Mỹ: Bạo loạn leo thang tại Ferguson, Obama kêu gọi người biểu tình kiềm chế
Sau phán quyết của tòa không khởi tố sỹ quan cảnh sát bắn chết một thiếu niên da màu, thị trấn Ferguson, bang Missouri đã chứng kiến những vụ bạo loạn, tấn công cảnh sát dữ dội trong ngày 24/11. Lực lượng an ninh dường như bị áp đảo bởi những kẻ quá khích.
Cảnh sát chống bạo loạn tại Ferguson đang vô cùng vất vả ứng phó những kẻ quá khích
Nhiều nhân viên thực thi pháp luật đã bị bắn và tấn công bằng gạch đá cùng nhiều vật thể khác. Tính tới 2 giờ 30 sáng 25/11 theo giờ địa phương, 12 ngôi nhà đã bị phóng hỏa, cảnh sát trưởng hạt St Louis Jon Belmar cho biết.
Vị sỹ quan này khẳng định tự đếm được 150 phát súng. Tuy nhiên cảnh sát không bắn trả và không ai bị thiệt mạng. 29 người biểu tình đã bị bắt.
Trong bối cảnh bạo lực tiếp tục leo thang trong đêm 24/11, thống đốc bang Missouri Jay Nixon đã yêu cầu tăng viện từ lực lượng Vệ binh quốc gia để giúp vãn hồi trật tự.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và gia đình nạn nhân Michael Brown cùng lên tiếng trong vô vọng để kêu gọi người biểu tình kiềm chế, sau khi một bồi thẩm đoàn khẳng định cảnh sát chỉ nổ súng để tự vệ khi bắn chết chàng thanh niên da màu 18 tuổi.
Cái chết của Brown hồi tháng 8 đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình bạo lực, cùng những tranh luận khắp nước Mỹ về những biện pháp cứng rắn của cảnh sát, cũng như mối quan hệ chủng tộc.
Lãnh đạo cơ quan công tố hạt St Louis Robert McCulloch cho biết, sỹ quan Darren Wilson đã nổ 12 phát súng sau khi xảy ra “ẩu đả” với Brown, và rằng bồi thẩm đoàn không tìm thấy có căn cứ để buộc tội.
Video đang HOT
Ngay khi ông McCulloch công bố bản tóm tắt kết luận của bồi thẩm đoàn, mẹ của Brown đã bật khóc, còn đám đông theo dõi la ó: “Này, này! Những tên cảnh sát giết người đó phải ra đi”.
Đám đông người biểu tình sau đó đã bao vây đồn cảnh sát nơi Wilson từng làm việc và ném chai lọ, gạch đá. Một xe cảnh sát đã bị phóng hỏa còn các cửa hàng gần đó bị cướp phá. Hai xe cảnh sát bị đốt chỉ còn trơ khung, Belmar cho biết.
Lực lượng chống bạo động đáp trả bằng hơi cay, dùi cui cùng lựu đạn gây chói, trong khi các cuộc đụng độ lan ra nhiều tuyến phố ở ngoại ô St Louis. Nhiều xe chống đạn được lặng lẽ đưa vào khu vực này.
Pat Bailey, một người đã về hưu tại St Louis, khoảng ngoài 60 tuổi, cho biết bà đã biết trước sẽ có phán quyết như vậy. “Tôi đã sống đủ lâu để biết rằng những người Mỹ gốc Phi không được coi là con người”, bà Bailey nói.
Những cuộc tuần hành phản đối cũng diễn ra tại nhiều thành phố khác, trong đó có Los Angeles, New York, Chicago và thủ đô Washington DC. Dù vậy chưa có thông tin về bạo loạn tại những địa phương khác bên ngoài Missouri.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ AFP
Mỹ không truy tố cảnh sát bắn chết thanh niên da màu, biểu tình bùng phát
Một bồi thẩm đoàn tại Mỹ đã quyết định không truy tố một cảnh sát da trắng ở bang Missouri vì vụ bắn chết thanh niên da màu Michael Brown hồi đầu tháng 8. Cộng đồng người da màu đã ngay lập tức thể hiện sự giận dữ và phẫn nộ với phán quyết này.
