Mỹ bình luận về khả năng Israel tiêu diệt hoàn toàn phong trào Hamas
Trích dẫn nguồn tin nội bộ, tờ New York Times cho hay Chính phủ Mỹ không tin rằng Israel có thể đạt được bất kỳ mục tiêu quan trọng nào ở Gaza bằng cách tiếp tục chiến đấu với Hamas.
Người dân Palestine trở về ngôi nhà bị phá huỷ ở Khan Yunis. Ảnh: Anadolu
Theo nguồn tin, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp thuận lệnh ngừng bắn với phong trào Hamas của Palestine. Đề xuất này được đưa ra với điều kiện các con tin bị Hamas bắt giữ trong cuộc tấn công Israel vào ngày 7/10/2023 sẽ được trả tự do.
Nhà lãnh đạo Israel đang chịu áp lực rất lớn từ các thành viên cực hữu trong nội các nhằm ngăn cản thỏa thuận được đề xuất và tiếp tục chiến đấu. Tel Aviv tuyên bố tiêu diệt Hamas là mục tiêu chính khi tiến hành chiến dịch ở Gaza để đáp trả cuộc đột kích hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuy nhiên, tờ New York Times đưa tin “ngày càng nhiều quan chức an ninh quốc gia trong Chính phủ Mỹ lập luận rằng quân đội Israel đã làm suy yếu nghiêm trọng năng lực của Hamas, nhưng sẽ không bao giờ có thể tiêu diệt hoàn toàn phong trào này”.
Video đang HOT
Giới chức Mỹ và Israel cũng cho rằng các cuộc giao tranh tiếp diễn sẽ không cho phép Israel giành lại “khoảng 115 con tin sống sót và đã chết” còn lại trong tay người Palestine.
Các quan chức cấp cao của Mỹ – bao gồm Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns, Điều phối viên Trung Đông của ông Biden, Brett McGurk và cố vấn cấp cao Nhà Trắng Amos Hochstein – đang có chuyến thăm Trung Đông trong tuần này. New York Times cho biết một trong những nhiệm vụ của họ là chia sẻ quan điểm của Washington với các bên liên quan trong khu vực. Các nhà phân tích của Mỹ coi hoạt động quân sự gần đây nhất của Israel là “kiểu chiến lược đập chuột”, vì lực lượng Hamas có thể tập hợp lại bất chấp áp lực.
Những người theo đường lối cứng rắn trong nội các của ông Netanyahu đã công khai bác bỏ lệnh ngừng bắn được đề xuất. Họ tuyên bố rằng thay vào đó, Israel nên leo thang lệnh phong tỏa vùng đất Palestine.
Trong cuộc phỏng vấn tuần này, Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir cho biết: “Nếu chúng ta cắt nhiên liệu của họ, trong vòng một tuần, họ sẽ phải đầu hàng. Và nếu chúng ta dừng các xe tải viện trợ, chỉ trong vòng hai tuần, họ sẽ phải khuất phục” .
Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục bán vũ khí cho Israel. Hôm 14/8, Bộ Ngoại giao đã thông báo với Quốc hội rằng Chính quyền Tổng thống Biden đã phê duyệt hơn 20 tỷ USD cho các hợp đồng bán vũ khí mới cho Tel Aviv.
Quốc tế phản ứng về buổi cầu nguyện của Bộ trưởng Israel tại Al-Aqsa (Núi Đền)
Ngày 13/8, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Itamar Ben Gvir đã cùng hàng nghìn người Israel đến cầu nguyện tại Al-Aqsa (Núi Đền), đi ngược lại chính sách của Chính phủ Israel về hạn chế các tín đồ Do Thái cầu nguyện tại điểm nóng này.
Động thái trên đã lập tức vấp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Nhà thờ Mái vòm tại đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (mà Israel gọi là Núi Đền) ở Thành cổ Jerusalem. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, Phó phát ngôn viên LHQ Farhan Haq bày tỏ: "Chúng tôi phản đối mọi hành động nhằm thay đổi nguyên trạng bên trong các địa điểm linh thiêng". Theo ông, cũng giống những điểm linh thiêng khác ở Jerusalem, đền Al-Aqsa nên thuộc quyền quản lý của những tổ chức tôn giáo phụ trách các địa điểm đó. Ông đánh giá hành vi này là không hữu ích và gây căng thẳng.
