Mỹ cáo buộc hàng loạt đặc vụ Trung Quốc đánh cắp công nghệ nhạy cảm
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc một nhóm đặc vụ Trung Quốc tìm cách lấy cắp công nghệ hàng không từ các công ty Mỹ và đây là vụ việc thứ 3 xảy ra trong chưa đầy 2 tháng.
Bên trong nhà máy chế tạo máy bay của Boeing tại Washington, Mỹ. (Ảnh: China Daily)
Theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30/10, một nhóm gồm 10 người, dẫn đầu bởi các đặc vụ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) tại tỉnh Giang Tô, một đơn vị thuộc nhánh tình báo nước ngoài của MSS, đã tìm cách đột nhập vào các hệ thống máy tính của các công ty Mỹ và châu Âu đặt văn phòng tại thành phố Tô Châu, Trung Quốc. Cả hai công ty này đều là những nhà sản xuất động cơ phản lực cánh quạt đẩy sử dụng trên máy bay thương mại. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm đặc vụ Trung Quốc cũng nhắm mục tiêu tới các công ty hàng không vũ trụ khác của Mỹ chuyên sản xuất các linh kiện cho những nhà sản xuất động cơ.
“Mối đe dọa gây ra từ các hoạt động tấn công mạng do Trung Quốc bảo trợ là có thật và thường xuyên diễn ra. Hôm nay, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), với sự trợ giúp của các đối tác chính phủ Mỹ, các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới chính phủ Trung Quốc cũng như các chính phủ nước ngoài khác có liên quan tới các hoạt động tấn công tấn công mạng”, John Brown, đặc vụ phụ trách Văn phòng San Diego của FBI, cho biết.
Thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong khi xâm nhập vào hệ thống máy tính của các công ty Mỹ và châu Âu, một công ty hàng không vũ trụ của nhà nước Trung Quốc cũng phát triển một động cơ tương tự để sử dụng cho máy bay sản xuất ở Trung Quốc và các nước khác.
“10 đối tượng bị cáo buộc âm mưu ăn cắp dữ liệu nhạy cảm mà sau đó có thể được các công ty Trung Quốc sử dụng để chế tạo động cơ tương tự hoặc giống hoàn toàn mà họ không cần phải chịu những khoản chi phí rất lớn để nghiên cứu cũng như phát triển”, thông báo nêu rõ.
Theo Reuters, hơn 10 công ty trở thành mục tiêu tấn công của các đặc vụ Trung Quốc, trong đó có công ty tua-bin Capstone. Một số công ty khác cũng nằm trong tầm ngắm gồm một nhà sản xuất trong lĩnh vực không gian vũ trụ của Pháp có văn phòng đặt tại Tô Châu, một công ty hàng không vũ trụ của Anh và một tập đoàn đa quốc gia.
Cáo buộc của Mỹ nêu đích danh tên của Zha Rong, Chai Meng cùng một số đồng phạm khác làm việc cho Bộ An ninh Trung Quốc ở Giang Tô. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết những nỗ lực đánh cắp thông tin nhạy cảm về hàng không thương mại và các dữ liệu khác đã diễn ra từ tháng 1/2010-5/2015.
Đây là lần thứ 3 Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra cáo buộc nhằm vào các đặc vụ Trung Quốc trong vụ việc có liên quan tới gián điệp kể từ tháng trước.
Video đang HOT
Hồi cuối tháng 9, một công dân Trung Quốc đã bị bắt tại Chicago vì làm việc cho tình báo Trung Quốc nhằm tuyển mộ các kỹ sư và các nhà khoa học, bao gồm những người làm việc cho các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Trước đó hồi đầu tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ cũng thông báo bắt giữ một gián điệp làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc với cáo buộc gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại từ một số công ty hàng không vũ trụ Mỹ.
John Demers, người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, hôm qua tuyên bố “đây mới chỉ là bắt đầu”.
“Cùng với các đối tác liên bang của chúng ta, chúng ta sẽ nhân đôi nỗ lực để bảo vệ những sản phẩm sáng tạo và sự đầu tư của Mỹ”, ông Demers nói.
