Mỹ chưa xem xét khả năng hành động quân sự lớn ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm nay cho biết Washington hiện không cần thiết phải thực hiện các động thái quân sự lớn ở Biển Đông nhằm đối phó với những hành vi quyết đoán từ phía Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Reuters
“Vào lúc này, chúng tôi chưa nhìn thấy bất kỳ nhu cầu hành động quân sự quy mô nào”, Reuters dẫn lời ông Mattis nói tại một cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, nhấn mạnh sự quan trọng của các biện pháp ngoại giao.
Trong một phiên điều trần trước Thượng viện, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng ngỏ ý muốn cấm Trung Quốc tới các đảo mà nước này xây dựng tại những khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ bảo vệ “lãnh thổ quốc tế” tại các vùng biển chiến lược.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ Mỹ sẽ làm như thế nào để thực hiện cam kết trên. Giới phân tích nhận định các phát ngôn mà ông Tillerson và Nhà Trắng đưa ra gợi ý khả năng Mỹ có thể thực hiện một động thái quân sự nào đó trong tương lai, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc.
Video đang HOT
Song theo ông Mattis, Mỹ hiện không xem xét đến việc thực thi các hành động quân sự. “Những gì chúng tôi đang làm là vận dụng mọi nỗ lực, những nỗ lực ngoại giao, để cố gắng giải quyết vấn đề một cách đúng đắn, duy trì các kênh liên lạc mở”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.
Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông với các nước trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Những năm gần đây, Trung Quốc bị cáo buộc ngày càng quyết đoán trong cách hành xử ở Biển Đông.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trump có thể coi châu Á là nơi gây thách thức nghiêm trọng nhất
Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chọn châu Á là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức được đánh giá là thể hiện mối quan tâm lớn của Tổng thống Donald Trump với khu vực này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trái, và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Ảnh: Washington Post
"Thông điệp rõ ràng của Mỹ là những thách thức an ninh nghiêm trọng nhất mà Washington đang phải đối diện hiện ở châu Á", Tiến sĩ Kent Calder, Giám đốc chương trình châu Á tại Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, trả lời câu hỏi của VnExpress về ý nghĩa chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc của Bộ trưởng Mattis.
Ông Calder cho hay những thách thức đó là Trung Quốc ngày càng thể hiện cách hành xử gây hấn ở Biển Đông, Triều Tiên đang nhanh chóng thúc đẩy việc thử các vũ khí hạt nhân và phát triển các hệ thống tên lửa tầm xa. Sự bất ổn ở bán đảo Triều Tiên không chỉ đe dọa Hàn Quốc, mà còn tăng nguy cơ với Nhật Bản và cả Mỹ.
Bộ trưởng Mattis hôm 1/2 bắt đầu chuyến thăm khi đến Seoul, Hàn Quốc, và Tokyo, Nhật Bản. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Mattis kể từ khi trở thành ông chủ Lầu Năm Góc và cũng là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Trump.
Đánh giá về định hướng chính sách của chính quyền Mỹ mới, ông Robert Dujarric, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề châu Á, Đại học Temple, Nhật Bản, cho hay chuyến công du của ông Mattis không hẳn mang thông điệp của ông Trump. Khi đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, Bộ trưởng Mattis có thể trấn an các đồng minh ở Đông Bắc Á rằng "các chính sách an ninh chính của Mỹ ở đây vẫn được giữ nguyên".
"Không ai biết Tổng thống Trump thực sự nghĩ gì. Một số người cho rằng ông sẽ tập trung vào kiềm chế Trung Quốc. Nhưng một số điều ông thực hiện đang khiến các đồng minh và đối tác ở châu Á trở nên bớt an toàn hơn", ông Dujarric nói.
Chuyên gia của Đại học Temple nhắc tới việc ông Trump đã ký sắc lệnh cho phép Mỹ rút khỏi Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), khiến những người theo đạo Hồi (trong đó có người theo đạo ở Indonesia, Malaysia) nghĩ rằng nước Mỹ ghét bỏ họ bằng lệnh hạn chế nhập cảnh. Tổng thống Trump cũng từng đề cập đến việc yêu cầu Nhật Bản phải chi trả nhiều hơn để nhận sự hỗ trợ của Mỹ trong mối quan hệ đồng minh.
Dự báo nội dung thảo luận giữa Bộ trưởng Mattis và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tiến sĩ Calder tin rằng hai nhà lãnh đạo sẽ nhấn mạnh đến tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông. Với cả Mỹ và Nhật Bản, Biển Đông có vai trò quan trọng chiến lược khi một lượng lớn hàng hóa của hai nước đi qua khu vực này.
Nói cụ thể hơn về trao đổi giữa ông Mattis và ông Abe, chuyên gia Robert Dujarric cho rằng sẽ không có đột phá.
"Cho dù Nhật Bản có quan điểm thù địch với Trung Quốc, họ cũng không muốn Mỹ làm cho căng thẳng ở khu vực gia tăng", ông nói.
Việt Anh
Theo VNE
Trung Quốc hy vọng giải quyết được tranh chấp với chính quyền Trump Quan chức cấp cao Trung Quốc nói Bắc Kinh hy vọng xử lý, kiểm soát tranh chấp và các vấn đề nhạy cảm với chính quyền mới ở Washington. Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: Reuters "Trung Quốc hy vọng chính quyền mới ở Mỹ đẩy mạnh quan hệ và trao đổi, duy trì các nền tảng chính...