Mỹ đang quay trở lại “vạch xuất phát” trong chính sách với Trung Đông
Theo Tiến sĩ Mohamed, chiến dịch quân sự của Mỹ hiện nay chỉ đơn giản như là “sự trở lại vạch xuất phát” vào thời điểm trước chiến tranh Iraq 2003.
Những ngày vừa qua, cả thế giới đang dõi theo những hành động của Mỹ và phương Tây ở Trung Đông, nơi Mỹ và phương Tây đang triển khai các đợt không kích nhằm tiêu diệt tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở miền Bắc Iraq và Syria. Tuy nhiên, chiến dịch không kích của Mỹ và phương Tây sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến bàn cờ chiến lược tại khu vực?
Tiến sĩ Mohamed Troudi, chuyên gia nghiên cứu Viện hàn lâm địa chính trị Paris
Để trả lời câu hỏi này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Mohamed Troudi, chuyên gia nghiên cứu tại Viện hàn lâm địa chính trị Paris.
PV: Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về chiến dịch không kích mà Mỹ và các nước phương Tây đang tiến hành chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” ở miền Bắc Iraq và Syria?
Ông Mohamed Troudi: Hiện tại chúng ta chưa thể nói gì về kết quả của chiến dịch này được. Thực tế, đó đơn giản chỉ là ý định của Mỹ muốn thực hiện hành động chống lại cái mà người ta tuyên bố là “Nhà nước Hồi giáo”. Mỹ muốn tranh thủ sự ủng hộ của một số nước Arab như Saudi Arabia, Qatar để tiến hành chiến tranh.
Đó không phải là cuộc chiến tranh theo nghĩa gửi lục quân đến chiến đấu, mà ý định của Mỹ đơn giản chỉ là muốn làm yếu đi các phương tiện chiến tranh của phong trào này, trước hết là ngăn chặn sự phát triển của phong trào này ở Iraq và ngăn chặn tái diễn các vụ thảm sát nhằm vào dân thường.
Liệu chiến dịch không kích của Mỹ có đủ để ngăn chặn phong trào này? Chúng ta hãy quay lại tìm hiểu nguồn gốc của phong trào này để hiểu hơn về những gì đang diễn ra hiện nay.
Trở lại thời điểm năm 2003, đây là năm Mỹ tiến hành cuộc chiến xâm lược Iraq và quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, ông Paul Bremer để đánh bại quân đội Iraq – mà theo một số nguồn tài liệu thì gồm chủ yếu là người Hồi giáo Sunni.
Chính những cựu sỹ quan người Sunni này sau này đã tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại sự chiếm đóng của Mỹ, trong đó có nhiều người đã biến đổi sang tư tưởng Hồi giáo cực đoan Jihad chống lại “những kẻ ngoại đạo”, chống lại sự hiện diện của nước ngoài, chủ yếu là của Mỹ ở Iraq.
Video đang HOT
Đây được coi là thời điểm xuất hiện những hạt nhân đầu tiên của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” ở Iraq hiện nay. Những hạt nhân đầu tiên này nhanh chóng thể hiện sức mạnh bằng việc tiến hành các vụ đánh bom nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo Shiite ở Iraq. Và qua các vụ đánh bom bạo lực chống lại người Hồi giáo Shiite ở Iraq, khả năng bạo lực của tổ chức này càng được thể hiện.
Cũng cần nói là, ở chừng mực nào đó, tổ chức này đã vươn lên cạnh tranh ảnh hưởng với tổ chức khủng bố Al-Qaeda khi chế nhạo các phần tử Al-Qaeda như là “những chiến binh hang động”, có nghĩa là không dám tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn hoặc chỉ đơn thuần là tuyên bố về chúng như các phần tử của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” hiện nay đang làm.
Ngoài ra, trong tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo”, có rất nhiều phần tử giỏi sử dụng mạng internet so với tổ chức khủng bố Al-Qaeda, và làm chủ nhiều phương tiện liên lạc hiện đại. Chúng tự cho mình có nhiệm vụ phải phục hồi cái gọi là một nhà nước Kalifar, bắt đầu từ Iraq trải dài sang Syria và vươn dài xuống các nước vùng Vịnh ở phía Nam, trong đó có Saudi Arabia.
Do vậy, theo tôi, chiến dịch quân sự của Mỹ hiện nay chỉ đơn giản như là “sự trở lại vạch xuất phát”, đó là thời điểm trước cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.
