Mỹ, Ấn, Nhật sẽ tập trận chung gần Biển Đông
Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ở phía bắc biển Philippines, gần Biển Đông, nơi căng thẳng đang leo thang sau những động thái gần đây của Trung Quốc.
Hải quân Mỹ và Ấn Độ trong cuộc tập trận Malabar ở vịnh Bengal tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Zuma Press
Theo WSJ, cuộc tập trận là một phần của sự kiện thường niên giữa hải quân Mỹ và Ấn Độ. Từ năm 2014, Nhật Bản cũng tham gia hoạt động này, cho thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa ba nước có cùng mối quan ngại về tham vọng quân sự của Trung Quốc.
Thời gian diễn ra tập trận hiện chưa được công bố.
Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, đã thông báo địa điểm năm nay của cuộc tập trận mang tên Malabar tại một hội nghị ở New Delhi hôm qua. Đó là vùng biển phía bắc biển Philippines, gần biển Nhật Bản và Biển Đông.
Hải quân Ấn Độ cho biết Nhật Bản sẽ tham gia nhưng từ chối xác nhận địa điểm tập trận.
Video đang HOT
Vị trí Biển Đông, biển Philippines và biển Nhật Bản. Đồ họa: hswstatic
Những tháng gần đây, Mỹ tăng cường cảnh báo về “sự quân sự hóa ngày một gia tăng” của Trung Quốc ở Biển Đông. Các tàu chiến và máy bay Mỹ đã tiến hành hàng loạt hoạt động trong khu vực này để thách thức những động thái của Trung Quốc. Giới chức Mỹ cũng đang tìm cách thắt chặt hợp tác với các cường quốc quân sự châu Á.
Trong những phát ngôn gần đây, Mỹ đã kêu gọi Ấn Độ tham gia các hoạt động an ninh chung trên biển, trong đó có tuần tra nhưng New Delhi tỏ ra lưỡng lự. Đô đốc Harris nói rằng “trên mặt trận an ninh, chúng tôi cần sự lãnh đạo của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ – châu Á – Thái Bình Dương”.
Nhằm đối phó với các hoạt động của Trung Quốc, ông Harris còn đề xuất một hội thảo an ninh 4 bên gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ, để khẳng định thông điệp rằng “chúng ta đang đoàn kết theo trật tự dựa trên luật quốc tế”, “không quốc gia nào xem tự do hàng hải như một mối đe dọa”.
“Chúng tôi đã sẵn sàng chào đón các bạn. Chúng tôi cần các bạn”, ông Harris nói, nhắc đến Ấn Độ.
Ấn Độ có quan hệ hợp tác chiến lược với Mỹ nhưng cũng tránh những hành động gây phản ứng từ Trung Quốc. Ấn Độ và Mỹ đã công bố tầm nhìn chung chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào tháng 1/2015 “nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt là Biển Đông”.
Tuy nhiên, Ấn Độ đến nay vẫn từ chối tham gia một liên minh an ninh chính thức hoặc tuần tra chung với Mỹ. Hai nước bác thông tin rằng đang đàm phán về các cuộc tuần tra ở Biển Đông.
Một bài viết hồi cuối tháng trước trên tờ Global Times của Trung Quốc lên án Mỹ đang nỗ lực “lôi kéo các nước ngoài khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia” vào cuộc tranh chấp tại đây. Một bài viết khác cảnh báo nếu Ấn Độ tuần tra chung với Mỹ, New Delhi “chẳng khác gì cho thấy sự thù địch với Bắc Kinh và phá hủy niềm tin song phương”.
Anh Ngọc
Theo VNE
Mỹ sẽ tăng cường hoạt động trên Biển Đông
Giới chức Mỹ khẳng định nước này sẽ gia tăng các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông trước mối lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách thống trị vùng biển này.
Các chiến đấu cơ đỗ trên tàu sân bay USS George Washington khi một tàu Mỹ khác đi qua ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó với độ phức tạp được nâng cao trong tương lai và chúng tôi sẽ điều máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nói trong một cuộc điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện.
"Chúng tôi phải tiếp tục hoạt động trên Biển Đông để chứng minh rằng vùng biển này và không phận phía trên nó mang tính quốc tế", Reutersdẫn lời ông nói thêm.
Hồi đầu tuần, ông Harris cáo buộc Trung Quốc "đang thay đổi bối cảnh hoạt động" ở Biển Đông khi điều tên lửa và radar như một nỗ lực nhằm thống trị Đông Á bằng quân sự.
Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhân chuyến thăm Washington, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ với tự do hàng hải và thúc giục Bắc Kinh giải quyết mối quan ngại của khu vực.
Trong khi đó, ông Vương bày tỏ rằng Bắc Kinh hy vọng không còn thấy thêm các hoạt động giám sát hay triển khai tàu khu trục tên lửa, máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.
Khi được hỏi Mỹ sẽ làm gì để chống lại sự quân sự hóa ở Biển Đông, ông Harris cho biết Mỹ có thể triển khai thêm nhiều phương tiện hải quân, dù còn nhiều khó khăn về mặt tài chính, ngoại giao và chính trị nếu muốn đưa tàu sân bay thứ hai đến khu vực này.
"Chúng tôi có thể đặt một tàu ngầm tấn công nữa ở đó, chúng tôi cũng có thể bổ sung thêm các khu trục hạm... Có rất nhiều điều chúng tôi có thể làm, ngoại trừ đặt một nhóm tàu sân bay tấn công đầy đủ ở tây Thái Bình Dương", ông nói.
Tuyên bố của ông Harris được đưa ra một ngày sau khi ông cáo buộc Trung Quốc triển khai các tên lửa và radar lên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.
Tuy nhiên, Trung Quốc biện bạch rằng nước này cần phải phòng thủ trước những hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông và chỉ trích truyền thông Mỹ thổi phồng sự thật.
Anh Ngọc
Theo VNE
Chiến hạm Nga tới Ấn Độ tập trận chung 4 tàu Nga hôm nay tới Ấn Độ tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế Indra, với những nội dung như bảo vệ tàu trên mặt nước trước các tàu ngầm. Tàu chiến Nga tới Ấn Độ. Ảnh: Tass Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Varyag, tàu khu trục Bystry, tàu chở dầu Boris Butoma và tàu kéo cứu hộ...