Mỹ đang hoàn tất kế hoạch đóng cửa nhà tù Guantanamo
Chính quyền Mỹ vừa thông báo sắp hoàn tất bản dự thảo kế hoạch đóng cửa nhà tù quân sự bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ ở Vịnh Guantanamo, Cuba.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, chính quyền của Tổng thống Obama đang ở trong giai đoạn cuối cùng của việc soạn thảo một kế hoạch đóng cửa nhà tù khủng bố tại Vinh Guantanamo một cách có “trách nhiệm và an toàn”.
Sau khi hoàn tất, dự thảo sẽ được gủi đến Quốc hội Mỹ trong thời gian sớm nhất. Chính quyền của Tổng thống Obama hy vọng, dự thảo sẽ không vấp phải nhiều sự phản đối của các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Quốc hội – những người vẫn thường ngăn chặn nỗ lực của Nhà Trắng trong vấn đề không chỉ gây tranh cãi ở trong nước mà cả ở nước ngoài này.
Nhà tù quân sự của Mỹ tại Vinh Guantanamo. (ảnh: AP)
Chính quyền Obama lập luận rằng, nếu tiếp tục mở cửa nhà tù sẽ gây nhiều rắc rối và không phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Ngoài ra, chi phí duy trì hoạt động cho nhà tù này không phải là cách sử dụng hiệu quả nguồn thuế của người dân Mỹ.
Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Mỹ cho rằng, việc chính quyền Mỹ đưa một số tù nhân Guantanamo đến Oman, Qatar, hay một số nước khác, sau khi đóng cửa nhà tù, có thể dẫn tới việc những tù nhân này sẽ được trả tự do và trở thành nguy cơ đe dọa an ninh nước Mỹ.
Video đang HOT
Tờ NewYork Times ngày 22/7 đưa tin, Cố vấn an ninh Nhà Trắng, bà Susan Rice mới đây đã chuyển cho Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter một văn bản yêu cầu trong vòng 30 ngày tới phải ra quyết định về việc chuyển các tù nhân ra khỏi nhà tù Guantanamo. Tuy nhiên tới nay, Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời cam kết cụ thể nào về thời gian di chuyển các tù nhân.
Đóng cửa nhà tù ở Guantanamo là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Mỹ Obama kể từ khi lên cầm quyền năm 2009. Trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Obama từng tuyên bố rằng, “Guantanamo sẽ bị đóng cửa không lâu hơn một năm kể từ lúc này”. Tuy nhiên, chủ trương của Nhà Trắng liên tiếp vấp phải sự phản đối gay gắt từ Quốc hội Mỹ.
Vấn đề Vịnh Guantanamo không chỉ gây bất đồng trong nội bộ Mỹ mà trong quan hệ Mỹ-Cuba, vấn đề này còn là nan giải. Ngay sau khi Mỹ và Cuba tuyên bố bình thường hóa quan hệ, Chủ tịch Cuba Raul Castro cũng đã tuyên bố rằng, việc trả lại vịnh Guantanamo cho Cuba sẽ là một trong những điều kiện để phục hồi quan hệ toàn diện. Mới đây nhất, tại buổi lễ mở cửa lại đại sứ quán hai nước ngày 20/7 ở Washington, ngoại trưởng Cuba Rodriguez một lần nữa nhắc lại đề nghị Washington trả lại Guantanamo như một bước đi tiếp theo trong tiến trình bình thường mối quan hệ.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Mỹ John Kerry, ông Rodriguez nhấn mạnh: “Đối với Cuba, các nguyên tắc bình thường mối quan hệ nằm trong các giải pháp của một loạt vấn đề đang chờ được giải quyết. Trong số đó, tôi muốn nhấn mạnh đến hai vấn đề là lệnh cấm vận chống lại Cuba phải được dỡ bỏ và việc trả lại vịnh Guantanamo cho chính phủ Cuba. Đây sẽ là những điều kiện để hai nước mở rộng các cuộc đối thoại tiến tới việc khôi phục toàn diện mối quan hệ, tăng cường hợp tác trên tinh thần đôi bên cùng có lợi”.
Nhà tù Vịnh Guantanamo được lập ra sau vụ khủng bố 11-9-2001 để giam giữ những nghi can khủng bố bị bắt giữ ở Afghanistan và những nơi khác trên thế giới. Nhà tù này từng bị dư luận lên án về cách đối xử tàn bạo đối với những người bị giam giữ . Hiện cơ sở này còn giam giữ 116 tù nhân./.
