Mỹ áp thuế mới với phụ kiện máy bay và rượu nhập khẩu từ Pháp và Đức
Trong thông báo gửi tới các đơn vị vận chuyển, Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan Mỹ (CBP) nêu rõ mức thuế mới sẽ được áp dụng từ 5h01 GMT ngày 12/1 (12h01 giờ Việt Nam).
Đây là một phần trong tranh chấp kéo dài 16 năm qua giữa Mỹ và EU liên quan vấn đề trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay Boeing (của Mỹ) và Airbus (của châu Âu).
Rượu vang từ Pháp được trưng bày tại một triển lãm ở New York, Mỹ ngày 2/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo sẽ áp thuế bổ sung 15% đối với các phụ tùng máy bay, bao gồm thân máy bay và cánh, và 25% thuế đối với một số loại rượu.
Một nguồn tin châu Âu cho biết các cuộc đàm phán giữa Mỹ và EU nhằm tháo gỡ mâu thuẫn đã rơi vào bế tắc vài tuần trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mãn nhiệm. Phía Washington đã thúc đẩy các cuộc đàm phán để đạt thỏa thuận riêng rẽ với Anh, quốc gia có cổ phần tại Airbus và vừa rời Liên minh châu Âu (EU). Về phần mình, Brussels hy vọng sẽ tìm được giải pháp nhanh chóng để tháo gỡ vấn đề với chính quyền mới của Mỹ sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chính thức nhậm chức, dự kiến vào ngày 20/1. Đội ngũ của ông Biden hiện chưa đưa ra bình luận về đợt áp thuế mới.
Trước đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cho phép Washington được áp thuế với số lượng hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD của EU, còn Brussels cũng được áp thuế bổ sung với 4 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Mỹ trước đó áp thuế với các máy bay của Airbus, nhưng việc các biện pháp bổ sung lần này mở rộng ra cả các máy bay của Airbus được lắp ráp tại Mỹ có sử dụng phụ tùng nhập từ châu Âu. Airbus cho rằng việc USTR áp thuế bổ sung với các phụ tùng máy bay nhập khẩu từ Pháp và Đức là động thái “phản tác dụng”, thậm chí gây thêm khó khăn cho các công nhân Mỹ làm việc tại nhà máy Mobile ở bang Alabama, nơi lắp ráp máy bay A320 sử dụng các linh kiện bị đánh thuế. Ban đầu, mức thuế mới sẽ không có ảnh hưởng đáng kể do các hãng sản xuất thường đặt mua trước các phụ kiện cỡ lớn như cánh và thân máy bay nhằm giảm thiểu nguy cơ gián đoạn sản xuất.
Bên cạnh các sản phẩm liên quan tới ngành chế tạo máy bay, nhiều sản phẩm đồ uống có cồn của các nước tham gia sản xuất máy bay Airbus – gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh – cũng đã bị đánh thuế và đợt thuế mới sẽ có thêm các sản phẩm khác bị ảnh hưởng. Khác với các đợt áp thuế trước đây, lần này USTR không áp dụng miễn trừ đối với các sản phẩm đang được vận chuyển, thậm chí đã cập cảng.
Vụ máy bay rơi tại Indonesia: Thợ lặn đã vớt được một hộp đen
Đài truyền hình địa phương của Jakarta ngày 12/1 đưa tin các thợ lặn đã vớt được một hộp đen của chiếc máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya gặp nạn ở ngoài khơi bờ biển của Indonesia.
Trước đó, Không quân Indonesia đã điều động 2 máy bay trực thăng hiện đại đến khu vực máy bay gặp nạn để hỗ trợ Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia (Basarnas).
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm các mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số tại khu vực ngoài khơi Jakarta, Indonesia, ngày 10/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Máy bay trên thực hiện chuyến bay số hiệu SJ 182 từ Jakarta tới thành phố Pontianak, thủ phủ của tỉnh West Kalimantan, đã gặp nạn sau khi cất cánh ít phút và rơi xuống vùng biển ngoài khơi thủ đô Jakarta ngày 9/1. Toàn bộ 62 người trên máy bay, gồm 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng. Được biết, máy bay gặp nạn đã hoạt động 27 năm. Sriwijaya Air được thành lập năm 2003, có trụ sở tại Jakarta, chủ yếu thực hiện các chuyến bay nội địa. Hãng này được đánh giá là hãng hàng không an toàn tại Indonesia.
Hiện các cơ quan chức năng đã xác định được danh tính nạn nhân đầu tiên trong vụ tai nạn thương tâm này. Giám đốc của Tập đoàn Tài chính Indonesia (IFG) kiêm Tổ chức Bảo hiểm và Bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước, ông Robertus Billitea ngày 10/1 cho biết IFG sẵn sàng hỗ trợ và bồi thường cho hành khách trong vụ tai nạn máy bay.
Đây là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất tại Indonesia kể từ sau vụ máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air rơi xuống vùng biển Java khiến 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng năm 2018.
Lý do Indonesia là 'điểm đen' an toàn hàng không Vụ rơi máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air chở theo 62 người ngày 9/1 không lâu sau khi cất cánh đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề an toàn hàng không tại Indonesia. Các nhà điều tra xem xét mảnh vỡ chiếc máy bay của hãng Sriwijaya Air. Ảnh: AP Indonesia là một trong những quốc gia...