Mỹ chuyển dây chuyền iPhone về nước: Chiêu bài của Trung Quốc
“Trung Quốc sẽ lấy những mặt hàng hiện nay đang thắng thế để làm con bài mặc cả với Mỹ. Tuy nhiên biện pháp đó chỉ có tác dụng tức thời”.
Ngăn chặn công nghệ mới bị ăn cắp
Tiếp tục phân tích về việc đối tác chính của Apple là Foxconn, đang nghiên cứu khả năng chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone từ phía Trung Quốc sang Mỹ, PGS.TS Nguyễn Văn Nam – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng đây là một toan tính có cơ sở và đầy thận trọng của Apple.
Theo PGS.TS Nam, thời gian vừa qua đã có không ít các doanh nghiệp Mỹ tự động rút các công nghệ, dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc về trong nước để sản xuất, thiết kế các sản phẩm. Tuy nhiên thời điểm hiện tại khi ông Donald Trump sắp trở thành tổng thống của nước Mỹ thì xu hướng trên sẽ nhiều hơn.
“Đây là ý tưởng của ông Donald Trump. Mỹ đã bắt đầu thực hiện một thời gian rồi. Nếu chuyển giao hết công nghệ, dầy chuyền cho các nước đang phát triển hoặc mới nổi thì Mỹ sẽ trở thành nước thất nghiệp nhiều.
Mỹ cũng như Apple tính toán như vậy dựa trên cơ sở công nghệ mới hết. Tức là cuộc công nghiệp lần thứ 4 này sẽ tạo điều kiện cho họ làm được như vậy. Ở đây họ sẽ nâng cao tự động hóa, đưa công nghệ thông tin công nghệ điện tử được đưa vào rất mạnh trong mọi khâu của sản phẩm sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng cao hơn.
Video đang HOT
Mỹ không dại gì đầu tư tại Trung Quốc vào thời điểm này vì công nghệ mới có thể dễ dàng bị đánh cắp, không còn nhiều giá trị. Tất cả các công nghệ Mỹ chỉ chuyển đi khi thấy rằng nó đã phổ cập, không còn là của riêng họ mà các nước đều biết rồi”, PGS.TS Nam nhận định.
Trung Quốc sẽ lấy những mặt hàng hiện nay đang thắng thế để làm con bài mặc cả với Mỹ. Tuy nhiên biện pháp đó chỉ có tác dụng ngắn hạn.
Tuy nhiên, với những công nghệ cũ và lạc hậu mà Mỹ chưa thể chuyển thành công nghệ hiện đại hết được, ông Nam cho rằng Hoa Kỳ vẫn phải đặt ở nước ngoài.
Thậm chí nếu Mỹ không ưa Trung Quốc thì có thể chuyển sang các nước mới nổi như Việt Nam, Thái Lan, khu vực Đông Nam Á để xây dựng các nhà máy lắp ráp.
“Tất nhiên chuyện giá cả có thể đội lên cao, phía Apple phải tính trong phương án. Họ phải tính toán có lãi thì mới làm. Nếu giờ làm ra sản phẩm không ai mua thì chắc chắn sẽ không ai làm. Apple là nhà kinh doanh giỏi thì phải tính hết những yếu tố đó. Trên nền tảng công nghệ mới, quản lý hiện đại, thiết bị công nghệ cao nhưng họ phải tính toán giá thành để có thể cạnh tranh được.
Có thể hàng hóa của sản xuất tại Mỹ sẽ đắt hơn nhưng hàng hóa cao hơn nhiều lần thì vẫn bán tốt là hàng rẻ hơn và chất lượng kém hơn sản xuất tại Trung Quốc. Người tiêu dùng càng ngày càng yêu cầu chất lượng cao. Nếu Trung Quốc vẫn chạy theo giá rẻ nhưng lại không đề cao chất lượng thì sớm muộn cũng sẽ gặp thất bại”, PGS.TS Nam nhận định.
Vị chuyên gia cũng lấy ví dụ về trường hợp Motorola từng thử đưa nhà máy sản xuất smartphone về Mỹ nhưng thất bại toàn diện và buộc phải đóng cửa nhà máy đó vào năm 2014 do chi phí quá cao.
Theo ông, trong một xu hướng có thể doanh nghiệp này thất bại nhưng vẫn có người thắng lợi. Việc này tùy thuộc vào các điều kiện của doanh nghiệp cũng như thị trường kinh doanh.
“Anh muốn làm cái đó thì phải hội đủ các điều kiện. Một khi công nghệ anh chưa tốt hơn, trình độ tổ chức quản lý chưa cao hơn, giá thành quá đắt, chất lượng không được cải thiện thì đương nhiên sẽ thất bại. Tuy nhiên những doanh nghiệp thất bại như Motorola là bài học quý giá cho những nơi khác, trong đó có Apple học hỏi kinh nghiệm”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nam để thực hiện giấc mơ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, cần phải có sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp cũng như Chính phủ trong việc tạo ra chính sách thuận lợi, khuyến khích các tập đoàn thực hiện chuyển giao dây chuyền công nghệ về nước.
“Các doanh nghiệp và các nhà khoa học phải nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới. Chính phủ Mỹ cũng phải ủng hộ các doanh nghiệp trong việc đi đầu áp dụng công nghệ mới, trong việc nghiên cứu. Họ phải đầu tư rất nhiều tiền của, nhân lực nhằm nghiên cứu ra những vấn đề quan trọng của nền kinh tế nên cần khuyến khích, có những chính sách ưu đãi.
Tuy nhiên việc này không diễn ra ồ ạt mà cả 1 quá trình 5-10 năm mới hình thành. Chắc chắn Mỹ không thể vội vàng khi họ chưa có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng”, ông Nam đánh giá.
Trước ý định chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone từ phía Trung Quốc sang Mỹ, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng chắc chắn Bắc Kinh sẽ tìm cách để ngăn cản, tạo ra áp lực đối với doanh nghiệp của Hoa Kỳ.
Đặc biệt, Trung Quốc hiện đang là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh kinh tế thì cả 2 bên đều sẽ là người chịu thiệt hại.
“Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp nhắm vào chính trị, chính sách với Mỹ. Tuy nhiên biện pháp đó chỉ có tác dụng ngắn hạn và tức thời, không thể kéo dài được. Khi đàm phán họ phải tìm cách hạn chế những việc đó nhằm duy trì tổng kim ngạch giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ lấy những mặt hàng hiện nay Trung Quốc đang thắng thế để làm con bài mặc cả với Mỹ.
Như tôi đã nói, đây là những biện pháp ngoài kinh tế, chỉ có tác dụng tạm thời. Vấn đề cuối cùng vẫn phải là các biện pháp kinh tế, khoa học, công nghệ. Trung Quốc phải thay đổi, phát triển tiến lên, chứ không thể mãi dùng các biện pháp chính trị, gây áp lực lên các nước”, PGS.TS Nam khẳng định.
(Theo Báo Đất Việt)