Mỹ cảnh báo những khó khăn trong chuỗi cung ứng sẽ kéo dài đến năm 2022
Bộ trưởng Giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg ngày 17/10 cảnh báo các rắc rối trong chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến mùa mua sắm nghỉ lễ sắp tới và kéo dài đến năm 2022.
Người dân chọn mua hàng sale trong ngày Black Friday tại cửa hàng của hãng Macy ở New York, Mỹ ngày 27/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trong chương trình tọa đàm của Đài truyền hình CNN, ông Buttigieg nhấn mạnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang làm mọi thứ có thể để giảm bớt tắc nghẽn tại các cảng, đường sắt và đường bộ quá tải và sẽ “đánh giá lại tất cả các khả năng” để giải quyết vấn đề này. Theo Bộ trưởng Buttigieg, cuộc khủng hoảng nguồn cung đang trở nên trầm trọng hơn do nhu cầu bị dồn nén bất thường ở Mỹ. Ông cho biết doanh số bán lẻ đang ở mức cao, nhu cầu tăng vọt và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Mỹ đang không thể theo kịp.
Với kỳ nghỉ lễ Giáng sinh sắp đến khi nền kinh tế Mỹ đang phục hồi sau dịch COVID-19, các nhà bán lẻ đang thực hiện các bước đi chưa từng có để cố gắng vượt qua vô số trở ngại của chuỗi cung ứng. Cảng Los Angeles đã cam kết bắt đầu hoạt động 24 giờ/ngày nhằm giảm tắc nghẽn.
Bàn về ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ, cố vấn kinh tế trưởng của Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Allianz, Mohamed El-Erian cảnh báo về “tình trạng thiếu hụt mọi thứ”. Phát biểu trên chương trình “Fox News Sunday” về cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, ông cho biết: “Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi vấn đề được cải thiện. Vì vậy, hàng hóa sẽ khan hiếm hơn, giá cả sẽ cao hơn, lạm phát sẽ vẫn ở mức 4-5%. Cần có thời gian để giải quyết những điều này”.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ đang vận lộn với việc thông qua 2 dự luật trong chương trình nghị sự quốc nội của Tổng thống Biden, gồm dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD để nâng cấp đường sá, cầu cảng và chương trình chi tiêu xã hội lớn hơn thế mang tên “Xây dựng lại nước Mỹ tốt đẹp hơn” (“Build Back Better”). Dự luật cơ sở hạ tầng có sự ủng hộ của lưỡng đảng. Tuy nhiên, gói thầu khổng lồ nhằm mở rộng mạng lưới an toàn xã hội về giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu vấp phải sự phản đối từ ngay bên trong đảng Dân chủ của Tổng thống Biden cũng như từ các đảng viên Cộng hòa, khiến ông Biden phải cân nhắc rút lại.
IMF và G20 tập trung tìm cách xoa dịu tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng
Các Bộ trưởng Tài chính từ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 13/10 đã tập trung tìm cách xoa dịu tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, vốn đang khiến giá cả "leo thang" và đe dọa làm chệch đà phục hồi kinh tế.
Công nhân chuyển hàng hóa tại một siêu thị của Tesco ở thủ đô London, Anh, ngày 3/8/2021. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy Ignazio Visco đã đồng ý với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và nhiều nước khác rằng áp lực lạm phát phần lớn là do các yếu tố ngắn hạn như sự tăng mạnh của nhu cầu và các vấn đề trong nguồn cung. Nhưng ông thừa nhận rằng "các yếu tố này có thể sẽ phải mất vài tháng mới giảm xuống".
Ông Visco cho biết các Thống đốc ngân hàng trung ương G20 đang xem xét vấn đề này để xem liệu "có nhiều yếu tố mang tính cơ cấu hơn" trong đà tăng lạm phát mạnh hơn dự đoán hay không, và "liệu có yếu tố cấu thành nào... có thể trở thành yếu tố mang tính lâu dài hay không".
Các ngân hàng trung ương đang phải cân bằng giữa việc hỗ trợ đà phục hồi kinh tế với các điều kiện tài chính nới lỏng và việc ngăn chặn sự gia tăng kéo dài của lạm phát. Theo thông báo của G20, các ngân hàng trung ương sẽ hành động nếu cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó có ổn định giá, đồng thời xem xét áp lực lạm phát "tạm thời".
Nhưng Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo rằng một số yếu tố trong đà tăng giá "sẽ không phải chỉ là tạm thời". Ông cho rằng việc phân biệt các yếu tố này sẽ mất thời gian và đòi hỏi sự hợp tác của các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết sự chậm trễ trong tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở các nước đang phát triển đang góp phần vào tình trạng căng thẳng của chuỗi cung ứng, và nếu tình hình này kéo dài, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ cao hơn.
Đà phục hồi kinh tế tại Đông Bắc Á chậm lại do dịch COVID-19 Ngày 30/9, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho biết hoạt động kinh tế của nước này trong tháng 9 đã lần đầu tiên giảm kể từ tháng 2/2020, giai đoạn dịch COVID-19 lên đến đỉnh điểm tại nước này. Sự suy giảm này được cho là do các đợt mất điện và những lo ngại trong...