Mỹ bắt tay nghiên cứu chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 6
Trong khi tiêm kích thế hệ thứ 5 F-22 Raptor đang triển khai, F-35 đang bay thử nghiệm, các tướng Mỹ đã lên tiếng yêu cầu triển khai ngay dự án chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 (F-X) trước việc Nga, Trung Quốc bắt đầu chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5.
Một mẫu gợi ý chiến đấu cơ F-X thế hệ 6 của Lockheed Martin – Ảnh: Lockheed Martin
Theo trang tin The Motley Fool ngày 29.11, quân đội Mỹ đã có 2 loại chiến đấu cơ thế hệ 5 là F-22 Raptor và F-35, nhưng nay đối mặt với cạnh tranh từ Trung Quốc (2 chiếc tiêm kích tàng hình J-20 và J-31, được quảng bá là thế hệ 5) và chiếc PAK FA của Nga đang bay thử (được Mỹ đánh giá là thuộc thế hệ 5).
Điều này khiến các tướng lãnh Mỹ cho rằng nay đã đến lúc bắt tay vào dự án nghiên cứu chế tạo chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 cho Mỹ, dù cách đây 5 năm trước, ông Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ lúc đó đã tán dương rằng F-35 là chiếc chiến đấu cơ thế hệ mới nhất mà Mỹ yên tâm trong vài chục năm!
Lý do là 5 năm qua, khoảng cách công nghệ máy bay chiến đấu tàng hình giữa Mỹ và Nga, Trung Quốc đang thu hẹp dần.
Mô hình gợi ý chiến đấu cơ thế hệ 6 F/A-XX của Boeing, loại dùng cho Hải quân – Ảnh: Boeing
Dù bị cắt giảm mạnh ngân sách, Lầu Năm Góc đang muốn hiện đại hóa quân đội bằng công nghệ cao, và dự án chiến đấu cơ thế hệ mới gọi là F-X đã lên kế hoạch từ nhiều năm trước, nay có thể chuẩn bị triển khai.
Nhiều người cho rằng loại chiến đấu cơ này có thể đạt tốc độ Mach 5 (6.000 km/giờ, nhanh hơn tốc độ tên lửa phòng không hiện tại) hoặc hơn, như dự án máy bay trinh sát siêu âm SR-72 của Lockheed Martin đang nghiên cứu (bay tốc độ Mach 6, tức 7.300 km/giờ), thay thế loại SR-71 lừng danh những năm 1960 đã nghỉ hưu.
Video đang HOT
Không chỉ bay tốc độ siêu âm mà F-X còn phải thắng được lực G của trái đất tốt. Muốn vậy máy bay này cần có 2 động cơ thì tốt hơn loại F-35 chỉ có 1 động cơ.
Ngoài ra, vũ khí tiên tiến cho máy bay này có thể là súng bắn tia laser do các hãng Kratos hoặc Raytheon đang phát triển cho lục quân và hải quân thử nghiệm. Ngoài ra, loại tiêm kích thế hệ 6 này có thể điều khiển từ xa hoặc do robot điều khiển, không nhất thiết phải có phi công là con người ngồi trên đó.
Còn đây là gợi ý chiến đấu cơ thế hệ 6 F/A-XX của Boeing, loại dùng cho Hải quân – Ảnh: Boeing
Không lực Mỹ triển khai dự án chế tạo F-35 hơn 10 năm trước và dự kiến máy bay này sẽ phục vụ đến 6 thập niên hoặc hơn, tức đến năm 2070. Nhưng nay dự kiến Không lực Mỹ sẽ triển khai F-X từ năm 2018 để sớm nhất là đến năm 2030 có chiếc đầu tiên ra thị trường.