Thành Đạt
Theo Dantri/SCMP
Vũ khí Trung Quốc chưa tung ra trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Ngày càng ít doanh nhân, khách du lịch, sinh viên Trung Quốc tới Mỹ và đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ còn lan rộng theo những cách khó đoán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Shutterstock)
Theo Washington Post, sự sụt giảm gần đây về số lượng doanh nhân, khách du lịch và sinh viên Trung Quốc tới Mỹ, thể hiện qua số hồ sơ xin cấp thị thực cũng như đặt vé máy bay, không phải là chính sách do chính quyền Bắc Kinh ban hành mà là lựa chọn của chính người dân Trung Quốc. Điều này đã cho thấy một vũ khí tiềm năng mà Trung Quốc có thể sử dụng với Mỹ nếu cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington vẫn tiếp tục, đó là cắt giảm khoản tiền 60 tỷ USD mà người Trung Quốc chi mỗi năm cho việc sử dụng các dịch vụ của Mỹ, bao gồm các hoạt động du lịch và đi lại tới xứ sở cờ hoa.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, số người Trung Quốc nhận thị thực làm việc, du lịch hay học tập tại Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 năm nay đã giảm 102.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 13%.
Trong khi đó theo Skyscanner, một công cụ tìm kiếm do công ty du lịch lớn nhất Trung Quốc sở hữu, số lệnh đặt chỗ trên các chuyến bay từ Trung Quốc tới các điểm đến ở Mỹ đã giảm 42% trong tuần đầu tiên của tháng 10 mặc dù đây là thời điểm nghỉ dài ngày của người Trung Quốc và họ thường đi du lịch nhiều trong khoảng thời gian này.
Không giống thương mại hàng hóa, lĩnh vực Tổng thống Donald Trump thường phàn nàn về mức thâm hụt quá lớn với Trung Quốc, Mỹ được hưởng thặng dư đáng kể trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với Bắc Kinh. Điều này đồng nghĩa với việc nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài, Washington sẽ chịu thiệt hại nặng nề trong lĩnh vực dịch vụ. Kể từ năm 2011, thương mại dịch vụ của Mỹ với Trung Quốc đã tăng nhanh gấp 3 lần so với các hoạt động thương mại hàng hóa mà Tổng thống Trump vốn rất coi trọng.
"Chúng tôi cho rằng họ (Trung Quốc) sẽ thử hàng loạt phương án để khiến chúng tôi (Mỹ) lùi bước. Điều này sẽ không hiệu quả. Nhưng chúng tôi vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ không làm như vậy", một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Mỹ cho biết.
Trước kia, Trung Quốc từng sử dụng lĩnh vực du lịch như một "vũ khí" để đối phó với các nước. Năm ngoái, khi Trung Quốc và Hàn Quốc xảy ra tranh cãi ngoại giao, chính quyền Bắc Kinh đã cấm bán các gói tour du lịch tới thủ đô Seoul và đảo Jeju, Hàn Quốc. Khách du lịch Trung Quốc đã nghe theo lời kêu gọi của chính phủ và sự tẩy chay này khiến các doanh nghiệp Hàn Quốc thiệt hại gần 7 tỷ USD chỉ trong vài tháng.
Nếu Trung Quốc thực hiện chiến dịch tẩy chay tương tự, Mỹ có thể mất đi hàng triệu "khách hàng" thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc - những người sẵn sàng rót một khoản tiền lớn để học tập tại Mỹ và luôn "khao khát" những chuyến du lịch tới Mỹ.
Một lệnh cấm từ Trung Quốc có thể khiến ngành công nghiệp du lịch của Mỹ mất đi nguồn khách hàng đáng kể, trong khi các trường đại học tại Mỹ cũng không còn được hưởng lợi từ số lượng sinh viên Trung Quốc đông đảo như trước đấy. Ước tính khách du lịch Trung Quốc chi khoảng 6.900 USD cho mỗi chuyến đi. Trong khi đó, có tới hơn 350.000 sinh viên Trung Quốc đăng ký học đại học tại Mỹ trong năm 2017, gần gấp đôi Ấn Độ - quốc gia đứng ở vị trí thứ hai về số lượng sinh viên du học tại Mỹ.
