Mỹ có quyền đơn phương tấn công Triều Tiên?
Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên ngày càng tăng lên sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ tấn công Triều Tiên thì liệu Washington có cần sự đồng ý của Hàn Quốc trước khi khai hỏa hay không?
Quân đội Hàn Quốc tập trận rầm rộ sát biên giới Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên hôm 3/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đã cảnh báo rằng bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào Mỹ, các vùng lãnh thổ của Mỹ như đảo Guam, hay các đồng minh của Mỹ “cũng sẽ bị đáp trả bằng cuộc tấn công quân sự quy mô lớn”.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng tăng cao, một câu hỏi được đặt ra đó là trong trường hợp Triều Tiên phóng tên lửa vào lãnh thổ Mỹ, đặc biệt là Guam, liệu Mỹ có thể tiến hành một cuộc tấn công quân sự đáp trả Bình Nhưỡng mà không cần ý kiến của Hàn Quốc hay không?
Đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi hiện nay, vì trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng tuyên bố rằng nếu không có sự đồng ý của Seoul, không quốc gia nào có thể triển khai hành động quân sự đối với Triều Tiên.
Đáp trả tuyên bố của Tổng thống Moon, ông Burwell Bell, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) từ năm 2006-2008 cho biết, Mỹ sẽ không cần sự đồng ý hay hợp tác của Hàn Quốc vẫn có thể tấn công Triều Tiên bằng khí tài quân sự ở nước ngoài của nước này.
Trước đó, giới chuyên gia từng bày tỏ lo ngại rằng kịch bản đối đầu quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ kéo theo số lượng thương vong rất lớn tại Hàn Quốc – quốc gia láng giềng với Triều Tiên.
Triều Tiên có thể triển khai các đơn vị pháo kích ở biên giới với Hàn Quốc và phá hủy thủ đô Seoul, thành phố với 10 triệu dân và chỉ cách Triều Tiên 55 km. Ngoài ra, nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, xung đột liên Triều sẽ nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột khu vực.
Mỹ có quyền đơn phương tấn công?
Video đang HOT
Tướng Burwell Bell – Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc từ năm 2006-2008 (Ảnh: Chosun)
Theo nhiều chuyên gia quân sự, xét cả về các quy chuẩn luật pháp và thông lệ quốc tế, Mỹ hoàn toàn có quyền đơn phương tấn công Triều Tiên mà không cần sự đồng ý của Hàn Quốc.
“Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ chính của một chính phủ đối với người dân của đất nước đó. Mỹ tất nhiên có quyền triển khai hành động quân sự để tự vệ mà không cần sự chấp thuận của Seoul”, bà Tara O, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS, nói với Korea Times.
Bà Tara O là cựu nhân viên Không quân Mỹ nghỉ hưu, từng làm việc cho nhiều cơ quan tại châu Á, châu Âu và cả ở Mỹ, bao gồm Lầu Năm Góc và Bộ Chỉ huy Các lực lượng phối hợp Mỹ – Hàn (CFC). Theo bà O, Tổng thống Moon có thể muốn nhắc tới CFC – một cơ chế chỉ huy quân sự tác chiến chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
“Hàn Quốc vẫn có tiếng nói trong vấn đề này bởi CFC hoạt động vì lợi ích của chính quyền của cả hai nước, bao gồm tổng thống, bộ trưởng quốc phòng của cả Mỹ và Hàn Quốc”, chuyên gia O nhận định.
“Mỹ đã cung cấp cả khí tài và nhân lực quân sự cho CFC thông qua Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc (USFK), nhưng phần lớn lực lượng quân sự Mỹ không thuộc phạm vi của CFC. Vì thế, mặc dù Tổng thống Moon có thể đưa ra chỉ thị đối với CFC, nhưng ông ấy không thể chỉ đạo toàn bộ lực lượng vũ trang Mỹ. Phần còn lại của lực lượng quân đội Mỹ vẫn đang phụng sự cho tổng thống Mỹ”, bà O cho biết thêm.
Trong khi đó, bà Balbina Hwang, giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh thuộc Đại học Georgetown, cho biết vấn đề gây tranh cãi ở đây xuất phát từ sự nhầm lẫn liên quan tới luật pháp quốc tế, sức mạnh quân sự chủ quyền của mỗi nước cũng như quan hệ đồng minh.
“Đúng như cựu Tư lệnh USFK đã nói, theo quy định của luật quốc tế, Mỹ hoàn toàn có khả năng tấn công bất kỳ mục tiêu nào bằng các khí tài quân sự ở nước ngoài của Mỹ, mà không cần nước nào chấp thuận. Vấn đề then chốt ở đây là yếu tố “nước ngoài”. Không ai có thể phủ nhận quyền của Mỹ, miễn là quyền đó phải phù hợp với các quy chuẩn quốc tế về phòng vệ và ngăn chặn”, giáo sư Hwang cho biết.
Chính trị và pháp lý
Quân đội Mỹ-Hàn tập trận chung (Ảnh: Getty)
Ông Stephan Haggard, Giám đốc Chương trình Hàn Quốc – Thái Bình Dương tại Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu thuộc Đại học California, nhận định: “Xét đến khía cạnh tấn công bất ngờ, Hàn Quốc không thể ngăn Mỹ tự bảo vệ chính mình nếu Mỹ bị tấn công. Và trong trường hợp của Hàn Quốc cũng vậy, Mỹ cũng không thể ngăn Hàn Quốc thực thi quyền phòng vệ. Đó là quyền chủ quyền theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, xét trên khía cạnh chính trị, Mỹ không thể lựa chọn phương án tấn công quân sự Triều Tiên mà không có sự phối hợp với Hàn Quốc.
