‘Mỹ đã sớm từ bỏ cô lập Nga’
Vai trò quan trọng của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố và hợp tác kinh tế toàn cầu đã khiến các quốc gia phương Tây cụ thể là Mỹ từ bỏ thái độ cứng rắn và chính sách cô lập với Moscow.
Trong năm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thực hiện hai chuyến thăm tới Nga. Chuyến thứ nhất diễn ra hồi tháng Năm và chuyến thứ hai là vào tuần trước. Sau cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng Năm, ông Kerry đã có ý định chuẩn bị sẵn sàng cho những cuộc tranh luận về vấn đề Syria tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc. Song vào thời điểm hiện tại, khi nhắc tới chủ đề xung đột tại Syria, Mỹ đã có phần xuống nước và tìm cách thỏa hiệp với Nga.
Cuộc xung đột tại Syria đang khiến Mỹ dịu giọng hơn và thỏa hiệp với Nga.
Chia sẻ trên Thời báo Hoàn Cầu, chuyên gia Cui Heng tại Trung tâm nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông nhận định các cuộc họp của Ngoại trưởng Kerry với giới lãnh đạo Nga đã phần nào thể hiện quan điểm Mỹ muốn tiến sát lại gần Nga hơn trong vấn đề liên quan tới Syria.
Trước hết, so với thời gian trước, Washington hiện dịu giọng hơn rất nhiều khi thừa nhận vai trò quan trọng của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong tiến trình lập lại hòa bình ở Syria. “Mỹ và các đối tác không tìm kiếm cái gọi là &’sự thay đổi chế độ’. Người dân Syria sẽ đưa ra quyết định cho tương lai quốc gia của họ”, ông Kerry nói. Tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry đã thể hiện được tính trung lập hơn và dần chấp thuận vị thế của chính quyền Tổng thống Assad.
Video đang HOT
Vào năm 2011, thời điểm lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS chưa nổi lên, cuộc nội chiến tại Syria giữa quân chính phủ ủng hộ Tổng thống Assad và các nhóm nổi dậy đã bùng nổ. Mỹ và các quốc gia phương Tây không ngừng cáo buộc Tổng thống Assad là một nhà lãnh đạo tàn bạo và mong muốn lật đổ ông này cũng như không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Tổng thống Syria.
Cả Mỹ và phương Tây cho rằng ưu tiên hàng đầu trong tiến trình lập lại hòa bình tại Syria là cô lập chính quyền của ông Assad và tiến hành đối thoại trực tiếp với các phe nổi dậy Syria. Do đó, nếu như không có sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga, có lẽ chính phủ của Tổng thống Assad đã bị lật đổ cách đây 3 năm. Ngay cả trong thời điểm IS trở thành mối đe dọa an ninh lớn đối với khu vực Trung Đông vào năm nay, những bất đồng giữa Nga và Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS vẫn chủ yếu xoay quanh chuyện ra đi và ở lại của chính quyền Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, khi IS lớn mạnh không ngừng và mở rộng tầm hoạt động cũng như đe dọa sang cả Mỹ và các quốc gia phương Tây, Washington đã buộc phải thay đổi quan điểm nhìn nhận về tình hình chiến sự ở Syria. Giới chức phương Tây quan ngại vượt ra khỏi lãnh thổ Syria, IS sẽ mở rộng địa bàn và sào huyệt sang Afghanistan, dẫn tới những thảm kịch không thể lường trước.
Đáng nói, trong suốt 4 năm nội chiến, chính quyền của Tổng thống Assad vẫn giữ được vị trí trong khi chính phủ của cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi lại không làm được như vậy. Thay vào đó, mạng lưới quyền lực của ông Assad lại ngày càng được củng cố nhờ quá trình tái phân bổ quyền lực.
