Mỹ, ASEAN thảo luận về căng thẳng Biển Đông
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, ông và các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đã thảo luận về sự cần thiết phải “hạ nhiệt” căng thẳng ở Biển Đông.
Theo trang tin IBTimes, thông tin trên được ông Obama công bố hôm qua, 16/2, tại một cuộc họp báo. Ông cho biết, các nước đều đã nhất trí quan điểm rằng, bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào cũng cần được giải quyết một cách hòa bình và thông qua các biện pháp pháp lý.
Nhưng một tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại California, Mỹ, đã không đề cập đến những lưu ý cụ thể mà Washington đang tìm kiếm, liên quan đến Trung Quốc và quan điểm lãnh thổ của nước này trên Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Obama cho biết, các nhà lãnh đạo tại Hội nghị đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về trật tự khu vực, trong đó, luật pháp và các chuẩn mực quốc tế cùng quyền của tất cả các quốc gia, dù lớn, dù nhỏ, đều được tôn trọng.
“Chúng tôi đã thảo luận về nhu cầu phải có các bước đi hữu hình ở Biển Đông nhằm giảm căng thẳng, trong đó có việc ngừng cải tạo thêm cũng như xây mới và quân sự hóa các khu vực tranh chấp… Khi ASEAN lên tiếng một cách rõ ràng và thống nhất, nó có thể giúp thúc đẩy an ninh, cơ hội và phẩm giá con người”, ông Obama nói.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Obama
Sau ngày đầu tiên thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại với 10 nước ASEAN, các quan chức Mỹ đã hi vọng đạt được một quan điểm chung về vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc và một số nước ASEAN đang có tranh chấp.
Tuy nhiên, không phải mọi thành viên ASEAN đều nhất trí về cách thức xử lý các tranh chấp. Do đó, thay vì tập trung vào Trung Quốc, tuyên bố chung khẳng định lại các nguyên tắc chính về hợp tác Mỹ-ASEAN, trong đó có tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và độc lập chính trị của tất cả các quốc gia và một cam kết chung về giải quyết hòa bình tranh chấp, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không.
Trung Quốc tuyên bố phần lớn chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng các thành viên ASEAN, trong đó có Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Hôm qua, Fox News dẫn các hình ảnh ghi được từ vệ tinh dân sự cho biết, quân đội Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa tiên tiến đất đối không tới một trong những hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Mỹ đã chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở trên vùng biển Đông có tranh chấp và đã cử tàu chiến đến gần các vùng lãnh thổ tranh chấp này để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Mỹ cho biết, Washington sẽ tiếp tục giúp đỡ các đồng minh và các nước đối tác ASEAN tăng cường khả năng hàng hải của họ.
Vân An
Theo_Hà Nội Mới
Mỹ và ASEAN thảo luận các bước đi làm giảm căng thẳng ở Biển Đông
Mỹ và ASEAN nhất trí rằng, mọi tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua các biện pháp pháp lý.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (16/2) cho biết, tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ diễn ra ở Sunnylands, bang California, ông và các nhà lãnh đạo ASEAN đã thảo luận về nhu cầu để giảm bớt căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: Reuters)
Theo ông Obama, các bên cũng nhất trí quan điểm cho rằng, bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào cũng cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua các biện pháp pháp lý.
"Mỹ và ASEAN tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của chúng tôi với trật tự khu vực, nơi mà luật pháp quốc tế, các chuẩn mực và quyền lợi của tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ phải được tôn trọng", ông Obama nói.
Tổng thống Obama cũng cho biết thêm rằng: "Chúng tôi đã thảo luận về nhu cầu thực hiện các bước đi thực chất ở Biển Đông để làm giảm căng thẳng. Trong đó bao gồm việc ngừng ngay hoạt động cải tạo, xây dựng mới và quân sự hóa khu vực tranh chấp"./.
Hùng Cường Theo Reuters
Theo_VOV
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc thăm Syria bàn về vấn đề nhân đạo Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura cũng tích cực thảo luận việc khôi phục đàm phán hòa bình Syria. Hôm qua (16/2), Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đã có các cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem, tập trung vào đảm bảo lệnh chấm dứt các hành động thù địch...