Mỹ áp dụng chiến thuật mới để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông
Từ trạng thái bàng quan với hoạt động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ đã chuyển sang chiến thuật mới theo đề xuất của Bộ tư lệnh chiến dịch đặc biệt: Phơi bày hành vi sai trái và hung hăng của Trung Quốc ra công luận quốc tế, với sự tham gia của báo chí, và chiến thuật này đang có tác dụng, theo tờ The Epoch Times (Mỹ).
Sĩ quan Mỹ trên máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon chỉ cho phóng viên CNN xem hình ảnh các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phi pháp ở Biển Đông, trong chuyến bay tuần tra ngày 20.5.2015 – Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters
Trong bài viết đăng ngày 15.6, The Epoch Times (trụ sở tại New York) cho biết trước đây mặc dù nhiều quốc gia trong khu vực đã bày tỏ lo ngại và yêu cầu Mỹ can thiệp ngăn chặn hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng Washington đã không có động thái tích cực nào.
Mãi đến ngày 20.5.2015, Lầu Năm Góc đã có hành động khi điều một máy bay tuần tra P-8A Poseidon chở theo một nhóm phóng viên của đài CNN (Mỹ) bay ra gần những công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc. Hành động này khiến lực lượng Hải quân Trung Quốc đồn trú tại đó rất tức giận và phóng viên CNN đã ghi lại đoạn nạt nộ: “You go!” (tạm dịch: Hãy rời khỏi đây) của liên lạc viên Trung Quốc với máy bay.
The Epoch Times trích dẫn một báo cáo từ Quốc hội Mỹ cho thấy giới lãnh đạo Mỹ đã rất hài lòng với chiến thuật mới này, khi góp phần “công khai vạch trần sai trái” của Trung Quốc.
“Qua việc công khai thông tin về hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Washington đã mang đến cho các quốc gia Đông Nam Á một cơ hội có một không hai để cùng nhau nắm lấy vị thế là phe chính nghĩa”, theo báo cáo của Quốc hội Mỹ.
Thay vì chỉ tập trung chỉ trích các hành động của Trung Quốc, vốn chỉ mở đường cho Bắc Kinh phủ nhận và thậm chí cáo buộc ngược lại rằng Mỹ đang có chính sách “bài Trung”, chiến thuật mới của Washington đã khiến quân đội Trung Quốc tự bộc lộ thái độ hung hăng, hiếu chiến của mình, The Epoch Times nhận định.
Theo The Epoch Times, chiến thuật mới này được tiến hành theo định hướng từ một đề xuất của Bộ Tư lệnh Các Chiến dịch Đặc biệt của Mỹ (USSOC). Trong báo cáo ngày 26.9.2014, USSOC cảnh báo Trung Quốc, Nga và Iran đang sử dụng chiến tranh chính trị “để tăng cường theo đuổi các mục tiêu của mình”. Chiến tranh chính trị là sự kết hợp nhiều biện pháp, trong đó các hoạt động tuyên truyền với mục đích khiến công chúng hiểu lầm, đồng thời cản trở sự phát triển của quốc gia đối thủ, theo The Epoch Times.
Video đang HOT
Máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ đã làm ngơ trước các lần cảnh báo xua đuổi hung hăng của hải quân Trung Quốc ngày 20.5.2015 khi bay tuần gần các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và vụ việc này được phóng viên CNN tháp tùng trên chuyến bay nhanh chóng đưa tin ra khắp thế giới – Ảnh: CSIS/Reuters
Báo cáo của USSOC nhận định việc các quốc gia đối thủ sử dụng chiến tranh chính trị đang là một thách thức lớn đối với Mỹ, trong bối cảnh Washington đã không còn dùng chiến thuật này kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Báo cáo của USSOC cũng đề nghị lãnh đạo Mỹ nên bắt đầu có biện pháp chống trả lại chiến thuật này, đồng thời đề xuất Washington nên vạch ra chiến thuật “tác động đến hoạt động đấu tranh của khu vực (nhằm phản đối Trung Quốc) theo hướng tích cực”, bao gồm sử dụng các biện pháp cấm vận, hỗ trợ chính quyền các nước đồng minh, và triển khai “các chiến dịch thông tin tuyên truyền để vạch trần các hoạt động của đối phương”.
