Mỹ-Ấn ‘liên minh’ hậu cần quân sự khiến Bắc Kinh lo ngại
Thỏa thuận trao đổi hậu cần cho phép hai bên sử dụng các căn cứ bộ binh, không quân, hải quân của nhau.
Mỹ và Ấn Độ vừa ký Thỏa thuận trao đổi hậu cần ( LEMOA) cho phép hai bên sử dụng các căn cứ bộ binh, không quân, hải quân của nhau, theo hãng tin Reuters (Mỹ).
Thỏa thuận LEMOA cho phép quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ của Ấn Độ để tiếp liệu trong quá trình tập trận quân sự và thực hiện các chiến dịch nhân đạo, cứu trợ thảm họa. Quân đội Ấn Độ cũng được phép sử dụng các căn cứ của Mỹ cho các mục đích tương tự. Tuy nhiên, thỏa thuận LEMOA không cho phép nước này triển khai quân lên căn cứ của nước khác.
Trước khi có thỏa thuận LEMOA, nước này buộc phải xin phép nước kia nếu muốn sử dụng căn cứ của nước đó. Nước chủ nhà sẽ có quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
Đây là một thỏa thuận quân sự hết sức quan trọng, vốn đã được hai bên chuẩn bị trong cả một thập niên, là một điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm Mỹ ba ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar.
Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Parrikar sau lễ ký, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng thỏa thuận LEMOA sẽ giúp tăng an ninh hàng hải và đóng góp vào tự do lưu thông hàng hải khắp thế giới.
“Nhờ có thỏa thuận LEMOA công tác hậu cần của các chiến dịch chung sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều” – Reuters dẫn lời Bộ trưởng Carter. Reuters dẫn nhận định nhiều chuyên gia rằng ký thỏa thuận LEMOA là một diễn biến mang tính bước ngoặt trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn Độ.
Video đang HOT
Căn cứ hải quân của Tư lệnh Hải quân miền Tây Ấn Độ. Thỏa thuận LEMOA cho phép cho Mỹ và Ấn Độ sử dụng các căn cứ quân sự của nhau. Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, Mỹ từ lâu đã rất mong muốn củng cố hợp tác an ninh với Ấn Độ, tuy nhiên Ấn Độ lại không mặn mà lắm trong việc ký các thỏa thuận quân sự với Mỹ. Một phần vì lo ngại các thỏa thuận này sẽ dần buộc Ấn Độ cho phép Mỹ đưa quân lên các căn cứ của mình, hoặc dần dần sẽ dẫn tới hình thành một liên minh quân sự Mỹ-Ấn, làm suy yếu tính tự trị truyền thống của mình.
Ngay khi lên nhậm chức, Bộ trưởng Carter đã xem việc củng cố quan hệ quân sự với Ấn Độ là một ưu tiên. Năm ngoái, ông đã lập một đội hành động đặc biệt có nhiệm vụ phát triển hợp tác với Ấn Độ. Chuyến thăm của Bộ trưởng Parrikar là lần thứ sáu quan chức quốc phòng cấp cao hai nước tiếp xúc với nhau.
Củng cố quan hệ quốc phòng với Mỹ cũng là một ưu tiên của chính phủ Ấn Độ. Theo chuyên gia P Benjamin Schwartz tại Hội đồng kinh doanh Mỹ-Ấn, việc ký thỏa thuận LEMOA này cho thấy chính phủ Thủ tướng Narenda Modi sẵn sàng nhận chỉ trích chính trị trong ngắn hạn vì một lượng lớn người dân Ấn Độ không đồng ý thỏa thuận này, để đổi lấy lợi ích dài hạn là tăng cường quan hệ quốc phòng với Mỹ.
Trong khi đó, báo RT (Nga) nhận định việc ký thỏa thuận này với Ấn Độ cho phép Mỹ có thể tăng hiện diện quân sự ở khu vực, tăng khả năng kiềm chế Trung Quốc.
Thỏa thuận LEMOA cũng sẽ đặc biệt cho phép Mỹ tăng khả năng hoạt động trên biển Đông. Hải quân Mỹ nhiều tháng nay đã tăng cường hiện diện, tuần tra và tập trận trên biển Đông. Mỹ thường xuyên triển khai tàu chiến tuần tra gần các thực thể trên Trường Sa (của Việt Nam) mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Hồi tháng 6, tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ đã tập trận gần quần đảo Trường Sa. Tháng 3 vừa rồi Mỹ đã kêu gọi Ấn Độ tập trận chung trên biển Đông.
Nói với RT, GS Khoa học chính trị Joseph Cheng từng giảng dạy tại ĐH Hongkong City nhận định thỏa thuận LEMOA sẽ giúp Mỹ duy trì kiểm soát tuyến đường biển rất quan trọng từ Đông Á đến vịnh Persian. Theo ông, việc ký thỏa thuận LEMOA với Ấn Độ thể hiện Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với các nước châu Á để mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực.
THIÊN ÂN
Theo PLO
Lo ngại Trung Quốc, Mỹ - Ấn cho nhau dùng căn cứ hải quân
Washington và New Delhi ký thỏa thuận quân sự sử dụng căn cứ hải quân của nhau, giúp Mỹ tăng cường hiện diện gần Trung Quốc.
Thỏa thuận mới được ký kết giữa Mỹ và Ấn Độ cho phép hải quân của Washington tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Ảnh minh họa: Reuters.
Việc ký kết Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) đã được chuẩn bị trong hơn một thập kỷ, là điểm nổi bật trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tới Mỹ, RT hôm qua đưa tin.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp người đồng cấp Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ca ngợi LEMOA sẽ giúp "an ninh hàng hải" và góp phần vào "tự do hàng hải" trên thế giới.
LEMOA cho phép hải quân Mỹ, Ấn Độ sử dụng căn cứ của nhau để tiếp tế hậu cần trong các cuộc tập trận, cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên, thỏa thuận không nhắc tới việc triển khai binh lính. Washington và New Delhi sẽ phải tìm kiếm thỏa thuận khác cho việc này.
Thỏa thuận mới được ký kết sẽ giúp Washington tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Hải quân Mỹ đã có nhiều cuộc tuần tra hàng hải tại đây, làm tăng thêm căng thẳng vốn có trong quan hệ với Trung Quốc.
Hồi tháng 6, Mỹ có nhiều cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông với sự tham gia của chiến hạm, máy bay. Washington cũng nhiều lần đưa tàu chiến tuần tra ở các vùng biển mà Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á.
Joseph Cheng, giáo sư về chính trị đã nghỉ hưu tại Hong Kong cho biết LEMOA còn giúp Mỹ tăng cường kiểm soát hàng hải từ Đông Á đến vịnh Ba Tư. Mặt khác, Biển Đông là tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, và Mỹ không muốn phải xin phép mỗi khi đi qua các hòn đảo ở đây.
Ông Cheng cho rằng Mỹ đang sử dụng các tranh chấp ở Biển Đông để thực hiện chiến lược "trở lại châu Á". Các động thái của Washington dẫn đến sự lo lắng của Bắc Kinh bởi dường như Mỹ là nước duy nhất tăng cường quan hệ an ninh với các quốc gia châu Á để "mở rộng ảnh hưởng".
Văn Việt
Theo VNE
Vì sao Hải quân Nga thèm được trở lại Cam Ranh? Hải quân Nga vẫn rất mong muốn được thiết lập lại căn cứ tại vịnh Cam Ranh, Việt Nam, và gần đây việc này lại được đưa ra. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Sputnik, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga Viktor Ozerov cho biết, vấn đề về khôi phục căn cứ...