Mỹ có thể can thiệp vũ trang ở Biển Đông?
Philippine hôm nay (9/5) cho biết, Mỹ đã cam kết sẽ bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công ở Biển Đông. Thông tin này được đưa ra đúng một ngày sau khi Trung Quốc cảnh báo đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với bất kỳ “hành động leo thang” nào của Philippine ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippine Voltaire Gazmin
Bộ trưởng Quốc phòng Philippine Voltaire Gazmin tiết lộ, ông đã nhận được lời đảm bảo trên từ phía Mỹ trong các cuộc hội đàm diễn ra hồi tuần trước giữa các quan chức quân sự và ngoại giao hàng đầu hai nước ở thủ đô Washington.
Theo lời ông Gazmin, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã nhấn mạnh, Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông nhưng sẽ tôn trọng những cam kết được đưa ra trong hiệp ước phòng thủ chung mà Manila và Washington ký kết với nhau năm 1951. Theo đó, Mỹ sẽ bảo vệ Philippine trước bất kỳ cuộc tấn công nào.
“Phạm vi của hiệp ước đó bao gồm cả một cuộc tấn công vũ trang vào những khu vực lãnh thổ ở Thái Bình Dương”, Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin cho hay.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến tranh chấp giữa Philippine và Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough, Bộ trưởng Gazmin cho biết, ông hiểu những lời phát biểu của Ngoại trưởng Hillary có nghĩa là Mỹ sẽ bảo vệ Philippine trước bất kỳ cuộc tấn công nào ở Biển Đông.
“Nói chung, những phát biểu của bà Hillary bao gồm cả vấn đề của chúng tôi ở Biển Đông”, ông Gazmin nhấn mạnh thêm.
Trung Quốc và Philippine từ lâu đã có tranh chấp chủ quyền ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông. Cuộc tranh chấp này đã leo thang căng thẳng từ hôm 8/4 khi tàu thuyền hai nước có vụ va chạm. Cho đến thời điểm này, sau hơn một tháng, cuộc đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh xung quanh việc tranh chấp bãi cạn Scarborough vẫn chưa có dấu hiệu dịu đi.
Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết khu vực Biển Đông, thậm chí cả vùng lãnh hải gần bờ biển của các nước Châu Á khác. Trong khi đó, Philippine nhấn mạnh, nước này có chủ quyền không thể tranh cãi với bãi cạn Scarborough bởi nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này.
Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippine khoảng 230km (tương đương 140 dặm) trong khi phần lãnh thổ Trung Quốc gần nhất với bãi cạn Scarborough cũng phải cách đến 1.200km.
Bắc Kinh “chân thành” muốn giải quyết tranh chấp Biển Đông
Liên quan đến cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông với Philippine hiện nay, một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc hôm qua (8/5) cho biết, Bắc Kinh vẫn sẵn sàng thể hiện “sự chân thành lớn nhất” trong việc giải quyết cuộc tranh chấp này thông qua biện pháp ngoại giao.
Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Phoenix, ông Deng Zhonghua, Vụ trưởng Vụ Hải dương và Đường biên giới thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định, bãi cạn Scarborough (Bắc Kinh gọi là đảo Hoàng Nham) là một phần lãnh thổ không thể tranh cãi của nước này từ thời xa xưa và nó cũng thuộc khu vực đánh bắt cá truyền thống của người Trung Quốc.
“Sự an toàn của các ngư dân và tàu thuyền của chúng tôi ở đây phải được bảo đảm và không ai được quyền xúc phạm nhân phẩm của các ngư dân đó. Cũng không ai được quyền ngăn chặn hay làm gián đoạn các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Trung Quốc”, ông Deng nói thêm.
Theo ông Deng, Bắc Kinh đã cảnh báo Manila không được quấy rối hay phá hoại thêm nữa các hoạt động của tàu thuyền đánh bắt cá Trung Quốc ở khu vực lãnh hải quanh đảo Hoàng Nham.
Trước đó, báo chí Philippine cho biết, các ngư dân nước này đã báo cáo với chính quyền địa phương rằng tàu thuyền của Trung Quốc đang ngăn không cho họđánh bắt cá ở bên trong khu vực bãi cạn Scarborough.