PV: Ông vừa nói chiến dịch quân sự của Mỹ hiện nay chống lại tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” ở miền Bắc Iraq và Syria chỉ là sự quay trở lại vạch xuất phát. Vậy theo ông, chiến dịch quân sự này sẽ để lại những hậu quả như thế nào về mặt địa chiến lược đối với khu vực?
Ông Mohamed Troudi: Những hậu quả về mặt chiến lược đối với khu vực đã có thể nhìn thấy được. Cùng với cuộc chiến xâm lược Iraq trước kia, Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự lần này trong bối cảnh chính trị khu vực đang rất bị chia rẽ, chia nhỏ và bị sắc tộc hóa.
Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến sắc tộc ở Iraq. Đó là cuộc chiến của người Sunni chống lại người Shiite mà người ta thực tế đang làm trầm trọng nó thêm; cuộc chiến này đã tồn tại từ 15 thế kỷ qua và thực tế hiện nay cũng chưa bao giờ thực sự chấm dứt. Cuộc chiến giữa những tộc người thiểu số Shiite bị coi là dị giáo; cuộc chiến giữa các tộc người Sunni, tranh giành quyền lực giữa các nhánh Sunni lớn…
Do vậy, nguy cơ hiện nay là cuộc chiến sắc tộc này sẽ mở rộng. Ở Syria, cuộc chiến sắc tộc này hiện cũng đã rất căng thẳng. Trên thực tế, nhờ cuộc chiến “mở” của Mỹ, Nhà nước Hồi giáo đã có sự ủng hộ về chính trị, ngoại giao, quân sự và tài chính từ phía Mỹ, Pháp và phần lớn các nước phương Tây, mà khi đó người ta gọi với tên chung là “phe đối lập Syria”.
Ở thời điểm đó, Mỹ, Pháp và các nước phương Tây nghĩ rằng đó là việc giúp đỡ những người được gọi là “phe đối lập Syria”, hay “quân đội giải phóng Syria”. Lực lượng này nhanh chóng lớn mạnh và những phần tử cực đoan Jihad xuất hiện đến từ khắp nơi, nhất là từ Iraq, các nước Magreb, thậm chí là từ Indonesia… để tiến hành cái mà họ gọi là “cuộc thánh chiến cuối cùng”. Do đó, hậu quả địa chính trị chiến lược vừa đối với tình hình nội trị của Iraq và Syria, vừa đối với tình hình khu vực vì thực tế, khu vực này chưa từng bất ổn như bây giờ.
PV: Thưa ông, liệu vấn đề “nhà nước Hồi giáo” có ảnh hưởng đến chiến lược của Mỹ đối với khu vực này, đặc biệt là đối với chính quyền Syria và đối với cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đã và đang tiến hành?
Ông Mohamed Troudi: Tôi không cho rằng chiến dịch không kích của Mỹ và phương Tây sẽ thay đổi chính sách của Mỹ đối với chính quyền Syria, vì Mỹ thực hiện việc can thiệp theo đề nghị của nhóm đối lập. Chúng ta đang chứng kiến chính sách “quay trở lại” của Mỹ đối với khu vực. Vậy mục tiêu của Mỹ hiện nay là gì? Đó là ngăn chặn sự phát triển, mở rộng của “Nhà nước Hồi giáo” – tổ chức khủng bố hiện đã kiểm soát một phần lớn lãnh thổ miền Bắc Iraq và Syria. Do đó, theo quan điểm của tôi, chiến dịch không kích sẽ không thể dẫn đến thay đổi lớn nếu Mỹ không thay đổi chiến lược, tiến hành một cuộc chiến can thiệp trên bộ. Cụ thể theo những gì đã diễn ra, và những cuộc không kích với chi phí đắt đỏ, nhất là đối với quân đội Pháp, thì vẫn chưa thể ngăn chặn được sự phát triển và kiểm soát của tổ chức khủng bố này đối với các vùng kiểm soát.
PV: Thưa ông, những ngày vừa qua, báo chí ở Pháp liên tục nói về những mối đe dọa khủng bố chống lại nước Pháp, nhất là sau vụ con tin người Pháp Herve Gourdel bị một nhóm khủng bố ở Algeria có liên hệ với IS hành quyết. Theo ông, liệu hiện nay những mối đe dọa này có thực sự ở mức nguy hiểm?
