Mỹ đã quá muộn, đừng đẩy Nga thêm gần Trung Quốc!
Một châu Âu già nua, phụ thuộc, không thể bao vây, cấm vận được nước Nga trỗi dậy.
Ngăn cản sự phát triển hay trỗi dậy của một quốc gia nào đó đều phải thực hiện kết hợp 2 biện pháp bất di bất dịch: quân sự và kinh tế.
Nhìn tổng quát là đe dọa, sử dụng vũ lực, bao vây, cấm vận…để biến đối phương như ở trong một “nồi hơi” khiến tự nổ hoặc tan rã.
Mỹ-NATO-phương Tây…đã “xử lý” nước Nga theo biện pháp trên trong thời gian qua hòng lặp lại chiến thắng như trong cuộc chiến tranh lạnh đã làm tan rã Liên Xô. Tuy nhiên, không thành công.
Sức mạnh quân sự lỗi thời NATO
Đối tượng tác chiến của Mỹ-NATO là Liên Xô và khối quân sự Warszawa, do đó sự tan rã của Liên Xô hoàn toàn khác với sự tan rã của nước Nga (nếu có) vì Liên Xô là một hệ thống liên kết yếu, nhưng Nga là một thực thể thống nhất. Cho nên làm tan rã một liên kết, liên minh, dễ hơn một quốc gia đơn nhất, thống nhất.
Chính do Mỹ-Phương Tây xác định sai đối tượng tác chiến, nên NATO trở nên vô dụng, lỗi thời khi muốn dùng nó để răn đe, đe dọa sử dụng bạo lực với Nga trên 2 nội dung:
Một là, NATO chưa từng kinh qua tác chiến trong chiến tranh lạnh và sau chiến tranh lạnh, NATO chỉ tham gia vào Nam Tư, Lybia như “diễn tập bắn đạn thật” mà thôi.
Video đang HOT
Đây là một đội quân đa quốc gia, đa quyền lợi, đa truyền thống (đánh nhau), dưới sự chỉ huy của Mỹ đến nay chỉ có sở trường là răn đe gây áp lực với đối thủ.
Hai là, chiến thắng không bao giờ là phương án của NATO với Nga. Nếu không chiến tranh hạt nhân thì bằng chiến tranh thường NATO đã không có cửa thắng Nga, huống chi…
Cho nên việc mở rộng NATO về phía Đông chỉ mang ý nghĩa chiến thuật là bao vây, cô lập Nga, nhưng là điên rồ trong tư tưởng quân sự.
Putin và bộ tham mưu của ông ta nắm chắc điều này nên có điều kiện động viên sức người, sức của toàn dân tộc Nga xây dựng quân đội…và sẵn sàng “vả” không do dự bất kỳ kẻ nào đụng đến lợi ích an ninh Nga. Đã mấy vụ diễn ra nhưng NATO án binh bất động.
Điều lạ lùng, không thể hiểu nổi là, giới tinh hoa chính trị, quân sự châu Âu quá thừa biết điều này nhưng tại sao NATO vẫn tồn tại dưới sự chỉ huy của Mỹ? Phải chăng NATO là công cụ quyền lực cai trị châu Âu của Mỹ sau chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc?
Nếu thế thì có gì sai không, khi so sánh NATO ở châu Âu chỉ như hàng chục ngàn quân Mỹ đang hiện diện tại Nhật Bản và Hàn Quốc?
Nếu thế thì Mỹ chi phí hơn 75% cho NATO hoạt động là đâu có sai và nếu vậy thì dù thế nào cũng phải Bravo ngài Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, lần nữa khi ông đã dẹp được cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông bởi sự tiếp tay của “quân đoàn phản ứng nhanh của NATO”.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ, ngài Donald Trump đúng là có tầm nhìn xa khi đòi Mỹ rút ra khỏi NATO tức xóa bỏ NATO.
Thời thế đã khác trước rồi, thế giới không còn đơn cực nữa, Nga đã phục hồi “phong độ” còn hơn thời Liên Xô.
Không một lá chắn phòng thủ nào chắn được tên lửa siêu thanh. Ảnh: Tên lửa siêu thanh Yu-71 bắn từ máy bay ném bom tàng hình PAK DA của Nga
Đòn bao vây cấm vận kinh tế
Vũ khí đáng sợ nhất là khi chúng đang trong tình trạng răn đe, bởi thế, “cấm vận kinh tế” là vũ khí của Phương Tây khiến Nga run sợ nhất khi đối đầu.
Đáng tiếc là phương Tây đã tung ra nhưng không tiêu diệt được Nga, chỉ làm Nga loạng choạng lúc đầu và nay đã đứng vững, bất chấp.
Thực tế cho đến bây giờ, không giống như trước đây, những người thích hay không thích nước Nga đều không nghĩ rằng nước Nga sẽ bị đổ sụp bởi đòn cấm vận kinh tế của Mỹ-PT.
Nước Nga sẽ gặp khó khăn vì cấm vận nhưng đòn “cấm vận, trừng phạt” không mảy may thay đổi ý chí chính trị, hành động quân sự của nước Nga thời Putin.
Gia hạn lệnh trừng phạt hết lần này đến lần khác, rồi bàn tán chuyện phải bỏ lệnh trừng phạt, cãi lộn nhau trong EU…nước Nga không cần quan tâm.
Phương Tây muốn thì chơi, không muốn thì rút, Nga không ép, không xin…đúng như ý lời của Thủ tướng Nga tuyên bố.
Mới ngày nào Nga bị đẩy ra khỏi G-8, nay mời vào Nga không cần; mới ngày nào tại G-20 tổng thống Putin bị ghẻ lạnh, thì tại G-20 năm 2016, Putin như người chơi chính.
Nước Nga đã trở lại chính trường thế giới với vị thế của một siêu cường.
Bao vây nước Nga bằng một châu Âu già nua của Mỹ? Liệu có viễn vong khi từ bờ Thái Bình Dương tại vùng Viễn Đông Nga, Nga đang tạo ra một sức hấp dẫn đầu tư đã thu hút toàn bộ Châu Á-Thái Bình Dương?
Nước Nhật Bản, đồng minh của Mỹ cũng đang dần thành bạn của Nga trong một loạt hành động thỏa thuận đôi bên sắp tới.
Như vậy, khi người Nga đã không còn coi ra gì đòn “trừng phạt bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ-phương Tây”; khi cấm vận kinh tế khiến nước Nga càng tự chủ, càng mạnh thêm về nội lực; khi bao vây, cô lập Nga chỉ như dùng tay che mặt trời; khi Nga được Mỹ coi là một siêu cường quân sự sau Mỹ… thì còn biện pháp nào ngăn cản được nước Nga?
Mỹ đã quá muộn và đừng dại đẩy Nga vào quá gần Trung Quốc.
Theo Đất Việt