Michael Brown (phải) đã bị cảnh sát Darren Wilson bắt chết hồi tháng 9.
Công tố viên Robert McCulloch cho hay bồi thẩm đoàn đã kiểm tra kỹ lưỡng các bằng chứng trong vụ cảnh sát Darren Wilson bắt chết Michael Brown tại thị trấn Ferguson, một khu vực ngoại ô của thành phố St Louis hôm 9/8, đã quyết định không truy tố cảnh sát này.
Gia đình Brown cho biết họ vô cùng thất vọng với phán quyết trên.
Michael Brown bị cảnh sát bắn chết giữa ban ngày trên một tuyến phố tại Ferguson. Người nổ súng là Darren Wilson, 28 tuổi, một sỹ quan da trắng. Mặc dù cảnh sát khẳng định Brown là nghi phạm của một vụ cướp, thanh niên này hoàn toàn không có vũ khí tại thời điểm bị bắn.
Các nhân chứng cho biết Brown đã giơ tay đầu hàng nhưng vẫn bị bắn 6 lần, trong đó có 2 viên đạn vào đầu.
Cái chết của Brown đã làm bùng phát các cuộc biểu tình trên đường phố kéo dài nhiều tuần. Một số cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực và cảnh sát bị chỉ trích vì đáp trả người biểu tình bằng các thiết bị chống bạo động hạng nặng.
Trước khi quyết định của bồi thẩm đoàn được công bố vào tối ngày 24/11 giờ địa phương, hàng trăm người biểu tình đã tụ tập bên ngoài sở cảnh sát tại Ferguson.
Họ theo dõi đài phát thanh khi công tố viên McCulloch đưa ra tuyên bố giải quyết định không truy tố cảnh sát Wilson.
Ông McCulloch cho hay các bằng chứng được trình lên bồi thẩm đoàn cho thấy Wilson đã nổ súng như một hành động tự vệ hợp pháp trong cuộc ẩu đả, vốn bùng phát khi cảnh sát này đối phó với một cụ cướp.
Ông McCulloch nói thêm, công việc của bồi thẩm đoàn là chắt lọc sự thật từ những điều bịa đặt và rằng một số lời khai của nhân chứng mâu thuẫn với bằng chứng thực tế.
Sau tuyên bố trên, gia đình Brown đã ra một tuyên bố nói rằng họ "vô cùng thất vọng khi kẻ sát hại con chúng tôi không đối mặt với hệ quả hành động của anh ta".
Biểu tình đã bùng phát tại Ferguson vào đêm qua sau phán quyết của bồi thẩm đoàn.
Gia đình Brown và giới chức đã kêu gọi công chúng bình tĩnh, trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đưa ra một tuyên bố hối thúc những người không đồng tình với phán quyết của bồi thẩm đoàn nên biểu tình một cách hòa bình.
Các cuộc biểu tình bạo lực đã bùng phát tại Ferguson ngay sau quyết định không truy tố cảnh sát Wilson.
Một đám đông giận dữ đã tụ tập bên ngoài đồn cảnh sát nơi Darren Wilson từng đồn trú và bắt đầu ném đá và chai lọ. Cảnh sát chống bạo động đã đáp trả bằng hơi cay.
Làn sóng biểu tình được dự đoán sẽ trầm trọng thêm tại thị trấn Ferguson sau quyết định của bồi thẩm đoàn.
An Bình
Theo DANTRI/AFP, BBC
Bộ trưởng tư pháp Mỹ từ chức Bộ trưởng tư pháp Mỹ Eric Holder ngày 25/9 đã tuyên bố từ chức sau một cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc và nhận những lời tri ân sâu sắc từ Tổng thống Obama. Ông Eric Holder đã tuyên bố từ chức Ông Holder là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được trao trọng trách lãnh đạo lực lượng thực thi pháp luật...