Hãng chế tạo F-X rất có thể là Lockheed Martin vốn nhiều kinh nghiệm và có các loại tiêm kích hiện đại đang được quân đội Mỹ sử dụng, như F-22 và F-35. Tuy nhiên Boeing cũng là một nhà thầu đầy khả năng, cùng với Raytheon và Kratos lắm kinh nghiệm về vũ khí laser. Hãng Northrop Grumman là ông trùm về máy bay không người lái, còn động cơ máy bay thì khó ai qua mặt United Technologies.
Tóm lại, nếu quân đội Mỹ bắt đầu triển khai chiến đấu cơ thế hệ 6 là F-X thì đã có đủ lực lượng tham gia, đi kèm là lợi nhuận hấp dẫn, theo The Motley Fool.
Tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nga, chiếc PAK FA (của hãng Sukhoi) đang bay thử nghiệm, được Mỹ đánh giá rất cao về khả năng khí động học – Nguồn: Wikimedia Commons
Tiêm kích J-31 của Trung Quốc bay thử tại Triển lãm hàng không Chu Hải, tháng 11.2014 – Ảnh: Reuters
Tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ, chiếc F-22 Raptor chỉ dùng cho quân đội Mỹ, không xuất khẩu – Ảnh: Getty
Tiêm kích thế hệ 5 “đa quốc gia” F-35, được Mỹ và nhiều nước phát triển, có 1 động cơ. Ảnh: F-35C đang đáp xuống tàu sân bay USS Nimitz lần đầu tiên ngày 3.11.2014 – Ảnh: Hải quân Mỹ
Dự án máy bay trinh sát SR-72 của Lockheed Martin, bay tốc độ hơn 7.300 km/giờ, có thể ra tận ngoài rìa vũ trụ – Nguồn: Lockheed Martin
Anh Sơn
Theo Thanhnien
Nga bắt tay cùng Việt Nam khai thác dầu ở Bắc Cực
Gazprom Neft, công ty khai thác dầu trực thuộc tập đoàn năng lượng hàng đầu nước Nga Gazprom, vào hôm 25.11 đã thống nhất với tập đoàn Petrovietnam về việc cùng phát triển mỏ dầu xa bờ Dolginskoye của Nga ở Bắc cực.
Dàn khoan dầu của tập đoàn Gazprom (Nga) tại mỏ Prirazlomnoye ở Bắc cực trên trang web của Gazprom
Phóng viên Reuters có mặt tại buổi lễ ký kết giữa 2 bên cho biết cả Gazprom Neft và Petrovietnam đã nhất trí rằng công ty Nga sẽ cung cấp dầu thô ESPO cho phía Viêt Nam.
Mỏ dầu Dolginskoye, với trữ lượng ước tính lên đến hơn 200 triệu tấn, tương đương 1,5 tỉ thùng, nằm gần Prirazlomnoye, mỏ dầu ngoài khơi Bắc cực đầu tiên mà Nga công bố hồi năm 2013.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, vào ngày 25.11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội kiến với các lãnh đạo cao nhất của Nga nhân chuyến thăm chính thức tới nước này.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Putin nhấn mạnh ưu tiên phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, với trọng tâm là hợp tác dầu khí và điện hạt nhân.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hợp tác song phương trong lĩnh vực dầu khí; nhất trí thực hiện đầy đủ các dự án hiện có và khởi động các dự án hợp tác mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty dầu khí nhà nước của hai quốc gia hoạt động trên lãnh thổ của nhau; tăng cường hợp tác trong việc thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa VN theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển năm 1982 (UNCLOS); thống nhất đẩy nhanh đàm phán để đạt được thỏa thuận hợp tác về mở rộng và hiện đại hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Hoang Uy
Theo Thanhnien
Nga và Trung Quốc bắt tay, thách thức Mỹ ở châu Á Dù có thể chịu thiệt, Nga vẫn ráo riết xúc tiến thỏa thuận năng lượng mới với Trung Quốc, vừa để phá thế cô lập mà nước này đang chịu ở phương Tây, vừa chặn trước bước tiến trong chiến lược xoay trục sang châu Á về kinh tế và ngoại giao của Mỹ Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch...