Mỹ: Đám cháy rừng lớn tại California tiếp tục lan rộng không kiểm soát
Bridge Fire, đám cháy rừng lớn nhất ở bang California (Mỹ) tính đến ngày 11/9, đã bùng phát theo cấp số nhân từ 16,2 km2 vào sáng sớm 10/9 lên gần 194 km2.
Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở bang California, Mỹ ngày 8/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Sở Lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy California (Cal Fire), đám cháy Bridge Fire đã tăng quy mô gấp 10 lần trong 24 giờ, lan từ Los Angeles sang San Bernardino lân cận. Trong bản cập nhật vào chiều 11/9, các quan chức cho biết khoảng 40 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong đám cháy. Không có báo cáo nào về trường hợp bị thương nặng hay tử vong.
Bridge Fire là một trong 3 vụ cháy lớn ở miền Nam California, cùng với Line Fire và Airport Fire, tất cả đều bùng phát trong bối cảnh đợt nắng nóng dữ dội mang theo nhiệt độ cao và điều kiện khô hạn cho khu vực.
Lực lượng chức năng đã bắt giữ một người đàn ông 34 tuổi với cáo buộc gây ra vụ cháy Line Fire trải dài trên 140 km2 ở khu vực chân đồi của Rừng quốc gia San Bernardino, phía Đông Los Angeles. Trong khi đó, ông Justin Wayne Halstenberg, một tài xế giao hàng của hãng Fedex, bị cáo buộc là đã cố tình gây ra đám cháy Bridge Fire vào ngày 5/9.
Theo dữ liệu mới nhất của Cal Fire, đám cháy Airport Fire, bắt đầu vào chiều 9/9 tại Cam, hiện đã lan rộng trên 89 km2 mà chưa có dấu hiệu được kiểm soát.
Canada trước nguy cơ tiếp tục trải qua mùa cháy rừng 'thảm khốc'
Ngày 10/4, Chính phủ liên bang Canada cho biết nước này đang phải đối mặt với nguy cơ lại trải qua một mùa cháy rừng "thảm khốc", khi dự báo nhiệt độ trong mùa Xuân và mùa Hè tại hầu hết các khu vực trên cả nước cao hơn mức bình thường do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino.
Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng ở Quebec, Canada, ngày 21/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Năm ngoái, Canada đã trải qua mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận với hơn 6.600 đám cháy thiêu rụi 15 triệu ha rừng, gấp gần 7 lần so với diện tích rừng bị cháy trung bình hàng năm. Trong mùa Đông năm nay, nhiệt độ ở nước này cao hơn mức bình thường và hạn hán lan rộng, khiến Canada một lần nữa đứng trước nguy cơ trải qua một mùa Hè có khí hậu khắc nghiệt.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng phụ trách Ứng phó khẩn cấp của Canada Harjit Sajjan lưu ý xu hướng nhiệt độ rất đáng quan ngại. Với thời tiết nóng và khô hanh trên khắp đất nước, mùa cháy rừng được dự báo sẽ bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn.
Các bộ trưởng liên bang của Canada cảnh báo biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có cháy rừng, hạn hán và sóng nhiệt. Theo Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Canada Jonathan Wilkinson, cháy rừng luôn xảy ra tại nước này, song tần suất cũng như cường độ của các đám cháy là điều khó lường. Ông cho rằng nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng trên là do biến đổi khí hậu.
Khói bốc lên từ đám cháy rừng tại Keremeos, British Columbia, Canada, ngày 18/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền Canada đang chi 256 triệu CAD (tương đương 187,15 triệu USD) trong vòng 5 năm để tài trợ cho việc mua trang thiết bị mới chống cháy rừng và cũng cam kết đào tạo thêm 1.000 lính cứu hỏa từ các cộng đồng dân cư.
Trước đó, hồi năm 2023, khoảng 5.500 lính cứu hỏa quốc tế đến từ nhiều nước, trong đó có Nam Phi và Tây Ban Nha, cùng với 2.135 thành viên của các lực lượng vũ trang đã được triển khai để hỗ trợ xử lý các đám cháy rừng tại Canada. Theo một phân tích của Chính phủ Canada, trong năm này, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, trong đó có cháy rừng, đã gây thiệt hại (được bảo hiểm) ước tính hơn 3,1 tỷ CAD.
Canada: Ban bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng tại Yellowknife Đêm 14/8 (theo giờ địa phương), chính quyền thành phố Yellowknife - thủ phủ của Vùng lãnh thổ Tây Bắc (Northwest Territories) của Canada đã ban bố tình trạng khẩn cấp do các đám cháy rừng bùng phát xung quanh thành phố này. Khói bốc lên từ các đám cháy rừng tại British Columbia, Canada, ngày 16/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN Theo đó, chính quyền...