Mỹ cảnh báo sẽ truy cứu trách nhiệm về Covid-19
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định sẽ có thời gian khiển trách những ai chịu trách nhiệm về Covid-19, song không nói rõ có nhằm vào Trung Quốc hay không.
“Sẽ tới lúc để đảm bảo rằng tất cả chúng ta phải biết điều gì đã xảy ra và những người chịu trách nhiệm phải đưa ra lý do thỏa đáng. Tôi rất tự tin rằng quá trình đó sẽ được thực hiện”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời tờ Bild của Đức hôm 13/4.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có phải “trả giá” cho những thiệt hại của Covid-19 hay không, Ngoại trưởng Mỹ đã bác bỏ bất cứ biện pháp trừng phạt tức thời nào với Bắc Kinh, nhấn mạnh điều quan trọng lúc này là phải hợp tác toàn cầu để ngăn chặn đại dịch.
Pompeo cho biết cần phải tiến hành tranh luận toàn cầu về việc liệu chính phủ Trung Quốc có phải chịu trách nhiệm cho Covid-19 hay không. “Điều quan trọng là phải hiểu rõ dịch đã bắt đầu như thế nào, xuất hiện ở đâu và có nguồn gốc từ đâu. Chúng ta đã thấy những câu chuyện về khu chợ ẩm ướt ở Trung Quốc, về nơi virus khởi phát và quan trọng là cả thế giới đều hiểu điều này”, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp ở Nhà Trắng hôm 8/4. Ảnh: AFP.
Ông nói thêm chính quyền Mỹ đang tập trung “nhìn về phía trước”, cố gắng tìm ra hướng đi phù hợp để giảm thiểu rủi ro của Covid-19 trong thời gian tới. Pompeo khẳng định Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ trước mắt, đưa các hệ thống hoạt động trở lại để có thể mở cửa nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ tháng trước đã chỉ trích cách Trung Quốc đối phó Covid-19, cáo buộc Bắc Kinh không cung cấp cho thế giới thông tin cần thiết để ngăn dịch bệnh. Ông nhiều lần khẳng định Trung Quốc lãng phí thời gian quý giá chống dịch và từng chọc giận Bắc Kinh khi liên tiếp gọi nCoV là “virus Trung Quốc”.
Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỹ và Trung Quốc gần đây không ngừng đấu khẩu về dịch bệnh. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 580.000 ca nhiễm, hơn 23.600 người chết, trong khi Trung Quốc tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh khi số ca nhiễm mới hàng ngày giảm xuống quanh mức 100 và và số tử vong mới giảm xuống dưới 10.
Ngọc Ánh
Video đang HOT
Số liệu Trung Quốc công bố có đáng tin không?
Bạn có lý do để nghi ngờ bởi Trung Quốc đã 8 lần chỉnh sửa cách tính số liệu, thường xuyên áp đặt các mệnh lệnh chính trị và bỏ sót nhiều ca nhiễm, ca tử.
Sau một vài ngày có số ca nhiễm mới đếm trên đầu ngón tay, vào ngày 1/4 Trung Quốc một lần nữa thay đổi cách tính số ca bệnh. Lần này họ tính cả những ca không có triệu chứng vào số liệu chính thức. Động thái này diễn ra sau những chỉ trích từ các chuyên gia y tế cùng chính phủ các nước, rằng việc Trung Quốc nói giảm các ca bệnh nội địa có thể tạo cơ hội cho dịch bệnh bùng lên lần nữa.
Đây là lần thứ tám, Trung Quốc thay đổi cách tính ca bệnh kể từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 12/2019. Nhiều chuyên gia nhận định sự thiếu minh bạch của nước này gây khó khăn cho các quốc gia khác trong việc tìm hiểu, nắm bắt đầy đủ để chuẩn bị đối phó với Covid-19.
Phát biểu trong cuộc họp G7 vào ngày 25/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích hành động "che giấu thông tin liên quan đến Covid-19 một cách chủ đích mà Trung Quốc đã và đang thực hiện". Pompeo trước đó trả lời phỏng vấn trên CNBC cho biết: "Thông tin chúng ta có được từ tuyến đầu của dịch bệnh không đầy đủ, khiến chúng ta không kịp trở tay trước những khó khăn ở hiện tại".
Tình nguyện viên khử trùng một khu mua sắm ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 31/3. Ảnh: Reuters.
Yanzhong Huang - thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại - cho rằng, sẽ là không bình thường nếu các quốc gia loại trừ các ca bệnh Covid-19 dựa trên kết quả xét nghiệm dương tính khi đã có triệu chứng, nhất là khi một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người nhiễm bệnh không triệu chứng là nguồn lây nhiễm lớn.
