Mỹ “bật đèn xanh” cho máy bay chiến đấu F-35 cất cánh trở lại sau lệnh cấm
Hãng chế tạo Lockheed Martin cho biết hầu hết các máy bay chiến đấu F-35 trong khu vũ khí của Mỹ và các đồng minh đã được “bật đèn xanh” để cất cánh trở lại sau khi Washington ra lệnh cấm bay toàn bộ các máy bay đắt đỏ này để điều tra lỗi kỹ thuật.
Máy bay chiến đấu F-35 (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Joe DellaVedova, phát ngôn viên của chương trình F-35 thuộc Lầu Năm Góc, ngày 12/10 cho biết Mỹ và các đối tác quốc tế đã tạm thời ngừng hoạt động bay của F-35 để nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin kiểm tra các vấn đề liên quan tới lỗi kỹ thuật sau vụ F-35B rơi ở South Carolina hồi tháng trước.
Sputnik ngày 14/10 dẫn thông báo của hãng Lockheed cho biết hầu hết các máy bay F-35 ở Mỹ và các nước khác đã được “bật đèn xanh” để bay trở lại. Hãng này cũng tiết lộ rằng những chiếc F-35 được phép cất cánh trở lại đều đã được chỉ định thay ống dẫn nhiên liệu.
Trong tuần trước, các đồng minh Israel, Australia và Anh của Mỹ đều tuyên bố họ dừng toàn bộ hoạt động của các máy bay chiến đấu F-35 sau thông báo tạm dừng của Lầu Năm Góc.
Video đang HOT
Theo thông báo của Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ, máy bay F-35B Lightning II, phiên bản F-35 dành cho lính thủy đánh bộ, đã rơi vào lúc 11h45 sáng 28/9 theo giờ địa phương ở bên ngoài căn cứ không quân Beaufort của Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ ở bang South Carolina. Các điều tra viên cho rằng vấn đề của F-35 dường như nằm ở ống dẫn nhiêu liệu của máy bay này.
Đây là vụ rơi đầu tiên của một máy bay F-35 trong lịch sử 17 năm của dự án phát triển dòng máy bay chiến đấu đắt nhất thế giới này. Mỗi chiếc F-35B được sản xuất cho Lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ có giá khoảng 115,5 triệu USD.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, bất cứ ống dẫn nào gặp sự cố sẽ bị loại bỏ và thay mới, nhưng nếu kết quả kiểm tra cho thấy các máy bay vẫn đang được lắp các ống chất lượng tốt thì những máy bay này sẽ được cất cánh trở lại.
Sau một số các vấn đề về lỗi kỹ thuật, F-35 dường như tiếp tục gây “đau đầu” cho quân đội Mỹ và các đối tác. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, chi phí mỗi giờ bay của F-35 là 30.000 USD trong khi với F-16 con số này là 25.500 USD.
F-35B là phiên bản F-35 duy nhất có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Đặc tính này cho phép F-35B hoạt động hiệu quả trên các tàu có sàn đáp nhỏ hơn các tàu sân bay bình thường.
Đức Hoàng
Tổng hợp
Theo Dantri
Mỹ có thể dừng sản xuất máy bay chiến đấu đắt nhất thế giới vì quá nhiều lỗi
Một cơ quan chính phủ Mỹ đã khuyến nghị rằng Washington tốt nhất là nên tạm dừng chi ngân sách cho chương trình sản xuất máy bay chiến đấu đắt đỏ nhất thế giới F-35, do hiện tại máy bay này có gần 1.000 lỗi kỹ thuật chưa thể giải quyết.
Máy bay chiến đấu F-35. (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Theo Cơ quan thẩm định trách nhiệm của chính phủ Mỹ (GAO), tính tới tháng 1 năm nay, máy bay chiến đấu F-35 vẫn còn khoảng 996 lỗi kỹ thuật vẫn chưa thể giải quyết, gồm 111 lỗi ở "cấp độ 1", lỗi có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với sự an toàn của người sử dụng.
Một số lỗi có thể kể tới như ghế phóng của máy bay gây ra chấn thương cổ, trục trặc hệ thống cung cấp dưỡng khí, đường ống cấp nhiêu liệu trên không dễ bị hỏng hóc. Chính vì vậy, GAO đã khuyến cáo Quốc hội Mỹ nên tạm dừng bơm tiền cho chương trình F-35, cho rằng gần 1.000 lỗi kỹ thuật trên cần được giải quyết trước khi đưa máy bay vào sản xuất hàng loạt.
Theo GAO, F-35 sẽ được đưa vào sản xuất ở quy mô lớn vào năm sau, với khoản chi phí 10,4 tỉ USD mỗi năm trong vòng 20 năm tới. Chính vì vậy, GAO cho rằng Mỹ nên cân nhắc dừng đưa thêm tiền vào chương trình sản xuất cho đến chừng nào khắc phục triệt để các lỗi kỹ thuật.
Mỹ bắt đầu phát triển F-35 cùng với nhà thầu quốc phòng Lockeed Martin từ năm 2001 và dự án này đã bị chậm trễ cũng như đội vốn nhiều lần trong khoảng gần 20 năm qua. Ước tính, Washington đã bỏ vào máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của nước này 1.400 tỉ USD. Chương trình phát triển F-35 cũng được coi là chương trình phát triển vũ khí đắt nhất trong lịch sử.
Tiến độ của dự án nhiều lần bị thay đổi khiến cho chi phí bị đội lên. Báo cáo của GAO nhận định Lầu Năm Góc và Lockheed Martin là nguyên nhân gây nên tình trạng này. GAO cho rằng Lockheed vừa thử nghiệm lại vừa chế tạo bộ phận mới, thay vì chế tạo xong xuôi hết các bộ phận rồi mới bắt tay vào sản xuất. Chính vấn đề kỹ thuật từ các bộ phận và sự thiếu tương thích giữa các bộ phận và tổng thể đã dẫn tới chậm trễ và tăng chi phí cho chương trình.
Ngoài chương trình phát triển F-35, GAO cũng liệt kê ra một trường hợp khác cho thấy Lầu Năm Góc dường như đang có vấn đề về mặt quản lý nguồn vốn khi dự án phát triển bom nguyên tử B-61-12 mới của Washington dự kiến sẽ tốn khoảng 10 tỉ USD, vượt 2,4 tỉ USD so với khoản 7,6 tỉ ngân sách được cấp ban đầu.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Những vũ khí Đài Loan muốn mua của Mỹ bất chấp Trung Quốc cảnh báo Khi Mỹ đánh tín hiệu muốn bán thêm vũ khí cho Đài Loan để tăng cường năng lực phòng vệ, một số vũ khí được cho là nằm trong danh sách ưu tiên của hòn đảo này bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc. Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh Thái Bình...