Mỹ cáo buộc Nga, Trung hợp tác đưa tin sai về Covid-19
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác truyền bá thông tin sai lệch về Covid-19 phục vụ mục đích riêng.
“Ngay trước khủng hoảng Covid-19, chúng tôi đánh giá Nga và Trung Quốc đã phối hợp ở mức độ nhất định trong lĩnh vực tuyên truyền. Sự hợp tác này tăng tốc nhanh chóng trong đại dịch”, điều phối viên Trung tâm Hợp tác Toàn cầu (GEC) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Lea Gabrielle nói trong cuộc họp báo ngày 8/5.
“Chúng tôi cho rằng quan hệ hợp tác này là kết quả của chủ nghĩa thực dụng giữa hai bên muốn định hướng nhận thức của công chúng về đại dịch Covid-19 phục vụ mục đích riêng”, Gabrielle nói.
GEC cho biết hàng nghìn tài khoản trên mạng xã hội có liên quan đến Nga đang phát tán thuyết âm mưu về Covid-19, trong đó có thông tin cho rằng nCoV là do Mỹ tạo ra.
Hành khách mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang lên chuyến tàu đầu tiên rời Vũ Hán sau hơn 2 tháng phong tỏa, ngày 6/4. Ảnh: AFP.
Video đang HOT
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hoài nghi trên Twitter rằng quân đội Mỹ mang virus đến Vũ Hán, khiến giới chức nước này giận dữ. Mỹ và Trung Quốc nhất trí dừng công kích lẫn nhau về Covid-19 hồi cuối tháng 3 sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, căng thẳng tiếp tục gia tăng khi Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo và nhiều quan chức cấp cao của Mỹ cáo buộc Trung Quốc giấu dịch, thúc đẩy giả thuyết nCoV có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm virus ở Vũ Hán.
Trung Quốc nhiều lần bác bỏ thông tin này, cho rằng không có bằng chứng cho thấy virus đến từ phòng thí nghiệm, khẳng định đã minh bạch về Covid-19. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho rằng đây là định kiến “luôn đổ lỗi cho Trung Quốc” và cáo buộc đằng sau nó là “chính trị bẩn thỉu”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 8/5 điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và thảo luận về hợp tác chống đại dịch. Putin nói Nga phản đối nỗ lực sử dụng dịch bệnh như cái cớ để đổ lỗi cho Trung Quốc và cam kết sẽ đứng về phía nước này, Xinhua đưa tin.
Theo GEC, Trung Quốc đang tăng cường hoạt động tuyên truyền trực tuyến để bảo vệ cách nước này xử lý đại dịch, đồng thời tăng chỉ trích Mỹ. “Bắc Kinh đang thích nghi trong thời gian thực và tăng cường sử dụng các kỹ thuật mà Moskva dùng từ lâu”, Gabrielle nói, gọi đây là chiến thuật “tung hứng” giữa hai nước trong không gian thông tin.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 4 triệu ca nhiễm, 276.000 người chết và gần 1,4 triệu người bình phục. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với ca nhiễm và tử vong cao nhất, lần lượt là hơn 1,3 triệu và hơn 78.000.
Báo chí Trung Quốc phản ứng mạnh về tranh cãi nguồn gốc SARS-CoV-2
Truyền thống Trung Quốc tiếp tục phản ứng mạnh trước việc tranh cãi về nguồn gốc SARS-CoV-2 được đẩy lên cao trào.
Nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi quốc tế những ngày qua. Vụ việc tiếp tục bị đẩy lên cao trào khi Mỹ tuyên bố có bằng chứng cho thấy loại virus này xuất phát từ 1 phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ngay lập tức, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đề nghị Mỹ đưa ra bằng chứng, trong khi truyền thông Trung Quốc cũng có những phản ứng "khá gay gắt" với tuyên bố này của Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đeo khẩu trang đi thị sát tình hình chống Covid-19 tại nước này. Ảnh: Foreign Policy.
Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ rằng có "1 lượng chứng cứ lớn" cho thấy virus SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Uôn-lây (Ben Wallace) hôm qua khẳng định, Trung Quốc cần giải đáp các câu hỏi liên quan đến chia sẻ và sự minh bạch thông tin về dịch Covid-19 với thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Anh cũng nhấn mạnh, hiện giờ chưa phải là lúc để "mổ xẻ" vai trò của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19. Theo ông, điều này nên để sau khi thế giới kiểm soát được dịch bệnh và nền kinh tế trở lại bình thường. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc cần cởi mở và minh bạch về những gì họ biết, cả những thiếu sót lẫn những thành công của nước này.
Tranh cãi về nguồn gốc virus tiếp tục trở nên căng thẳng hơn khi truyền thông đăng tải 1 bản báo cáo dài 15 trang được cho là của Cộng đồng tình báo 5 nước gồm Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand, cáo buộc Trung Quốc đã cố ý giấu hoặc hủy bằng chứng về dịch Covid-19.
Thực tế, đến nay, vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng thuyết phục được công bố cho những cáo buộc nhằm vào Trung Quốc.
Theo Giám đốc điều hành và là người đứng đầu Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới WHO Mike Ryan, mọi tuyên bố đến nay vẫn chỉ là sự suy đoán: "Chúng tôi chưa nhận được bất cứ dữ liệu hay bằng chứng cụ thể nào từ chính phủ Mỹ liên quan đến vấn đề nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Vì thế, từ góc độ của chúng tôi, điều này vẫn chỉ là suy đoán. Tổ chức Y tế Thế giới rất mong muốn nhận được bất kỳ thông tin nào về nguồn gốc của virus vì đây là thông tin y tế cộng đồng vô cùng quan trọng cho việc kiểm soát dịch bệnh trong tương lai".
Truyền thông Trung Quốc cũng đã ngay lập tức đăng tải nhiều bài viết công kích các cáo buộc của Mỹ nhằm vào nước này, yêu cầu Mỹ trình ra chứng cứ.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đăng bài một bình luận khá "gay gắt", chỉ trích các chính trị gia Mỹ đang gấp rút đổ lỗi cho Trung Quốc khi nỗ lực chống dịch bên trong nước Mỹ đang là "một mớ hỗn độn". Bài bình luận này cũng trích dẫn lại nhiều nguồn tin đánh giá virus SARS Co-V2 có nguồn gốc tự nhiên và không phải do con người tạo ra.
Thời báo Hoàn cầu cũng vừa đăng tải một bài viết khẳng định những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ là "hoàn toàn vô căn cứ". Theo Tờ báo này, nguồn gốc của virus là một câu hỏi khoa học. Tuy nhiên, nó đã bị chuyển thành một cuộc tấn công "ác ý" bởi các mưu đồ chính trị, tình báo và ngoại giao".
Thời gian qua, Trung Quốc và Mỹ liên tục đấu khẩu về nguồn gốc Covid-19. Một số quốc gia phương Tây ủng hộ lập trường của Mỹ, cho rằng 1 cuộc điều tra quốc tế là cần thiết và rằng dịch bệnh này có thể đã được ngăn chặn ngay từ đầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu "cố ý" để dịch bệnh lan rộng thế giới, trong đó bao gồm cả khả năng áp thuế thương mại với hàng hóa Trung Quốc; Trong khi đó, giới chức Anh tuyên bố sẽ xem xét tất cả những khía cạnh trong mối quan hệ với Trung Quốc và chắc chắn rằng quan hệ thương mại giữa Anh và Trung Quốc sẽ không còn bình thường sau cuộc khủng hoảng này.
Nhà báo Vũ Hán tái xuất sau hai tháng 'mất tích' Lý Trạch Hóa, nhà báo mất tích cách đây hai tháng sau khi đăng video về Vũ Hán, giải thích anh bị cảnh sát bắt và đưa đi cách ly. Lý Trạch Hóa, 25 tuổi, là một trong ba nhà báo Trung Quốc tường thuật các thông tin từ Vũ Hán trong những tuần Covid-19 diễn biến tồi tệ nhất tại thành phố...