Trong khi số ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm xuống còn 2 chữ số, gần như các ca đều "nhập ngoại", thì sự thay đổi cách tính gây nên nhiều nghi vấn về việc liệu Covid-19 có thực sự bị đánh bại ở nước này?
Chính phủ Trung Quốc cho biết họ đang thực hiện nhiều hành động để chắc chắn rằng số liệu họ công khai là chính xác. Một cuộc họp quan chức cấp cao Trung Quốc về Covid-19 vào 30/3 nhắc lại sự cần thiết phải công khai thông tin, và cảnh cáo bất kỳ hành động che đậy hoặc báo cáo số liệu thấp hơn thực tế.
Đối với Bắc Kinh, những cân nhắc về chính trị là tối quan trọng. Sau khi số ca nhiễm của Trung Quốc thấp hơn Mỹ và các nước khác, quốc gia này tự tin rằng thành công của họ là dấu hiệu cho thấy những biện pháp mạnh tay sẽ giúp các nước khác có thêm thời gian xoay xở; nhằm làm dịu đi những cơn giận cho rằng về động thái giấu giếm ban đầu đối với dịch bệnh đến nay đã cướp đi hơn 47.000 sinh mạng trên toàn thế giới. (Một nghiên cứu của Đại học Southampton chỉ ra 95% số ca nhiễm có thể tránh được nếu Trung Quốc hành động sớm hơn 3 tuần).
Trung Quốc ghi nhận 81.554 ca bệnh cùng 3.312 ca tử vong. Nhưng vẫn còn 1.441 bệnh nhân dương tính với virus nhưng không có triệu chứng đang được theo dõi y tế tính đến ngày 30/3, theo Ủy ban Y tế Quốc gia. Tờ SCMP của Hong Kong cho biết trong một bài báo ngày 22/3 rằng một tài liệu mật chỉ ra có 42.000 ca không triệu chứng tính đến cuối tháng 2 không được cho vào số liệu chính thức. Nếu tính cả những ca này, Trung Quốc sẽ nhảy lên vị trí thứ 2 sau Mỹ về số ca nhiễm. Mỹ ghi nhận 214.482 ca tính đến ngày 2/4.
Nhưng đây chỉ là một trong số nhiều lo ngại về số liệu Covid-19 ở Trung Quốc. Một nghiên cứu bởi 6 nhà khoa học từ Đại học Hong Kong cho thấy 232.000 người ở Trung Quốc có thể đã nhiễm bệnh tính đến ngày 20/2, trong khi con số chính thức mà nước này tuyên bố là 75.000 ca.
Theo nghiên cứu này, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố 7 định nghĩa khác nhau về ca nhiễm bệnh từ tháng 1 đến đầu tháng 3. Cập nhật mới nhất khi tính cả số ca không triệu chứng là lần thay đổi thứ tám.
Nhân viên y tế thu mẫu xét nghiệm tại một khách sạn cách ly. Ảnh: New York Times.
Ben Cowling - một giáo sư dịch tễ về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Hong Kong, một trong những tác giả của nghiên cứu trên - cho biết khái nhiệm "ca bệnh" ban đầu Trung Quốc sử dụng rất hạn chế, chỉ bao gồm người bệnh nặng. Sau đó, khái niệm này tính cả những người có triệu chứng nhẹ hơn.
Việc báo cáo số lượng thấp hơn thực tế này cản trở khả năng tìm hiểu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở Vũ Hán của thế giới. Cowling cho biết: "Ở Vũ Hán, trong những giai đoạn đầu, xét nghiệm chỉ dành cho người bệnh nặng. Điều đó là một trong những hạn chế hay sai lầm trong phản ứng khi chỉ tập trung vào những ca bệnh nặng mà không công nhận những ca nhẹ hơn".
TIME đã phỏng vấn nhiều người dân và họ hàng của những người được chẩn đoán nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán mà không được tính vào số liệu chính thức vào đỉnh điểm của dịch bệnh. Cũng có vô số trường hợp người bệnh gục ngã ngoài đường hay xác chết nằm bên ngoài các tòa nhà. Nhưng chỉ những người chết sau khi được xét nghiệm là nhiễm Covid-19 mới được đưa vào số liệu chính thức.
Một cư dân Vũ Hán giấu tên cho biết mẹ cô bị từ chối nhập viện vào cuối tháng 1 và chỉ được kê đơn thuốc, về nhà mà không xét nghiệm. Cô cho biết: "Tôi rất giận dữ và sợ hãi lúc đó. Tôi nghe về nhiều trường hợp người dân không được nhập viện và tử vong ở nhà, một trường hợp như vậy xảy ra ngay khu nhà tôi. Nhưng số liệu chính thức nói rằng chỉ có vài trăm ca tử vong vào thời điểm đó. Tôi không tin con số đó, tôi nghĩ con số thực tế phải gấp 10 lần", cô nói.
