Mỹ chuẩn bị công bố mục tiêu chung về hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Cố vấn cấp cao của Mỹ về Trung Quốc, bà Laura Rosenberger ngày 19/1 cho biết Washington dự kiến công bố “những mục tiêu chung” về hợp tác kinh tế với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương vào đầu năm 2022.
Cố vấn cấp cao của Mỹ về Trung Quốc, bà Laura Rosenberger. Ảnh: politico.com
Phát biểu tại một sự kiện của Cục Quốc gia về Nghiên cứu châu Á, bà Rosenberger chia sẻ những cuộc trao đổi mà Mỹ đã thực hiện với các đối tác trong khu vực suốt vài tháng qua có vai trò thực sự quan trọng nhằm góp phần làm rõ ý tưởng của Washington về việc theo đuổi một khuôn khổ hợp tác kinh tế.
Theo bà Rosenberger, ý tưởng ban đầu về những lĩnh vực hợp tác kinh tế được Washington đề xuất bao gồm tạo thuận lợi cho thương mại, các tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng, cắt giảm carbon và năng lượng sạch, kiểm soát xuất khẩu, thuế quan và chống tham nhũng. Mỹ và các đối tác sẽ tiếp tục tập trung vào quá trình thiết lập những mục tiêu chung và sẽ cùng công bố trong những tháng tới, giai đoạn đầu năm 2022.
Mặc dù không cung cấp thêm thông tin về quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump đã từ bỏ hồi năm 2017, song bà Rosenberger vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy một khu vực tự do, cởi mở và bảo vệ người lao động Mỹ. Bà cho biết các quan chức Mỹ đều cảm thấy “sự cấp bách chung” nhằm đảm bảo Mỹ đạt được vị trí tốt nhất để có thể cạnh tranh.
Chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được cho là thiếu trụ cột hợp tác về kinh tế sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi hiệp định kinh tế, do chính Mỹ khởi xướng, hiện được biết đến với tên gọi CPTPP. Trong khi đó, hồi tháng 9/2021, Trung Quốc thông báo đã nộp hồ sơ xin gia nhập CPTPP.
Đến tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết có khả năng khung hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ được triển khai từ đầu năm 2022, mở đường hình thành một khung hợp tác kinh tế phù hợp hơn, có thể là một thỏa thuận thực tế, tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bà Raimondo nhấn mạnh rằng việc hình thành khung hợp tác kinh tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nhằm phát triển các mối quan hệ kinh tế và thương mại năng động với các đối tác ở khu vực mà Mỹ đã duy trì quan hệ thực chất trong thời gian dài.
Pháp tìm cách thắt chặt quan hệ với châu Á sau khi bị AUKUS qua mặt
Pháp tìm cách tăng cường quan hệ với châu Á sau khi đánh mất quan hệ đối tác ưu tiên với Australia liên quan đến việc Mỹ, Anh, Australia thành lập liên minh an ninh ba bên (AUKUS).
Tàu ngầm hạt nhân lớp Collins của Hải quân Hoàng gia Australia. Ảnh: EPA
Đại sứ Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Christophe Penot ngày 7/12 cho biết việc bị loại ra khỏi liên minh AUKUS tạo cho Pháp có thêm động lực để mở rộng can dự với các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Pháp thực trên thực tế đã mở rộng hợp tác với một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ trước khi AUKUS ra đời.
"Thực tế, việc mất đi quan hệ đối tác ưu tiên với Australia đã thôi thúc chúng tôi tăng cường hợp tác nhiều hơn, nhưng quả thực Pháp đã làm trước đó rồi. Mục đích là mở rộng can dự với Ấn Độ, với Nhật Bản", ông Christophe Penot phát biểu trước báo giới ở Singpore. Đại sứ Pháp đang có chuyến công du khu vực, để tham vấn song phương với các đối tác ngay trước thời điểm Pháp đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 1 tới.
Ông Penot cũng lưu ý rằng Pháp đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Singapore, Indonesia và Việt Nam, đang mở rộng, làm sâu sắc hợp tác với Malaysia, Hàn Quốc và New Zealand. Đây là những nhân tố quan trọng, giúp hỗ trợ can dự của Pháp tại khu vực.
Việc Australia gia nhập AUKUS và hủy hợp đồng đóng mới tàu ngầm trị giá hàng chục tỉ USD ký với Pháp đã khiến Paris nổi giận. Ông Penot mô tả hành động này là "vụng về", cho rằng nói dễ tạo ra ấn tượng có bất đồng trong liên minh giữa các nước phương Tây.
Nhật Bản kêu gọi Mỹ tham gia trở lại TPP Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản vừa lên tiếng kêu gọi Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hiện nay và tham gia nhiều hơn vào việc đảm bảo trật tự quốc tế ở khu vực Ấn Độ...