Bà Balbina Hwang, cựu cố vấn đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ, chỉ ra rằng Mỹ có quyền triển khai phương án quân sự, đó là quyền chủ quyền mà Mỹ có được. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc là Mỹ muốn triển khai phương án này.
“Mỹ có quyền không có nghĩa là Mỹ muốn làm, có thể làm, hay sẽ làm. Nó chỉ đơn giản là Mỹ, cũng như bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào khác, có quyền làm như vậy (với Triều Tiên)”, bà Hwang nói.
Theo bà Hwang, nếu Mỹ thực sự đưa ra quyết định tấn công Triều Tiên thì đó không chỉ đơn thuần là quyết định về quân sự, mà Washington sẽ còn tính toán đến các lý do chính trị khác như động cơ, nguyên do và mục tiêu khi làm vậy.
“Mỹ sẽ không bao giờ đưa ra quyết định một cách nông cạn, vì những tác động về chính trị khi đưa ra một quyết định, liên quan tới quan hệ với các nước khác, rất sâu sắc và nghiêm trọng”, chuyên gia Hwang nhận định.
Ông Stephan Haggard đã mô tả vấn đề giữa Mỹ và Hàn Quốc hiện nay là mâu thuẫn giữa khía cạnh “chính trị và pháp lý”. Ông Haggard hy vọng Mỹ sẽ phối hợp với Hàn Quốc nếu muốn triển khai các hành động tấn công quân sự đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, chuyên gia O cho rằng Hàn Quốc cần duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ để tránh các động thái quân sự đơn phương của Washington, đồng thời khẳng định một liên minh Mỹ – Hàn chặt chẽ sẽ là nền tảng để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Mỹ - Hàn bắt đầu tập trận rầm rộ bất chấp đe dọa của Triều Tiên
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc hôm nay 21/8 đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước từ sau khi Triều Tiên phóng thử 2 tên lửa đạn đạo tầm xa hồi tháng 7 và đe dọa tấn công đảo Guam của Mỹ. Bình Nhưỡng trước đó tuyên bố sẽ đáp trả động thái này của Seoul và Washington.
Quân đội Mỹ - Hàn tập trận năm 2016 (Ảnh: Reuters)
Yonhap dẫn lời giới chức quân sự cho biết cuộc tập trận "Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG)" 2017 bắt đầu từ hôm nay 21/8 và kéo dài tới ngày 31/8, trong đó tập trung vào "chiến lược răn đe thích ứng chung" trên cơ sở Kế hoạch Tác chiến 5015 của Bộ Chỉ huy các lực lượng phối hợp Mỹ - Hàn.
Theo kế hoạch, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris, Chỉ huy Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ John Hyten và Chỉ huy Lực lượng Phòng thủ tên lửa Mỹ Samuel Greaves, sẽ trực tiếp giám sát cuộc tập trận UFG năm nay. Sự tham gia của 3 quan chức quân sự cấp cao này trong cùng một cuộc tập trận được cho là động thái khác thường của quân đội Mỹ.
Tập trận "Người bảo vệ Tự do Ulchi" năm nay sẽ quy tụ khoảng vài chục nghìn binh sĩ Hàn Quốc. Trong thông báo chính thức, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không nêu rõ số lượng, song giới chức quân sự nước này cho biết số binh sĩ năm nay sẽ tương đương số binh sĩ năm ngoái, xấp xỉ 50.000 người.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đã giảm số lượng binh sĩ tập trận UFG từ 25.000 xuống còn 17.500 người, trong đó có khoảng 3.000 người không phải là quân thường trú của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên.
Ngoài Mỹ và Hàn Quốc, tập trận UFG năm nay còn có sự tham gia của các nước thành viên của Bộ Tư lệnh các lực lượng Liên Hợp Quốc gồm Australia, Canada, Colombia, Đan Mạch, New Zealand, Hà Lan và Anh.
Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt sau khi Bình Nhưỡng đưa ra những tuyên bố cứng rắn trước thềm tập trận. Triều Tiên cho rằng động thái của Mỹ và Hàn Quốc đã "đổ thêm dầu vào lửa" và đẩy tình hình khu vực hiện nay tới "Thảm họa". Bình Nhưỡng cũng dọa sẽ đáp trả cuộc tập trận này.
UFG cũng là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và Hàn Quốc từ sau khi Triều Tiên phóng thử 2 tên lửa đạn đạo tầm xa hồi tháng 7 và đe dọa tấn công đảo Guam của Mỹ.
Thành Đạt
Theo Yonhap
Nguy cơ chiến tranh Triều Tiên vì hành động của Mỹ-Hàn Cuộc tập trận quân sự kéo dài 10 ngày giữa Mỹ và Hàn Quốc vào tuần tới có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Hệ thống phóng tên lửa Mỹ khai hỏa tại Hàn Quốc. Theo News.com.au, Triều Tiên ngày 17.8 chỉ trích dữ dội Mỹ-Hàn, cáo buộc hai nước này đang đẩy bán đảo Triều Tiên...