Tương tự, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Bộ trưởng Ben Gvir đã phớt lờ hiện trạng của Al-Aqsa, đồng thời hối thúc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tránh những hành động như vậy. Theo ông, các hành động này sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng trong giai đoạn then chốt hiện nay, khi tất cả đều tập trung vào các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, trả tự do cho tất cả các con tin, cũng như tạo điều kiện cho ổn định khu vực.
Cùng chung quan điểm, Bộ Ngoại giao Pháp hối thúc Israel tôn trọng hiện trạng của địa điểm linh thiêng đối với các tín đồ Hồi giáo này. Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Jordan cũng đã lên tiếng phản đối hành động trên.
Khu đền thờ Al-Aqsa là một trong những địa điểm linh thiêng nhất trên thế giới đối với người Hồi giáo và cũng là một thánh địa đối với người Do Thái.
Liên quan thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/8 nhấn mạnh một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể dẫn đến việc Iran kiềm chế phát động các cuộc tấn công nhằm vào Israel để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định các cuộc đàm phán khó khăn, song ông sẽ không từ bỏ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng hối thúc Israel và phong trào Hamas nên tham gia những cuộc đàm phán trong tuần này để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Theo bà, đây là cách tốt nhất để tháo ngòi tình trạng căng thẳng hiện nay.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Trung Đông cho biết tại cuộc điện đàm với Thủ tướng lâm thời Liban Najib Mikati, Ngoại trưởng Anh David Lammy ngày 13/8 đã kêu gọi tất cả các bên nỗ lực giảm căng thẳng ngay lập tức để tránh xung đột lan rộng ở khu vực Trung Đông. Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Lammy nhấn mạnh hiện nay là thời điểm quan trọng đối với sự ổn định ở Trung Đông và không thể trì hoãn thêm quyết tâm chấm dứt xung đột ngay lập tức.
Các nguồn tin chính trị và ngoại giao tại Liban xác nhận nhằm hạ nhiệt căng thẳng, Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein sẽ đến thủ đô Beirut trong ngày 14/8, sau khi dừng chân tại Tel Aviv để tiến hành vòng đàm phán mới. Ông Hochstein dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Quốc hội Liban Nabih Berri và Thủ tướng lâm thời Mikati.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phát biểu trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Palestine Mahmoud Abbas ở Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng để mang lại hòa bình lâu dài, đáng tin cậy và ổn định trong khu vực, cần phải thực hiện tất cả các quyết định của LHQ và trước hết là thành lập nhà nước Palestine hoàn chỉnh.
Hiện tại, căng thẳng ở Trung Đông đang bị đẩy lên đến đỉnh điểm trước nguy cơ về một cuộc tấn công tiềm tàng của Iran sau hai vụ sát hại quan chức cấp cao của Hamas và Hezbollah. Còn tại Dải Gaza, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas kéo dài từ ngày 7/10/2023 đã khiến khoảng 40.000 người thiệt mạng. Thiệt hại về người phía Israel là 1.400 người. Trong khi đó, các cuộc giao tranh gần như mỗi ngày giữa Israel và Hezbollah đến nay đã cướp đi sinh mạng của 530 người tại Liban và 47 người tại Israel. Những diễn biến căng thẳng liên tục phát đi những cảnh báo nguy hiểm đối với khu vực chưa bao giờ ngơi tiếng súng này.
Hamas bác thông tin rút khỏi đàm phán thỏa thuận ngừng bắn Ngày 14/7, phong trào Hồi giáo Hamas phủ nhận các thông tin đưa ra trước đó về việc phong trào này "đóng băng" các cuộc đàm phán ngừng bắn với Israel sau vụ tấn công lớn của quân đội nước này vào thành phố Khan Younis ở phía Nam Dải Gaza. Hiện trường cuộc không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis,...