Mỹ cắt ngân sách cho WHO: Thế giới thêm khó khăn trong cuộc chiến chống COVID-19
Nhiều chuyên gia tin rằng quyết định cắt ngân sách cho WHO của ông Trump sẽ khiến cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới vốn đã khó khăn trở nên khó nhằn gấp bội.
Sau nhiều lần chỉ trích WHO thiên vị Trung Quốc, chậm trễ đưa ra các khuyến cáo, không chia sẻ thông tin đầy đủ khi dịch COVID-19 lan rộng, Tổng thống Trump hôm 14/4 tuyên bố Mỹ sẽ cắt ngân sách cho tổ chức này.
“WHO không thể làm tròn nghĩa vụ cơ bản của mình và tổ chức này phải chịu trách nhiệm. Dịch bệnh lẽ ra phải được ngăn chặn từ nguồn khởi phát của nó nếu tổ chức này sớm có phản ứng hợp lý”, ông cho hay.
Nhà lãnh đạo Mỹ còn cho biết đã chỉ thị tiến hành điều tra vai trò của WHO trong việc che giấu thông tin và không quản lý được sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Phản ứng trước quyết định mới của ông Trump, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng hiện tại không phải là thời điểm cho việc cắt giảm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: BBC)
“Giờ không phải là lúc cắt giảm các nguồn tài trợ cho các hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới hoặc bất cứ tổ chức nhân đạo nào trong cuộc chiến chống COVID-19. Đây là thời điểm cộng đồng quốc tế phải làm việc cùng nhau trong sự đoàn kết để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra”, ông nhấn mạnh.
Với 400 triệu USD mỗi năm, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO khi đóng góp 15% ngân sách của tổ chức này.
Về mặt lý thuyết, Nhà Trắng không thể chặn tài trợ cho các tổ chức quốc tế nếu không nhận được sự đồng thuận từ Quốc hội. Nhưng chính quyền Trump từng tìm cách lách khỏi những rào cản hiến pháp để đối phó với các vấn đề tương tự bằng cách không giải ngân tiền hoặc áp dụng trừng phạt.
Ông Jac Phelan, Phó giáo sư tại Trung tâm Khoa học và An ninh Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Georgetown cho rằng dù với bất cứ lý do gì, đây vẫn là quyết định thiển cận và nguy hiểm trong bất cứ thời điểm nào, chưa nói đến tình hình dịch bệnh rối ren hiện nay.
Ông Jacin Yamey, Giám đốc trung tâm Duke của Đại học Duke nhận định quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ sẽ gây bất lợi sâu sắc cho sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Việc Mỹ cắt ngân sách cho WHO được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới. (Ảnh: Reuters)
WHO hiện là một trong số ít các cơ quan có thể tiếp cận với một bộ phận dân số dễ bị tổn thương nhất thế giới ở Yemen, Libya và Syria.
“ Ông ấy đang cố gắng đánh lạc hướng mọi người khỏi những lỗi lầm của mình dẫn tới phản ứng tồi tệ của chính phủ với dịch COVID-19″, ông Yamey cho hay.
The Guardian bình luận có thể WHO đang trở thành vật tế thần cho chính quyền Trump vào thời điểm ông và cấp dưới đang hứng nhiều chỉ trích vì phản ứng chậm trễ trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Một số quan chức y tế công cộng đồng ý rằng phản ứng của WHO với COVID-19 có nhiều điểm đáng chê trách nhưng đã cải thiện nhiều so với thời điểm cách đây 6 năm khi đối đầu với dịch Ebola. Họ tin rằng việc tạo ra thêm khủng hoảng ở thời điểm hiện nay của Tổng thống Trump không phải là nước cờ đúng đắn.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19
WHO đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn cho các nước đang phát triển về các vấn đề y tế và khủng hoảng. Do đó việc tổ chức này bị cắt giảm ngân quỹ trong đại dịch có thể khiến dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát ở các khu vực đang oằn mình chống dịch và khiến virus bùng phát trở lại tại các quốc gia đã ngăn chặn thành công nó.
“Nếu chúng ta giáng đòn vào WHO, chúng ta đang tự làm tổn thương mình bởi điều đó khiến việc ngăn chặn sự bùng phát đại dịch trên toàn cầu trở nên khó khăn hơn và nó không có lợi cho chúng ta”, Jeremy Konyndyk, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu cho hay.
“Chừng nào ngọn lửa này còn bùng cháy ở đâu đó trên thế giới, tất cả chúng ta đều sẽ bị tổn thương bởi những tia lửa đó. WHO đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc dập tắt những đám cháy này. Chúng ta nên cho phép họ làm điều đó thay vì bắt đầu đấu đá với họ”, ông nói.
