Mỹ – Ấn khai thông thỏa thuận hạt nhân
Lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ hôm qua tiết lộ các kế hoạch khai thông các thỏa thuận hợp tác hạt nhân, với hy vọng thiết lập một mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm qua trước khi tham dự một cuộc họp báo chung. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm qua đã chấm dứt những bế tắc kéo dài 6 năm trong việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân dân sự mạng tính bước ngoặt ký năm 2008 bằng những điều chỉnh quan trọng.
“Thỏa thuận hạt nhân dân sự là trọng tâm của mối quan hệ đang đổi mới từng ngày của chúng ta. Nó là minh chứng cho một niềm tin mới. Nó cũng tạo ra những cơ hội kinh tế mới đồng thời mở rộng thêm các lựa chọn về năng lượng sạch”, First Post dẫn lời ông Modi hôm qua phát biểu tại buổi họp báo chung với Tổng thống Obama.
“Tôi rất vui mừng vì sau 6 năm ký kết hiệp định song phương, chúng ta có thể tiến tới giai đoạn hợp tác, vừa đảm bảo tuân thủ quy định của mỗi nước cũng như luật pháp quốc tế, vừa phù hợp với khả năng về kỹ thuật và thương mại”, ông Modi nói thêm.
“Đây là bước đi quan trọng cho thấy chúng ta có thể hợp tác tốt như thế nào để làm bền chặt thêm quan hệ hai nước”, Reuters dẫn lời Tổng thống Obama phát biểu tại họp báo. “Chính phủ hai quốc gia đã đạt đến sự thấu hiểu lẫn nhau”, ông cho biết thêm.
Ấn Độ và Mỹ từng thông qua một thỏa thuận hạt nhân dân sự vào năm 2008 nhưng nhiều bất đồng đã tồn tại trong thời gian dài bởi luật trách nhiệm hạt nhân của Ấn Độ yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xảy ra. Nhưng các quốc gia như Mỹ và Pháp lại kêu gọi Ấn Độ thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó quy định trách nhiệm chính thuộc về bên điều hành, tức là chính phủ Ấn Độ, phải bồi thường thiệt hại vì tất cả các nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia này đều do Tổng công ty Điện Hạt nhân Nhà nước (NPCIL) quản lý.
Video đang HOT
Theo kế hoạch mới, nhà thầu tham gia vào quá trình xây dựng các lò phản hứng hạt nhân ở Ấn Độ sẽ mua bảo hiểm từ công ty bảo hiểm nhà nước. Những đơn vị xây dựng sau đó sẽ bù đắp phí tổn bằng cách thu phí dịch vụ. Ngoài ra, NPCIL cũng có thể thay mặt các công ty này đứng ra mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, để thể hiện sự nồng hậu và quyết tâm đưa mối quan hệ lên tầm cao mới, ông Modi hôm qua phá vỡ truyền thống để tới sân bay, đón tiếp và trao cho ông Obama một cái ôm khi Tổng thống Mỹ vừa đáp xuống New Delhi. Đây là một động thái đáng chú ý bởi chỉ một năm trước, ông Modi vẫn còn là “người không được chào đón” ở Washington và bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ.
Trong bữa trưa, hai lãnh đạo tiếp tục thảo luận và đề cập đến việc làm mới Nghị định khung Quốc phòng Mỹ – Ấn, có thời hạn 10 năm, được ký kết từ năm 2005, và hợp tác sản xuất chung phi cơ không người lái, nâng cấp trang thiết bị cho máy bay vận tải quân sự C-130.
Những thỏa thuận khác bao gồm việc thiết lập đường dây nóng giữa hai lãnh đạo và các sáng kiến tài chính nhằm giúp Ấn Độ sử dụng tốt hơn nguồn năng lượng tái tạo, cũng như giảm lượng CO2 thải ra bầu khí quyển.
Tuy nhiên, ông Modi cũng nhấn mạnh vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới.
Hôm nay, ông Obama sẽ dự buổi diễu hành quy mô với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ quân đội, xe tăng, báy bay nhằm kỷ niệm Ngày Cộng hòa (ngày độc lập) của Ấn Độ. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên có mặt tại sự kiện trọng đại này.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Người khai thông "con đường hữu nghị"
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Fukada gọi ông Khải là người đã khai thông "con đường hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản".