Trong cuộc đối đầu mới nhất giữa Philippine và Trung Quốc ở Biển Đông, Manila tỏ ra rất quyết liệt và không chịu lùi bước bất chấp việc Bắc Kinh liên tục đưa ra những lời đe dọa và cảnh báo sắc lạnh. Các nhà phân tích tin rằng, sở dĩ Philippine không ngại đối đầu với một nước lớn như Trung Quốc vì bên cạnh nước này có sự hậu thuẫn của đồng minh Mỹ – siêu cường quân sự số 1 thế giới.
Mặc dù Washington tuyên bố đứng trung lập trong các cuộc tranh chấp Biển Đông nhưng nước này lại hứa sẽ giúp Manila củng cố sức mạnh hải quân. Những bước đi đầu tiên của Mỹ trong việc thực hiện lới hứa này là Mỹ sẽ tăng viện trợ quân sự lên gần gấp 3 lần so với năm ngoái cho Philippine và sẽ chuyển giao chiếc tàu chiến thứ hai cho quốc gia Đông Nam Á này vào cuối tháng.
Theo VNMedia
Trung Quốc "bất lực" nhìn các nước lớn can thiệp vào Biển Đông
Việc các lực lượng bên ngoài can thiệp vào những tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông đang dần dần trở thành thực tế bất chấp sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Biển Đông với một loạt nước gồm Philippine, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng. Bắc Kinh luôn khẳng định muốn giải quyết những cuộc tranh chấp này trong khuôn khổ song phương. Tuy nhiên, có vẻ như mong muốn này khó mà thực hiện được khi giờ đây nhiều nước trong khu vực muốn quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và nhiều nước lớn muốn can thiệp vào các cuộc tranh chấp này.
Sự can thiệp của các nước lớn vào tranh chấp Biển Đông dần lộ rõ từ sau vụ đối đầu giữa tàu thuyền Philippine và Trung Quốc hôm 8/4 ở bãi cạn Scarborough đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước. Vụ va chạm tàu thuyền này đã làm cho sóng gió Biển Đông nổi lên suốt thời gian 4 tuần qua mà chưa có dấu hiệu dịu đi.
Trong cuộc đối đầu mới nhất giữa Philippine và Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ với tư cách là đồng minh thân thiết của Manila đã có nhiều động thái can thiệp từ gián tiếp đến trực tiếp vào cuộc tranh chấp này. Không chỉ Mỹ, các nước như Nhật Bản, Ấn Độ cũng bắt đầu có dấu hiệu "tham gia" vào tình hình Biển Đông.
Mỹ tuyên bố không đứng vào bên nào trong các cuộc tranh chấp Biển Đông nhưng lại khẳng định, nước này có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực biển chiến lược quan trọng này. Không chỉ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng có lợi ích sống còn trong việc duy trì giao thương ở Biển Đông. Đây là nơi chứa nhiều tuyến đường chuyên chở hàng hóa, dầu mỏ, khí đốt cực kỳ quan trọng của thế giới. Việc Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh hải dựa trên bản đồ 9 điểm (đường lưỡi bò) hết sức vô lý của nước này đang có nguy cơ làm nguy hại đến những tuyến đường biển quan trọng đó. Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... chắc chắn sẽ không cho phép chuyện này xảy ra. Đây là lý do khiến họ bắt đầu hành động.
Trong các nước lớn tham gia can thiệp vào tình hình Biển Đông, vai trò của Mỹ là lộ rõ nhất. Ngay sau vụ va chạm tàu thuyền giữa Philippine và Trung Quốc, lần đầu tiên, một tướng Mỹ - Chỉ huy Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đóng tại Thái Bình Dương - Trung tướng Duane Thiessen công khai tuyên bố sẽ bảo vệ Philippine. "Mỹ và Philippine đã ký một hiệp ước quốc phòng chung. Theo hiệp ước này, chúng tôi sẽ tham gia vào các hoạt động bảo vệ lẫn nhau", ông Thiesen đã tuyên bố như vậy.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, Washington đã có nhiều động thái quân sự khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an. Mỹ đã cùng Philippine tiến hành tập trận hải quân chung với nhiều bài tập "đầy hàm ý" như tái chiếm đảo, tái chiếm dàn khoan. Mỹ còn hứa giúp Manila củng cố sức mạnh cho Hải quân Philippine. Ngoài ra, Washington mới đây còn cam kết tăng gần gấp 3 viện trợ quân sự cho Philippine trong năm nay.
