Mỹ bực mình vì Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa
Trong những tháng trước, Trung Quốc khuấy động chú ý của dư luận thế giới bằng việc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), và còn âm thầm cải tạo các bãi ở Trường Sa mà họ chiếm đóng phi pháp của Việt Nam.
Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Trường Sa
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nơi hoạch định chính sách đối ngoại cho Nhà trắng đã lưu ý đến vấn đề này. Bản báo cáo khẳng định Trung Quốc đang cố gắng cải tạo các bãi đá thành đảo và điều này gây lo ngại cho các nước trong khu vực.
Video đang HOT
Thậm chí, báo chí Philippines trước đó còn cung cấp những tấm ảnh cho thấy Trung Quốc muốn xây dựng một đường bay và trạm tiếp tế nhiên liệu tại Trường Sa. Nếu điều này hoàn thành, phạm vi hoạt động của máy bay chiến đấu Trung Quốc sẽ bao trùm lên phần lớn Đông Nam Á và ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh khu vực, vấn đề được Mỹ rất quan tâm.
Mỹ ngại Trung Quốc khống chế không phận biển Đông
Việc Trung Quốc đang cải tạo phi pháp trên Trường Sa dự kiến sẽ được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề cập khi tham gia diễn đàn khu vực ASEAN vào 8-10.8 tới tại Myanmar.
Đây là một diễn đàn lớn với sự tham gia của ASEAN, các nước ở Bắc Mỹ như Mỹ, Canada, các nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, các nước Đông – Bắc Á như Nhật, Hàn Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Trung Quốc, các nước châu Đại dương như Úc, New Zealand, Papua New Guinea và cả các nước, tổ chức châu Âu như Nga, E.U…
Báo chí Mỹ cho rằng chính vì Trung Quốc sợ bị lên án tại một diễn đàn lớn như vậy, nên họ đã phải đem giàn khoan về nước vào giữa tháng 7, thay vì giữa tháng 8 như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, họ vẫn âm thầm các hoạt động phi pháp tại Trường Sa nên các nước cần phải lên án trước khi mọi chuyện quá muộn.
CSIS khuyến cáo Bộ quốc phòng Mỹ nên thiết lập một hệ thống giám sát ở các căn cứ quân sự ở Philippines để theo dõi các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông nhằm phòng chống những tình huống xấu nhất.
Ngoài ra, CSIS cũng kiến nghị Bộ ngoại giao Mỹ cần “tạo một bản đồ” tham khảo chặt chẽ chủ quyền của các nước trong khu vực Biển Đông và công bố nó rộng rãi như quan điểm chính thức của Mỹ về Biển Đông. Sự ra đời của bản đồ này sẽ vô hiệu hóa bản đồ dọc hay bản đồ lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ và vừa xuất bản gần đây.
Về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mọi hoạt động của nước ngoài liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà không được phép của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý.
Theo Một Thế Giới