Ông Mohamed Troudi: Những mối đe dọa chống lại nước Pháp và chống lại tất cả các nước ít nhiều có can dự vào “những cuộc xâm lược” khác nhau đối với thế giới Hồi giáo đã xuất hiện từ khoảng 15 năm nay.
Vấn đề là ở chỗ tại sao nước Pháp lại buộc phải tham gia chiến dịch chống IS, tại sao lại là vào thời điểm này, tại sao sau khi ủng hộ phong trào nổi dậy đối lập ở Syria, người Pháp mới tỉnh ngộ, thay đổi ý kiến và coi phong trào này như là kẻ thù… Mỗi câu hỏi này một lần nữa lại cho thấy sự cần thiết là nước Pháp phải tìm ra được một chính sách ngoại giao hợp lý, trong tương lai và vì tương lai, để có thể giải quyết những hồ sơ còn dang dở của thế giới Hồi giáo, thực hiện một chính sách ngoại giao đối thoại hơn là việc gửi quân tham chiến hay đe dọa không kích.
Tôi cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần phải tìm giải pháp cho các vấn đề căn bản đang đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới và tìm giải pháp cụ thể cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Vì đó là những vấn đề dẫn đến tư tưởng chống châu Âu, chống Mỹ và cũng nằm ngoài khả năng giải quyết đơn lẻ của Mỹ và châu Âu.
Dù hiện nay, chúng ta sẽ tiêu diệt tận gốc IS, nhưng rồi sẽ còn những tổ chức cực đoan khác trỗi dậy thay thế, trong đó có cả những tổ chức ngoại vi của IS nữa. Do vậy, chỉ có thông qua theo đuổi chính sách ngoại giao đối thoại thực sự và giải quyết các vấn đề của khu vực một cách hòa bình, chúng ta mới hạn chế một cách hiệu quả sự phát triển của những nguy cơ như thế này.
PV:Vâng, xin cảm ơn ông./.
Đào Dũng
Theo_VOV
Cuộc khủng hoảng Ukraine bế tắc với chiến sự leo thang tại miền Đông
Sau khi đánh bật phe đối lập khỏi nhiều căn cứ miền Đông, quân đội Ukraine đang tiếp tục tấn công mạnh vào Donetsk và Luhansk.
Quân đội Ukraine tiếp tục tăng cường chiến dịch quân sự nhằm vào 2 thành trì cuối cùng của lực lượng đối lập tại miền Đông, trong đó, thành phố Donetsk đã nằm giữa vòng vây của lực lượng Ukraine.
Binh sĩ Ukraine (ảnh: Guardian)
Các cuộc giao tranh ác liệt tại miền Đông Ukraine đang kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với cư dân khu vực này, đáng chú ý, hoạt động điều tra vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của hãng Hàng không Malaysia hôm qua (6/8) bị tạm dừng một lần nữa vì chiến sự leo thang.
Chiến sự tại miền Đông Ukraine chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm lắng dịu, khi mà các cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra ác liệt giữa quân đội chính phủ và lực lượng đối lập. Quân đội Ukraine sau khi đánh bật được lực lượng đối lập khỏi nhiều căn cứ địa tại miền Đông, đang tiếp tục tấn công mạnh mẽ vào 2 thành trì cuối cùng là Donetsk và Luhansk.
Hôm qua (6/8), Ukraine đã củng cố thêm quân tại khu vực ngoại ô cách thành phố Donetsk 75km, sẵn sàng chiến dịch vây hãm lực lượng đối lập tại đây. Trước đó, đêm ngày 5/8, máy bay của quân đội Ukraine đã không kích Donetsk. Đây là chiến dịch không kích đầu tiên của quân đội Ukraine nhằm vào Donetsk, kể từ sau cuộc tấn công vào sân bay thành phố này hồi tháng 5.
Tại Luhansk, các nguồn tin địa phương cho biết, đến sáng hôm qua (6/8) người dân tại đây vẫn đang phải hứng chịu tình trạng thiếu điện, nước và phương tiện liên lạc. Tình hình nguy cấp này đang tiếp diễn tại Luhansk do các cuộc giao tranh và pháo kích vẫn diễn ra rất ác liệt. Chính quyền Kiev cho biết, 18 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng, 54 người khác bị thương trong 25 cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine những ngày qua.