Sau Mỹ, Nhật Bản tham gia vào tình hình Biển Đông thông qua một thỏa thuận với Mỹ. Hồi tuần trước, Mỹ và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận mới về việc sử dụng chung các căn cứ của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Theo nguồn tin báo chí, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được cho là sẽ đóng quân cùng với lực lượng Mỹ ở Philippine. Một khi kế hoạch được Manila thông qua, Mỹ, Nhật Bản và Philippine sẽ tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự chung với nhau ở các căn cứ của Philippine.
Rõ ràng, khi các cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông ngày một trở nên nóng bỏng với sự gia tăng cứng rắn của Trung Quốc, nhiều nước đang có tranh chấp với Trung Quốc có xu hướng ngả về Mỹ và Nhật Bản với mục đích là nhằm ngăn chặn các tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đây chính là thời điểm cũng là điều kiện thuận lợi để Mỹ và Nhật Bản can thiệp vào các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Tuy nhiên, sự can thiệp của Mỹ và Nhật Bản vào tình hình Biển Đông là khác nhau. Nếu như Mỹ can thiệp công khai hơn, trực tiếp hơn thì sự can thiệp của Nhật Bản lại lặng lẽ, kín đáo hơn.
Mỹ công khai tuyên bố quay trở lại làm cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương với một loạt các động thái quân sự như tìm cách xây dựng những căn cứ quân sự lâu dài trong khu vực, đề nghị được trở lại căn cứ ở Vịnh Subic của Philippine, cử những tàu chiến tối tân nhất đến khu vực và tiến hành một loạt các cuộc tập trận chung với các nước láng giềng của Trung Quốc.
Trong khi đó, về phía Nhật Bản, nước này dỡ bỏ các chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí. Các nhà phân tích tin rằng, đây là bước đi của Tokyo nhằm chuẩn bị sẵn sàng giúp các nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc bằng việc bán vũ khí cho họ. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có kế hoạch cung cấp các tàu tuần tra cho Philippine và giúp nước này đào tạo lực lượng bảo vệ bờ biển.
Với sự hậu thuẫn của các nước lớn như Mỹ và Nhật Bản, các nước nhỏ có tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông đã trở lên bạo dạn, rắn rỏi hơn. Đó chính là trường hợp của Philippine. Nước này đã không ngần ngại đối đầu quyết liệt với Trung Quốc suốt trong 4 tuần qua.
Ngoài Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ cũng thể hiện dấu hiệu cho thấy họ có sự can thiệp nhất định vào tình hình Biển Đông dù nước này không chịu thừa nhận điều đó.
Được biết, hôm nay (7/5), 4 tàu thuộc Hạm đội Phía Đông của Hải quân Ấn Độ sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch triển khai kéo dài 2 tháng ở vùng biển nước ngoài. Theo đó, tàu chiến Ấn Độ sẽ đi qua Biển Đông tới Nhật Bản.
Đội tàu chiến của Ấn Độ gồm 1 tàu khu trục lớp Rajput được trang bị tên lửa siêu thanh Brahmos, 1 tàu hộ tống lớp Shivalik, 1 tàu hộ tống cỡ nhỏ lớp Kora cùng 1 tàu chở dầu. Theo lịch trình chuyến đi, các tàu trên sẽ đi qua eo biển Malacca, Biển Đông rồi đến hải phận Nhật Bản. Đồng thời, đội tàu chiến Ấn Độ cũng sẽ ghé thăm các cảng biển ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore cùng một số nước khác. Chuyến hải hành này được tiến hành trong bối cảnh New Delhi gần đây liên tục kêu gọi các nước phải bảo đảm tự do hàng hải trên các vùng biển khu vực. Phải chăng, kế hoạch triển khai tàu chiến diễn ra vào ngày mai của Ấn Độ là để phát đi thông điệp, nước này sẵn sàng hành động để bảo đảm sự tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo VNMedia
Tranh chấp Biển Đông biến châu Á thành chảo lửa Dù tiềm ẩn khá nhiều mâu thuẫn nhưng Châu Á vẫn được xem là ổn định và yên bình hơn các châu lục khác. Tuy nhiên, tháng 4 vừa rồi, khu vực này bỗng chốc biến thành "chảo lửa" vì những tranh chấp quyết liệt ở Biển Đông và vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Triều Tiên "châm ngòi lửa" đốt nóng...