Theo phân tích của Radio Free Asia, con số tử vong chính thức ở Vũ Hán là 2.535 có thể chỉ bằng 1/20 thực tế. Trang tin này còn cho biết 7 nhà tang lễ ở thành phố này gửi về cho gia đình 500 bình đựng tro cốt của những bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 mỗi ngày trong vòng 12 ngày từ 23/3 đến lễ tảo mộ ngày 5/4, tức tổng cộng có 42.000 bình. Nhiều ước tính khác dựa trên công suất của lò thiêu nhà tang lễ cho thấy con số thực sự có thể lên đến 46.800. Không một nhà tang lễ nào ở Vũ Hán đưa ra được câu trả lời khi được hỏi.
Người dân Vũ Hán vẫn đeo khẩu trang kháng khuẩn và trang phục bảo hộ dù lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ. Ảnh: Reuters.
Sự thiếu minh bạch rất đáng quan ngại khi tỉnh Hồ Bắc đã nới lỏng lệnh hạn chế di chuyển; lệnh phong tỏa Vũ Hán kết thúc vào ngày 8/4. Điều này gây nên lo ngại về khả năng số ca bệnh lại tăng trở lại. Ngay cả khi Trung Quốc tuyên bố vào ngày 19/3 rằng không có ca nhiễm mới nào được ghi nhận lần đầu kể từ đầu dịch bệnh, vẫn có ít nhất 1 ca không triệu chứng được ghi nhận ở Vũ Hán nhưng bị loại trừ khỏi số liệu.
Adam Kamradt-Scott, giáo sư an ninh y tế toàn cầu tại Đại học Sydney cho biết: "Vẫn còn những lo ngại về mức độ minh bạch của dữ liệu ở Trung Quốc mặc dù nhiều vấn đề to lớn hơn và thứ mà chúng ta thấy rõ ràng là một số quốc gia đã không thực hiện các biện pháp kịp thời".
Thông báo số liệu chính xác rất khó ngay cả đổi với những quốc gia có truyền thống minh bạch. Nhiều nước đang vật lộn với việc xét nghiệm. Ví dụ, tỷ lệ tử vong ở Tây Ban Nha và Italy cao hơn trung bình, ở mức 9%, và 12%, còn ở Hàn Quốc là gần 2%; không phải vì họ phải đối mặt với chủng virus nguy hiểm hơn mà vì những ca nhẹ không được xét nghiệm, theo Mario Esteban, một nhà phân tích về quan hệ Đông Á- Âu tại Viện Elcano Royal ở Madrid.
Chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán vẫn dựng chắn đỏ, nhiều khả năng đóng cửa vĩnh viễn. Ảnh: AFP.
Tuy vậy, mối lo ngại vẫn nằm ở sự nghi ngờ về những số liệu ở Trung Quốc với vai trò là nơi khởi nguồn của virus và đang thực hiện tích cực chính sách "ngoại giao khẩu trang" bằng cách gửi đồ cứu trợ đến những nước gặp khó khăn khác.
Esteban cho biết: "Không ai tin số liệu của Trung Quốc".
Ngày 31/3, bác sĩ nổi tiếng Gong Xiaoming ở Bắc Kinh chỉ trích những tuyên bố thiếu thuyết phục của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp rằng số liệu chính thức là chính xác. Gong viết trên Weibo: "Nhiều người chết do không được nhập viện kịp thời và không được tính vào số liệu chung. Bạn càng trung thực thì càng được tin tưởng".
Tình báo Mỹ trong một báo cáo gửi Nhà Trắng nói Trung Quốc che giấu dịch bệnh, trưng số liệu Covid-19 giả. Theo đó, ba quan chức Mỹ giấu tên nói với Bloomberg ngày 1/4 rằng Nhà Trắng tuần trước nhận được báo cáo, trong đó trình bày Trung Quốc đã cố tình không công bố đầy đủ số ca nhiễm và ca tử vong vì nCoV. Hai trong ba quan chức cho biết báo cáo kết luận số liệu thống kê của Trung Quốc là giả.
Huyền Anh
Mỹ: Có thể cân nhắc nới lỏng trừng phạt Iran vì COVID-19 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Mỹ liên tục đánh giá lại các chính sách của mình và đương nhiên có thể cân nhắc lại vấn đề trừng phạt Iran. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 31-3 cho hay Mỹ có thể xem xét nới lỏng trừng phạt Iran và các quốc gia khác nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19. Tuy nhiên,...