Hệ quả với cả hai bên
Khách du lịch Trung Quốc tại Mỹ. (Ảnh: Getty)
Theo nhà nghiên cứu Joy Dantong Ma tại Viện nghiên cứu Paulson ở Chicago, nếu Trung Quốc quyết định mở rộng cuộc chiến thương mại với Mỹ bằng cách cấm công dân nước này chi tiền vào các chuyến du lịch, sử dụng dịch vụ tài chính hay hợp đồng tư vấn, Mỹ sẽ cảm nhận được hệ quả nhanh hơn cả khi Bắc Kinh áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa Washington.
Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ cần thời gian để tái sắp xếp các chuỗi cung ứng hàng hóa phức tạp, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc có thể dễ dàng thay đổi kế hoạch du lịch nếu họ không muốn đi đến một nơi nào đó, chẳng hạn Mỹ.
"Nếu cuộc chiến thương mại leo thang, bạn sẽ thấy cuộc chiến này lan sang những lĩnh vực khác như du lịch. Các ngành công nghiệp dịch vụ khác hoàn toàn so với ngành xuất khẩu hàng hóa. Khi nhu cầu về hàng hóa không còn nữa, bạn chưa thấy ngay các tác động. Nhưng khi nhu cầu về dịch vụ chấm dứt, các chỉ số sẽ giảm ngay lập tức", chuyên gia Ma nhận định.
Tính đến nay, du lịch và lữ hành vẫn là những ngành dịch vụ lớn nhất giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm ngoái, các hãng hàng không, khách sạn và hãng điều hành tour du lịch của Mỹ đã thu được 32 tỷ USD, gấp đôi doanh thu từ các hợp đồng bán máy bay của Mỹ cho Trung Quốc.
Khi người Trung Quốc ngày càng giàu lên, họ càng ra nước ngoài nhiều hơn. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, gần 3 triệu khách du lịch Trung Quốc đã tới Mỹ vào năm 2016, trong khi vào năm 2009, con số này chỉ là 525.000 người.
Theo Washington Post, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc nếu có ý định tẩy chay Mỹ vì lo ngại rằng điều này sẽ khiến những người dân Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu, những người đang muốn con cái theo học tại Mỹ hoặc đơn giản là tới Mỹ du lịch, nổi giận.
Hồi tháng 7, một thanh niên từ vùng Nội Mông đã kích hoạt một quả bom gần đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Tuy nhiên chưa đầy một giờ sau đó, người dân vẫn tiếp tục xếp hàng chờ xin cấp thị thực.
Ông Zhou, 50 tuổi, người đã nộp hồ sơ xin cấp thị thực tới Los Angeles, San Francisco và Las Vegas trong tháng này, đã chờ bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh trong hơn 6 giờ rưỡi đồng hồ để nộp đơn. Điều này cho thấy việc Trung Quốc muốn cấm người dân tới Mỹ sẽ khó hơn nhiều so với Hàn Quốc trước đây.
"Tôi nghĩ khả năng này không xảy ra. Mỹ là nước lớn hơn và quan trọng hơn so với Hàn Quốc. Mối quan hệ Mỹ - Trung cũng quan trọng hơn. Người Trung Quốc sẽ phản đối mạnh mẽ hơn (nếu Bắc Kinh cấm họ tới Mỹ)", Andy Rothman, chiến lược gia đầu tư tại hãng tư vấn Matthews Asia, nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Washington Post
"Càng đối đầu với Mỹ, Trung Quốc sẽ thua trong cuộc chiến thương mại" Chuyên gia kinh tế cho rằng Bắc Kinh nên giành được trái tim của các doanh nhân Mỹ và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Mỹ tại Trung Quốc thay vì gây sức ép với Washington trong cuộc chiến thương mại hiện nay. Chuyên gia Fan Gang - người đứng đầu nhóm cố vấn kinh tế do Phó Thủ tướng Trung...