Mỹ có thể tính trừng phạt kinh tế Trung Quốc
Washington được cho là đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế với nhiều cá nhân và công ty Trung Quốc hưởng lợi từ các vụ tấn công mạng vào Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP
“Chính quyền đang theo đuổi chiến lược tổng thể để đối đầu với những nhân tố đó”, AFP dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, xác nhận bài báo đầu tiên đăng trên Washington Post. Chiến thuật đó bao gồm sự can dự của ngoại giao, các công cụ chính sách thương mại, các cơ chế hành pháp và việc áp lệnh trừng phạt lên những các nhân và thực thể.
Quan chức cho biết Washington sẽ phản ứng “với phương thức và thời điểm tùy ý”, sau một loạt cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty và cơ quan chính phủ Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 4 ký sắc lệnh mở đường cho các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với “những kẻ tấn công mạng hiểm độc”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner không xác nhận liệu nước này có đang chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt hay không, nhưng khẳng định Washington quan ngại về gián điệp kinh tế.
“Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về hành vi trộm cắp trên mạng các thông tin kinh tế tuyệt mật và công nghệ độc quyền của các công ty Mỹ, với sự tài trợ của chính phủ Trung Quốc”, Toner nói. Ông cho rằng việc Trung Quốc tấn công mạng vi phạm “những quyền tự do cốt lõi” và sự riêng tư trên mạng của những người dân đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẽ mất nguồn đầu tư nếu các công ty nước ngoài sợ mất dữ liệu của họ.
Video đang HOT
Trung Quốc vẫn bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, cho rằng tấn công mạng thường là vô danh với nguồn gốc rất khó theo dõi. “Không điều tra kỹ và luôn dùng những từ như ‘có thể’ là vô trách nhiệm và không khoa học”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 6 nói.
Trọng Giáp
Theo AFP
Báo Mỹ: Washington sẽ trừng phạt Trung Quốc vì tấn công mạng
Tờ Washington Post ngày 30/8 cho biết chính quyền Tổng thống Obama đang soạn thảo một gói các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có tiền lệ, nhắm vào các công ty và cá nhân Trung Quốc, trục lời từ hoạt động đánh cắp bí mật thương mại từ Mỹ.
Tòa nhà của một đơn vị quân đội Trung Quốc tại Thượng Hải, nơi từng bị công ty an ninh mạng Mỹ cáo buộc là địa chỉ thực hiện các vụ tấn công qua mạng nhắm vào Mỹ (Ảnh: AFP)
Theo tờ báo này, đây sẽ là những biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ, nhằm đáp trả việc Bắc Kinh thực hiện các vụ tấn công qua mạng để đánh cắp bí mật thương mại của Mỹ, giúp công ty Trung Quốc hưởng lợi.
Hiện giới chức Mỹ chưa quyết định liệu có công bố các biện pháp trừng phạt này hay không, nhưng quyết định cuối cùng dự kiến sẽ sớm được đưa ra, có lẽ là "trong vòng 2 tuần tới", một số quan chức giấu tên khẳng định với Washington Post.
Việc ban bố các biện pháp trừng phạt sẽ cho thấy sự mở rộng đáng kể các phản ứng công khai của Washington trước làn sóng ngày một lớn các vụ tấn công qua mạng vì mục đích gián điệp kinh tế do tin tặc Trung Quốc thực hiện, bài báo nhận định.
Giới chức Mỹ khẳng định tin tặc Trung Quốc đã đánh cắp nhiều loại thông tin, từ bản thiết kế nhà máy điện hạt nhân tới mã nguồn của các chương trình tìm kiếm, và thông tin mật về quan điểm trong đàm phán của các công ty năng lượng Mỹ.
Thông tin trên xuất hiện vào đúng thời điểm đặc biệt nhạy cảm với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ lần đầu có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ trong tháng 9.
Hai nước hiện đã bất đồng trong một loạt vấn đề, trong đó có những va chạm trên biển tại Biển Đông và nỗ lực của Trung Quốc hòng phá giá đồng nhân dân tệ, trong bối cảnh thị trường chứng khoán nước này lao dốc.
Nhưng khả năng các lệnh trừng phạt được ban bố gần kề với chuyến thăm Mỹ của ông Tập cho thấy giới chức Washington đang giận dữ ra sao trước các vụ đánh cắp thông tin qua mạng dai dẳng, bài báo nhận định.
Nếu các lệnh trừng phạt được ban bố, đây sẽ là lần đầu tiên một chỉ thị được Tổng thống Obama ký ban hành hồi tháng 4 được áp dụng, vốn cho phép đóng băng tài sản tài chính và các bất động sản, ngăn chặn các giao dịch thương mại với các cá nhân và tổ chức nước ngoài dính líu đến các vụ tấn công phá hoại hoặc gián điệp kinh tế thông qua mạng máy tính.
Nhà Trắng hiện từ chối bình luận về các biện pháp trừng phạt cụ thể, nhưng một quan chức cấp cao tiết lộ: "Như tổng thống đã nói khi ký ban hành chỉ thị cho phép sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại những kẻ hành động nguy hiểm qua mạng, chính quyền đang theo đuổi một chiến lược toàn diện để đối phó với những kẻ như vậy.
Chiến lược đó bao gồm các biện pháp ngoại giao, công cụ chính sách thương mại, các cơ chế thực thi pháp luật, và áp đặt trừng phạt các cá nhân và tổ chức tham gia vào những hoạt động nguy hại lớn, được thực hiện qua không gian mạng".
Theo các quan chức Mỹ, Trung Quốc không phải nước duy nhất tiến hành tấn công các mạng máy tính để chiếm đoạt bí mật thương mại và hỗ trợ nền kinh tế nước mình, nhưng là nước tích cực nhất. Theo báo cáo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) hồi tháng trước, các vụ gián điệp kinh tế đã tăng 53% trong năm qua, và Trung Quốc đứng đằng sau hầu hết các vụ việc.
"Các lệnh cấm vận sẽ phát đi hai thông điệp", một nguồn tin khác trong chính phủ Mỹ được Washington Post trích dẫn. "Nó sẽ là tín hiệu gửi tới Bắc Kinh rằng chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu đáp trả hoạt động gián điệp kinh tế. Đồng thời nó là tín hiệu gửi tới khu vực tư nhân rằng chúng tôi sát cánh cùng họ. Nó sẽ khẳng định với Trung Quốc rằng chúng ta không thể chịu đựng thêm".
Thanh Tùng
Theo Dantri/Washington Post
Ô tô Nga đi về đâu? Sự suy giảm của đồng rúp đã tác động mạnh đến các nhà sản xuất ô tô Nga do chi phí nhập khẩu linh kiện nước ngoài tăng cao, buộc các nhà sản xuất nội địa phải nâng giá thành sản phẩm dẫn đến không thể cạnh tranh lại các đối thủ ở nước ngoài, theo Reuters. Một chợ ô tô đã qua...