Mỹ cần làm gì để đối phó với Trung Quốc?
Với những hành động ngày càng hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, so sánh lực lượng và cán cân quyền lực ở khu vực đang thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Đây là một thách thức lớn đe dọa các lợi ích an ninh của Mỹ ở khu vực. Vậy Mỹ cần làm gì để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ các lợi ích của Mỹ ở khu vực và bảo đảm an ninh cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực. Gần đây nhiều nhà phân tích ở Mỹ và quốc tế đã đưa ra các khuyến nghị về việc Mỹ cần hành động thế nào trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lấn tới. Trong bài viết này, xin tổng hợp một số việc Mỹ cần làm.
Trước hết, cần khẳng định rằng mạng lưới đồng minh và các đối tác của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương là nhân tố không thể thiếu để thực hiện thành công chiến lược của Mỹ ở khu vực. Mỹ cần kêu gọi các đồng minh và đối tác đóng góp nhiều hơn vào an ninh khu vực để đối phó với thực lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng và khống chế ở khu vực.
Hai là, Mỹ cần hỗ trợ đồng minh và các đối tác của Mỹ tăng cường sức mạnh để đối phó với các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tuần dương hạm USS Cowpen Hải quân Mỹ từng suýt va chạm với tàu Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông
Trung Quốc đang thi hành chiến lược “lát cắt salami” (chiến lược “tích tiểu thành đại” hay nói cách khác là “lấn dần từng bước”) với sự hậu thuẫn của sức mạnh kinh tế, quân sự ngày càng tăng. Trung Quốc duy trì một lực lượng lớn các tàu dân sự (tàu cá ngư dân), lực lượng bán quân sự (các lực lượng chấp pháp trên biển, kể cả lực lượng quân sự (với các tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu khu trục, tàu đổ bộ, tàu ngầm…) tiến hành các hoạt động ở Biển Đông để tạo ra những sự việc đã rồi, bắt cộng đồng quốc tế phải thừa nhận.
Video đang HOT
Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Malaysia và các nước liên quan đến tranh chấp cần tăng cường sự hiện diện trên biển để bắt kịp với Trung Quốc, nếu không sẽ bị coi như chấp nhận lùi bước trước Bắc Kinh. Mỹ cần tập hợp Nhật Bản, Australia, Ấn Độ để hỗ trợ các quốc gia nhỏ khác như Philippines, Việt Nam, Malaysia… nâng cao năng lực hàng hải bán quân sự, gia tăng sự hiện diện các tàu đánh cá dân sự tại Biển Đông và Hoa Đông.
Ba là, Mỹ cần kêu gọi các đối tác đẩy mạnh các vụ kiện pháp lý chống lại sự quyết đoán và hành động hung hăng về lãnh thổ của Trung Quốc. Với chiến lược “lát cắt salami”, Trung Quốc luôn tìm cách hợp pháp hóa cho các yêu sách chủ quyền thông qua việc tạo ra “những sự việc đã rồi trên biển” có lợi cho yêu sách chủ quyền của họ. Các yêu sách về chủ quyền cũng như các vùng biển, kể cả “đường lưỡi bò” hay thành phố “Tam Sa” của Trung Quốc đều không có cơ sở pháp lý và bị cộng đồng quốc tế lên án.
Mỹ cần trợ giúp các đối tác giải quyết tranh chấp thông qua các thể chế và luật pháp quốc tế hiện tại, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (Mỹ cần sớm thông qua Công ước này để có tiếng nói mạnh mẽ hơn). Ngoài ra, Mỹ cần hối thúc Trung Quốc cùng các nước ASEAN sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với tính ràng buộc cao hơn về mặt pháp lý để chống lại chiến lược “lấn dần từng bước” của Trung Quốc.
Bốn là, Mỹ cần công khai phê phán mạnh mẽ các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông; đề cập thẳng thắn, trực diện với Trung Quốc trong các cuộc tiếp xúc, yêu cầu Trung Quốc hành xử có trách nhiệm không đe dọa hoặc gây sức ép. Mặt khác, Mỹ cần hỗ trợ các đối tác ở khu vực đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông mang tính toàn cầu lên án các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Trong đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, các đối tác của Mỹ có lợi thế là các yêu sách đòi hỏi của Trung Quốc là vô lý, không có cơ sở pháp lý; Trung Quốc là nước lớn với chính sách ngang ngược. Mỹ cần hỗ trợ các đối tác tăng cường thông tin với quốc tế về sự thực tranh chấp ở Biển Đông cũng như hành động hung hăng của Trung Quốc để dư luận cảm nhận và có sự đồng cảm với các nước là Trung Quốc cậy thế nước lớn bắt nạt nước nhỏ. Việc dư luận quốc tế nhận định Trung Quốc đang bắt nạt nước nhỏ và lên án hành động của Trung Quốc sẽ tạo ra áp lực buộc Trung Quốc phải cân nhắc các hành động của mình ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Năm là, Mỹ cần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ với các nước liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời mở rộng và làm sâu sắc hơn mạng lưới đối tác ở khắp châu Á. Theo đó, Mỹ cần vươn tới các nước mà trước đây ít có sự hợp tác về an ninh. Các lợi ích an ninh của Mỹ sẽ được hưởng lợi từ các mối quan hệ an ninh sâu sắc với các đối tác ở châu Á trong việc kiềm chế Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở khu vực.