Video: Tong thong Trump thong bao tam ngung tai tro cho WHO
Lawrence Gostin, Giám đốc Viện nghiên cứu về sức khỏe quốc gia và toàn cầu của Đại học Georgetown đồng ý với quan điểm này. Ông tin rằng hành động của ông Trump có thể cản trở đáng kể cuộc chiến chống lại COVID-19 của toàn thế giới.
“WHO đơn giản sẽ không thể duy trì được sự lãnh đạo cần thiết trong thời điểm chưa từng có trong lịch sử loài người này”, ông cho hay.
Thông báo của ông Trump được đưa ra vào ngày chuyến bay đầu tiên của WHO rời Ethiopia mang theo vật tư y tế đến các nước châu Phi để hỗ trợ họ chiến đấu với COVID-19.
Matthew Kavanaugh, nhà nghiên cứu y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết WHO đang đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các chiến dập dịch ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.
Nhiều học giả trước đây từng chỉ ra rằng các khoản đóng góp cho WHO từ lâu không tương xứng với vai trò mà tổ chức này gánh vác.
Theo Sciencemag, chi tiêu chung của WHO ít hơn ngân sách của một số bệnh viện lớn tại Mỹ. Chưa tới 1/5 ngân sách của họ là các khoản phí thành viên mà 194 quốc gia đóng góp. Phần còn lại tới từ các khoản tài trợ và Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất.
Quyết định của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn vào tháng 12. Tổng Giám đốc WHO nói rằng sự phụ thuộc của tổ chức này vào một số ít các nhà tài trợ khiến họ dễ bị tổn thương.
“Nếu một trong số họ từ chối tài trợ, đó có thể là một cú sốc nghiêm trọng”, ông cho hay.
Thượng nghị sỹ Patrick Leahy chỉ trích quyết định của ông Trump, nói rằng việc giữ lại các khoản tài trợ cho WHO trong đại dịch tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua tương tự như việc ngừng cấp đạn dược cho đồng minh khi kẻ địch áp sát.
The Guardian bình luận, không rõ ông Trump nhìn nhận cú xuống tay với WHO quan trọng ra sao trong chiến dịch tranh cử, nhưng thế giới dường như lại chứng kiến thêm một bước đi rời khỏi vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ.
SONG HY
"Điểm nóng" Idlib của Syria đối phó với Covid-19 như thế nào?
Đóng cửa các đường biên giới và cấm việc di chuyển giữa các tỉnh là 2 trong số nhiều biện pháp mà chính phủ Syria áp dụng để ngăn chặn dịch Covid-19.
Kể từ khi bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc tháng 12/2019, tới nay dịch Covid-19 đã khiến hơn 1,9 triệu người mắc và hơn 119.000 người tử vong trên thế giới.
Trong khi các nước châu Âu và Mỹ đang phải gồng mình ngăn chặn dịch Covid-19, các chuyên gia cảnh báo rằng, thảm họa này dường như có thể ập đến bất cứ lúc nào ở đất nước Syria vốn bị chiến tranh tàn phá, nơi mà các bệnh viện không có khả năng đáp ứng các nhu cầu hiện tại và các điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ.
Các nhân viên phun khử trùng tại một bệnh viện. Ảnh: DPA
Đóng cửa biên giới, cấm đi lại liên tỉnh
Ở Syria, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã đóng cửa các đường biên giới, cấm đi lại giữa các tỉnh, và đóng cửa các trường học, nhà hàng để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan tại nước này.
Các con số thống kê là khá thấp, với 2 ca tử vong và 25 ca mắc (theo Worldometers), nhưng chỉ có 100 người được xét nghiệm mỗi ngày, trong đó một nửa số người được xét nghiệm là ở thủ đô Damascus.
Và dù chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các vùng lãnh thổ sau gần một thập kỷ nội chiến, một số khu vực vẫn nằm trong tay các lực lượng nổi dậy.
Các chuyên gia cho rằng, chính quyền Damascus đã hạ thấp số ca tử vong vì mục đích chính trị.
"Các nhân viên y tế tin rằng, ở Syria có nhiều người tử vong có các triệu chứng của bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các cơ quan an ninh đã đề nghị hoặc yêu cầu họ không đề cập tới điều này, đặc biệt là với truyền thông", Zaki Mehchy, một nhà tư vấn cấp cao tại Chatham House có trụ sở ở London (Anh) cho biết.
"Giãn cách xã hội là bất khả thi"
Các nhóm hỗ trợ đã gióng hồi chuông cảnh báo về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra nếu dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Syria, nơi mà các bệnh viện bị ảnh hưởng nặng nề sau hơn 9 năm nội chiến và không đủ cơ sở vật chất đối phó với một đại dịch.
"Thảm họa có thể ập đến bất cứ lúc nào", Emile Hokayem, nhà phân tích về Trung Đông tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London nhận định.
