Mỹ bị trói tay trong quan hệ với đồng minh Arab Saudi
Cuộc tranh đấu giành ảnh hưởng tại Trung Đông của giới lãnh đạo mới ở Arab Saudi dưới thời vua Salman khiến Mỹ tiến thoái lưỡng nan trong việc duy trì mối quan hệ liên minh ngày càng mong manh này.
Vua Salman của Arab Saudi. Ảnh: AP
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang vướng vào một mối quan hệ với đầy rẫy những mâu thuẫn cơ bản với Arab Saudi. Mỹ thậm chí không thể công khai lên án vụ việc Arab Saudi hành quyết một giáo sĩ Hồi giáo, người thường xuyên đưa ra những chỉ trích gay gắt nhằm vào hoàng tộc, vì sợ làm tổn hại mối quan hệ mong manh với giới lãnh đạo nước này. Nguyên nhân chính là do Washington rất cần Riyadh trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như để kết thúc nội chiến ở Syria, theo New York Times.
Trong các báo cáo nhân quyền, Mỹ luôn nhìn nhận vấn đề theo một hướng khác hoặc đưa ra các cảnh báo thận trọng mỗi khi hoàng gia Arab Saudi đàn áp những người chống đối hoặc tiếp tay để giới tinh hoa nước này tài trợ các phần tử cực đoan Hồi giáo. Đổi lại, Arab Saudi đã trở thành chốt trạm tin cậy nhất của Mỹ, một nơi cung cấp tin tức tình báo thường xuyên và là đối trọng xứng tầm với Iran.
Nhiều năm qua, dầu mỏ chính là chất kết dính cho mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn chỉ có một vài giá trị chung. Nhưng nay, với việc khả năng sản xuất dầu của Mỹ đang gia tăng, trong khi vai trò lãnh đạo của Arab Saudi lại suy yếu, sự phụ thuộc lẫn nhau từng có hồi đầu những năm 1930, khi Mỹ lần đầu tiên đầu tư vào các giếng dầu ở Arab Saudi, không còn có thể chi phối mối quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, với việc tình hình chính trị ở Trung Đông còn nhiều bất ổn, đồng thời giới lãnh đạo ở Washington vẫn duy trì quan điểm cho rằng Arab Saudi có vai trò thiết yếu đối với sự ổn định của khu vực, Mỹ thực sự cần tiếp tục duy trì mối quan hệ này dù nó ngày càng hục hoặc, chuyên gia đánh giá.
Vậy nên, khi Arab Saudi hôm 2/1 hành quyết 47 tù nhân với tội danh khủng bố, trong đó có cả giáo sĩ Nimr al-Nimr, các nỗ lực của chính quyền nhằm giải thích mối quan hệ Mỹ – Arab Saudi càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trên thực tế, những vụ hành hình này là hệ quả của hàng loạt sự kiện xảy ra trong vài năm qua đã dẫn tới xung đột giữa đôi bên.
“Chúng tôi không còn kề vai sát cánh với Saudi trong một thời gian dài”, Martin S.Indyk, phó giám đốc điều hành Viện Brookings, cựu trợ lý hàng đầu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nói. “Tình thế này bắt đầu từ biến cố liên quan đến ông Mubarak”.
Buông hay giữ
Các lãnh đạo Arab Saudi năm 2011 từng trách móc Tổng thống Mỹ Obama vì không giúp đỡ tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong sự kiện Mùa xuân Arab. Họ lo ngại ông Obama sẽ bỏ rơi họ trong trường hợp các cuộc nổi dậy tương tự lan sang vương quốc này.
Video đang HOT
Tiếp tục sau đó, thỏa thuận hạt nhân Iran khiến Arab Saudi có cảm giác rằng Mỹ đang xem xét lại nền tảng quan hệ với họ. Các quan chức Arab Saudi trong những chuyến công du tới Mỹ đã công khai bày tỏ hoài nghi về việc liệu họ có thể dựa vào đồng minh Mỹ hay không.
Trong một bức điện của Bộ ngoại giao Mỹ năm 2008 bị Wikileaks công bố hai năm trước, chính vua Abdullah là người kêu gọi Mỹ phát động các cuộc tấn công quân sự “đánh đòn phủ đầu” Iran. Ông qua đời trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào mùa hè năm ngoái nhưng các lãnh đạo Arab Saudi vẫn coi Iran là thế lực đứng sau mọi động thái gây bất ổn ở Trung Đông. Họ cũng cho rằng chính quyền Mỹ quá ngây thơ khi tin Iran sẽ tuân thủ bất kỳ hiệp định đàm phán nào.