Mai Liên
Theo_VOV
Cuba có đòi được Vịnh Guantanamo từ tay Mỹ?
Ngoại trưởng Cuba mới đây tuyên bố, việc trả căn cứ hải quân ở Guantanamo và dỡ bỏ lệnh cấm vận nằm trong số những điều kiện cốt yếu để Cuba bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Mỹ.
Trong những bình luận mang tính lịch sử tại Bộ Ngoại giao Mỹ đầu tuần qua với tư cách là Ngoại trưởng Cuba đầu tiên phát biểu tại đó kể từ năm 1958, ông Bruno Rodriguez Parrilla nói rằng, Mỹ đồng thời không nên trông chờ Cuba thực hiện bất cứ sự thay đổi nào mà Mỹ yêu cầu, chẳng hạn như các bước đi hướng tới dân chủ hay vấn đề nhân quyền.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba mới chỉ bắt đầu. (Ảnh: Examiner)
"Ngài Tổng thống Mỹ có thể tiếp tục dùng các quyền hành pháp của mình để mang lại đóng góp quan trọng cho việc phá bỏ phong tỏa - đừng theo đuổi những thay đổi ở Cuba mà hãy chú tâm đến các lợi ích của người dân Mỹ", ông nói khi đứng cạnh người đồng cấp Mỹ John Kerry.
Ngoại trưởng Rodriguez cho biết, Mỹ ngay lập tức phải bồi thường cho Cuba về những thiệt hại mà cấm vận gây ra cho dân chúng nước này.
"Tôi nhấn mạnh, dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận, trả lại lãnh thổ Guantanamo bị chiếm đóng trái phép, cũng như tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Cuba, và bồi thường cho nhân dân chúng tôi những thiệt hại về con người và kinh tế, là điều cốt yếu để có thể tiến tới bình thường hóa các mối quan hệ", ông tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận, chính quyền Obama đã công khai rằng họ muốn Quốc hội Mỹ chấm dứt cấm vận chống Cuba. Tuy nhiên, để làm được việc này thì sẽ mất nhiều năm.
"Hy vọng sẽ không phải là quá nhiều năm", ông Kerry bày tỏ.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối ý kiến Mỹ sẽ từ bỏ Vịnh Guantanamo như một điều kiện để có các mối quan hệ bình thường với Cuba. Nhưng ông thừa nhận "chúng tôi hiểu Cuba có cảm giác rất mạnh mẽ về nó".
Những bình luận mới nhất của Ngoại trưởng Rodriguez cho thấy, Mỹ và Cuba vẫn còn một chặng đường dài để tiến tới các mối quan hệ bình thường hoàn toàn, cho dù hai nước đã nhất trí tái mở các sứ quán ở mỗi nước lần đầu tiên trong hơn 50 năm.
Vịnh Guantanamo, nơi Mỹ có trại giam giữ các nghi can khủng bố, do Mỹ kiểm soát và đặt căn cứ quân sự hơn 100 năm qua.
Washington tuyên bố có quyền thuê vĩnh viễn vùng lãnh thổ này từ Cuba theo các hiệp ước giữa hai bên năm 1903 và 1934, trừ phi hai bên nhất trí thay đổi điều khoản. Phía Havana liên tục đòi Mỹ trả lại kể từ năm 1959 khi Cách mạng Cuba thành công, viện dẫn các hiệp ước trên ra đời dựa trên sự đe dọa dùng vũ lực, do vậy là vi phạm luật pháp quốc tế.
Theo giới quan sát, Vịnh Guantanamo, vốn nằm ở địa thế chính trị quan trọng, được xem là tài sản quan trọng về mặt chiến lược đối với an ninh quốc gia Mỹ. Vì vậy, Mỹ khó có thể đưa ra quyết định chấm dứt mọi hoạt động tại khu vực mà nước này đã nắm giữ suốt một thế kỷ qua.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Bạn tù kể về cuộc sống sau song sắt của ông trùm Guzman Bạn tù kể rằng, phía sau song sắt nhà tù, trùm ma túy Mexico được hưởng biệt đãi và là phạm nhân duy nhất có điện thoại di động. Ngoài ra, ông trùm còn được phát hai tờ báo mỗi ngày. Ông Bertoldo Martinez Cruz từng bị giam cùng Guzman ở nhà Puente Grande năm 1999. Bertoldo Martinez Cruz, lãnh đạo nhóm chính...