Mỹ cấp thêm vũ khí và đạn dược cho lực lượng người Kurd ở Syria
Washington được cho là đã điều các xe quân sự chở nhiều vũ khí và đạn dược tới căn cứ của lực lượng người Kurd do Mỹ bảo trợ ở Syria.
Một căn cứ quân sự của Mỹ tại Syria (Ảnh: Sputnik)
Theo đài truyền hình al-Manar của Lebanon, Mỹ dường như đã gửi thêm các vũ khí quân sự tới căn cứ của lực lượng người Kurd tại khu vực Tal Beidar, nằm giữa Qamishli và Tal Tamr ở phía bắc Hasaka. Nguồn tin này cho hay có khoảng 10 xe quân sự chở hàng loạt các vũ khí và đạn dược được chuyển tới nơi lực lượng do Mỹ bảo trợ đóng quân.
Sputnik trích các nguồn tin địa phương cho biết lực lượng người Kurd dường như đã chiêu mộ thêm dân thường sống ở phía tây nam của thị trấn Ra’as al-Ein, Hasaka và huấn luyện họ trong các trại quân sự.
Đầu tuần trước, Lực lượng dân chủ Syria (SDF) nói rằng Pháp được cho là đang gia tăng hiện diện quân sự ở khu vực Manbij, Syria. Sputnik nhận được một bức ảnh chụp các quân nhân ngồi trên 2 xe bọc thép tại khu vực sông Sajur thuộc địa phận Manbij. Trong đó, một xe có treo cờ Mỹ và xe còn lại treo cờ Pháp.
Sputnik trích một nguồn tin quân sự cấp cao, cho biết có khoảng 50 binh sĩ Pháp đang đóng quân thực hiện nhiệm vụ trong khu vực. Tại phía bắc Manbij, Pháp được cho là đang triển khai một căn cứ quân sự mới.
Video đang HOT
Đài a l-Manar xác nhận các báo cáo nói rằng ba xe quân sự mang cờ Pháp dường như đã tiến vào một căn cứ của lực lượng người Kurd ở vùng al-Aliyeh, phía nam thị trấn Ra’as al-Ein ở tây bắc Hasaka, cũng như các xe bọc thép của Mỹ di chuyển từ một căn cứ quân sự ở phía bắc Đập Khabour về hướng al-Shadadi.
Trang tin Moraseloun news đưa tin rằng Mỹ dường như đang thiết lập căn cứ quân sự mới ở tỉnh Hasaka dù trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria càng sớm càng tốt.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Ông Trump đẩy đồng minh ở Syria vào thế khó
Dự tính rút quân khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bỏ rơi đồng minh lực lượng người Kurd trên chiến trường.
Phát biểu cuối tuần qua của Tổng thống Trump, cho biết quân đội Mỹ không lâu nữa có thể rút khỏi Syria, sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa Washington với các đối tác tại chiến trường này và đặt cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào thế khó.
Mỹ không thể một mình đánh IS
Sau bốn năm liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu mở chiến dịch đánh IS tại Iraq và Syria, giờ đây cái gọi là "nhà nước Hồi giáo" của nhóm khủng bố chỉ còn một dải đất dọc bờ sông Euphrates gần biên giới Iraq. Nguồn lực của IS tuy vậy vẫn đáng kể với quân số lên khoảng 2.200 tay súng cực đoan. Để dứt điểm lực lượng này, Mỹ cần có sự hỗ trợ của người Kurd, quân chủ lực trong nhóm vũ trang Lực lượng dân chủ Syria (SDF) mà Mỹ đã dày công tập hợp.
Xe thiết giáp Mỹ tuần tra vào tháng 3-2017 tại thị trấn Manbij, Syria. Ảnh: AFP
Trước đó, nhiều tướng lĩnh quân đội Mỹ đã cảnh báo nước này không có đủ nhân lực để tự mình dứt điểm cuộc chiến với IS. Một quan chức Mỹ giấu tên trả lời tờ The Guardian: "Mỹ không có đủ quân số hoặc lực lượng hỗ trợ phòng vệ đủ mạnh để một mình giải quyết cuộc chiến này. Mỹ cần tái đầu tư mối quan hệ đối tác với SDF và cần xoa dịu các nỗi lo của Thổ Nhĩ Kỳ".