The Epoch Times cho biết Lầu Năm Góc đã dùng đến đề xuất cuối trong báo cáo của USSOC để đối phó với Trung Quốc. Lầu Năm Góc đã dùng một kênh thông tin mở, cụ thể trong trường hợp này là hãng tin CNN, để “vạch mặt” Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo đánh giá của Quốc hội Mỹ, nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục dùng chiến thuật này trong thời gian tới.
“Mỹ là quốc gia duy nhất trong khu vực có phương tiện kỹ thuật và quân sự đủ mạnh để có thể liên tục theo dõi và ghi nhận hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc”, báo cáo đánh giá của Quốc hội Mỹ bình luận.
Và thông qua việc công bố công khai các hoạt động phi pháp này, “chính phủ Mỹ cung cấp cho các chính trị gia Đông Nam Á và các chuyên gia phân tích quốc phòng những thông tin mà tự bản thân họ không đủ khả năng tìm ra”, theo đánh giá của Quốc hội Mỹ.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Vấn đề Biển Đông sẽ bao trùm Đối thoại Shangri-La 2015
Diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2015 có thể là nơi Mỹ thể hiện rõ định hướng của mình cho quan hệ với Trung Quốc trong tương lai; trong khi đó đoàn Trung Quốc có thể sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng để biện hộ cho hoạt động phi pháp tại Biển Đông, theo nhận định của truyền thông Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Honolulu, Hawaii ngày 27.5 trước các quan chức Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Tờ Stars and Stripes (Mỹ) ngày 27.5 đưa ra dự báo rằng phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại diễn đàn an ninh Shangri-La sắp tới ở Singapore sẽ quyết định bản chất mối quan hệ Washington và Bắc Kinh về những căng thẳng tại Biển Đông.
Ông Carter sẽ có mặt cùng các bộ trưởng quốc phòng các nước châu Á và châu Âu tham dự diễn đàn thường niên Đối thoại Shangri-La, sẽ diễn ra từ 29 - 31.5 tại Singapore.
Các quan chức Hải quân Mỹ gần đây công khai bày tỏ lo ngại về hoạt động bồi đắp trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington có thể sẽ đưa ra lo ngại này tại Singapore, ông Alexander Neill, chuyên gia phân tích cấp cao về an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Đối thoại Shangri-La, dự đoán.
"Ông Carter gần như chắc chắn sẽ đưa ra những lo ngại này và có lẽ sẽ nói rõ hơn một chút về mong muốn của chính phủ Mỹ trong việc làm giảm căng thẳng hay tránh xung đột", ông Neill bình luận.
"Dù vậy, chúng tôi không rõ liệu ông ấy sẽ đưa ra phát biểu mang tính hòa giải về các mối lo ngại hàng đầu của Mỹ hay sẽ tỏ ra cương quyết", chuyên gia này nói.
Ông Neill cũng nhận xét thêm rằng Trung Quốc có vẻ như đã sẵn sàng để phản pháo các chỉ trích nhằm vào hoạt động bồi đắp phi pháp của nước này ở Biển Đông, so với lần tham dự diễn đàn hồi năm ngoái.
Tàu Trung Quốc đang bồi đắp trái phép tại Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Các quan chức Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La 2014 dường như đã không có chuẩn bị trước làn sóng phản đối đến từ đại diện các quốc gia tham dự.
Trung tướng Vương Quán Trung, phó tổng tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, khi đó nói với quan khách rằng ông sẽ phát biểu "ngoài phần đã được soạn sẵn từ trước" để trả lời những chỉ trích nhằm vào hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông, trong đó có vụ đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Vương sau đó không đưa ra được luận điểm nào để biện hộ cho các hành động này, thay vào đó ông ta quay sang chỉ trích phần phát biểu của đại diện Mỹ, Nhật Bản là "đầy những từ ngữ đe dọa".
Chuyên gia Neill nhận định Bắc Kinh rõ ràng đang chuẩn bị một số kiểu phản bác cho diễn đàn năm nay.
"Đoàn Trung Quốc năm nay mạnh hơn đáng kể so với những năm trước gộp lại. Đây là một phái đoàn rất có thế lực", ông Neil nhận định.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Hé lộ chiến thuật hoạt động của điệp viên Triều Tiên Điệp viên Triều Tiên có 3 chiến thuật hoạt động cơ bản, và chúng được cho là vẫn còn duy trì cho tới ngày nay Khi nhìn vào những khẩu súng bút tinh xảo và những mũi kim tẩm độc, bạn có thể nghĩ rằng đó là những vũ khí viễn tưởng trong phim điệp viên 007. Nhưng theo một cựu điệp viên...