỉ tính đến chuyện tăng lương mà không lo giảm lạm phát thì dù có tăng cao đến mấy đời sống của họ cũng càng tụt xuống. Nói cách khác, tăng lương sẽ trở nên vô nghĩa.
Vậy theo ông giải pháp hay để cải thiện đời sống của người lao động trong thời gian tới là gì?
Nếu không thể tăng lương cho mọi đối tượng thì trước tiên nhà nước phải chọn ra những thành phần khó khăn nhất như những người về hưu có lương thấp, những công nhân ở khu vực thực sự khó khăn, bức bách... để tăng lương cho họ trước.
Cùng với tăng lương phải kéo lạm phát xuống người dân mới được hưởng lợi, sức mua mới tăng lên chứ tăng lương mà không đuổi kịp tăng giá thì còn khổ hơn.
Tăng lương mà không giảm lạm phát thì vô nghĩa.
Với công chức, có đại biểu Quốc hội đề xuất chúng ta phải giảm biên chế, không thể hoãn tăng lương thì đời sống của họ mới đảm bảo, sức lao động mới được tái tạo. Nhưng đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương lại cho rằng hiện nay, bao nhiêu cán bộ công chức không làm được việc vẫn chưa xác định được. Theo ông cần giảm bao nhiêu % biên chế và làm thế nào để xác định được các đối tượng cần phải giảm?
Tôi nghĩ phải giảm từ 30 - 50% biên chế mới hợp lý. Họ là những đối tượng "thừa thãi", không làm được việc hoặc năng suất lao động quá kém. Ít nhất cũng phải giảm 1/3 tổng số công chức hiện có.
Làm gì có chuyện chúng ta chịu bó tay khi xác định công chức không làm được việc?! Có rất nhiều cách chẳng hạn chúng ta tiêu chuẩn hóa các tiêu chí cụ thể với công chức. Phân loại công chức theo bậc 1, 2, 3... Căn cứ vào đó ta theo dõi, giám sát, ai không làm được việc là biết ngay và phải loại bỏ luôn chứ không thể để hòa cả làng mãi như thế được.
Thảo luận tại Quốc hội ngày 23/10, các đại biểu đề nghị giữ nguyên cách tính lương hưu. Theo ông có nên không?
Nếu cứ để cách tính như hiện nay tôi nghĩ không còn phù hợp. Khi tính lương hưu phải tính tới thời hạn nghỉ hưu, đồng thời phải thu gọn các bậc lương hưu lại. Lương hưu cũng phải sát với năng suất lao động của từng loại đối tượng lao động để tạo động lực cho người ta phấn đấu, phát huy, không nên theo chủ nghĩa cào bằng.
Với tình hình hiện nay, tôi nghĩ việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ra quy định, người đóng bảo hiểm xã hội tối đa không quá 20 lần tiền lương cơ sở là chấp nhận được bởi nó sẽ tránh được sự chênh lệch bất hợp lý về lương hưu giữa các đối tượng khác nhau.
Ngoài ra, lao động hợp đồng 1 tháng cũng phải đóng bảo hiểm xã hội vì đó là quyền lợi chính đáng của người ta và doanh nghiệp sẽ không tận dụng được kẽ hở trong luật pháp như hiện nay để tước đi quyền lợi này của người lao động.
Xin cảm ơn ông!
Theo Khampha
Tăng lương bao nhiêu người Việt mới đủ sống? "Tôi không hài lòng với mức lương tối thiểu 3,1 triệu mà Hội đồng Tiền lương Quốc gia thông qua". Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2015. Theo đó, lương tối thiểu tại vùng 1 sẽ tăng 400.000 đồng so với 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng, các vùng khác, mức lương...