Vì lẽ đó, từ khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết hôm 14/7, chính quyền Obama luôn phải tìm cách trấn an đồng minh Arab Saudi của mình. Tổng thống Obama đã mời lãnh đạo Arab Saudi tham dự một cuộc họp ở trại David nhằm thuyết phục Arab Saudi rằng Mỹ không bỏ rơi họ, đồng thời khẳng định sẽ bán cho họ các gói vũ khí giá trị hơn trước. Song, Mỹ cũng phản đối gay gắt sự can thiệp của Arab Saudi vào Yemen, coi đây là hành động xao nhãng khỏi cuộc chiến quan trọng hơn là chống lại IS.
Theo Indyk, đối với Mỹ, giới lãnh đạo mới ở Arab Saudi đang cho thấy họ rất ngoan cố và dường như “quan tâm tới hành động hơn là thảo luận” trong vấn đề đấu tranh giành ảnh hưởng dưới thời vua Salman.
Khi Ngoại trưởng Mỹ Kerry cảnh báo về việc hành quyết ông al-Nimr, một giáo sĩ đạo Hồi sinh ra tại Arab Saudi, từng thách thức trực tiếp gia đình hoàng gia, vua Salman đã phớt lờ.
“Đây là một mối quan ngại mà chúng tôi nêu ra với phía Saudi từ trước đó”, Josh Earnest, thư ký báo chí Nhà Trắng, hôm 4/1 thừa nhận. Theo ông, vụ hành quyết “sẽ dẫn đến những hệ quả mà Mỹ lo ngại”.
Ngoại trưởng Mỹ trong một cuộc gặp với vua Salman của Arab Saudi hồi tháng 10/2015. Ảnh: Reuters
Trước áp lực phải lên án vụ hành quyết giáo sĩ al-Nimr, giới quan chức Mỹ đã kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby thúc giục các nước trong khu vực tập trung vào cuộc chiến chống IS và nhiệm vụ giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
“Mỹ sẽ không cố gắng đứng ra làm trung gian hòa giải cho những căng thẳng này. Washington không có trách nhiệm phải tìm ra các giải pháp thực chất và lâu dài cho vấn đề trên”, ông John Kirby nói.
Vài quan chức Mỹ cũng bày tỏ sự giận dữ cá nhân với Arab Saudi vì tiến hành các vụ hành quyết ngay trong thời điểm này.
Một số người cho biết Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry thường xuyên liên lạc với những người thuộc giới lãnh đạo Arab Saudi. Ông Obama từng hối thúc Arab Saudi tham gia các cuộc thảo luận nhằm vạch ra tiến trình hòa bình ở Syria. Ông Kerry đã công du đến Riyadh, thủ đô của Arab Saudi, sau đó yêu cầu nước này hợp nhất các nhóm nổi dậy Syria để tiến hành các cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tuy nhiên, Arab Saudi tỏ ra là một đối tác có phần miễn cưỡng khi nói với các đồng minh phương Tây rằng họ sẽ thực hiện nhưng đoán biết nỗ lực của ông Kerry sẽ công cốc vì Iran không bao giờ chấp nhận bất kỳ tiến trình nào mà có thể dẫn đến việc loại bỏ ông Assad.
Trong khi đó, những nỗ lực không kích các mục tiêu IS của Arab Saudi gần đây cũng đã giảm bớt bởi nước này phải phân tán nguồn lực cho cuộc chiến chống quân nổi dậy Houthi ở Yemen.
Những thành viên khác từng đàm phán với Arab Saudi thì cho hay họ nhận thấy giới lãnh đạo Riyadh đang có một sự căng thẳng nhất định, điều mà họ hiếm khi chứng kiến trước đây.
“Vương quốc này hiện phải đối mặt với cơn bão giá dầu thấp, một cuộc chiến chưa có hồi kết ở Yemen, các mối đe dọa khủng bố từ nhiều hướng và ảnh hưởng đang gia tăng của đối thủ truyền kiếp trong khu vực là Iran”, Bruce Riedel, cựu quan chức cấp cao Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), người am hiểu tình hình khu vực, cho biết.
Patrick Clawson từ Viện chính sách Trung Cận Đông lại cho rằng Riyadh đang muốn gửi một thông điệp rõ ràng dành cho Washington là “nếu Mỹ không đứng lên chống Iran, Arab Saudi sẽ sớm tự mình làm điều này”.