Diễn biến chiến sự leo thang đang đẩy người dân tại 2 tỉnh Donetsk và Luhansk vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Cuộc không kích mới nhất của quân đội Ukraine vào Donetsk đã phá hủy thêm các đường ống dẫn khí và đường sá tại đây. Trong khi, phần lớn các cửa hàng ở khu vực trung tâm tỉnh Luhansk đã đóng cửa nên người dân khó có thể mua được thực phẩm, nhiên liệu cũng như phải đối mặt với nhiều vấn đề sinh hoạt nghiêm trọng khác.
Theo người phát ngôn Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga Aleksandr Drobyshevsky, tính đến nay, đã có hơn 45.700 người Ukraine, trong đó có hơn 15.000 trẻ em, đang tị nạn ở các điểm tạm trú tại các khu vực của Nga. Hiện Nga cũng đã triển khai hơn 600 điểm tạm trú để trợ giúp những công dân Ukraine phải sơ tán để tránh các cuộc giao tranh dữ dội. Tại cuộc họp khẩn cấp Hội đồng Bảo Liên Hợp Quốc tổ chức hôm qua (6/8) theo đề nghị của Nga, nước này cảnh báo tình trạng thảm họa tại vùng chiến sự Ukraine, đồng thời đề nghị những hoạt động nhân đạo hỗ trợ người dân Donetsk, Luhansk và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, đại diện của Ukraine tại Liên Hợp Quốc đã bác bỏ khủng hoảng nhân đạo ở miền Đông, và gọi đây chỉ là tình hình nghiêm trọng.
Do tình hình ở miền Đông Ukraine ngày càng leo thang căng thẳng, phái đoàn quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang thực hiện nhiệm vụ tại quốc gia Đông Âu này đã phải giảm số lượng các quan sát viên của họ tại Donetsk và Luhansk.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm qua (6/8) cũng cảnh báo cuộc xung đột leo thang hàng ngày tại miền Đông Ukraine, khiến Hà Lan phải tạm ngừng sứ mệnh điều tra vụ rơi máy bay MH17. Phái đoàn điều tra viên, gồm các chuyên gia của Hà Lan, Australia và Malaysia cũng sẽ rút bớt số lượng điều tra viên sau ngày hôm nay (7/8). Những điều tra viên còn lại sẽ không tiếp cận hiện trường rơi máy bay vì tình hình an ninh. Theo chính phủ Hà Lan, cuộc điều tra sẽ tiếp tục khi an ninh được khôi phục.
Trưởng phái đoàn điều tra Hà Lan Pieter-Jaap Aalbersberg cho biết: "Trong những ngày qua, các điều tra viên làm việc trong những điều kiện khó khăn và đã mở rộng khu vực tìm kiếm lớn nhất có thể quanh hiện trường vụ rơi máy bay. Tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Chúng tôi sẽ chỉ duy trì một nhóm chuyên gia nhỏ ở Kharkov, chúng tôi không dự kiến trước các hoạt động tiếp theo. Cuộc điều tra sẽ được khôi phục lại sớm nhất khi tình hình an ninh được đảm bảo".
Trong 2 tháng qua, quân đội chính phủ Ukraine đã mở chiến dịch đặc biệt nhằm vào lực lượng đối lập tại miền Đông, với việc triển khai xe tăng, tên lửa và vũ khí hạng nặng. Trước diễn biến chiến sự leo thang tại miền Đông Ukraine, đồng minh phương Tây của Ukraine đã áp đặt thêm những trừng phạt mới nhằm vào Nga, đồng thời cảnh báo việc triển khai lực lượng của Nga gần biên giới với Ukraine sẽ làm gia tăng căng thẳng. Trong khi đó, Nga đã bác bỏ những cáo buộc này. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Nga Putin khẳng định, Nga đã sẵn sàng "trả miếng" sự trừng phạt của phương Tây. Động thái của các bên sẽ tiếp tục đào sâu thêm chia rẽ Đông-Tây và không giúp Ukraine tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng ngày càng bế tắc./.
Theo_VOV
Quân đội Ukraine phóng 150 tên lửa xuống Lugansk Chính phủ Ukraine thừa nhận các máy bay chiến đấu và trực thăng của Không quân nước này đã phóng hơn 150 tên lửa xuống thành phố miền đông Lugansk, trong chiến dịch quân sự ngày 2/6. Tòa nhà thị chính ở thành phố Lugansk bị tấn công. Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 3/6 cũng khẳng định...