Mỹ chế robot chuyên cọ rửa tiêm kích
Một đơn vị không quân Mỹ thử nghiệm robot lau rửa máy bay chiến đấu, có thể giúp cắt giảm nhân lực và thời gian vệ sinh khí tài.
Không quân Mỹ hôm 3/5 công bố hình ảnh robot vệ sinh chiến đấu cơ F-16C thuộc Phi đoàn tiêm kích số 149 đóng quân tại căn cứ San Antonio-Lackland, bang Texas hồi tháng trước. Đây mới là thử nghiệm công nghệ, nhưng có thể được triển khai đại trà cho các đơn vị vận hành tiêm kích F-16 và nhiều mẫu chiến đấu cơ khác trong tương lai.
Robot vệ sinh tiêm kích F-16 Mỹ trong đợt thử nghiệm hồi tháng 4. Ảnh: USAF.
Không quân Mỹ cho biết hệ thống robot có thể vệ sinh một chiếc F-16 chỉ trong một giờ, so với thời gian hai ngày mà nhóm 3-4 kỹ thuật viên lành nghề thực hiện. Nó có thể vận hành vào ban đêm, giải phóng sức lao động và cho phép binh sĩ mặt đất tập trung cho công việc khác vào ban ngày.
Tiêm kích như F-16 thường được lau rửa sau khoảng 6 tháng vận hành để làm sạch bụi và cặn bẩn trên thân vỏ, muội than từ động cơ, khói ám từ các vụ khai hỏa pháo và tên lửa, cũng như xác côn trùng, hạn chế tình trạng ăn mòn, kéo dài tuổi thọ khung thân.
Nếu không được vệ sinh cẩn thận, những chất bẩn này có thể ăn mòn sơn và khung thân máy bay, làm hư hại những cấu trúc kim loại bên trong và uy hiếp an toàn bay.
Kỹ thuật viên dùng chổi lau vệ sinh tiêm kích Mỹ. Ảnh: USAF .
“Công việc rất vất vả. Máy bay khó làm sạch vì dầu mỡ, dầu thủy lực và những bụi bẩn tích tụ suốt 6 tháng. Càng đáp cũng rất khó vệ sinh vì có nhiều ngóc ngách. Đây cũng là công việc rất nhàm chán”, trung sĩ Kyle Padgett, kỹ thuật viên mặt đất, mô tả quá trình vệ sinh thủ công với tiêm kích F-16.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng vệ sinh tiêm kích vẫn sẽ là công đoạn vất vả, bất chấp những tiến bộ công nghệ như robot này. Các nhân viên mặt đất vẫn phải đảm nhận nhiều hạng mục, trong đó có dán băng dính để che chắn những thiết bị nhạy cảm và kẽ hở trên máy bay, công việc rất mất thời gian mà robot chưa thể thực hiện.
Trung Quốc công bố kế hoạch trở thành 'siêu cường sản xuất'
Quốc hội Trung Quốc công bố kế hoạch toàn diện nâng cấp năng lực sản xuất với 8 lĩnh vực ưu tiên nhằm tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu.
"Chúng ta phải giữ tỷ trọng sản xuất ổn định trong nền kinh tế nói chung và nâng cao lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong các lĩnh vực này", chính phủ Trung Quốc cho biết trong kế hoạch 5 năm dài 142 trang được giới thiệu với gần 3.000 thành viên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, tức quốc hội, trong phiên họp ngày 5/3.
Kế hoạch này tập trung vào 8 lĩnh vực gồm đất hiếm và vật liệu đặc biệt, robot, động cơ máy bay, phương tiện năng lượng mới và ô tô thông minh, thiết bị y tế và phát minh y học như vaccine, máy móc nông nghiệp, thiết bị sử dụng trong các ngành đóng tàu, hàng không và đường sắt cao tốc, cùng các ứng dụng công nghiệp của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ô tô ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 4/2020. Ảnh: Reuters .
Trung Quốc nhấn mạnh vào sản xuất tiên tiến trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó nêu ra các mục tiêu phát triển và kinh tế giai đoạn 2021-2025, phản ánh quyết tâm của chính phủ nước này trong theo đuổi chuyển đổi công nghệ cao trong lĩnh vực trên.
Điều này giúp bù đắp chi phí sản xuất ngày càng tăng, củng cố vị thế quốc gia của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao khả năng cạnh tranh với Mỹ.
Trung Quốc công bố chiến lược sản xuất mới trong bối cảnh Thượng viện Mỹ được cho là đang xem xét dự luật mới với gói hỗ trợ 30 tỷ USD nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Các nghị sĩ Mỹ đặt mục tiêu đưa vào gói hỗ trợ các yếu tố khác để thúc đẩy lĩnh vực công nghệ của nước này, dự kiến bỏ phiếu thông qua vào tháng 4.
Trong kế hoạch 5 năm mới, Trung Quốc đặt mục tiêu khắc phục các khâu yếu kém trong các lĩnh vực chính, phần mềm, vật liệu và hệ thống cơ bản.
Kế hoạch cho biết Trung Quốc sẽ phát triển chuỗi giá trị công nghiệp "sáng tạo hơn, an toàn hơn với giá trị gia tăng cao hơn", giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong "đường sắt tốc độ cao, thiết bị điện, năng lượng mới và đóng tàu". Kế hoạch cũng cho biết "các bộ phận quan trọng của chuỗi giá trị" phải nằm tại Trung Quốc.
Sản xuất chiếm 33% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc nửa đầu năm 2020, được coi là xương sống của nền kinh tế công nghiệp. Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới trong sản xuất và được mệnh danh là "công xưởng của thế giới" sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001.
Hai kỳ họp quan trọng nhất năm tại Trung Quốc. Video: SCMP .
Dự thảo kế hoạch 5 năm kỳ vọng "các ngành công nghiệp non trẻ" của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể giá trị kinh tế và chiếm 17% GDP của cả nước trong giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch cũng thúc đẩy tốc độ triển khai mạng di động 5G để tăng tỷ lệ người dùng lên đến 56% trong giai đoạn này.
Quốc hội Trung Quốc khai mạc kỳ họp ngày 5/3. Trong phiên khai mạc, Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố mục tiêu tăng trưởng "trên 6%"trong năm 2021. Ông Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới công nghệ trong tạo ra lợi ích cho nhiều ngành công nghiệp, 23 lần nhắc đến "công nghệ" trong báo cáo chính phủ năm nay, nhiều hơn năm ngoái 9 lần.
Robot cho lợn ăn đắt hàng mùa COVID-19 Lượng đơn đặt mua robot cho lợn ăn đã tăng gấp 4 lần vào năm nay trong bối cảnh người chăn nuôi đang tìm cách cắt giảm chi phí để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Robot cho lợn ăn của Robo Agro. Ánh: Reuters Hãng Reuters đưa tin ngày 3/12, công ty chế tạo tư nhân Robo Agro...