Giới phân tích đánh giá mối quan ngại của Saudi về việc Mỹ sẽ xích lại gần hơn với Iran nhất định đã bị thổi phồng. Từ khi thỏa thuận hạt nhân được thông qua, Iran hai lần thử tên lửa đạn đạo và chính quyền Mỹ sau vài lần trì hoãn dường như đã sẵn sàng đưa ra các biện pháp trừng phạt.
Tàu hải quân Iran cuối tuần trước còn bắn tên lửa cách một cụm tàu sân bay của Mỹ chỉ hơn một km. Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, cũng hạn chế hợp tác với Mỹ dù Iran tỏ ra thiện chí trong các cuộc đàm phán hòa bình Syria.
Liệu một ngày nào đó Mỹ và Iran có thể trở thành những đồng minh tự nhiên hơn thay vì một mối quan hệ đồng minh giống kiểu Mỹ và Arab Saudi hiện nay không là câu hỏi đang được rất rất nhiều quan chức Mỹ đặt ra. Song có lẽ viễn cảnh này còn quá xa vời.
“Dường như Mỹ không coi Iran là một lựa chọn thay thế. Nếu không có lựa chọn nào, tốt nhất là Mỹ nên dừng phàn nàn về Saudi”, một quan chức cấp cao vùng Vịnh nhận xét.
Duy Sơn
Theo VNE
Arab Saudi ra điều kiện khôi phục quan hệ với Iran
Arab Saudi hôm qua cho biết sẽ khôi phục quan hệ với Iran nếu Tehran dừng can thiệp vào vấn đề của các nước khác.
Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubier. Ảnh: Reuters.
Arab Saudi ngày 3/1 cắt đứt quan hệ với Iran sau khi đại sứ quán của nước này ở thủ đô Tehran bị ném bom xăng và phá hủy nội thất ngày 2/1 do liên quan đến việc Riyadh xử tử giáo sĩ dòng Shiite Nimr al-Nimr. Hiện cuộc tuần hành của người biểu tình ở Iran và Iraq để phản đối vụ xử tử đã bước sang ngày thứ ba.
"Rất đơn giản, Iran phải ngừng và chấm dứt can thiệp vào vấn đề nội bộ nước khác, trong đó có của chúng tôi", Reuters dẫn lời Đại sứ Arab Saudi tại Liên Hợp Quốc Abdallah al-Mouallimi trả lời khi được hỏi cần có điều kiện gì để hai nước khôi phục quan hệ.
"Nếu họ làm vậy, chúng tôi tất nhiên sẽ có những mối quan hệ bình thường với Iran", ông al-Mouallimi cho biết thêm. "Chúng tôi không phải kẻ thù tự nhiên của Iran".
Bahrain và Sudan hôm qua cắt đứt quan hệ với Iran. Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubier thông báo Riyadh dự kiến còn dừng hoạt động hàng không và quan hệ thương mại giữa hai nước. Ông lý giải có hành động ngoại giao trên là vì "những chính sách hung hăng" của Iran.
Bahrain và Sudan sau đó cũng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, trong khi Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nơi sinh sống của hàng trăm nghìn người Iran, hạ cấp quan hệ với Iran. Các quốc gia Arab Vùng Vịnh khác như Kuwait, Qatar, Oman hiện chưa có phản ứng.
Iran cáo buộc Arab Saudi lợi dụng vụ tấn công vào đại sứ quán làm "cái cớ" để cắt đứt quan hệ và làm căng thẳng giáo phái leo thang. Iran và Arab Saudi là hai quốc gia theo Hồi giáo. Phần lớn dân số Iran theo dòng Shiite trong khi người dân Arab Saudi theo dòng Sunni.
Mỹ và Đức đều đã kêu gọi các bên kiềm chế. Nga đề nghị làm trung gian hòa giải nhưng một quan chức ngoại giao Mỹ nói Iran và Arab Saudi phải tự tìm cách xóa bỏ khác biệt.
Như Tâm
Theo VNE
Mối quan hệ ít thăng nhiều trầm giữa Arab Saudi - Iran Hai thế lực tại Trung Đông đã trải qua nhiều thập kỷ căng thẳng bắt nguồn từ khác biệt trong giáo phái và cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực. Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) và Vua Salman của Arab Saudi. Ảnh: BBC Arab Saudi hôm 3/1 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, sau khi sứ quán Arab Saudi tại...