Mỹ cần tận dụng linh hoạt các cơ hội tạo ra do hành động gây hấn của Trung Quốc đối với các quốc gia này để tăng cường quan hệ với các nước ở khu vực. Chẳng hạn như quyết định “thoát Trung” của Myanmar đã tạo cơ hội tốt cho Mỹ triển khai quan hệ với nước này và chính quyền Mỹ đang khai thác tốt khía cạnh này.
Mỹ cần đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ, Việt Nam, hai đối tác và đối thủ quan trọng ở châu Á của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cần tính tới quan hệ với các nước Tây và Trung Á và cả Nga. Việc Nga xích lại gần Trung Quốc chỉ là toan tính trước mắt, về dài hạn, Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa đối với các lợi ích của Nga, hiện tại Nga vẫn đề phòng Trung Quốc.
Sáu là, Mỹ cần phát huy vai trò ưu thế của Hải quân Mỹ, trong đó có các hạm đội của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương, tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nhất là ở những khu vực trọng yếu mà Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động để giám sát tình hình. Sự hiện diện của Hải quân Mỹ là yếu tố quan trọng hạn chế hoạt động của các lực lượng biển của Trung Quốc.
Mặt khác, Mỹ cần dẫn đầu trong việc xây dựng nhận thức trên biển, chia sẻ thông tin biển trong mạng lưới các đối tác. Mỹ cần thúc đẩy các nước lớn trong mạng lưới đối tác là Nhật, Ấn Độ, Australia hỗ trợ các đối tác nhỏ có được các thiết bị không người lái để tăng cường khả năng kiểm soát trên biển.
Bảy là, Mỹ cần thúc đẩy và hỗ trợ các đối tác ở khu vực nâng cao khả năng chống tiếp cận.
Trong suốt 2 thập niên qua, Trung Quốc đã phát triển khả năng này. Khả năng đối phó với Trung Quốc của các nước nhỏ như Philippines, Việt Nam là bất tương xứng nên Mỹ cần cùng với các đối tác lớn ở khu vực Nhật Bản, Ấn Độ, Australia thiết lập cơ chế tăng cường hợp tác giữa các nước nhỏ để nâng cao khả năng chống tiếp cận. Mỹ có thể thông qua Nhật, Ấn Độ, Australia cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, hướng tới xây dựng khả năng chống tiếp cận cấp khu vực để có thể gia tăng thiệt hại cho Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự ở Biển Đông hoặc biển Hoa Đông.
Việc Mỹ mới đây nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam là bước đi đúng hướng, cần sớm dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận này.
Tám là, Mỹ cần tích cực thúc đẩy hình thành các cơ chế an ninh ở khu vực và kéo Trung Quốc vào các cơ chế khu vực để thông qua đó có thể kiềm chế các hành động đơn phương hiếu chiến của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đang tìm mọi cách để lôi kéo các nước khu vực đi theo quỹ đạo của Trung Quốc, từ việc đưa ra các sáng kiến (như xây dựng “con đường tơ lụa trên biển”) đến việc dùng kinh tế gây sức ép yêu cầu các nước phục tùng Trung Quốc. Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gây hấn trên biển với các nước láng giềng ở Biển Đông và biển Hoa Đông để tạo lập một cục diện trên biển do Trung Quốc khống chế.
Việc hình thành các cơ chế an ninh khu vực với sự tham gia của Mỹ và các nước lớn khác như Nhật, Ấn Độ, Úc sẽ là một biện pháp hỗ trợ các nước nhỏ ở khu vực thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc.
Tóm lại, với sự quyết đoán và cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Mỹ không thể đứng ngoài cuộc mà cần có những hành động trên thực tế để đối phó với Trung Quốc, bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình ở khu vực nói chung và ở Biển Đông và biển Hoa Đông nói riêng.
Cần thế chân vạc Mỹ – Ấn – Nhật!
Đó là nhận định mới đây trên trang Toàn cảnh Âu – Á (Euroasia Review) của Tiến sĩ Subhash Kapila, chuyên gia tư vấn của Nhóm phân tích Nam Á, về sự cần thiết của quan hệ hợp tác giữa ba nước lớn là Mỹ – Ấn Độ – Nhật Bản đối với tình hình căng thẳng ở khu vực Biển Đông.
Theo đó, các thỏa thuận đối tác chiến lược mới đây giữa Mỹ với Ấn Độ và giữa Nhật Bản với Ấn Độ cùng với Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật Bản hơn nửa thế kỷ trước là những quy định chiến lược để ba nước này từng bước tái cân bằng quyền lực chiến lược tại châu Á.
Với chính sách bên miệng hố chiến tranh không bị ngăn chặn của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, các nước khác sẽ tích cực tham gia và mở rộng liên minh quan hệ 3 nước nói trên. Quan trọng là mong muốn này cần phải xuất phát từ tất cả các nước thành viên của ASEAN, bởi Trung Quốc trước mắt đã gây ra sự chia rẽ trong việc tìm một giải pháp thống nhất của khu vực.
Theo PetroTimes