"Khi còn là giảng viên trẻ tại trường ĐH, ông Nghiêm Vũ Khải đã đề ra mục tiêu là nghiên cứu và lấy bằng tiến sỹ tại các nước phát triển. Trong thời buổi đó, mặc dù thông tin tại Việt Nam còn hạn hẹp, ông đã quyết tâm lựa chọn Nhật Bản là nơi mình sẽ học tập và nghiên cứu vì Nhật Bản là một nước hàng đầu về lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật trên thế giới và cũng là một nước có nền văn hóa rất đặc biệt", Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại VN, ông Hiroshi Fukada chia sẻ ấn tượng của mình dành cho ông Nghiêm Vũ Khải, người vừa được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc.
Từng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan của Quốc hội và trong Chính phủ, nhưng ít ai biết rằng lĩnh vực hoạt động tích cực và xuyên suốt của ông Nghiêm Vũ Khải nhiều năm qua lại chính là thúc đẩy, kết nối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại VN trao tặng Huân chương Mặt trời mọc cho ông Nghiêm Vũ Khải. Ảnh: Tuấn Đỗ
Chia sẻ nhân dịp được trao tặng Huân chương Mặt trời mọc, ông Khải nhớ lại: "vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được cử đi nghiên cứu theo học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Với tôi, đây là sự kiện may mắn lớn nhất, sự khởi đầu có tính bước ngoặt trong cuộc đời".
Từng là du học sinh ở Liên Xô, sau đó về nước giảng dạy ĐH, ông Nghiêm Vũ Khải sang Nhật làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở thành phố Osaka và trở về nước năm 1994, sau đó làm việc trong cơ quan Quốc hội.
Trong khoảng thời gian này, quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu có những bước tiến mới, với việc Nhật Bản nối lại viện trợ kinh tế cho Việt Nam. Cuối năm 1995, lần đầu tiên trong Quốc hội VN khóa 9 đã lập ra nhóm nghị sĩ hữu nghị với một số quốc gia đối tác quan trọng, trong đó có Nhật Bản. Ông Khải được cử làm thư ký nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật. Sau khi trở thành ĐBQH, ông Khải giữ chức Tổng thư ký, sau đó là Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch nhóm này.
Từ 2008, ông Khải đảm nhận thêm công việc mới, là Chủ tịch hội hữu nghị Việt - Nhật.
Nhớ lại những ký ức trong lần gặp đầu tiên cách nay đã 20 năm, ông Takebe Tsutomu, cố vấn đặc biệt Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt khẳng định: "Ông Khải là người được biết đến với nhiều phẩm cách tốt đẹp và những cống hiến. Ông là người hết sức chân thành, luôn hết lòng giúp đỡ những người xung quanh".
Ông Takebe Tsutomu cũng tự nhận là người "hiểu" rõ hơn ai hết những đóng góp và quá trình hoạt động của ông Nghiêm Vũ Khải "từ những câu chuyện, những giai thoại, những nỗ lực vượt qua khó khăn trong khoảng thời gian ông Khải còn là du học sinh".
"Tôi ấn tượng với ông ấy bởi ông ấy rất hiểu cảm xúc của người Nhật", ông Takebe Tsutomu nói.
Nói về những đóng góp tích cực của ông Nghiêm Vũ Khải, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada nhấn mạnh "suốt 20 năm qua, ông đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản... Sau khi trúng cử ĐBQH năm 2002 và trở thành một thành viên của nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật, ông đã cùng với rất nhiều quan chức khác của Nhật Bản thúc đẩy nhiều hoạt động giao lưu giữa hai nước, đóng góp lớn cho việc xây dựng quan hệ nhiều tầng lớp không thuộc chính phủ".
Theo đại sứ: Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nhật Nghiêm Vũ Khải là người tình cảm và chân thành. Những người như ông Nghiêm Vũ Khải đã đóng góp, xây dựng mối quan hệ giữa hai dân tộc ngày càng vững chắc như ngày nay. Sau khi được nhận Huấn chương "Mặt Trời mọc" cao quý, tôi tin chắc chắn rằng ông Nghiêm Vũ Khải sẽ tiếp tục cùng chúng tôi nỗ lực hơn nữa cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước Nhật Bản-Việt Nam trong thời gian tới.
Đại sứ Hiroshi Fukada cũng gọi ông Khải là người đã khai thông "con đường hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản".
Tối 21/8, tại Hà Nội, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam thay mặt Chính phủ Nhật Bản chính thức trao tặng "Huân chương Mặt Trời mọc" có tia sáng vàng và dây đeo cho ông Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Đây là phần thưởng cao quý nhất của Chính phủ Nhật Bản giành cho người nước ngoài. Trước đó, Huân chương Mặt trời mọc đã từng được trao cho các ông: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Nguyên Chủ nhiệm UB đối ngoại QH Vũ Mão... Ông Nghiêm Vũ Khải sinh năm 1953, quê quán ở Thái Bình, nguyên là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội.
Theo Vietnamnet