Đồng minh chiến lược của Nga
Ngoài vị thế là đồng minh chiến lược của Nga ở khu vực Trung Đông, Syria còn là cửa ngõ để Nga tiến vào khu vực phía đông Địa Trung Hải. Khu cảng Tartus của Syria là căn cứ quân sự duy nhất mà Liên Xô cũ duy trì hoạt động tại Trung Đông và nay nó là căn cứ hải quân ở nước ngoài duy nhất của Nga. Để bảo vệ những lợi ích cốt lõi tại Syria, Nga không còn cách nào khác là tìm mọi cách ngăn chặn phương Tây xâm chiếm vị trí chiến lược này.
Tàu chiến Nga cập cảng Tartus tại Syria.
Nói cách khác, theo Nga, sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính quyền của ông Assad sẽ là cái tát trời giáng nhằm vào chính sách mà Mỹ đang thi hành tại Syria. Và khi nhận được sự hậu thuẫn của Nga, nỗ lực bình ổn tình hình Syria của Tổng thống Assad sẽ giúp nhà lãnh đạo này giành được thanh thế cũng như hạn chế những tác động từ chính sách của Mỹ tại Syria.
Ngay cả nỗ lực của Mỹ trong việc cô lập chính quyền Tổng thống Assad cũng đã đem lại những tác động tiêu cực đối với Washington trong tiến trình giành lấy vị thế dẫn dắt quyền lực tại Syria cũng như cạnh tranh với tầm ảnh hưởng của Nga. Ngoài ra, chính thái độ gay gắt của Mỹ cũng ngày càng đẩy chính quyền Tổng thống Assad nghiêng hẳn về Nga. Theo chuyên gia Heng, đây là lý do mà dù có muốn giải quyết tình hình chiến sự ở Syria hay hạn chế tầm ảnh hưởng của Nga đối với ông Assad, Mỹ cũng cần từ bỏ ý định cô lập nhà lãnh đạo Syria ngay lập tức.
Mỹ sớm từ bỏ cô lập Nga
Hai chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Kerry tới Nga trong năm nay đều tập trung vào chủ đề là cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine và tiến trình xây dựng hòa bình tại Syria. Nội dung của chuyến thăm đã phần nào phản ánh Washington muốn dần thay đổi chính sách cô lập của mình. Nói cách khác, chuyến thăm của nhà ngoại giao Mỹ ám chỉ rằng sự cô lập của phương Tây với Nga đã kết thúc.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine từng đẩy mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia phương Tây rơi vào vòng xoáy căng thẳng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thậm chí, Nga còn bị tẩy chay tại hội nghị thượng đỉnh G8. Lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai tại Nga cũng vắng bóng hàng loạt quan chức phương Tây tới dự.
Buổi lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai tại Nga.
Tuy nhiên, thái độ ghẻ lạnh của phương Tây với Nga đã có phần giảm bớt trong những tháng gần đây. Bởi dù không chiếm thế độc tôn như thời Liên Xô cũ, Nga vẫn là quốc gia có tầm ảnh hưởng rộng lớn tại nhiều khu vực. Cụ thể, phương Tây không thể qua mặt Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria cũng như cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Quan trọng hơn, các quốc gia phương Tây không thể từ bỏ mối quan hệ hợp tác kinh tế truyền thống với Nga lâu nay.
Chia sẻ trên tạp chí Foreign Affairs mới đây, chuyên gia người Mỹ Angela Stent nhận định cô lập Nga là chuyện không thể tiếp tục và Mỹ “đang tìm cách thỏa hiệp” với Nga để trở thành một nhân tố trong tiến trình giải quyết khủng hoảng ở Syria. Bởi những chính sách mà Mỹ áp đặt với Nga không phát huy tác dụng trong khi Syria vẫn là điểm nóng mà Tổng thống Barack Obama chưa thể giải quyết dù ông này sắp hết nhiệm kỳ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Thời báo Hoàn Cầu, một nhật báo khổ nhỏ tại Trung Quốc, tờ báo này được quản lý bởi Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Minh Thu (Lược dịch)
Theo Infonet