Một bé gái ở trại tị nạn tại Idlib cầm tấm biển với dòng chữ "Hãy ở nhà!! tôi ước gì mình có thể". Ảnh: Twitter Mona.
Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế cảnh báo rằng, việc giãn cách xã hội là điều bất khả thi ở các khu trại tị nạn ở Idlib - tỉnh cuối cùng còn nằm trong tay lực lượng nổi dậy và vốn đã chịu đựng một thảm họa nhân đạo từ trước khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
"Thiếu lương thực, nước sạch, phải sống ở các khu lều tạm trong điều kiện thời tiết giá lạnh đã khiến hàng trăm nghìn người có sức khỏe yếu kém, và điều này khiến họ trở thành đối tượng dễ bị tác động nhất", Misty Buswell thuộc Ủy ban cứu trợ quốc tế (IRC) cho biết. Bà cũng nhấn mạnh rằng, sự tàn phá [do Covid-19] ở Idlib có thể sẽ "vượt mọi sự tưởng tượng".
Trước chiến tranh, tỉnh Idlib có khoảng 1,5 triệu người sinh sống, nhưng theo Liên Hợp Quốc, hiện tại khu vực này có tới hơn 3 triệu người.
Thiếu bệnh viện, thiếu bác sỹ
Mona, 24 tuổi, sống cùng chồng ở Idlib. Cô làm việc cho một tổ chức cứu trợ nhân đạo của Thụy Điển, có văn phòng cách thành phố Idlib khoảng 1 giờ lái xe.
Mona theo dõi tin tức quốc tế hàng ngày và những con số thống kê về Covid-19 trên thế giới khiến cô cảm thấy sợ. "Nếu dịch Covid-19 bùng phát ở Idlib, thì đó sẽ là dấu chấm hết. Chúng tôi gần như chẳng còn bệnh viện nào. Mọi thứ đều đã bị dội bom".
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối năm 2019, chưa đến 2/3 số bệnh viện tại Idlib còn hoạt động, và 70% số nhân viên y tế đã đi tị nạn kể từ khi chiến tranh bùng phát năm 2011.
Một bệnh viện ở Kafr Nabl, Idlib bị phá hủy trong một cuộc tấn công hồi tháng 5/2019. Ảnh: Getty
Theo WHO, tổng cộng đã có 494 cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế ở Syria trong giai đoạn 2016-2019. Khoảng 70% số vụ tấn công (337 vụ) xảy ra ở tây bắc Syria, nơi có tỉnh Idlib. Hầu hết các bệnh viện còn hoạt động đều không thể đáp ứng được các nhu cầu hiện tại, chứ chưa nói đến dịch Covid-19.
Cơ quan Y tế Idlib (IHD) cuối tháng 3 vừa qua đã đăng tải một video với thông điệp cảnh báo về tình trạng khẩn cấp. Giám đốc IHD, ông Munzer al-Khalil cho biết, gần 1.600 người mới có 1 giường bệnh. Có 201 giường chăm sóc đặc biệt nhưng chỉ có 95 máy thở. Tuy nhiên, số giường chăm sóc đặc biệt và máy thở luôn ở trong tình trạng đang sử dụng, ngay cả khi không có bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, bác sỹ Sameeh Qaddour và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Aqrabat (Idlib) đang cố biến điều không thể thành có thể: cứu sống người trong chiến tranh mà không có các loại thuốc công nghệ cao và với số nhân viên vô cùng ít ỏi.
"Trước đây chúng tôi vốn đã luôn thiếu cơ sở vật chất, thuốc men, thiết bị, bạn có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra nếu dịch Covid-19 ập tới đây", Qaddour cho biết.
Ở Bệnh viện Aqrrabat, bác sỹ Qaddour vừa đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành vừa trực tiếp tham gia việc chữa trị bệnh nhân, bởi ngoài Qaddour, chỉ có 12 bác sỹ khác đang làm việc ở bệnh viện này.
Nhiều bác sỹ trong khu vực đi làm hàng ngày giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
"Họ ở Syria khoảng 3,4 ngày mỗi tuần và phần còn lại thì sống với người thân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu biên giới đóng cửa, chúng tôi sẽ thiếu bác sỹ", Qaddour nói.
Trong những trường hợp như thế này, biên giới chỉ được mở ở 1 phía và những người làm việc ở Syria sẽ không được phép trở về Thổ Nhĩ Kỳ./.
Hoàng Phạm
Thượng nghị sĩ Mỹ lên án Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam 4 thượng nghị sĩ Mỹ nêu quan ngại, lên án vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, cho rằng đây là hành động vi phạm luật quốc tế. "Tôi lên án mạnh mẽ vụ Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam trên Biển Đông. Đây là hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, xảy ra vào thời...