Mỹ – Ấn Độ cam kết xây 6 lò phản ứng hạt nhân
Trong một tuyên bố chung ngày 13.3, Mỹ và Ấn Độ đã đồng ý tăng cường hợp tác an ninh và hạt nhân dân sự, gồm cả thỏa thuận xây dựng 6 nhà máy điện hạt nhân.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vijay Gokhale (phải) và Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Andrea Thompson – Ảnh: Twitter
Theo Reuters, thỏa thuận được đưa ra sau 2 ngày đàm phán tại Washington. Cuộc hội đàm có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vijay Gokhale và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson.
Hai nước đã thảo luận về việc cung cấp lò phản ứng hạt nhân trong hơn một thập niên. Tuy nhiên, trở ngại hai bên gặp phải là quy tắc trách nhiệm hạt nhân của Ấn Độ phải phù hợp với các quy tắc quốc tế.
Công ty Westinghouse có trụ sở tại Pittsburgh (Mỹ) đã đàm phán để xây dựng lò phản ứng ở Ấn Độ trong nhiều năm, nhưng tiến độ đã bị đình trệ, một phần do luật pháp hạt nhân của Ấn Độ. Tháng 4 năm ngoái, Westinghouse đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry khi cấp phép cho dự án tại Ấn Độ, dự kiến xây dựng 6 lò phản ứng AP1000 ở bang Andhra Pradesh.
Thỏa thuận xây dựng các lò phản ứng, được công bố vào năm 2016, tiếp nối từ một thỏa thuận hạt nhân dân sự Mỹ – Ấn Độ được ký năm 2008. Ngoài ra, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này cũng đang có kế hoạch tăng gấp ba công suất hạt nhân vào năm 2024 nhằm loại bỏ nguồn nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm.
Video đang HOT
Tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ và Nga cũng đã ký một thoả thuận xây dựng thêm 6 lò phản ứng hạt nhân tại một địa điểm mới ở Ấn Độ sau cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo ở New Delhi.
Hoàng Vũ (theo Reuters)
Theo Motthegioi.vn
HĐBA thảo luận về giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân
Ngày 30/1, đại diện 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, đã nhóm họp tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) nhằm thảo luận về tiến trình giải trừ và chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Quang cảnh buổi họp ở Bắc Kinh. (Nguồn: AFP)
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ chuyên trách về kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson cho rằng có một sự "không đồng đều" giữa các kết quả về những nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch theo quy định của Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Theo bà Thompson, mặc dù trước đó các bên đã nhất trí thiết lập một quy chuẩn báo cáo, song "sự khác biệt giữa các báo cáo của Mỹ so với của Nga và Trung Quốc lại rất lớn."
Quan chức này cho rằng các bên cần báo cáo đầy đủ và tăng cường tính minh bạch về các chương trình hạt nhân.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo "sự lan truyền của các quan điểm đơn phương" là một mối đe dọa đối với những nỗ lực chống phổ biến hạt nhân.
Ông nhấn mạnh "rất nhiều vấn đề tiếp tục không được giải quyết do thiếu quyết tâm chính trị," đồng thời thừa nhận một thực tế hiện 5 nước tham gia Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn thiếu "sự tin cậy lẫn nhau."
Theo quan chức này, thực trạng trên khiến Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân ngày càng "lỏng lẻo," gây ra những tác động nghiêm trọng và tiêu cực đối với nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Cuộc họp giữa 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra trong bối cảnh Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ ngày 2/2 tới, khiến quan hệ giữa Washington và Moskva thêm căng thẳng. Nga cũng đã đề xuất tổ chức một vòng đàm phán mới với Mỹ tại Bắc Kinh về vấn đề trên.
Trước đó, trao đổi với báo giới cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: "Nếu Mỹ chấp nhận đề xuất của chúng tôi, các cuộc thảo luận sẽ diễn ra."
Nếu được tiến hành, các cuộc thảo luận này sẽ diễn ra trước ngày 2/2.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.
Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km).
Tuy nhiên, ngày 21/10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa "Novator 9M729" và bóng gió về khả năng Mỹ rút khỏi INF.
Đến ngày 4/12/2018, Mỹ đã đặt thời hạn cho Nga trong vòng 60 ngày phải hủy bỏ các loại tên lửa mà nước này cho là vi phạm INF hoặc Washington sẽ bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi INF trong vòng 6 tháng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moskva sẵn sàng hợp tác với Washington để bảo vệ INF, sau khi các cuộc đàm phán song phương tại Gevena (Thụy Sĩ) trong tháng này nhằm khơi thông bế tắc không thu được bất kỳ kết quả nào./.
Theo Vietnam
Mỹ ấn định thời điểm bắt đầu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Andrea Thompson xác nhận với giới chức NATO rằng, Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga từ ngày 2/2 tới, bất chấp những cảnh báo của Moscow. Rút khỏi hiệp ước đồng nghĩa với việc Mỹ có thể bắt đầu nghiên cứu và phát triển các tên lửa...