Mối quan hệ đối tác nói trên đang lung lay dữ dội. Người Kurd đã không nhận được sự hỗ trợ quân sự hay ngoại giao nào từ Mỹ trước chiến dịch quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động tại Syria khiến họ đánh mất thành trì Afrin. Theo một nguồn tin của The Guaridan, thậm chí Tổng thống Trump đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Reccep Tayip Erdogan để trấn an rằng Mỹ không ủng hộ những tham vọng gia tăng kiểm soát lãnh thổ của người Kurd.
Từ giữa tháng 2 đến nay, chiến dịch đánh IS gần như tạm ngưng vì lực lượng người Kurd phải rút về vùng Đông Bắc cố thủ trước các đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Đánh mất lãnh thổ, giờ đây các lãnh đạo người Kurd dè dặt hơn trước viễn cảnh quay trở lại chiến dịch do Mỹ dẫn đầu. "Mỹ muốn chúng tôi hoàn thành những mục tiêu quan trọng của họ nhưng không quan tâm đến những gì quan trọng đối với chúng tôi. Vậy thì cứ để họ tự đánh IS. Chúng tôi sẽ chiến đấu vì chính mình" - một nhân vật cấp cao của lực lượng người Kurd trả lời tờ The Guardian.
Lo ngại về tàn dư khủng bố
Rõ ràng phát biểu của ông Trump đang làm giới lãnh đạo SDF thêm hoài nghi về mức độ cam kết của Washington dành cho những lợi ích của người Kurd, những người đã đổ máu để giúp Mỹ trong cuộc chiến. Điều này có thể tạo cơ hội để những tay súng và chỉ huy tàn dư của IS tiếp tục tồn tại, đe dọa đồng minh Iraq và an ninh khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4-4 cũng xác nhận rằng những tàn dư của IS vẫn là mối nguy hiểm tiềm tàng. "Dù đã bị đánh bại, nhóm khủng bố này vẫn có tiềm năng phá hoại đáng kể. Họ có thể đổi chiến thuật và thực hiện các vụ tấn công ở nhiều nơi trên thế giới. Tất cả các nước cần cân nhắc những con đường hợp tác đa phương mới, giúp nhau bảo vệ thắng lợi đã đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố và ngăn mối đe dọa này lan rộng" - ông Putin nhấn mạnh tại Hội nghị An ninh Moscow.
Lực lượng người Kurd giờ đã rút về Manbij, nơi có các đơn vị đặc biệt của Mỹ đóng quân. Để tránh cảnh đối đầu trực diện với đồng minh quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, các cố vấn tại Washington đang để mở khả năng thuyết phục người Kurd rút khỏi thị trấn và chuyển sang bờ Đông sông Euphrates, cho phép Thổ Nhĩ Kỳ không giao chiến vẫn có thể tuyên bố chiến dịch thành công.
Giờ là lúc để người khác tự lo cho bản thân họ. Chúng ta sẽ trở về nước, như chúng ta mong muốn, nơi thật sự dành cho chúng ta.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu ngày 27-3 về ý định rút quân khỏi Syria
Theo Trung Nhân
Pháp luật TP.HCM
5 vũ khí mạnh nhất giúp quân đội Israel bất bại trước mọi cuộc chiến Lục quân Israel ngày nay là lực lượng đáng gờm bên cạnh không quân, giúp Israel chiến thắng nhiều cuộc chiến tranh tranh chấp lãnh thổ trong quá khứ. Một nữ binh sĩ Israel đang kiểm tra súng trường Tavor. Quân đội Israel không phải là lực lượng đông đảo nhưng được tổ chức tốt, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại....