Mỹ có thể đưa vũ khí hạt nhân vào Nhật khi khẩn cấp
Nhật Bản có thể cho phép Mỹ mang vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Nhật trong trường hợp có một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh nước này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cam kết bảo vệ Nhật trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Fumio Kishida tại Washington hôm 9/2.
Trong một cuộc họp với các nghị sĩ ngày 14/2, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã vạch ra các điều kiện có thể khiến chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe phải thực hiện các biện pháp ngoại lệ đối với lập trường lâu nay của Tokyo về việc sở hữu, sản xuất hoặc cho phép vũ khí hạt nhân vào biên giới nước này, hãng tin Kyodo cho biết.
Ông Kishida cho hay, chính quyền của Thủ tướng Abe vẫn giữ nguyên chính sách của chính phủ tiền nhiệm, là liệu Nhật Bản có “tuân thủ các nguyên tắc phi hạt nhân hay không – bất chấp các nguy cơ đối với sự an toàn của người dân – phụ thuộc vào quyết định của chính quyền đương chức”.
“Không thể định đoạt trước tương lai”, ông Kishida nói, liên hệ tới các bình luận của cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada.
Vào năm 2010, ông Okada đã tiết lộ rằng Nhật Bản và Mỹ có các thỏa thuận thời Chiến tranh Lạnh, trong đó Tokyo có thể cho phép Mỹ mang các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân vào các cảng của Nhật. Điều này là vi phạm chính sách phi hạt nhân của Nhật. Thỏa thuận đã hết hạn vào đầu những năm 1990 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Hồi tháng trước, Thủ tướng Nhật Abe cho rằng thật là một “sai lầm” khi các chính quyền trước đó do đảng Dân chủ Tự do của ông lãnh đạo đã tránh thừa nhận về các thỏa thuận bí mật giữa Mỹ và Nhật Bản, vốn được tiết lộ tại Mỹ.
Video đang HOT
Các bình luận của Ngoại trưởng Kishida hôm qua diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc leo thang vì một cuộc tranh chấp lãnh thổ nảy lửa ở biển Hoa Đông. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp ông Kishida để nhấn mạnh rằng Mỹ ủng hộ Nhật trong cuộc tranh chấp.
Tàu sân bay hạt nhân USS George Washington của hải quân Mỹ.
Hồi cuối năm ngoái, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, vốn bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật. Trong một phản ứng gần như tức thì, Mỹ đã huy động lực lượng trong khu vực, điều các máy bay trinh sát và máy bay ném bom B-52 qua ADIZ của Trung Quốc nhằm thách thức Bắc Kinh.
“Tôi nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn cam kết tuân thủ các nguyên tắc hiệp ước với đồng minh Nhật Bản”, ông Kerry nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật ở Washington hôm 9/2, liên hệ tới Hiệp ước an ninh và hợp tác song phương giữa 2 nước ký năm 1960.
“Mỹ không thừa nhận và cũng không chấp nhận ADIZ của Trung Quốc ở Hoa Đông. Mỹ không có ý định thay đổi cách thức chúng tôi tiến hành các sứ mệnh trong khu vực”, ông Kerry nói.
“Chúng tôi cam kết duy trì sự ổn định và thịnh vượng tại châu Á-Thái Bình Dương. Và điều đó sẽ không thể thực hiện được nếu không tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải và hàng không”, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh.
Sơ đồ các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản.
Mỹ có nhiều căn cứ quân sự tại Nhật Bản và khắp khu vực và có nghĩa vụ hỗ trợ quân sự theo hiệp ước hợp tác song phương với Tokyo nếu Trung Quốc phát động một cuộc tấn công trong một nỗ lực nhằm gia tăng sự kiểm soát đối với vùng lãnh thổ tranh chấp.
Mỹ thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
Trong những tuần gần đây, chính quyền Obama đã thể hiện một số quan điểm mạnh mẽ đối với các tranh chấp chủ quyền ở khu vực châu Á và hiện đang tích cực thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc về cái gọi là "đường 9 đoạn" chiếm gần như toàn bộ Biển Đông.
Trước đây, chính quyền Obama khẳng định rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở châu Á, nhưng nhấn mạnh rằng các bên tranh chấp không được đe dọa hay sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề.
Gần đây, một loạt các bình luận của các quan chức cấp cao trong chính quyền Obama đã mở đầu cho một giai đoạn mới. Thay vì sử dụng những ngôn từ trung lập như trước đây, Washington hiện đang ngày càng thách thức những đòi hỏi tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến tuyên bố "đường 9 đoạn" ở Biển Đông.
Điều này được minh họa rõ nhất qua lời tuyên bố của ông Danny Russel, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trước Quốc hội Mỹ: "Bất kỳ tuyên bố lãnh hải nào của Trung Quốc mà không dựa trên tuyên bố lãnh thổ đều không phù hợp với luật pháp quốc tế... Sự thiếu rõ ràng của các tuyên bố của Trung Quốc ở biển Đông đã tạo ra sự không chắc chắn trong khu vực, và đe dọa triển vọng đạt được nghị quyết hoặc các thỏa thuận hợp tác phát triển công bằng".
Bên cạnh đó, ông Russel còn chỉ trích thẳng thắn những hành động cụ thể của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tiếp cận vào bãi Hoàng Nham và gây áp lực đối với sự hiện diện lâu dài của Philippines tại bãi ngầm Thomas 2 cùng với những quy định đánh bắt cá mới đây của tỉnh Hải Nam. "Chúng tôi cho rằng những hành động này đã gây căng thẳng trong khu vực và sâu sắc thêm mối quan ngại về mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc", ông Russel nhấn mạnh.
Tàu chiến Mỹ ở biển Đông.
Ngoài ra, trong chuyến thăm tới Philippines hồi đầu tuần này, cấp phó của ông Russel, Scot Marciel cho biết: "Những gì chúng tôi muốn nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc tất cả các yêu sách lãnh thổ phải tuân thủ luật pháp quốc tế và nó là những quy tắc ứng xử trong khi giải quyết các tranh chấp này nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên, bao gồm cả Trung Quốc, tuân thủ theo các quy tắc và luật pháp quốc tế".
Trước đó, chính quyền Obama cũng đã có hành động "phủ đầu" nhằm cảnh báo Trung Quốc về việc thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Cảnh báo mạnh nhất vào thời điểm này được đưa ra bởi Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia, Evan Medeiros. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng Kyodo của Nhật Bản Medeiros nói một cách dứt khoát: "Chúng tôi phản đối việc Trung Quốc thành lập ADIZ ở các khu vực khác trong đó có Biển Đông ... Chúng tôi đã nói rất rõ với Trung Quốc việc thiết lập ADIZ ở khu vực khác là một hành động khiêu khích và gây bất ổn, sẽ dẫn đến những thay đổi sự hiện diện của Mỹ và thế trận quân sự trong khu vực".
Đáp lại những tuyên bố trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo báo chí trong đó có đoạn: "Trung Quốc vẫn cam kết giải quyết tranh chấp lãnh hải với các nước liên quan trực tiếp thông qua thương lượng và tham vấn. Những ý kiến được các quan chức Mỹ đưa ra là không mang tính xây dựng. Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ đưa ra những bình luận công bằng và đóng vai trò xây dựng cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực, chứ không phải là những điều ngược lại".
Vấn đề trên chắc chắn sẽ là chủ đề lớn để Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các quan chức Trung Quốc thảo luận trong chuyến thăm của ông Kerry tới Bắc Kinh ngày hôm nay, 14/2. Đánh giá về động thái này, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ: Phát biểu của ông Russel phản ánh thái độ cứng rắn của Mỹ, cũng như những bước mà Mỹ muốn Trung Quốc thể hiện đối với tranh chấp lãnh hải. "Ông Kerry sẽ tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc từ bỏ những lời nói và việc làm có tính hiếu chiến; bày tỏ quan ngại về bản chất hiếu chiến trong một số hành động gần đây của Trung Quốc", nhân vật này cho biết thêm.
Theo CT
Baotintuc.vn/Diplomat
Mỹ hối thúc đồng minh cải thiện quan hệ song phương Ngoại trưởng Mỹ hôm qua đã kêu gọi hai đồng minh ở Đông Bắc Á khép lại quá khứ và hướng tới tương lai để cải thiện quan hệ song phương vì sự ổn định trong khu vực Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 13/2/2014. Phát biểu với báo giới ngày 13/2 tại Seoul,...